Triết lý về luân hồi: Mắt thấy tai nghe
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường sẽ bắt gặp và nghe nói về một sự việc nào đó, nhưng nhiều lúc đó không nhất định là sự thật. Tuy nhiên, chúng ta lại thường hay phạm sai lầm khi không phân biệt rõ tốt xấu, thị phi. Bài viết này sẽ từ các ví dụ khác nhau để nói rõ vấn đề này.
Bái sư học nghệ
Vào thời nhà Đường, ở kinh thành Trường An có một người rất hiếu học, chỉ cần thấy ai đó có chút tài nghệ liền muốn bái người đó làm thầy. Vì thế, anh ta học được rất nhiều kỹ năng.
Một lần, anh ta nghe nói có một người thợ rèn nổi tiếng vô cùng tài năng, đến cả những thứ Hoàng thượng dùng đều do ông ấy làm ra. Vì thế, anh ta đã sinh lòng ngưỡng mộ và lên đường tìm thầy bái sư, tất nhiên không quên mang theo một số lễ vật. Khi đến nơi, có một chàng thanh niên trẻ tuổi tiếp đón anh ta. Chàng thanh niên nói: “Thật ngại quá, sư phụ đã vào hoàng cung làm việc, mười ngày sau mới trở về.” Là người nóng vội, anh ta bèn hỏi: “Vậy anh có thể dạy tôi một số kỹ thuật hành nghề được không?” Vừa nói, anh ta vừa đem lễ vật mang theo bên người dâng lên.
Chàng thanh niên vốn muốn từ chối, nhưng khi nhìn thấy những lễ vật kia thì lập tức đồng ý. Chàng thanh niên đó thật ra không biết chút gì về kỹ thuật, chỉ được xem sư phụ hành nghề, cũng chưa được truyền dạy thực thụ. Tuy nhiên, người này rất biết cách ăn nói, khoe rằng kỹ năng của mình tinh thông như thế nào. Thế rồi, anh ta đem quy trình chế tác của người thợ rèn nổi danh nọ nói ngược lại, thậm chí còn nói có những đồ là do bản thân mình làm ra… căn bản đều không đúng.
Chàng trai hiếu học kia cũng chẳng hề có một chút mảy may suy nghĩ gì, còn hồ đồ học theo người thanh niên những điều vô bổ. Cuối cùng người thanh niên trẻ đó còn nói dối rằng: “Anh đã học thành rồi.” Anh ta rất cao hứng, lại đem ra một số tiền tặng cho người thanh niên.
Chàng trai vốn nghĩ rằng, sau khi đợi người thợ rèn nổi danh kia quay về, để ông ấy xác nhận lại một chút rồi sẽ rời đi, nhưng người thợ rèn vì nhiệm vụ trong hoàng cung chưa hoàn thành, nên không thể quay về như dự kiến. Chàng thanh niên kia cũng lo sợ sư phụ quay về, sẽ phát hiện mình đã lừa gạt người hiếu học nọ, vì vậy đã bịa ra một lý do để khiến anh ta rời đi.
Sau khi trở về, anh ta chiêu tập vài người, muốn tận dụng cơ hội để thể hiện đôi chút. Vì sợ mất mặt, nên anh bèn nói rằng bản thân đã theo học người thợ rèn kia. Sau đó anh bắt đầu đúc một thanh kiếm, kết quả lại không thể đúc ra được. Anh ta biết rằng bản thân mình đã bị lừa, nhưng sợ mất thể diện, liền mạnh miệng nói rằng chính người thợ rèn nổi danh đó dạy như vậy.
Về sau, sự việc này được lan truyền đến hoàng cung, đến tai người thợ rèn. Ông cảm thấy việc này thật kỳ lạ, quay về nhà ông liền hỏi đồ đệ của mình, cậu thanh niên trẻ kia mới đem toàn bộ câu chuyện kể lại một lượt, nhưng không nói sự thật việc bản thân đã bịa đặt kỹ thuật, lừa đảo người khác. Người thợ rèn lúc này mới hiểu ra. Thế nhưng dư luận một khi đã xuất hiện, thì rất dễ bị người khác lợi dụng. Có người mang ý đồ bất hảo nói xấu về người thợ rèn này với người quản sự trong cung. Người thợ rèn cũng vì thế mà mất đi cơ hội làm việc trong hoàng cung.
