Bản tin đặc biệt

Mục đích quảng bá Bidenomics là để giành ưu thế trong bầu cử, nhưng chiến lược này đã trở thành một rủi ro?

Nền kinh tế Hoa Kỳ đang cải thiện, thị trường chứng khoán tăng vọt, nhưng nhiều người Mỹ lại cảm thấy như đang sống trong thời kỳ suy thoái.

Hoa Thịnh Đốn — Tổng thống Joe Biden là người hay tránh thảo luận về thị trường chứng khoán, nhưng cuối cùng ông đã phá lệ đề cập đến chủ đề này vào giữa tháng Mười Hai để chúc mừng chỉ số Dow Jones đạt mức cao kỷ lục. Đó rõ ràng là một nỗ lực nhằm thu hút những cử tri vẫn bi quan về lạm phát và nền kinh tế.

Tổng thống gần đây đã chế giễu cựu Tổng thống Donald Trump trong một video tranh cử đăng trên mạng xã hội; cười trên cảnh báo năm 2020 của người tiền nhiệm về sự sụp đổ của thị trường chứng khoán nếu ông đắc cử.

Tổng thống Biden viết trong một bài đăng ngày 15/12 trên mạng xã hội X, trước đây gọi là Twitter, “[Một trò đùa] tốt đấy, Donald.”

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020, cựu Tổng thống Trump đã nói: “Nếu ông Biden thắng, thì thị trường chứng khoán sẽ sụp đổ tới những mức độ mà quý vị chưa từng trải qua.”

Hội nghị gần đây cho thấy ba chỉ số lớn của Mỹ ghi nhận mức tăng trong bảy tuần liên tiếp nhờ lập trường “ôn hòa” của Hệ thống Dự trữ Liên bang. Kể từ hôm 27/10, Chỉ số Trung bình Công nghiệp Dow Jones và S&P 500 đã tăng 15%, còn Nasdaq tăng 17%.

Hôm 13/12, ngân hàng trung ương đã kết thúc cuộc họp chính sách cuối cùng trong năm, báo hiệu rằng chiến dịch chống lạm phát đang đạt được tiến bộ và việc thắt chặt chính sách tiền tệ có thể đã kết thúc.

Các nhà hoạch định chính sách của Fed hiện đang dự đoán sẽ có ba lần cắt giảm lãi suất vào năm 2024, nhiều hơn mức dự kiến ​​trước đó, mang đến một tia hy vọng cho các nhà đầu tư vốn đã giữ tâm lý ảm đạm trong hai năm qua.

Tổng thống Biden đang tái tranh cử nhưng đang gặp khó khăn trong việc lấy lòng người Mỹ bằng nghị trình kinh tế của mình, chính sách mà ông gọi là trường phái kinh tế Biden (Bidenomics). Vị tổng thống thứ 46 này hiện có thể đang muốn tận dụng lợi thế tăng trưởng gần đây của thị trường chứng khoán với hy vọng khiến cho thông điệp kinh tế của ông trở nên hấp dẫn đối với cử tri.

Theo một cuộc thăm dò mới của CBS News, người Mỹ xem những thách thức kinh tế hiện nay là những thách thức nghiêm trọng nhất so với những khó khăn mà họ từng phải đối diện trong nhiều thế hệ, vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008–2009 và thậm chí là cả tỷ lệ lạm phát và tình trạng thiếu hụt xăng dầu trong những năm 1970.

Bất chấp các báo cáo việc làm tích cực và các cuộc thảo luận về kịch bản “hạ cánh mềm” của nền kinh tế, mọi người vẫn tập trung vào trải nghiệm cá nhân của họ hơn là dữ liệu kinh tế nói chung. Phần lớn người được hỏi nói rằng thu nhập của họ không theo kịp với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.

Theo một cuộc thăm dò gần đây của Bankrate, 59% người Mỹ tin rằng nước Mỹ đang trong thời kỳ suy thoái, nhiều người tin như vậy còn xem đây là một “cuộc suy thoái thầm lặng.”

Các nhà giao dịch làm việc trên sàn của Sở Giao dịch Chứng khoán New York ở thành phố New York vào ngày 30/10/2023. (Ảnh: Spencer Platt/Getty Images)
Các nhà giao dịch làm việc trên sàn của Sở Giao dịch Chứng khoán New York ở thành phố New York vào ngày 30/10/2023. (Ảnh: Spencer Platt/Getty Images)

‘Hiệu ứng của cải’

Theo ông Merrill Matthews, một học giả thường trú tại Viện Đổi mới Chính sách (IPI), một tổ chức tư vấn chính sách công, khó khăn mà mỗi cá nhân gặp phải có ảnh hưởng to lớn đến nhận thức của họ, cho thấy sự không liên quan giữa các sự kiện kinh tế vĩ mô và tình hình tài chính cá nhân.

