Trí tuệ của các viên quan thời xưa khiến người đời thán phục
Lữ Di Giản cắt giảm quyền lực của hoạn quan bằng mưu lược
Dưới thời trị vì của Tống Nhân Tông, biên giới phía tây xảy ra chiến tranh, Đại tướng Lưu Bình tử trận. Các quan trong triều cho rằng, do triều đình bổ nhiệm hoạn quan làm Giám quân, khiến Chủ soái không thể phát huy hết vai trò chỉ huy của mình, nên Lưu Bình mới bại trận. Vì thế, Tống Nhân Tông liền hạ chiếu tru sát Giám quân Hoàng Đức Hòa.
Lúc này, có người thượng tấu, thỉnh cầu bãi bỏ toàn bộ Giám quân của các Nguyên soái quân đội. Tống Nhân Tông hỏi ý kiến của Lữ Di Giản (979~1044). Lữ Di Giản trả lời: “Không cần phải bãi miễn, nhưng cần tuyển chọn hoạn quan thận trọng và trung hậu để làm Giám quân.”
Nhân Tông ủy phái Lữ Di Giản lựa chọn người thích hợp làm Giám quân. Lữ Di Giản đáp: “Thần là Tể tướng, không nên kết giao với hoạn quan, làm sao biết được họ có hiền lương hay không? Hy vọng Hoàng thượng hạ lệnh cho Đô tri và Áp ban (chức quan do Đại hoạn quan nắm giữ). Nhưng nếu bất kỳ Giám quân nào mà họ tiến cử không đảm nhiệm được chức vụ của mình, thì họ sẽ bị kết tội cùng với Giám quân.” Nhân Tông tiếp nhận ý kiến của Lữ Di Giản.
Ngày hôm sau, Đô tri và Áp ban đều chủ động đến trước mặt Nhân Tông, khấu đầu thỉnh cầu bãi nhiệm các Giám quân hoạn quan. Các quan lại trong triều đều ca ngợi mưu lược của Lữ Di Giản.
Uông Ứng Chẩn, vị quan trung hậu, nghĩa khí, can đảm, vì dân vì nước
Vào năm Chính Đức thứ 14, Minh Vũ Tông hạ chiếu nam tuần (tuần tra phương nam). Uông Ứng Chẩn dẫn Thứ cát sĩ Thư Phân và những người khác đến dâng sớ khuyên can, nhưng suýt chút nữa thì bị đánh trượng đến chết. Về sau, ông nhậm chức Thái thú Tứ Châu.
Trước đây, người dân Tứ Châu không hiểu về trồng dâu nuôi tằm. Sau khi Uông Ứng Chẩn đến nhậm chức, đầu tiên ông khuyến khích dân chúng cày ruộng, sau đó châu lý xuất tiền mua cây dâu từ Hồ Nam và dạy họ cách trồng. Một số phụ nữ cũng được chiêu mộ để hái dâu và học kỹ thuật nuôi tằm.
Sứ giả của trạm dịch cưỡi ngựa đến báo rằng, Hoàng đế Vũ Tông sắp sửa đến Tứ Châu. Tất cả các châu phủ lân cận đều lúng túng hoảng sợ, ra sức dọa dẫm và lấy tiền của người dân để làm phí tổn nghênh đón. Có người dân thậm chí phải khóa kín cửa nhà rồi chạy đi nơi khác lẩn trốn. Chỉ có Uông Ứng Chẩn vẫn bình tĩnh như thường, không có bất kỳ hành động nào để chuẩn bị nghênh tiếp thánh giá.
Có người hỏi ông tại sao lại như vậy? Ông nói: “Ta và các nhân sĩ cùng bách tính trong châu vẫn luôn tin tưởng lẫn nhau. Nếu như thánh giá thật sự tới, tất cả phí tổn đều có thể rất nhanh xoay sở và chuẩn bị xong xuôi. Hiện giờ vẫn chưa xác định chính xác ngày thánh giá đến, nếu vội vàng chuẩn bị, sai quan viên đi tứ xứ thì rất dễ cùng nhau làm càn. Đến lúc phí tổn chi tiêu đã chuẩn bị xong, nhưng thánh giá không đến, vậy phải làm sao?”
Lúc bấy giờ, các châu phủ khác dùng hơn ngàn người cầm đuốc thức đêm chờ nghênh giá. Chờ suốt một tháng, không ít người qua đời vì đói và lạnh.
Uông Ứng Chẩn ra lệnh buộc những ngọn đuốc vào giữa những cây du, cây liễu; một người phụ trách quản lý mười bó đuốc. Đợi đến đêm ngự giá đi ngang qua Tứ Châu, phát hiện đội cầm đuốc ở Tứ Châu rất trật tự và chỉnh tề, không hề hỗn loạn, để lại ấn tượng tốt hơn những nơi khác.