Khi người thợ rèn trở về nhà, mọi người càng đồn đoán về tay nghề của ông. Một thời gian dài ở nhà nhưng ông cũng chẳng thể làm gì để sinh sống. Cậu học trò kia thấy ông đã thân bại danh liệt như vậy, cũng chủ động rời đi. Không còn cách nào khác, ông chỉ có thể rời khỏi đô thành này, đi đến một thành phố khác, bán đồ gốm bên vệ đường để sinh sống.
Vài năm sau, chàng trai hiếu học kia đi đến thành phố đó du ngoạn, gặp người thợ rèn dựa vào nghề bán đồ gốm để kiếm sống. Nhìn thấy những món đồ gốm, anh rất lấy làm hứng thú, và trò chuyện về nó. Trong lúc trò chuyện, chàng trai hiếu học đã kể chuyện anh ta bị lừa trước đó. Từ trong lời nói, anh vẫn còn oán giận người thợ rèn thuở kia đã lừa dối mình.
Người thợ rèn sau khi nghe xong vô cùng tức giận, liền trực tiếp nói, tôi chính là người thợ rèn đó, tôi trước giờ chưa từng gặp anh! Tại sao anh nói tôi lừa anh? Chàng trai hiếu học nghe những lời này, nhanh chóng kể lại sự thật. Người thợ rèn bảo chàng thanh niên nói tỉ mỉ, chi tiết phương pháp luyện kim mà người đồ đệ đó đã dạy cho cậu. Sau khi chàng thanh niên nói xong, người thợ rèn ngửa mặt lên trời thở dài, tiểu tử kia thật sự đã hiểu lầm tôi rồi! Thế là, ông ta liền đem những kỹ thuật luyện kim chân chính giải thích tường tận cho anh ấy.
Chàng thanh niên nghe xong, như trong mộng tỉnh lại, cảm thấy vô cùng có lỗi với người thợ rèn. Vì vậy, ở một nơi cách Hoàng cung không xa, anh ta đã chiêu tập rất nhiều người đến, để cho người thợ rèn tự mình thị phạm, lần thị phạm này rất thành công. Mọi người ai nấy cũng đều công nhận tay nghề kỹ thuật của người thợ rèn. Bằng cách này, người thợ rèn đã có thể trở lại với nghề, duy trì kế sinh nhai của mình.
Về sau, bởi vì những người thợ mới đến làm việc trong hoàng cung có tay nghề không tốt, khiến người quản sự không vừa ý. Nghe nói việc không hay về tay nghề của người thợ rèn chỉ là một sự hiểu lầm, thì liền đi tìm và mời ông ta vào hoàng cung làm việc tiếp. Danh tiếng của người thợ rèn vì thế ngày càng nổi hơn.
Người đồ đệ kia, sau khi rời đi, thì tìm được một công việc sai vặt là phụ bếp ở một nơi khác. Về sau do mang nhầm nguyên liệu pha chế, khiến người ta mất mạng nên bị đày đi lính.
Quan bức dân phản
Vào thời nhà Tống có một vị viên ngoại thiện lương, hiểu về y đạo. Có lần ông đi ngang qua một cửa hàng trong trấn, do trời đã tối nên ông tìm một nhà trọ để tá túc. Buổi tối, không có chuyện gì làm, ông bèn nghe ngóng phong tục tập quán xung quanh. Có một người trông giống như hương thân nói: “Cách đây không xa có một nhóm trộm cướp, cầm đầu là một tên ma vương rất hung hãn tàn bạo, giết người không chớp mắt, thấy người là giết, thấy tiền thì cướp, không điều ác nào không làm.” Ông thắc mắc hỏi: “Vậy quan phủ không quản việc này sao?” Một người bên cạnh nói với giọng điệu nhạo báng: “Quan huyện là một người rất tốt, cả ngày vùi đầu vào công vụ. Không có thời gian quan tâm những chuyện này.” Nhìn thấy cách nói chuyện của đối phương như vậy, ông thấy có chút hoài nghi, nhưng không nghĩ sâu hơn.
