Sa thải, đóng cửa chi nhánh tiết lộ cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Hoa Kỳ có thể còn lâu mới kết thúc
Lĩnh vực tài chính vẫn đang khai thác cơ sở cho vay khẩn cấp trong thời kỳ khủng hoảng của Hệ thống Dự trữ Liên bang.
Các ngân hàng lớn nhất của Hoa Kỳ dường như đang gặp khó khăn khi nhiều công ty trong lĩnh vực tài chính sa thải nhân viên, đóng cửa các chi nhánh, và không thể phục hồi sau cuộc khủng hoảng ngân hàng vào mùa xuân vừa qua. Một số nhà phân tích thị trường tự hỏi liệu ngành này đang chuẩn bị cho một cuộc suy thoái hay một bối cảnh kinh tế trì trệ kéo dài.
Năm nay (2023), các tổ chức tài chính lớn nhất của Hoa Kỳ đã cắt giảm nhân viên và Wall Street dự đoán rằng điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra.
Ngoài JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất Hoa Kỳ, nhiều công ty đang cắt giảm số lượng nhân viên.
Cho đến nay, vào năm 2023, Wells Fargo và Goldman Sachs đã giảm khoảng 5% số lượng nhân viên của họ. Wells Fargo đã tiến hành một sáng kiến cắt giảm chi phí trị giá 10 tỷ USD kéo dài ba năm, trong đó bao gồm việc chấm dứt 50,000 việc làm. Goldman Sachs dự kiến sẽ sa thải tới 2% nhân viên của mình trong những tuần tới.
Citigroup đã bắt đầu một đợt cắt giảm việc làm khác sau khi cắt giảm 7,000 vị trí trong chín tháng đầu năm 2023.
Morgan Stanley đã cắt giảm 2% số lượng nhân viên kể từ đầu năm 2023 và có kế hoạch giảm thêm 3,000 vị trí nữa khỏi lực lượng nhân viên toàn cầu của mình vào cuối năm nay.
Nhưng đây không chỉ là vấn đề ở Hoa Kỳ. Theo một báo cáo độc quyền từ Reuters, ngân hàng Barclays của Anh đã trở thành ngân hàng mới nhất tham gia vào sáng kiến tiết kiệm chi phí bằng cách cắt giảm tới 2,000 việc làm. Đây là một phần trong kế hoạch trị giá 1.25 tỷ USD của công ty nhằm tăng cường hiệu quả và giảm bớt lực lượng nhân sự cồng kềnh của mình. Trong những năm qua, Barclays đã cố gắng giảm chi phí bằng cách giảm tiền thưởng và loại bỏ các công việc ngân hàng trong các nghiệp vụ bán lẻ và đầu tư.
“Các ngân hàng đang đóng cửa chi nhánh nhanh hơn so với việc mở cửa chi nhánh mới,” ông Rodrigo Sermeno, nhà phân tích thị trường của The Kiplinger Letter, viết. “Xu hướng này có thể sẽ tiếp tục khi các ngân hàng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt đối với tiền gửi và khách hàng trẻ tuổi từ các ngân hàng trực tuyến, các công ty công nghệ tài chính (fintech), và các đại công ty công nghệ (Big Tech).”
Không chỉ các ngân hàng lớn đang sa thải nhân viên. Năm nay, hàng loạt công ty fintech, các tổ chức cho vay, và công ty tài chính đã cắt giảm việc làm.
Hồi tháng Mười, Lending Club có trụ sở tại San Francisco đã sa thải 172 nhân viên, chiếm tổng cộng 14% số nhân viên chính thức của họ vào lúc đó. Công ty bảo hiểm Hippo Insurance cũng cắt giảm 20% nhân viên. Mùa hè vừa qua, sàn giao dịch Robinhood đã sa thải 7% nhân viên. Tổ chức fintech SmartAsset đã cắt giảm 19% số lượng nhân viên trong tháng Sáu.
Theo báo cáo mới nhất của Challenger, các công ty tài chính đã công bố sa thải 3,419 người trong tháng Mười, nâng tổng số nhân sự bị sa thải tính đến thời điểm hiện tại lên hơn 47,000. Con số này tăng 189% so với cùng thời kỳ năm trước và là mức cao nhất từ đầu năm đến nay kể từ năm 2013.
Các chi nhánh ngân hàng
Đầu tháng này, một số ngân hàng đã nộp đơn khai đóng cửa hàng chục chi nhánh chỉ trong một tuần.
