Tổng thống Biden tránh đề cập đến ‘Bidenomics’ trong bối cảnh công chúng duy trì thái độ hoài nghi về nền kinh tế
Tổng thống Biden đã không còn đề cập đến trường phái kinh tế Biden (Bidenomics) trong những lần xuất hiện trước công chúng kể từ ngày 01/11.
Một từ từng là huy chương danh dự cho Tổng thống Joe Biden có thể đã trở thành một gánh nặng chính trị. “Bidenomics”, một thuật ngữ dùng để mô tả học thuyết kinh tế của ông Biden, đang ngày càng ít được sử dụng, còn báo chí thì bắt đầu để ý tới sự thiếu vắng này.
Trong những tuần gần đây, Tổng thống Biden đã hạn chế thốt lên từ “Bidenomics.” Thuật ngữ này đã không còn được nhắc đến trong hầu hết những lần xuất hiện trước công chúng của ông Biden trong tháng này, từ các bài diễn văn đã được chuẩn bị sẵn của ông ở Colorado, nơi ông ca ngợi Đạo luật Giảm Lạm Phát, cho đến các bài diễn văn của ông tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở California.
Lần cuối cùng Tổng thống Biden tán dương thuật ngữ này là trong bài diễn văn hôm 01/11 tại Minnesota, nơi ông đã đề cập đến thuật ngữ này bốn lần và so sánh thuật ngữ này với Giấc mơ Mỹ.
Tổng thống Biden nói lúc đó, “Này mọi người, Bidenomics chỉ là một cách nói khác cho ‘Giấc mơ Mỹ.’”
Nhưng thuật ngữ đó chưa hoàn toàn biến mất. Thay vào đó, chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Biden đã sử dụng thương hiệu “Bidenomics” dưới những hình thức tinh tế hơn. Trong sự kiện ở Colorado, đã có những tấm biển với thuật ngữ đó. Thuật ngữ này cũng được chèn vào tiêu đề các sự kiện hoặc bài diễn văn của Tổng thống Biden. Nhóm của ông đã sử dụng thuật ngữ đó trong các tin nhắn trên mạng xã hội.
Tòa Bạch Ốc viết trên X (trước đây là Twitter) hôm 30/11. “Ở Colorado, [ông Biden] nhấn mạnh cách Bidenomics đang tạo ra việc làm và cơ hội — ra mắt hơn 7 tỷ USD đầu tư mới trên khắp tiểu bang này.”
Các hãng truyền thông chính thống, trong đó có NBC News, đã nhận thấy Tòa Bạch Ốc đã loại bỏ thuật ngữ này khi Tổng thống Biden nói về kinh tế.
Một loạt các thành viên Đảng Dân Chủ nổi bật cùng nhiều đồng minh và người ủng hộ Tổng thống Biden đã cảnh báo rằng việc sử dụng nhãn hiệu “Bidenomics” sẽ phản tác dụng vì nhiều người Mỹ vẫn đang gặp khó khăn về tài chính và có thể liên kết những thách thức của họ với thông điệp kinh tế này.
Nhà kinh tế học tự do James Galbraith đã viết hồi tháng trước: “Cho dù câu chuyện mà người Mỹ được nghe kể về sức mạnh kinh tế dưới thời Tổng thống Joe Biden có là gì, thì họ cũng sẽ không bị thuyết phục để bỏ qua vấn đề mức sống của chính họ.”
Rất nhiều cuộc thăm dò đã nêu bật cùng một điều: Phần lớn cử tri Hoa Kỳ không thích “Bidenomics.”
Theo một cuộc thăm dò mới của Gallup, 67% người Mỹ không tán thành cách Tổng thống Biden điều hành nền kinh tế. Một cuộc thăm dò gần đây của Harvard CAPS-Harris Poll cho thấy chỉ 44% số người được hỏi tán thành cách quản lý nền kinh tế của Tổng thống Biden. Một cuộc khảo sát hàng tháng mới của Financial Times-Đại học Michigan cho thấy chỉ 14% cử tri Hoa Kỳ nói rằng hiện tại họ khá giả hơn về mặt tài chính so với thời điểm Tổng thống Biden nhậm chức.
