Trò chơi thông tin của Trung Quốc với phương Tây
Chỉ vài tháng sau khi công khai xoa dịu sự lo lắng về một cuộc trấn áp đối với các doanh nghiệp ngoại quốc, Bắc Kinh dường như đang hiện thực hóa cuộc thanh trừng này.
Một loạt các cuộc thăm dò và điều tra chống lại các doanh nghiệp ngoại quốc tại Trung Quốc đã làm dấy lên những câu hỏi xung quanh chính sách của Trung Quốc đối với các công ty ngoại quốc hoạt động tại đây.
Gần đây, các nhà chức trách Trung Quốc đã thẩm vấn nhân viên và tịch thu máy điện toán xách tay cùng các tài liệu khác từ văn phòng Thượng Hải của công ty tư vấn Hoa Kỳ Bain & Company. Hồi đầu tháng Ba, các nhà chức trách đã đóng cửa các văn phòng ở Bắc Kinh của Tập đoàn Mintz và bắt giữ các nhân viên của họ. Mintz là một công ty thẩm định doanh nghiệp của Mỹ. Cũng trong tháng Ba, Bắc Kinh đã mở cuộc điều tra đối với Micro Technologies vì những nghi ngờ về rủi ro “an ninh mạng” đối với các sản phẩm mà công ty Micro bán ở Trung Quốc.
Loại công ty này chịu sự giám sát hiện tại của Bắc Kinh là đáng lo ngại. Cả Bain, Mintz, và Micro đều lưu chuyển thông tin một cách gián tiếp. Các công ty tư vấn và cố vấn này có rất nhiều thông tin về các công ty Trung Quốc, các ngành công nghiệp Trung Quốc, các công ty ngoại quốc ở Trung Quốc, các xu hướng chính trị của Trung Quốc, và khắp hệ thống phân cấp của chính quyền Trung Quốc. Và họ cung cấp thông tin như thế cho khán giả Hoa Kỳ (chính phủ và doanh nghiệp).
Mục tiêu của Trung Quốc là rất thẳng thừng.
Tháng Mười năm ngoái (2022) tại Đại hội ĐCSTQ, ông Tập đã tuyên bố rằng trọng tâm chính trong 5 năm tới là trở nên độc lập, không còn phụ thuộc vào công nghệ và vốn của phương Tây. Nói tóm lại, Bắc Kinh đã nói rõ ý định của mình rằng Hoa Kỳ không phải là bằng hữu của họ.
Gần đây, Trung Quốc đã làm cho luật an ninh của họ mơ hồ hơn nữa để việc nhắm mục tiêu vào các tập đoàn và cá nhân ngoại quốc trở nên dễ dàng hơn.
Hồi tháng Tư, các hãng truyền thông nhà nước đã công bố về các sửa đổi đối với luật phản gián hiện có phạm vi đối với bất kỳ chủ thể phi nhà nước nào. Điều này có nghĩa là Bắc Kinh có thể quy chụp hầu hết mọi tương tác thông thường là vi phạm an ninh quốc gia.
Ví dụ, các hoạt động kinh doanh thông thường do các công ty tư vấn thực hiện, kể cả thu thập thông tin về các ngành công nghiệp địa phương, đối thủ cạnh tranh và đối tác kinh doanh tiềm năng trong nước, các cơ quan quản lý hữu quan và các nhân vật chính trị chủ chốt, đều có thể bị xem là hoạt động gián điệp.
Đồng thời, các bộ phận của chính quyền Trung Quốc đang cố gắng gửi thông điệp rằng Trung Quốc đã trở lại và mở cửa cho hoạt động kinh doanh. Nói cách khác: đừng lo lắng, hãy tiếp tục đầu tư vốn của quý vị.
Vấn đề nằm ở chỗ các công ty và chính phủ ngoại quốc diễn giải các biện pháp này như thế nào và liệu có xem đó là “cái giá để kinh doanh” ngày càng cao tại thị trường Trung Quốc hay không.
Bắc Kinh đặt cược rằng hầu hết các công ty đa quốc gia không thể để mất khả năng sản xuất và bán hàng cho Trung Quốc. Hoặc nếu họ có thể đủ sức rời đi, thì họ [cũng] không muốn làm như vậy.
Và các tập đoàn đa quốc gia hầu hết đang chứng minh rằng Trung Quốc đúng.
Theo quan điểm của tôi, kết cục của việc này là Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) biến các tập đoàn ngoại quốc thành một loại “điệp viên hai mang” làm việc thay mặt cho Bắc Kinh và chính quyền của ông Tập Cận Bình.
Các chi nhánh địa phương ở Trung Quốc của các công ty và công ty tư vấn này thu thập và định hình thông tin tình báo và thông tin mà các công ty và chính phủ ngoại quốc nhận được, những thông tin này cuối cùng định hình quan điểm của các chính phủ về những gì đang xảy ra “trên thực địa” và cuối cùng ảnh hưởng đến quyết định và việc hoạch định chính sách của họ đối với Trung Quốc.
Wall Street đã đóng một vai trò như vậy giữa Bắc Kinh và phương Tây.
Theo báo cáo của Wall Street Journal, cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, một trong những phụ tá đáng tin cậy nhất của ông Tập, đã tìm kiếm lời khuyên từ ông Larry Fink về cách ngăn vốn phương Tây rời khỏi Trung Quốc trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới hồi tháng Một tại Davos. Ông Fink là CEO quyền lực và có quen biết rộng của BlackRock, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới.
Chúng ta đã thảo luận trong các chuyên mục trước về vai trò của các ngân hàng đầu tư trong việc tạo điều kiện cho việc di chuyển vốn cả vào và ra khỏi Trung Quốc. Đổi lại, ngành dịch vụ tài chính đã nhận được sự đối xử tương đối ưu tiên tại thị trường Trung Quốc, kể cả việc được cấp khả năng sở hữu hoàn toàn các công ty con ở Trung Quốc.
Nhưng sự đối xử ưu tiên này có vĩnh viễn không? Chỉ có thời gian mới trả lời được câu hỏi đó. Ông Elon Musk từ lâu đã là người ủng hộ Trung Quốc và Tesla đã duy trì được mức độ thành công khi bán hàng tại thị trường Trung Quốc và vận hành các nhà máy pin rất lớn tại địa phương. Nhưng thành công lâu dài của Tesla vẫn là một ẩn số. Đối thủ cạnh tranh chính tại địa phương BYD — do ông Warren Buffett hậu thuẫn — có vẻ như sắp thống trị xe điện ở trong nước và có khả năng là trên toàn cầu.
Thật không may khi phải thừa nhận rằng so với chế độ của ông Tập, chính phủ ông Biden dường như là thiển cận, không có năng lực, và kém cỏi.
Sự dẫn đầu về chính trị, kinh tế, và quân sự của Hoa Kỳ trước Trung Quốc đơn giản là đang bị vượt qua. Đúng là một nhóm cảnh sát vùng Keystone (ám chỉ những người làm việc vụng về, không hiệu quả) của thời hiện đại.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times