Chẳng hạn, PNC Bank, tổ chức tài chính lớn thứ sáu của Hoa Kỳ, đã nộp đơn khai đóng cửa 19 chi nhánh vào tháng Hai, trong đó có năm chi nhánh ở Pennsylvania, bốn chi nhánh ở Illinois, và ba chi nhánh ở Texas. Việc này xảy ra vài tháng sau khi PNC cho biết họ sẽ đóng cửa hơn 200 cơ sở vật chất ngân hàng truyền thống trong năm nay.
Ngân hàng này cho biết họ đang đáp ứng nhu cầu ngày càng thay đổi của khách hàng.
“PNC nhận thấy rằng bên cạnh các kênh khác của chúng tôi, các chi nhánh đóng vai trò quan trọng trong cách chúng tôi cung cấp giải pháp cho khách hàng,” PNC cho biết trong một tuyên bố. “Đồng thời, chúng tôi cũng quyết định đóng cửa các chi nhánh khi nhu cầu của khách hàng thay đổi. Như thường lệ, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào — và tối ưu hóa — mạng lưới chi nhánh của mình cùng với các kênh ngân hàng cốt lõi khác để phục vụ khách hàng theo cách hiệu quả nhất mà chúng tôi có thể.”
Trong khi đó, JPMorgan Chase đã khai đóng cửa 18 chi nhánh trên khắp cả nước, chẳng hạn như các chi nhánh ở Connecticut, Florida, Illinois, và New York.
Bank of America, Citibank, và Citizens Bank cũng dự định đóng cửa các chi nhánh.
Cổ phiếu ngân hàng chìm trong sắc đỏ
Nhiều ngân hàng đã không thể phục hồi sau cuộc khủng hoảng ngân hàng hồi đầu năm nay. Tính từ đầu năm đến nay, nhiều tổ chức tài chính khác nhau đã phải chật vật để thoát khỏi tình trạng báo động đỏ.
Cổ phiếu Citigroup đã giảm hơn 2% từ đầu năm đến nay. Cổ phiếu của Goldman Sachs đã giảm gần 3%, Barclays giảm khoảng 8%, Morgan Stanley giảm 11%. Cổ phiếu Ngân hàng Hoàng gia Canada giảm 9%. Cổ phiếu Bank of America đã giảm mạnh gần 13%.
Một trong số ít ngân hàng có cổ phiếu tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2023 là JPMorgan Chase, với cổ phiếu tăng khoảng 13%.
Về phần nguyên do? Lãi suất cao hơn.
Trong 19 tháng qua, Hệ thống Dự trữ Liên bang đã nâng lãi suất quỹ liên bang chuẩn lên hơn 500 điểm cơ bản, lên mức 5.25–5.50%. Kể từ đó, chỉ số Nasdaq Bank Index, một chỉ số chứng khoán chuẩn, đã giảm khoảng 40%.
Trong bối cảnh lãi suất tăng, các điều kiện tín dụng ngày càng thắt chặt hơn đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng, và tình hình này đã được nêu rõ trong Khảo sát Ý kiến Nhân viên Cho vay Cao cấp (SLOOS) mới nhất của Fed về thực tiễn cho vay ngân hàng.
Fed cho biết, “Về các khoản cho vay doanh nghiệp, nhìn chung những người tham gia khảo sát cho biết các tiêu chuẩn đã chặt chẽ hơn và nhu cầu vay thương mại và công nghiệp (C&I) của các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô trong quý 3 đã yếu hơn. Hơn nữa, các ngân hàng báo cáo các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn và nhu cầu yếu hơn đối với tất cả các loại khoản vay địa ốc thương mại (CRE).”
“Về các khoản cho vay gia đình, các ngân hàng báo cáo rằng các tiêu chuẩn cho vay đã được thắt chặt đối với tất cả các loại khoản vay địa ốc nhà ở (RRE) ngoại trừ các khoản cho vay mua nhà của chính phủ vốn có các tiêu chuẩn về cơ bản không thay đổi. Trong khi đó, nhu cầu đã yếu đi đối với tất cả các loại khoản vay RRE. Ngoài ra, các ngân hàng báo cáo các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn và nhu cầu yếu hơn đối với hạn mức tín dụng vốn sở hữu nhà (HELOC). Hơn nữa, đối với thẻ tín dụng, xe hơi, và các khoản vay tiêu dùng khác, các tiêu chuẩn được cho là đã bị thắt chặt và nhu cầu đã suy yếu dựa trên số dư.”
