Chuyến thăm Hoa Thịnh Đốn của nhà ngoại giao hàng đầu Thổ Nhĩ Kỳ nêu bật mối bang giao phức tạp
Chuyến thăm Hoa Thịnh Đốn hôm 18/01 của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, trong đó ông đã gặp gỡ người đồng cấp Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Antony Blinken, đã làm nổi bật mối bang giao phức tạp giữa các đồng minh NATO này.
Theo một tuyên bố chung được đưa ra sau đó, tại cuộc họp trên, cả hai nhà lãnh đạo đã tái khẳng định “cam kết lâu dài đối với việc phòng thủ chung với tư cách là các đồng minh [NATO].”
Mặc dù được cả hai bên đều ca ngợi là mang tính xây dựng, nhưng cuộc gặp này đã che đậy những khác biệt lâu dài vốn vẫn tiếp tục gây khó khăn cho mối bang giao Hoa Kỳ-Thổ Nhĩ Kỳ.
Thương vụ bán F-16 ở Limbo
Trước hết, Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng sẽ mua một phi đội chiến đấu cơ F-16 do Hoa Kỳ chế tạo — một hành động vốn bị các nhà lập pháp có ảnh hưởng của Hoa Kỳ phản đối mạnh mẽ.
Trong khi chính phủ Tổng thống (TT) Biden ủng hộ thương vụ trị giá 20 tỷ USD này, thì Thượng nghị sĩ Bob Menendez (Dân Chủ-New Jersey), chủ tịch ủy ban đối ngoại của Thượng viện, vẫn phản đối.
Tuần trước, ông Menendez đã nhắc lại sự phản đối của mình, cáo buộc TT Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tham gia vào “hành vi gây bất ổn ở Thổ Nhĩ Kỳ và chống lại các đồng minh NATO láng giềng”.
Mặc dù vấn đề này vẫn là một điểm gây tranh cãi kể từ cuối năm 2021, nhưng cuộc họp Blinken–Cavusoglu dường như đã đạt được một số tiến triển nhỏ.
Tuyên bố chung chỉ cho biết hai quan chức này đã thảo luận về việc “tăng cường quan hệ đối tác quốc phòng, trong đó có việc hiện đại hóa phi đội F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ.”
Nói chuyện với các phóng viên sau cuộc họp, ông Cavusoglu kêu gọi chính phủ TT Biden đừng “lãng phí một thỏa thuận quan trọng giữa các đồng minh chỉ vì một người, hoặc một số người, đang ngăn cản thỏa thuận đó.”
Vấn đề mua sắm vũ khí đã cản trở mối bang giao giữa hai quốc gia này trong nhiều năm.
Năm 2017, Ankara đã đồng ý mua các hệ thống phòng thủ hỏa tiễn S-400 từ Nga. Hoa Thịnh Đốn đáp trả bằng cách trừng phạt ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ và hủy bỏ kế hoạch mua chiến đấu cơ Mỹ F-35 của Ankara.
YPG: ‘Đồng minh’ và ‘Khủng bố’
Theo tuyên bố chung, hai ông Blinken và Cavusoglu cũng nhấn mạnh mong muốn hợp tác của hai quốc gia trong “các nỗ lực chống lại các tổ chức khủng bố, đặc biệt là ISIS/Daesh và Đảng Công Nhân Người Kurd (PKK).”
Tuy nhiên, tuyên bố này không hề nhắc đến nhóm YPG của người Kurd vốn vẫn là một điều khó chịu chủ yếu đối với các mối bang giao.
Hoa Thịnh Đốn xem YPG là một đồng minh và tiếp tục sử dụng lực lượng này như một bức tường thành chống lại nhóm khủng bố ISIS ở Syria.
Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ coi YPG — chi nhánh của PKK ở Syria — là một nhóm khủng bố đe dọa biên giới của họ.
Kể từ năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện ba cuộc tấn công trên bộ vào miền bắc Syria — và đe dọa tiến hành cuộc tấn công thứ tư — với mục đích được tuyên bố là để tiêu diệt YPG.
Tháng 11/2022, một vài người đã bị thiệt mạng trong một vụ đánh bom ở trung tâm Istanbul mà chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã quy trách nhiệm cho các gián điệp YPG.
Trong tuyên bố chung này, ông Blinken nhắc lại sự lên án của ông về vụ tấn công nói trên, cho rằng Hoa Kỳ đã “kề vai sát cánh” với Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống khủng bố.
Hai ông cũng đồng thuận về sự cần thiết phải chống chủ nghĩa khủng bố “dưới mọi hình thức và biểu hiện của nó.”