Ông nói với The Epoch Times: “Trong nền kinh tế, có thực tế và nhận thức, và nhận thức luôn lấn át thực tế.”

Theo ông Matthews, nguyên nhân chính khiến người Mỹ vẫn gặp khó khăn là Bidenomics đã xóa bỏ khái niệm gọi là hiệu ứng của cải.

Hiệu ứng của cải (wealth effect) là một lý thuyết kinh tế hành vi cho rằng mọi người cảm thấy được bảo đảm về tài chính và tự tin về tài sản của mình khi giá trị ngôi nhà hoặc danh mục đầu tư của họ tăng lên. Khi người tiêu dùng cảm thấy tự tin về tài sản của mình, họ có xu hướng chi tiêu nhiều hơn, điều này mang lại lợi ích cho toàn bộ nền kinh tế.

Các yếu tố kinh tế như thị trường chứng khoán, lạm phát, giá trị nhà ở, và niềm tin của người tiêu dùng đều góp phần tạo ra hiệu ứng của cải.

Ví dụ, khi người Mỹ chứng kiến ​​khoản tiết kiệm hưu trí của họ không tăng hoặc bị giảm đi, thì việc này có ảnh hưởng đáng kể đến cảm giác yên ổn về tài chính của họ. Yếu tố này là đặc biệt quan trọng vì phần lớn người Mỹ là nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Theo một khảo sát của Gallup, 61% người Mỹ sở hữu cổ phiếu, dù thông qua các khoản đầu tư trực tiếp hay một tài khoản tiết kiệm hưu trí như 401(k).

Ông Matthews cho biết người Mỹ ở mọi mức thu nhập đều đã trải qua hiệu ứng của cải trong những năm ông Trump nắm quyền. Ngược lại, Bidenomics đã khiến hiệu ứng của cải rơi vào bế tắc, đây là một trong những nguyên nhân chính khiến kết quả thăm dò cho thấy tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Biden rất kém.

Tổng thống Joe Biden bước lên sân khấu trước khi nói về Bidenomics tại CS Wind ở Pueblo, Colorado, hôm 29/11/2023. (Ảnh: Michael Ciaglo/Getty Images)
Tổng thống Joe Biden bước lên sân khấu trước khi nói về Bidenomics tại CS Wind ở Pueblo, Colorado, hôm 29/11/2023. (Ảnh: Michael Ciaglo/Getty Images)

Chỉ số Dow Jones ở mức dưới 20,000 một chút khi ông Donald Trump nhậm chức vào tháng 01/2017. Chỉ số này đạt trên 30,000 khi ông rời nhiệm sở, tăng khoảng 50% trong 4 năm. Thực tế đó đã diễn ra bất chấp sự sụt giảm lớn vào mùa xuân năm 2020 do chính phủ đóng cửa vì đại dịch COVID-19.

Trong năm đầu tiên nắm quyền của Tổng thống Biden, chỉ số Dow đã tăng lên 36,000, tăng khoảng 20%. Mặc dù đã có một số thăng trầm kể từ đó nhưng chỉ số Dow phần lớn đã đi ngang trong hai năm qua, và về căn bản đã trì trệ trong một phạm vi hẹp và tạo ra lợi nhuận ở mức trung bình. Diễn biến này đã tạo ra một yếu tố tiêu cực khác trong cách nhìn nhận của công chúng đối với Bidenomics.

Mục đích quảng bá Bidenomics là để giành ưu thế trong bầu cử, nhưng chiến lược này đã trở thành một rủi ro?

Để chống lạm phát quá mức, Fed đã bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 03/2022. Do đó, lãi suất công khố phiếu bắt đầu trông hấp dẫn hơn so với cổ phiếu. Đây là một trong những lý do khiến các nhà đầu tư bắt đầu rút khỏi thị trường chứng khoán.

Mặc dù dữ liệu kinh tế đang được cải thiện và thị trường chứng khoán đã tăng giá trong những tuần gần đây, Tổng thống Biden có thể phải đối mặt với những thách thức kinh tế khác vào năm 2024.

Ông Desmond Lachman, thành viên cao cấp tại Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ (AEI), nói với The Epoch Times: “Cũng giống như trước đây, nền kinh tế sẽ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử năm tới và có thể tạo thành một trở ngại lớn cho chiến dịch tranh cử của ông Biden.”

“Mặc dù cho đến nay, tăng trưởng kinh tế vẫn duy trì tốt và lạm phát đang giảm xuống, nhưng có nguy cơ cao là chúng ta sẽ trải qua một cuộc suy thoái kinh tế trước cuộc bầu cử.”

Ông Lachman cho rằng nền kinh tế vẫn chưa chứng kiến ​​đầy đủ tác động từ chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed.