Chương trình tài trợ có kỳ hạn ngân hàng
Sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank và Signature Bank, Hệ thống Dự trữ Liên bang đã khai triển Chương trình Tài trợ có Kỳ hạn cho Ngân hàng (BTFP), một chương trình cho vay khẩn cấp nhằm cung cấp các khoản vay một năm cho các công ty đang gặp khó khăn. Fed đã đồng ý bảo vệ người đi vay khỏi thua lỗ bằng cách thực hiện các hợp đồng hoán đổi ở cùng một giá trị trong khi bỏ qua các khoản lỗ. Chương trình này được tạo ra để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính rộng hơn và đau đớn hơn bằng cách ngăn chặn rút tiền hàng loạt tại ngân hàng.
Theo dữ liệu H.4.1 của ngân hàng trung ương Hoa Kỳ, vốn mô tả về việc sử dụng các cơ sở thanh khoản của Fed, chương trình này đã đạt mức cao kỷ lục mới trong tuần kết thúc hôm 22/11, lên tới 114 tỷ USD.
Nhưng mặc dù có vẻ như giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng tháng Ba đã qua, nhà kinh tế học Mike Shedlock nói, “những tổn thất trên giấy tờ vẫn là có thật, ngay cả khi được ẩn giấu trong các báo cáo.”
Ông Shedlock nói: “Điều này có tác động đến sự sẵn lòng cho vay của các ngân hàng trong môi trường lãi suất cao.”
Chương trình cho vay này sẽ hoạt động cho đến ít nhất là ngày 11/03/2024 và một số nhà quan sát lo ngại về điều sẽ xảy đến khi các khoản vay đáo hạn.
Ông E.J. Antoni, nhà kinh tế học đến từ Quỹ Di Sản (Heritage Foundation), đã viết trên X. “Tháng Ba năm 2024 đang hình thành một thảm họa toàn diện.”
Ngoài SVB và Signature Bank, có ba ngân hàng khác cũng phá sản trong năm nay là First Republic, Citizens Bank, và Heartland Tri-State Bank.
Nỗi lo suy thoái
Tất cả những diễn biến kể trên đặt ra câu hỏi: Có phải các ngân hàng đang chuẩn bị cho một cuộc suy thoái?
Các nhà kinh tế đã dự đoán sẽ có một đợt suy thoái trong năm nay, nhưng khả năng bền bỉ của nền kinh tế đã làm dịu đi những thảo luận về suy thoái trong những tháng gần đây.
Theo ước tính mô hình GDPNow của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Atlanta và mô hình Nowcast của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ tăng trưởng khoảng 2% trong quý 4.
Đồng thời, các số liệu hàng đầu đang cho thấy các tín hiệu suy thoái.
Ví dụ, Chỉ số Kinh tế Hàng đầu (LEI) của Conference Board lại giảm trong tháng Mười, trượt 0.8%. LEI đã giảm 3.3% trong khoảng thời gian sáu tháng từ tháng Tư đến tháng Mười năm 2023.
“Quỹ đạo LEI của Hoa Kỳ vẫn ở mức âm và tốc độ tăng trưởng trong sáu đến mười hai tháng của chỉ số này cũng ở mức âm trong tháng Mười,” bà Justyna Zabinska-La Monica, giám đốc cao cấp về Chỉ số Chu kỳ Kinh doanh tại Conference Board, cho biết trong báo cáo. “Conference Board dự đoán lạm phát gia tăng, lãi suất cao, và chi tiêu tiêu dùng giảm — do tiền tiết kiệm trong đại dịch cạn dần và trả nợ sinh viên bắt buộc — sẽ đẩy nền kinh tế Hoa Kỳ vào một cuộc suy thoái rất ngắn.”
Ông Neil Shearing, nhà kinh tế trưởng của Capital Economics, cho rằng tình hình kinh tế sẽ phức tạp hơn một chút vì quy mô của sự suy giảm là rất quan trọng.
Ông Shearing viết trong một ghi chú, “Nhưng quy mô của sự suy giảm trong một cuộc suy thoái cũng là một yếu tố quan trọng: có sự khác biệt lớn giữa một cuộc suy thoái kiểu những năm 2007-2008, ảnh hưởng của một cuộc suy thoái như vậy sẽ kéo dài trong nhiều năm, còn một cuộc suy thoái kiểu năm 2001 sẽ kết thúc trước khi quý vị kịp nhận ra. Do đó, việc phân biệt giữa các loại suy thoái khác nhau và xác định hậu quả có thể xảy ra của suy thoái là quan trọng hơn việc chỉ đơn giản đưa ra một ‘lời dự báo’ rằng sẽ có suy thoái.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times