Gallup viết trong bản tóm tắt dữ liệu thăm dò mới nhất: “Chỉ còn chưa đầy một năm nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống, ông Biden tiếp tục nhận được đánh giá thấp từ công chúng Mỹ. Xếp hạng tín nhiệm đối với kết quả công việc nói chung của ông Biden vẫn ở mức thấp đối với cá nhân ông và nằm trong vùng nguy hiểm về mặt lịch sử đối với một người đương nhiệm đang tìm cách tái tranh cử.”
“Ngoài ra, mức xếp hạng thấp kỷ lục của các tổ chức độc lập về chính trị đối với ông Biden là rất đáng chú ý. Về các lĩnh vực kinh tế, đối ngoại, và Trung Đông, xếp hạng của ông Biden thậm chí còn thấp hơn cho thấy rằng kết quả công việc của ông Biden trong các lĩnh vực này đang kéo xếp hạng về kết quả công việc nói chung của ông xuống.”
Tòa Bạch Ốc khẳng định nền kinh tế Hoa Kỳ đang đi đúng hướng, đề cập đến nhiều điểm dữ liệu khác nhau để chứng minh cho những tuyên bố này.
Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen nói với các phóng viên ở North Carolina hôm 30/11 rằng “lạm phát hiện đã giảm xuống” và “hiện tại mức tăng lương đang thực sự chuyển thành mức thu nhập thực tế lớn hơn.”
Bà Yellen nói, “Vì vậy, tôi hy vọng người Mỹ dần dần sẽ thấy mọi thứ đang trở nên tốt hơn.”
Những con số tổng thể đã chỉ ra một bối cảnh kinh tế mạnh mẽ.
In the third quarter, the GDP growth rate clocked in at a better-than-expected 5.2 percent, although government spending contributed 1.5 percent to the final print.
Trong quý 3, tốc độ tăng trưởng GDP đạt mức cao hơn dự kiến là 5.2%, mặc dù chi tiêu chính phủ đã đóng góp 1.5% vào con số tổng quan này.
Bất chấp việc Hệ thống Dự trữ Liên bang tăng lãi suất, thị trường lao động vẫn vững chắc, với tỷ lệ thất nghiệp dưới 4% và hàng triệu việc làm mới vào năm 2023.
Tuy nhiên, chi phí sinh hoạt cao hơn tiếp tục ảnh hưởng đến nhận thức của cử tri về nền kinh tế.
Tỷ lệ lạm phát chung vẫn ở mức trên 3%, giảm so với mức đỉnh điểm 9.1% đạt được hồi tháng 06/2022. Tuy nhiên, lạm phát lũy kế kể từ tháng 01/2021 đã ở mức hơn 17%. Thêm vào đó, còn có nhiều yếu tố khác cho thấy người dân đang gặp khó khăn.
Tăng trưởng tiền lương thực tế đã giảm khoảng 3% kể từ năm 2021. Ngoài ra, theo Cục Thống kê Lao động, thu nhập trung bình mỗi giờ thực tế (sau điều chỉnh theo lạm phát) đã tăng 0.2% trong tháng Mười, nhưng “thu nhập trung bình thực tế hàng tuần đã giảm 0.1% trong tháng do sự thay đổi về thu nhập trung bình theo giờ thực tế kết hợp với mức giảm 0.3% trong tuần làm việc trung bình.”
Một phân tích mới từ Ủy ban Kinh tế Liên hợp của Thượng viện Hoa Kỳ cho thấy người Mỹ hiện cần thêm 11,400 USD để trang trải mức sống như họ đã từng được hưởng vào tháng 01/2021.
Dữ liệu của Lending Club cho thấy 60% người Mỹ đang phải sống ngày qua ngày bằng tiền lương. Người tiêu dùng cũng có thể đã sử dụng cạn kiệt tiềm lực tài chính của mình. Nợ thẻ tín dụng lên tới 1 ngàn tỷ USD trong quý 3, tỷ lệ tiết kiệm cá nhân dưới 4% và tiền tiết kiệm thời đại dịch đã cạn kiệt.
Tổng thống Biden thừa nhận các gia đình vẫn đang phải chịu đựng môi trường khắc nghiệt.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times