Lạm phát làm xói mòn của cải

Lạm phát đã đóng một vai trò lớn hơn thị trường chứng khoán trong việc xóa bỏ hiệu ứng của cải.

Người Mỹ chưa từng chứng kiến ​​lạm phát ở mức độ này kể từ đầu những năm 1980. Theo Financial Times, giá trị thực của tài sản gia đình đã giảm trong hai năm qua với tốc độ nhanh nhất trong hơn bốn thập niên.

Giá cả tăng làm giảm sức mua của người tiêu dùng, làm giảm giá trị tiền lương và các khoản tiết kiệm của người dân, đồng thời làm tăng chi phí sinh hoạt. Kết quả là mọi người cảm thấy nghèo hơn và cắt giảm tiêu dùng cũng như chi tiêu.

Các gia đình có thu nhập thấp với ngân sách vốn đã eo hẹp là những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của lạm phát.

Mặc dù tỷ lệ lạm phát hàng năm đã giảm đáng kể từ mức cao nhất 9.1% vào tháng 06/2022 xuống còn 3.1% vào tháng 11/2023, nhưng điều quan trọng cần lưu ý là giá cả vẫn tăng so với thời điểm Tổng thống Biden nhậm chức.

Nhìn chung, giá cả đã tăng hơn 17% kể từ tháng 01/2021 gần 20% đối với thực phẩm, hơn 43% đối với xăng và 18% đối với nhà ở, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ.

Người tiêu dùng mua sắm hàng bách hóa tại một chuỗi cửa hàng bán lẻ ở Rosemead, California, hôm 12/12/2023. (Ảnh: Frederic J. Brown/AFP qua Getty Images)
Người tiêu dùng mua sắm hàng bách hóa tại một chuỗi cửa hàng bán lẻ ở Rosemead, California, hôm 12/12/2023. (Ảnh: Frederic J. Brown/AFP qua Getty Images)

Theo Bloomberg, chỉ riêng trong năm nay, tài sản thực tế trung bình của các gia đình trung lưu ở Hoa Kỳ đã giảm hơn 33,000 USD, và giai tầng trung lưu đã mất hơn 2 ngàn tỷ USD gia sản kể từ khi Fed bắt đầu tăng lãi suất vào năm ngoái để chống lạm phát.

Theo các chuyên gia, sự xói mòn của hiệu ứng của cải có thể là lý do lớn nhất khiến mọi người tiếp tục xếp hạng Tổng thống Biden thấp vì cách quản lý nền kinh tế của ông.

Cuộc thăm dò của CBS cho thấy 62% số người được hỏi chỉ trích cách quản lý kinh tế của Tổng thống Biden và một mức đáng kinh ngạc 70% bày tỏ sự không đồng tình với cách ông quản lý lạm phát. Ngoài ra, 76% số người được hỏi cho biết thu nhập của họ không thể theo kịp lạm phát.

Theo cuộc thăm dò gần đây nhất của Đại học Monmouth, tỷ lệ tán thành đối với kết quả công việc của Tổng thống Biden đã chạm mức thấp nhất mọi thời đại, chỉ có 34% số người được hỏi tán thành hiệu quả công việc của ông. Đặc biệt, những người được hỏi đã cho điểm kém vì cách quản lý vấn đề nhập cư và lạm phát của ông.

Mục đích quảng bá Bidenomics là để giành ưu thế trong bầu cử, nhưng chiến lược này đã trở thành một rủi ro?

Nhiều người đã chỉ trích Tổng thống Biden vì lạm phát, cho rằng ông đã phê chuẩn hàng ngàn tỷ USD cho các dự luật chi tiêu lãng phí. Tuy nhiên, những người cứng rắn về thâm hụt ở Hoa Thịnh Đốn cho rằng cả Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ đều phải chịu trách nhiệm, vì tất cả bọn họ đều đã chi tiêu không tiết chế kể từ khi đại dịch bùng phát.

Ông Matthews nói, “Cả Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ đều là những người nghiện chi tiêu. Chỉ là Đảng Cộng Hòa cảm thấy tệ về điều đó — hoặc họ tuyên bố cảm thấy tệ về điều đó.”

Thị trường địa ốc bị thắt chặt

Những nỗ lực của Fed nhằm kiềm chế lạm phát cũng dẫn đến cuộc khủng hoảng về khả năng chi trả nhà ở tại Hoa Kỳ.

Đối với nhiều người, giấc mơ Mỹ về việc sở hữu một ngôi nhà ngày càng trở nên xa vời khi các khoản thanh toán nợ mua nhà trung bình hàng tháng đã tăng gần gấp đôi trong ba năm qua.

Những người mua tiềm năng đang phải đối mặt với một trong những thị trường địa ốc khó chi trả nhất trong lịch sử gần đây, với lãi suất vay nợ mua nhà ở mức trên 7% và giá địa ốc tiếp tục tăng không ngừng.

