Tổng thống Biden tuyên bố Hoa Kỳ sẽ gửi thiết vận xa M1 Abrams tới Ukraine
Hôm thứ năm (25/01), Tổng thống (TT) Joe Biden đã xác nhận rằng Hoa Kỳ sẽ gửi thiết vận xa chiến đấu chủ lực M1 Abrams tới Ukraine trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Kyiv và Nga sắp tròn một năm.
Tổng thống cho biết trong một thông báo của Tòa Bạch Ốc rằng Hoa Kỳ sẽ gửi 31 thiết vận xa tới Ukraine, đồng thời cho biết thêm rằng “Hoa Kỳ và Âu Châu hoàn toàn đồng thuận.” Ông nhắc lại rằng những thiết vận xa này “không phải là mối đe dọa tấn công đối với Nga.”
“Đó là điều tất cả chúng tôi muốn: chấm dứt cuộc chiến này,” ông Biden nói. “Các điều khoản của chúng tôi nhằm bảo tồn… chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc… đó là những điều khoản mà chúng tôi đang thực hiện.”
Đầu tuần này, các bản tin chưa được xác nhận dẫn lời các nguồn tin ẩn danh cho biết Hoa Kỳ đã sẵn sàng gửi hàng chục thiết vận xa chiến đấu hàng đầu của mình tới Ukraine sau khi đã khẳng định trong nhiều tháng rằng loại thiết vận xa này sẽ không được khai triển tại quốc gia đó. Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, chính phủ Ukraine đã yêu cầu các cường quốc phương Tây cung cấp thiết vận xa chiến đấu trong bối cảnh giao tranh kéo dài ở miền đông đất nước này.
Trước đây, các quan chức Hoa Kỳ từng nói rằng các hệ thống của M1 Abrams quá phức tạp để vận hành và bảo trì, đồng thời nói thêm rằng sẽ mất nhiều tháng để đưa thiết vận xa tới Ukraine. Cũng sẽ mất hàng tháng để huấn luyện binh lính Ukraine sử dụng chúng.
Hôm 25/01, Đức cũng xác nhận sẽ gửi 14 thiết vận xa Leopard công nghệ cao đến Ukraine.
“Đức sẽ luôn đi đầu trong việc hỗ trợ Ukraine,” Thủ tướng Olaf Scholz nói trước Quốc hội Đức trong tiếng vỗ tay hoan nghênh.
Quyết định của Berlin mở đường cho các cam kết từ các quốc gia khác sử dụng thiết vận xa Leopards, mà Đức đã sản xuất hàng ngàn chiếc và xuất cảng cho các đồng minh. Phần Lan cho biết họ sẽ gửi chúng, cũng như Ba Lan, quốc gia đã tìm kiếm sự chấp thuận của Berlin.
Tây Ban Nha và Hà Lan cho biết họ đang xem xét vấn đề này và được biết Na Uy đang thảo luận về vấn đề này. Anh đã cung cấp một nhóm gồm 14 chiếc Challenger tương đương của mình và Pháp đang cân nhắc gửi Leclerc của họ.
Trước đó cùng ngày, TT Ukraine Volodymyr Zelensky nói với truyền thông Đức rằng thiết vận xa sẽ cung cấp sự hỗ trợ cần thiết.
“Những thiết vận xa này làm một điều rất quan trọng duy nhất — chúng động viên những người lính của chúng tôi chiến đấu vì giá trị của chính họ, bởi vì điều đó cho thấy rằng cả thế giới đang ở bên họ,” ông Zelensky nói với kênh ARD của Đức.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov cho biết ông đã nói chuyện với người đồng cấp Hoa Kỳ Lloyd Austin hôm 25/01, hứa hẹn “sẽ sớm công bố thêm nhiều tin tốt lành.” Ông cho biết họ đã thảo luận về việc “tăng cường hơn nữa [quân đội Ukraine], bao gồm cung cấp thiết vận xa và bảo trì vũ khí mới.”
Phản hồi của Moscow
Các quan chức Nga đã nổi giận trước các tin tức nói rằng thiết vận xa Abrams và Leopard sẽ được gửi đến kẻ thù của họ. Đầu tuần này, một đặc phái viên hàng đầu của Nga tuyên bố rằng các thiết vận xa Abrams sẽ bị phá hủy trong các cuộc giao tranh, đồng thời đẩy mạnh sự can dự của Mỹ vào cuộc chiến này.
“Nếu quyết định chuyển giao M1 Abrams cho Kyiv được đưa ra, các thiết vận xa Mỹ chắc chắn sẽ bị phá hủy, giống như tất cả các mẫu thiết bị quân sự khác của NATO,” Đại sứ Nga tại Hoa Kỳ, ông Anatoly Antonov, viết trong một tuyên bố trên Telegram. Ông nói thêm: “Người Mỹ liên tục nâng cao ‘giới hạn’ hỗ trợ quân sự cho chính phủ bù nhìn của họ.”
Đi xa hơn, ông Antonov đã lặp lại những tuyên bố trước đây rằng Hoa Kỳ đang sử dụng Ukraine làm mồi nhử để thực hiện một cuộc chiến tranh “ủy nhiệm” chống lại Nga.
“Nếu Hoa Kỳ quyết định cung cấp thiết vận xa, sẽ không thể biện minh cho bước đi đó bằng cách viện cớ là ‘vũ khí phòng thủ’. Đây sẽ là một hành động khiêu khích trắng trợn khác nhằm vào Liên bang Nga,” ông nói thêm. “Không một ai phải ảo tưởng về việc bên nào là kẻ xâm lược thực sự trong cuộc xung đột hiện tại này.”
Đại sứ quán Nga tại Berlin đã lên án “quyết định vô cùng nguy hiểm” của Đức trong việc gửi thiết vận xa Leopard, mà theo họ, hành động này “phá hủy nốt phần còn lại của sự tin tưởng lẫn nhau” và có thể lôi kéo Đức vào cuộc chiến. Ông cholz cam kết sẽ không có chuyện đó xảy ra.
Các quan chức phương Tây ủng hộ việc gửi thiết vận xa đã bác bỏ các mối đe dọa của Moscow, cho rằng Nga đã tiến hành một cuộc chiến tranh toàn diện và đã bị ngăn cản khỏi việc tấn công NATO hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times