Triết lý về luân hồi: Kính trời tri mệnh, một đời an yên
Cổ nhân Trung Quốc có câu nói rằng “Kính trời tri mệnh”, biết tôn kính trời đất và trân quý vận mệnh. Ngày nay, ở Trung Quốc Đại lục ham muốn hưởng thụ vật chất như thác đổ, hết thảy đều hướng vào đồng tiền, dẫn đến cả xã hội đạo đức trượt dốc toàn diện. Các loại vấn đề xuất hiện, mỗi người trong đó đều coi trọng lợi ích cá nhân, không từ thủ đoạn làm hại người khác và làm tổn hại thiên nhiên.
Bài viết này là lấy từ kinh nghiệm của một vị quan lớn, từ đó tìm ra cách con người nên đối nhân xử thế với tâm thái như thế nào cho đúng.
Vào thời nhà Chu, có một vị quan lớn vốn rất giàu có thịnh vượng, trong nhà thê thiếp và người làm người ở đông đúc, ra ngoài thì dân chúng phải mười phần kính sợ, trên triều càng là sự ngưỡng mộ của các quần thần.
Một lần nọ, ông nghĩ, cứ mỗi khi ra ngoài lại phô trương thanh thế như vậy thì thật vô nghĩa. Ông liền dẫn theo hai gia nhân, cùng mình cải trang đi ra ngoài, đi đến một quán rượu thì dừng lại dùng bữa. Khi đang ăn, có một ông lão mù lòa, tay chống gậy bước đến trước mặt ông, ông lão đưa tay ra biểu thị muốn ăn. Vị quan viên thấy ông lão thật đáng thương, liền sai gia nhân đưa thức ăn cho ông ấy. Thế nhưng, sau khi ông lão ăn xong thì vẫn không rời đi, tiếp tục đứng tại chỗ ấy. Gia nhân thấy thế liền sốt ruột, muốn lên tiếng nói ông lão hãy rời đi. Vị quan viên không muốn làm kinh động tới những người xung quanh, bèn tự mình đến trước mặt ông lão và hỏi: “Tôi đã cho ông ăn rồi, ông vẫn còn muốn gì khác sao?” Ông lão đáp: “Tôi muốn đôi mắt của ngài.”
Vị quan viên nghe vậy thì vô cùng kinh ngạc, thắc mắc hỏi: “Ta và ông không ân không oán, tại sao ông lại muốn đôi mắt của ta?” Ông lão cười, nói: “Không phải tôi muốn, mà là Đương kim Thiên Tử muốn!”
Vị quan viên nghe thấy vậy thì cảm thấy trong lời nói của ông lão còn có ẩn ý khác. Vì vậy, ông bèn dẫn ông lão đến nơi vắng vẻ để hỏi cặn kẽ. Ông lão nói: “Đừng thấy ngài bây giờ quyền khuynh nhất thời, không lâu nữa ngài sẽ gặp đại họa.”
Vị quan viên khẩn thiết lo lắng hỏi: “Vậy ta nên tránh tai họa đó như thế nào? Giả bệnh hay từ chức? Về sau ta có thể cất đầu lên được không?” Ông lão đáp: “Có, nhưng phải tận mười năm sau!”
Vị quan viên cáo biệt ông lão rồi vội vã quay về nhà, cùng với người nhà bàn bạc, chuẩn bị để từ chức. Ông có một người con trai đã trưởng thành, vừa trẻ tuổi vừa khỏe mạnh, anh ta cảm thấy vào lúc này mà cha từ chức thì thật đáng tiếc. Vì thế, người con trai chủ động thưa chuyện với cha, rằng muốn thừa kế chức vị của cha. Vị quan viên ra sức khuyên ngăn, nhưng cậu con trai vẫn nhất mực kiên quyết không từ bỏ, vì thế cũng đành chấp nhận.
Khoảng ba năm sau, khi người con trai đã quen với việc làm quan, vào một lần nọ khi đang ăn cơm, anh ta đã cười đùa rằng cha thật nhát gan, cho rằng bản thân bây giờ thật uy phong. Người cha bèn khuyên bảo con trai nên cẩn thận, nhưng anh ta vẫn cứng đầu làm theo ý mình.
Nửa năm sau đó, cũng chính vì những lời nói ngông cuồng, anh ta đã đắc tội với người thân cận bên cạnh nhà vua, bị chính người này cáo trạng. Kết quả là anh ta bị móc mắt và giáng xuống làm thường dân.
Nhìn thấy con trai bị mất đi đôi mắt, trong lòng vị quan viên kia không khỏi cảm thấy xót xa. Không còn cách nào khác, ông bèn thu dọn hành lý cùng thân nhân gia quyến cáo lão hồi hương. Ở nơi quê hương, ông và người thân của mình thường tổ chức các nghi lễ kính bái đất trời, hơn nữa thường ngày luôn đối xử tốt với hàng xóm láng giềng. Khi bản thân gặp phải bất hạnh, thì ông hiểu ra rằng tất cả đều là do an bài của vận mệnh, cho nên đã học cách biết thế nào là đủ.
Mười năm sau, một vị vua mới lên ngôi. Quốc vương mới này rất biết ơn những công trạng mà vị quan già kia đã cống hiến cho quốc gia, nên đã triệu hồi cả gia đình ông về lại đô thành. Lần này trở về, ông cũng không dám phô trương, dù là đi ra hay đi vào thì tùy tùng đều vô cùng giản dị, làm bất cứ sự việc gì đều rất thận trọng đề phòng.
Lại qua mấy năm sau, một lần khi ông đang đứng ở trước cửa, lại bắt gặp ông lão mù năm xưa. Ông lão nói: “Ngài lúc này nên quay về quê dưỡng già đi.”
Vì thế, ngay ngày hôm sau khi lên triều thì ông lại dâng biểu tấu, xin được hồi hương dưỡng lão. Quốc Vương mặc dù hết lần này đến lần khác giữ ông ở lại, nhưng thấy ông tâm ý đã quyết, nên cũng đành chấp nhận. Vị quan viên một lần nữa quay về cố hương, từ đó sống bình yên hạnh phúc đến cuối đời.
Thạch Phương Hành thực hiện
Lãnh Vọng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