Theo công ty địa ốc CBRE, khoản thanh toán nợ mua nhà trung bình hàng tháng cho một ngôi nhà mới đã tăng lên 3,322 USD trong quý 3 năm nay, tăng từ mức 1,746 USD vào thời điểm trước khi Tổng thống Biden nhậm chức.

Một nhân viên bảo trì đang quét dọn đường phố trước một dãy nhà mới ở Fairfax, Virginia, hôm 22/08/2023. (Ảnh: Andrew Caballero-Reynolds/AFP qua Getty Images)
Một nhân viên bảo trì đang quét dọn đường phố trước một dãy nhà mới ở Fairfax, Virginia, hôm 22/08/2023. (Ảnh: Andrew Caballero-Reynolds/AFP qua Getty Images)

Ngoài ra, theo báo cáo của Redfin, một người mua nhà phải kiếm được gần 115.000 USD hàng năm để mua được căn nhà có giá trung bình ở Mỹ, tăng hơn 50% kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Trong thị trường nhà đất hiện nay, lãi suất nợ mua nhà tăng không dẫn đến giảm nhu cầu hoặc giá nhà như người ta hy vọng. Thay vì thế, bà Trần Chiêu (Chen Zhao), người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Redfin, cho biết, “hàng tồn kho vẫn gần mức thấp kỷ lục do chủ nhà giữ lãi suất vay nợ mua nhà thấp,” khiến giá nhà ở mức cao.

Theo Dwellsy, một nền tảng cho thuê, giá thuê nhà ở loại single-family cũng đã tăng 22% kể từ tháng 01/2021. Tuy nhiên, do giá nhà tăng và lãi suất vay nợ mua nhà cao, thuê nhà vẫn là một lựa chọn tiết kiệm hơn ở hầu hết các thành phố lớn.

Trong nhiều tháng qua, các chỉ số kinh tế vĩ mô của quốc gia, bao gồm tổng sản phẩm quốc nội, việc làm, và tỷ lệ lạm phát, đã cho thấy những xu hướng tích cực, tuy nhiên nhận thức của công chúng về nền kinh tế vẫn không thay đổi.

Gần đây đã có suy đoán rằng nỗ lực kéo dài nhiều tháng của Tòa Bạch Ốc nhằm quảng bá thuật ngữ “Bidenomics” đã kết thúc bằng một nỗ lực nhằm thay đổi thông điệp kinh tế này.

NBC News lần đầu tiên đưa tin rằng Tổng thống Biden đã không sử dụng thuật ngữ “Bidenomics” trong các bài diễn văn công khai của mình kể từ hôm 01/11, dẫn đến suy đoán về sự thay đổi trong cách tiếp cận của Tòa Bạch Ốc.

Tuy nhiên, sau sự chú ý từ giới truyền thông, Tòa Bạch Ốc đã tiếp tục sử dụng thuật ngữ này, mặc dù rõ ràng là thuật ngữ này đang được sử dụng ở mức tối thiểu.

Bà Karen Hult, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Bách khoa Virginia (Virginia Tech), cho biết việc sử dụng thuật ngữ “Bidenomics” là một sai lầm và việc ngừng sử dụng thuật ngữ này “đáng ra phải kết thúc từ lâu.”

Mục đích quảng bá Bidenomics là để giành ưu thế trong bầu cử, nhưng chiến lược này đã trở thành một rủi ro?

Bà nói với The Epoch Times: “Ngay từ lần đầu tiên ông ấy thốt ra thuật ngữ đó, nó đã không gây được tiếng vang với mọi người.”

“Trên thực tế, thuật ngữ này không có tác dụng như một thông điệp, cho dù nó có thể có cách thức trình bày tốt đến đâu.”

Vẫn còn phải xem xem liệu chiến dịch của ông Biden có thể vượt qua những thách thức này và làm thay đổi được quan điểm của công chúng về nền kinh tế trước khi cử tri tiến tới thùng phiếu hay không.

Theo bà Hult, không thể phủ nhận rằng nhận thức của người dân đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc bầu cử.

Bà Hult nói với The Epoch Times rằng như đã từng xảy ra ​​trước đây, các ứng cử viên từ cả Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa có thể ảnh hưởng đến những nhận thức này, qua đó có thể gây tác động đáng kể đến cuộc bầu cử.

Tuy nhiên, bà nói, điều thực sự quan trọng không chỉ là nhận thức của người dân mà còn là sự huy động thực tế nhằm khuyến khích họ thực sự đi ra ngoài và bỏ phiếu.

Bà nói: “Chúng ta từng chứng kiến điều đó vào năm 2022.”

Nhật Thăng biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Form Newsletter Subscription
Form Newsletter Subscription