Trí tuệ văn hóa truyền thống: Văn Trưng Minh tu khẩu giữ mình
Trong chương “Luận Ngữ – Nhan Uyên” có đoạn: Cúc Tử Thành viết: “Quân tử chất nhi dĩ hĩ, hà dĩ văn vi?” Tử Cống viết: “Tích hồ! Phu tử chi thuyết quân tử dã. Tứ bất cập thiệt. Văn do chất dã, chất do văn dã”.
Tạm dịch nghĩa là: Cúc Tử Thành (một đại phu nước Vệ) bảo: “Người quân tử chỉ cái chất tốt là đủ, cần chi tới văn?”. Tử Cống nói: “Tiếc thay ngài luận về quân tử (lầm lẫn) như vậy. Một lời thốt ra, bốn ngựa đuổi không kịp cái lưỡi. Văn cũng như chất, chất cũng như văn vậy.
Trong “Đặng Tích Tử – Chuyển từ” có viết: “Nhất ngôn nhi phi, tứ mã bất năng truy; nhất ngôn nhi cấp, tứ mã bất năng cập” (Tạm dịch: Lời nói không phải, xe tứ mã không thể đuổi theo; lời nói truyền nhanh, xe tứ mã cũng không thể đuổi kịp).
Hay cho một câu “tứ bất cập thiệt” (bốn ngựa đuổi không kịp cái lưỡi)! Ngựa phi dù nhanh hơn nữa, lúc qua đi chẳng có gì ngoài một trận gió bụi lưu lại. Nhưng một câu nói tổn thương người khác lại có thể in sâu vào trong lòng mấy chục năm cũng chưa thể phai mờ, khiến cho người nói ra hối hận không kịp. Vì vậy, trong Đạo của các bậc Thánh hiền từ xa xưa đã cho rằng, “tu khẩu” là bài học vô cùng thiết yếu.
Muốn thực hiện tốt bài học “tu khẩu” cần phải có ba điều kiện cơ bản. Thứ nhất là “tâm thái đúng đắn”, thứ hai là “chuẩn mực thiện lương”, cuối cùng là “ngôn ngữ của hy vọng” được phát triển từ nền tảng là hai điều kiện trước.
Nền tảng vững chắc nhất để người với người hòa hợp với nhau chính là “tín nhiệm, thẳng thắn, quan tâm và thiện giải”. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghiệp và khoa học kỹ thuật, thời gian và sự quan tâm của con người trên bình diện vật chất đã vượt xa sự tu dưỡng tinh thần và đạo đức. Do đó, đã tạo thành hiện tượng rất nhiều người lấy lợi ích vật chất làm tiêu chuẩn ưu tiên hàng đầu trong suy nghĩ cũng như các mối quan hệ giao tiếp. Và hậu quả là nảy sinh không ít sự ganh đua, tranh đoạt, tính toán, dối trá, thậm chí là bạo lực và âm mưu.
Khi coi công trạng, điểm số và tài sản nhiều hay ít trở thành giá trị duy nhất để đánh giá một con người, thì những lời người ta nói ra thường là vì để bảo vệ lợi ích bản thân và làm tổn thương người khác. Những lời nói ấy khác nào lưỡi dao sắc nhọn, điều đáng sợ hơn chính là một khi lời đã nói ra khỏi miệng thì xe tứ mã cũng khó mà đuổi kịp. Những lời lẽ tiêu cực này sẽ đục ruỗng cuộc sống tinh thần của con người, đồng thời gây tổn hại nghiêm trọng đến tu dưỡng đạo đức. Từ đó, tranh đấu sẽ thay thế sự hài hòa, nản lòng thoái chí che khuất niềm hy vọng.
Cách hành xử của tài tử Văn Trưng Minh thời Minh rất đáng để chúng ta học hỏi. Ông giữ vững thói quen từ chối nghe những lời bình phẩm về khuyết điểm và thiếu sót của người khác, đồng thời rất chú trọng tu khẩu. Ông cùng với Thẩm Chu, Đường Dần, Cừu Anh là bốn nhà thư pháp và văn học gia nổi tiếng thời Minh. Ông thường rất khéo léo sử dụng các chủ đề khác để chuyển hướng bình luận của những kẻ muốn bới móc khuyết điểm, thiếu sót sau lưng người khác. Cũng chính nhờ phẩm hạnh này mà tính mạng và thanh danh của ông đã được bảo vệ.
Thời đó, Ninh Vương Chu Thần Hào có ý đồ mưu phản, đã sai người mang thư và rất nhiều vàng bạc làm lễ vật tới tặng Văn Trưng Minh. Tuy nhiên, Văn Trưng Minh lấy lý do bệnh nặng không thể ngồi dậy viết thư trả lời, đồng thời từ chối nhận lễ vật. Sau khi người đưa lễ vật rời đi, mọi người đều cảm thấy khó hiểu với hành động từ chối Ninh Vương của văn Trưng Minh, chỉ thấy ông cười mà không nói gì. Ai nấy đều thắc mắc, đây là cơ hội tốt để có thể trèo lên phủ điện quyền quý của hoàng tộc, sao lại lấy một chữ “bệnh” để từ chối?
Văn Trưng Minh vẫn tu khẩu như thường lệ, không hề nói về những thiếu sót sai lầm của Ninh Vương. Quả như tầm nhìn xa trông rộng của ông, không lâu sau đó, Ninh Vương vì mưu phản nên thân bại danh liệt. Còn Văn Trưng Minh với phẩm hạnh cao quý biết tu khẩu giữ mình vững vàng lại càng được người đời kính trọng. Tâm thái chính trực, thái độ thiện lương cùng với ngôn ngữ cơ thể mỉm cười không nói, những công phu tu khẩu này đã giúp Văn Trưng Minh tránh được họa sát thân một cách dễ dàng như vậy!
Trong các sách cổ như “Văn uyển chi ngôn”, “Ngọc đường tùng ngữ”, “Thanh ngôn”… đều ghi chép lại cốt cách liêm khiết và tâm niệm chính trực của Văn Trưng Minh, ông là đại văn học gia được xưng tụng là “Văn bút vang danh khắp thiên hạ”.
Vào thời bấy giờ, thư họa của ông được rất nhiều người ưa chuộng và tìm cầu, đã đạt đến trạng thái “hải vũ khâm mộ, kiêm tố sơn tích” (Bốn phương hâm mộ, lụa trắng [dùng để viết hoặc vẽ] chất cao như núi). Tuy nhiên, ông lại lấy thanh quy “tam bất khẳng ứng” (ba loại không đáp ứng) để giữ vững tâm thái của một văn sĩ, đó là: không dựa quyền thế, không tham mộ vinh hoa lợi ích, không làm tay sai.
Những được mất trong đời người thường khó có thể dùng vật chất để đánh giá, người ta thường sẽ dùng một chữ “vô thường” để kết luận. Nhưng câu chuyện về tài tử Văn Trưng Minh với tâm thái chính trực và tu khẩu giữ mình, lại khiến cho chúng ta có thể ngộ sâu sắc và tìm thấy niềm hy vọng.
Cuối cùng xin dùng một bài thơ để thay cho lời kết:
“Thiệt khởi như phi kiếm, Tứ mã diệc nan truy, Tu khẩu nãi công phu, Bất ngôn diệc hữu uy”
Mã Thiên Tường biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