Cô gái giả nam thủ thân như ngọc, được quan phủ tác hợp mối nhân duyên
Chúc Anh Đài nữ giả nam trang rời nhà đi học, làm bạn đồng môn với Lương Sơn Bá ba năm, nhưng Lương huynh không hề biết “hiền đệ” là thân nữ nhi. Hoa Mộc Lan thay cha tòng quân, sau 12 năm trở về, vẫn là cô gái chưa kết hôn. Hàng ngàn vạn binh sĩ trong quân, không một ai nhận ra nàng là một cô gái.
Vào thời Hoằng Trị triều Minh (năm 1488-1505), kỳ nữ Hoàng Thiện Thông nữ cải nam trang, theo cha ra ngoài buôn bán. Nhiều năm sau, chuyện nàng giả làm nam nhi bị lộ ra ngoài. Với sự can thiệp của quan phủ, đã tác thành chuyện nhân duyên cho Thiện Thông.
Vào thời Hoằng Trị triều Minh, bên cầu Hoài Thanh, Nam Kinh có một cô gái tên là Hoàng Thiện Thông. Vào năm nàng 13 tuổi thì mẫu thân qua đời. Hoàng phụ buôn bán nhang thơm và tạp hóa giữa Lư Châu và Phượng Dương.
Sau khi chị gái của Thiện Thông xuất giá, cha nàng cảm thấy con gái nhỏ ở nhà không có người chăm sóc, thật không an tâm. Vì thế ông quyết định mang theo con gái cùng đi buôn bán ở bên ngoài. Vì để tránh kẻ xấu làm hại, người cha bảo Thiện Thông cải trang thành nam nhi để che giấu thân phận nữ nhi của mình. Cứ như vậy, Thiện Thông đã đi theo phụ thân lang bạt, buôn bán bên ngoài trong suốt nhiều năm.
Sau khi phụ thân qua đời, Thiện Thông kế thừa gia nghiệp, đồng thời đổi tên thành Trương Thắng. Về sau, nàng kết giao với một người buôn bán nhang thơm tên là Lý Anh. Hai người cùng nhau buôn bán hàng hóa, kết bạn kinh doanh hơn một năm. Mặc dù sớm chiều ở chung với nhau, nhưng Lý Anh đều không phát hiện ra Thiện Thông là nữ.
Về sau, hai người cùng trở về Nam Kinh. Thiện Thông về nhà thăm chị gái. Lúc đầu, người chị cũng không nhận ra nàng, kinh ngạc nói: “Tôi từ trước tới giờ không có em trai, vậy cậu là ai?”
Thiện Thông nói: “Tỷ tỷ, là muội đây, Thiện Thông đây.” Nói rồi khóc lóc kể lể với chị gái về những gì nàng trải qua trong nhiều năm nữ giả nam trang ở bên ngoài buôn bán. Người chị nghe xong đột nhiên tức giận mắng rằng: “Nam nữ lẫn lộn sống chung, quả là quá nhục nhã.” Nam nữ sinh sống lẫn lộn với nhau, đối với nàng quả thực là một loại vũ nhục. Người chị cho rằng Thiện Thông không còn trong sạch, làm nhục gia phong, cự tuyệt không nhận muội muội này nữa.
Thiện Thông nói bản thân là người trong sạch, không làm việc gì trái với đạo đức, nàng nguyện lấy cái chết để chứng minh. Người chị gái mời bà mụ hàng xóm nghiệm thân cho nàng, quả nhiên nàng vẫn là xử nữ, hai chị em ôm nhau khóc nức nở. Chị gái bảo Thiện Thông hãy lập tức cởi bỏ cải trang, khôi phục lại thân phận nữ nhi của mình.
Ngày hôm sau, khi Lý Anh đến gia đình họ Hoàng, nhìn thấy Trương Thắng mặc y phục của nữ nhi thì vô cùng kinh ngạc. Anh cảm thấy bối rối, lâu nay không hề biết rằng người bạn cùng buôn bán sớm chiều gặp gỡ hóa ra là nữ nhi. Sau khi về nhà, Lý Anh nói với mẫu thân chuyện này, đồng thời nói rằng mình muốn kết làm phu thê với Thiện Thông, sống đến bách niên giai lão. Thế là, gia đình họ Lý nhờ người đến nhà Thiện Thông cầu hôn.
Lúc đầu Thiện Thông không đồng ý mối hôn sự này, nàng nói rằng nếu như gả cho Lý Anh, thì giống như thừa nhận giữa hai người đã từng xảy ra chuyện mờ ám, danh tiết cả đời sẽ trôi theo dòng nước vậy. Để không làm cho người khác hiểu lầm, nàng từ chối mối hôn sự này. Hàng xóm láng giềng đều khuyên nàng nên đồng ý hôn sự. Nào ngờ càng khuyên thì tâm ý của Thiện Thông càng kiên quyết, khăng khăng không chịu gả cho Lý Anh.
Không bao lâu sau, chuyện Thiện Thông nữ cải nam trang giỏi buôn bán bên ngoài đã truyền khắp huyện thành, còn truyền đến Tam Hán (Đông Hán, Tây Hán và Đại nội Hành Hán). Quan phủ cảm thán rằng Hoàng Thiện Thông giữ mình như ngọc, trinh khiết thật đáng kính. Vì vậy, ông đứng ra đại diện, tự bỏ tiền chuẩn bị của hồi môn cho hôn lễ, thúc đẩy mối hôn sự của hai người. Sau khi kết hôn, hai vợ chồng Thiện Thông tương kính như tân, kính trọng yêu thương lẫn nhau, kết thành một mối nhân duyên huyền thoại.