Ngày hôm sau, ông đi đến huyện nha làm việc, muốn cùng với vị quan đương nhiệm ở đây nói về chuyện bọn trộm cướp. Người bên cạnh đưa tay ra (ý là phải có chút tiền). Ông không hiểu, cũng không quan tâm, nhưng ông cũng không thấy vị quan nào ở đó. Trên đường về, ông nghe thấy ngôi nhà nọ truyền ra những tiếng khóc lóc. Ông hiếu kỳ đẩy cửa đi vào, hỏi ra mới biết, vị quan đương nhiệm trong huyện là đồng bọn của toán cướp. Khuê nữ nhà này mới mười lăm tuổi đã bị bọn chúng bắt đi, hiện không biết sống chết ra sao. Vị viên ngoại nghe xong thì đoán ra được tại sao người đàn ông kia lại nói về quan huyện với giọng điệu chế giễu đó.
Ông vốn muốn trực tiếp răn dạy với vị quan huyện kia, nhưng lại nghĩ, e rằng tai mắt của tên đó quá nhiều, khó hành sự được. Chỉ có thể chọn cách khác.
Vài ngày sau, khi ông đang rời khỏi cửa hàng trong thị trấn, đi đến đường lớn, ngang qua nơi bọn cướp thường lui tới. Vừa đặt chân vào đây, ông liền nghe thấy một tràng tiếng mõ và thanh la vọng tới, một nhóm người từ trên núi nhanh chóng nhảy bổ xuống.
Vị viên ngoại vội vàng tìm nơi có cây cối rậm rạp để trốn. Ông gạt bớt cỏ cây và hướng ra ngoài quan sát, thấy đám người này tay cầm vũ khí mai phục trong rừng cây ven đường lớn. Một lúc sau, có một đoàn người và xe ngựa kéo đến mang theo rất nhiều rương hòm. Lúc này, bọn cướp lao ra, chặn đoàn người này lại. Tên cầm đầu bọn cướp đeo mặt nạ đáng sợ, cao giọng nói: “Các ngươi có thể đi, nhưng đồ phải để lại.” Thủ lĩnh của đoàn người đáp: “Những món đồ vật này đều là dành tặng cho đại nhân trong phủ, các ngươi lại dám ngăn cản, có phải không muốn sống nữa phải không?” Không nói những lời này còn được. Nghe những lời này xong, tên cầm đầu băng cướp ra lệnh: “Toàn bộ giết hết, một người cũng không tha. Chúng bóc lột dân lành, không làm điều gì tốt, cũng không được chết tử tế!”
Chỉ dùng chút công sức, bọn cướp đã giết hết đoàn người kia. Sau khi giết xong, tên cầm đầu đột nhiên cảm thấy chóng mặt, may mắn nhờ người bên cạnh đỡ lấy, mới không bị ngã xuống ngựa.
Vị viên ngoại đứng quan sát, cảm thấy phải ra tay giúp đỡ, ông muốn hỏi thăm ngọn nguồn. Nếu bọn họ là một băng cướp vì đạo nghĩa, ta cũng không thể thấy chết mà không cứu. Vì vậy, ông bước ra và nói bản thân biết chút ít y thuật, nhìn thấy đại vương có bệnh, nên muốn trị bệnh được không.
Chính bằng cách này, ông đã lên núi cùng với bọn cướp. Ở trên núi, ông đã chữa khỏi bệnh đau đầu cho tên cướp. Theo thời gian, họ trở thành bằng hữu.
Thấy tên thủ lĩnh băng cướp luôn đeo chiếc mặt nạ, nên ông nói rằng hãy tháo mặt nạ ra! Ngài muốn dọa người à. Tên thủ lĩnh thở dài nói: “Ngày trước tôi cũng là một người dân thiện lương, không hiểu sao, con trai của tên quan đương nhiệm nhìn trúng vài mẫu ruộng của tôi, muốn chiếm đoạt nó, tôi không đáp ứng nên bị tố cáo đến quan phủ. Thế nhưng người nhà họ có thế lực, đánh đập tôi một trận, vì để làm nhục tôi, họ đã tạt nước sôi khiến cho mặt tôi bị bỏng. Tôi chỉ có thể đeo mặt nạ thôi, không còn gương mặt để nhìn mọi người nữa! Vì vậy về sau tôi tụ tập nhóm huynh đệ này, đi cướp của dân giàu chia cho dân nghèo, tạo thành nhóm cường đạo hành nghề cướp bóc.”
Viên ngoại nghe vậy thì thở dài một hơi. Xem ra bất cứ việc gì cũng đều nên tự mình tìm hiểu, không thể chỉ nghe người khác nói mà không biết rõ chân tướng của sự thật!
Thạch Phương Hành thực hiện
Lãnh Vọng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