Khi ngự giá đi qua các châu phủ khác, suốt đường đi, các sứ thần của triều đình không ngừng tùy ý dọa dẫm bắt chẹt dân chúng, nhưng vẫn không thấy thỏa mãn.
Uông Ứng Chẩn cho rằng những người này kỳ thực nội tâm rất yếu đuối, có thể dùng uy để chấn nhiếp. Thế là, ông dẫn một trăm tráng sĩ xếp hàng bên cạnh thuyền của sứ thần, hô ứng đối đáp rất lớn tiếng, thanh âm truyền khắp gần xa. Cả người dân địa phương và người ngoài đều cảm thấy kinh ngạc, không biết họ muốn làm gì. Uông Ứng Chẩn chỉ huy đoàn tùy tùng nhanh chóng kéo thuyền về phía trước. Trong nháy mắt thuyền đã vượt qua trăm dặm và rời khỏi địa giới Tứ Châu. Thế là, các sứ giả đến sau đã thu liễm hành vi của mình, không dám vơ vét của cải cho bản thân nữa. Còn Uông Ứng Chẩn vẫn một mực dùng lễ đối đãi với họ. Vì vậy, họ đều lên án các sứ thần đi trước và hết sức khen ngợi Uông Ứng Chẩn.
Sau khi đến Nam Đô, Hoàng đế Vũ Tông đã truyền Thánh chỉ, lệnh cho Tứ Châu cống nạp hàng chục mỹ nữ giỏi ca hát nhảy múa. Việc này là do các sứ thần có ác cảm với Uông Ứng Chẩn, muốn dùng cách này để trả đũa ông.
Uông Ứng Chẩn thượng tấu nói rằng: Nữ tử Tứ Châu không có tài nghệ và tư sắc. Hơn nữa gần đây phần lớn họ đều phải sống lưu vong ở vùng đất khác. Vì vậy, không có cách nào phụng lệnh, chỉ có thể tiến cung một số nữ tử hái dâu nuôi tằm mà trước đây từng chiêu mộ. Nếu Hoàng thượng thu nạp họ vào cung, để họ hái dâu nuôi tằm, sẽ giúp ích cho đức hạnh của Thiên tử.
Vũ Tông đọc xong tấu thư của Uông Ứng Chẩn, liền hạ lệnh cho Tứ Châu tạm dừng cống nạp mỹ nữ.
Uông Ứng Chẩn thực sự là một vị quan trung hậu, nghĩa khí và dũng cảm, vì dân vì nước!
Thẩm Khải dùng trí, tiết kiệm tiền cho người dân
Hoàng Đế Minh Thế Tông muốn tuần du đất Sở. Nếu đi bằng đường thủy, Nam Kinh sẽ phải đóng một chiếc thuyền lầu để Hoàng đế sử dụng. Nếu đóng thuyền rồi mà Hoàng thượng lại chuyển sang đi đường bộ, thì tiền của quan phủ sẽ bị lãng phí. Nếu không đóng thuyền trước, Hoàng thượng đột ngột đến thì sẽ phạm đại tội. Thượng thư Chu Dụng Nghi hỏi Thẩm Khải: “Có cách nào hay không?”
Thẩm Khải đáp: “Triệu tập các thương thuyền lại, bảo họ chuẩn bị gỗ tốt, đợi ở cửa Long Giang. Đồng thời cấp tốc phái sứ giả dò xét lộ trình của Hoàng thượng. Vì lộ trình có thể được tính bằng số ngày, đến lúc thì có thể lập tức đóng thuyền. Nếu bắt buộc phải đóng thuyền, tiền đóng thuyền sẽ phân bổ cho quan phủ. Nếu không đóng thuyền thì trả lại gỗ cho thương nhân. Điều này không khó làm.”
Về sau, quả nhiên Hoàng thượng chuyển sang đi đường bộ. Nhờ cách làm của Thẩm Khải, Nam Kinh đã không lãng phí tiền cho việc đóng thuyền.
Một hoạn quan được Hoàng thượng sủng tín đã thỉnh cầu Thế Tông trùng tu lăng mộ của Thái Tổ Chu Nguyên Chương. Triều đình phái Chu Chỉ huy sứ thuộc Cẩm y vệ đến Nam Kinh để thị sát Hoàng lăng.
Thẩm Khải nhân cơ hội nói với Chu Chỉ huy sứ rằng: “Cao Hoàng đế từng có chiếu lệnh, không cho phép động đến một tấc đất trong Hoàng lăng. Người vi phạm sẽ bị xử tử. Bây giờ muốn trùng tu lăng mộ, không thể không động thổ, do đó mà phạm vào tử tội, là việc rất đáng sợ!”
Chu Chỉ huy sứ trở nên sợ hãi, khi trở về đã đem những lời của Thẩm Khải nói với hoạn quan được sủng tín đó. Sự việc vì thế mà dừng lại, tiết kiệm được rất nhiều tiền tài cho nước và dân.