Tuy nhiên, [ông] không đề cập đến việc Hoa Thịnh Đốn tiếp tục hỗ trợ cho YPG.
Trong tháng Một, ông Erdogan cảnh báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ “tự giải quyết vấn đề” nếu Hoa Thịnh Đốn tiếp tục vũ trang và trợ giúp cho nhóm này.
Thổ Nhĩ Kỳ cản trở nỗ lực của NATO ở Bắc Âu
Hai ông Blinken và Cavusoglu cũng được cho là đã thảo luận về các biện pháp tăng cường “sự phối hợp và đoàn kết” giữa các thành viên NATO “trước các mối đe dọa và thách thức hiện tại.”
Trong cuộc họp này, họ đã thảo luận về việc thực hiện một “bản ghi nhớ ba bên” nhằm cho phép Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO.
Tháng 05/2022, cả Stockholm và Helsinki đều chính thức nộp đơn xin gia nhập liên minh này. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ phản đối hành động này và cáo buộc cả hai quốc gia này chứa chấp các chiến binh PKK.
Muốn trở thành thành viên NATO, các quốc gia phải nhận được sự chấp thuận của tất cả các thành viên hiện tại của liên minh này.
Được ký bởi Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển, và Phần Lan vào mùa hè năm ngoái (2022), bản ghi nhớ này tìm cách giải quyết “những lo ngại chính đáng về an ninh” của Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách buộc hai quốc gia Bắc Âu này thực hiện các bước chống lại các nhóm khủng bố.
Ankara, cùng với Hoa Thịnh Đốn và Brussels, từ lâu đã coi PKK là một tổ chức khủng bố.
Tuần trước (09-15/01), một cuộc tập hợp phản đối Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm — được cho là do những người ủng hộ PKK tổ chức — đã gây ra phản ứng dữ dội từ phía Ankara.
“Chỉ nói không cũng không đủ; chúng ta cần phải hành động,” ông Cavusoglu nói vào thời điểm đó. Stockholm “phải thực hiện nghĩa vụ của mình,” ông nói thêm.
Mối bang giao với Moscow, Damascus
Tại Hoa Thịnh Đốn, ông Blinken và ông Cavusoglu cũng nhấn mạnh “sự ủng hộ rõ ràng đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trước cuộc chiến không thể chấp nhận được của Nga.”
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì mối bang giao tốt đẹp với Nga và kiên quyết từ chối ủng hộ các biện pháp trừng phạt Moscow do phương Tây dẫn đầu.
Mùa hè năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã đồng ý mở rộng mối bang giao song phương, đặc biệt là về thương mại và năng lượng, khiến phương Tây lo ngại về việc Thổ Nhĩ Kỳ “nghiêng về Moscow.”
Hoa Thịnh Đốn cũng đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về những gì có vẻ như là một mối quan hệ mới chớm nở giữa Ankara và Damascus sau 10 năm thù địch.
Thổ Nhĩ Kỳ trợ giúp các nhóm phiến quân vũ trang ở Syria vốn tìm cách lật đổ TT Syria Bashar al-Assad và chính phủ của ông này.
Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, Moscow đã hối thúc đồng minh Damascus hàn gắn quan hệ với Ankara.
Cuối tháng trước, các bộ trưởng quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã có những cuộc hội đàm mang tính bước ngoặt tại Moscow.
Thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Syria
Các kế hoạch hiện đang được tiến hành để tổ chức một cuộc gặp thứ hai tại Moscow giữa ông Cavusoglu và Ngoại trưởng Syria. Điều này sẽ mở đường cho một cuộc gặp cuối cùng giữa hai ông Erdogan và Assad.
Trong khi đó, Hoa Thịnh Đốn có quan điểm mập mờ về tiến trình hòa giải giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria do Nga hậu thuẫn.
“Chúng tôi không ủng hộ các quốc gia nâng tầm bang giao với … nhà độc tài tàn bạo Bashar al-Assad này,” một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết hồi đầu tháng này.
Tuy nhiên, tuyên bố chung trên được đưa ra sau cuộc gặp giữa hai ông Blinken-Cavusoglu lại không đề cập đến hội nghị thượng đỉnh đã được sắp xếp của ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ-Syria.
Tuyên bố trên chỉ nói rằng hai ông đã thảo luận về “tất cả các phương diện của cuộc khủng hoảng Syria,” nhấn mạnh cam kết của họ đối với một “tiến trình chính trị do Syria dẫn đầu phù hợp với Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.”