Chủ Phụ Yển dâng kế lợi quốc lợi dân
Khi Hán Vũ Đế lo lắng vì các chư hầu lớn mạnh, Chủ Phụ Yển đã dâng kế sách: để các chư hầu có quyền phân chia đất đai của họ cho con cái, sau đó triều đình sẽ ban phong hiệu.
Sau khi làm như vậy, các tân chư hầu nhận đại ân của nhà Hán, trong khi các đại chư hầu cũ thì bị phân tán thế lực, trở nên suy yếu.
Phạm Trọng Yêm một mình chịu nhục
Khi Phạm Trọng Yêm nhậm chức Tri châu Diên Châu, ông đã viết một bức thư cho Lý Nguyên Hạo của Tây Hạ, người đã phát động nhiều cuộc tấn công vào nhà Tống. Phạm Trọng Yêm trình bày chỗ lợi chỗ hại, hy vọng Lý Nguyên Hạo sẽ quy thuận triều đình. Bởi vì hồi thư của Lý Nguyên Hạo có nội dung kiêu ngạo bất kính, Phạm Trọng Yêm chỉ thượng tấu tình huống của Lý Nguyên Hạo với triều đình, bản thân thì đốt thư trả lời của ông ta mà không trình báo lên.
Tể phụ Lữ Di Giản nói với Tham chính tri sự Tống Tường và những người khác rằng: “Làm thần tử của người khác, không có chỗ dựa từ bên ngoài, sao dám như vậy?”
Tống Tường cho rằng Lữ Di Giản đang trách tội Phạm Trọng Yêm, liền thượng tấu nói rằng Phạm Trọng Yêm nên bị xử tử.
Phạm Trọng Yêm nói: “Lúc đầu thần nghe nói Lý Nguyên Hạo đã hối cải, cho nên đã viết thư để thuyết phục ông ta. Đúng lúc binh của Nhậm Phúc thất bại, thế lực của Lý Nguyên Hạo lại khởi lên, nên ông ta đã trả lời một cách ngạo mạn. Thần cho rằng, nếu triều đình thấy lời hồi đáp của ông ta mà không thể trừng trị thì triều đình sẽ bị sỉ nhục. Vì vậy, thần đã đốt thư trả lời trước mặt các quan thuộc, làm như thể triều đình chưa từng nghe về chuyện này. Như thế, người phải chịu nhục chỉ là một mình thần thôi.”
Lúc đó Xu mật Phó sứ Đỗ Diễn đã cố gắng nói lý cho Phạm Trọng Yêm. Vì vậy, Hoàng đế đã cách chức chức quan trong triều của Tống Tường, điều Tống Tường sang làm Tri châu Dương Châu, mà không xử tội Phạm Trọng Yêm.
Vu Khiêm sắp xếp hợp lý cho binh lính đầu hàng
Vào những năm Vĩnh Lạc thời Minh Thành Tổ, hầu hết binh lính đầu hàng được đưa đến Hà Gian, Đông Xương và những nơi khác để sinh sống. Trong số này có những người ngang tàng bất thuận, hễ có giặc ngoại xâm đến là nhân cơ hội đó nổi loạn. Đây là một mối nguy tiềm ẩn lớn.
Chính vào lúc này, triều đình quyết định phát binh chinh phạt thổ phỉ ở Hồ Nam, Quý Châu, Quảng Đông, Quảng Tây và các nơi khác.
Vu Khiêm nhân cơ hội này dâng tấu thỉnh cầu phái đi những binh sĩ có tiếng tăm đã đầu hàng, treo thưởng nhiều hơn để họ theo quân xuất chinh. Sau khi bình định tặc khấu ở những nơi đó, Vu Khiêm lại dâng tấu thỉnh cầu giữ những người đó lại địa phương.
Nhờ những biện pháp thích hợp này, rất nhiều binh lính đầu hàng đã được an bài ổn thỏa, xóa đi mối lo âu đã tích tụ hàng chục năm.
Bắt Giang Bân
Sau chuyến tuần du phương nam, Minh Vũ Tông trở về kinh đô. Khi ông hấp hối, Nội các Thủ phụ Dương Đình Hòa đã quyết định bắt Giang Bân, tướng quân vùng biên giới đã xúi giục Vũ Tông nam tuần.
Tuy nhiên, dưới trướng Giang Bân có hàng ngàn binh lính. Tay chân của ông ta đều là những binh sĩ tinh nhuệ. E sợ việc vội vàng bắt Giang Bân sẽ gây ra binh biến, Dương Đình Hòa nhất thời không nghĩ ra cách nào hay, nên đã xin mưu kế của Lại bộ Thượng thư Vương Quỳnh.
Vương Quỳnh nói: “Có thể ghi lại công lao của họ trong việc hộ giá nam tuần, lệnh cho họ đến Thông Châu lĩnh thưởng.”
Thế là tất cả những binh sĩ ở biên giới đều đã rời đi, việc bắt Giang Bân diễn ra một cách thuận lợi.