‘Tôi lại muốn ra khơi’: Đại thi hào của Nước mặn và Cánh buồm
Có những dòng thơ có thể khiến chúng ta khắc sâu trong trái tim và tâm trí mình.
Trong suốt cuộc đời mình, đại thi hào John Edward Masefield (1878–1967) đã viết một giá sách chất chồng các tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu luận, kịch và lịch sử. Từ điển Tiểu sử Quốc gia Oxford đã ca ngợi tác phẩm “Gallipoli” của ông là “một trong những tài liệu hay nhất mà chúng ta có về chiến tranh hiện đại,” và hai cuốn sách dành cho trẻ em, “The Midnight Folk”(Truyện dân gian lúc nửa đêm) và “The Box of Delights,” (Hộp niềm vui) vẫn còn được tái bản và được coi là các tác phẩm kinh điển của văn học thiếu nhi.
Nhưng khi còn sống, những bài thơ chính là điều đem đến cho thi hào Masefield những giải thưởng cao quý nhất.
Dù có một đoạn thời gian khá lâu ông ngừng sáng tác thơ, nhưng ông vẫn tạo ra một số lượng lớn các bài thơ sonnet Ý, truyện và các tác phẩm thi ca khác. Cuốn “Poems: Complete Edition”( Những bài thơ: Phiên bản hoàn chỉnh) của ông lên tới hơn 1.100 trang. Từ năm 1930 cho đến khi qua đời, ông giữ chức Nhà thơ Hoàng gia Anh, thời gian ông giữ nhiệm kỳ ở vị trí đó chỉ đứng sau nhà thơ Alfred Lord Tennyson.
Sau khi ông qua đời, tro cốt của ông được đặt trong Góc Nhà Thơ của Tu viện Westminster, nơi nhà thơ Robert Graves trong bài điếu văn đã ca ngợi sức mạnh văn chương của nhà thơ Masefield và mô tả người đàn ông này bằng các cụm từ “hào hiệp, dũng cảm, khiêm tốn, vô cùng nhạy cảm.”
‘Biển gọi’
Mặc dù mồ côi từ khi còn nhỏ, quá trình trưởng thành của nhà thơ Masefield tương đối hạnh phúc tại ngôi nhà của người cô và chú, mặc dù họ đã cố gắng thay đổi điều họ xem là thói quen nghiện đọc của ông. Sau một thời gian đào tạo để trở thành thương gia hàng hải ở Liverpool, cậu thiếu niên lên đường đến Chile trên con tàu buồm Gilcruix.
Chuyến hải trình đầy gian khổ và thể chất yếu kém khiến nhà thơ Masefield bị bệnh nặng. Khi cập cảng, nhà chức trách tuyên bố ông là DBS, hay “thủy thủ người Anh gặp nạn.” Được đưa trở lại Anh, ông dấn thân vào một chuyến đi khác, nhưng sau đó nhảy tàu xuống Thành phố New York và sống tại đây cho đến năm 1897. Ông sống lang thang và làm những công việc lặt vặt [để sinh nhai] trước khi trở lại Anh để theo đuổi con đường trở thành nhà văn.
Nghe có vẻ kỳ lạ khi mối quan hệ không mấy êm đẹp của nhà thơ Masefield với Đại Tây Dương khiến ông ban đầu được [độc giả] chú ý đến với những bản ballas và những bài thơ về biển cả, thể loại mà đến ngày nay ông vẫn được nhớ đến nhiều nhất. Ông Joyce Kilmer viết về nhà thơ Masefield như sau: “Biển cả không phụ thuộc vào tài năng thiên bẩm của ông ấy. Biển mượn lời ông để biểu lộ chính mình.”
Sự thật là, có lẽ bài thơ được biết đến nhiều nhất của ông là “Biển Gọi,” được xuất bản năm 1902 trong “Thơ Nước Mặn,” tuyển tập thơ đầu tiên của Masefield.
Tôi lại muốn ra khơi, giữa đại dương và bầu trời thăm thẳm,
Chỉ cần một con tàu lớn, một ngôi sao dẫn lối,
Bánh lái khởi động, ngọn gió hát ca và cánh buồm trắng đung đưa,
Một làn sương xám trên mặt biển, một bình minh xám sẫm đang ló dạng
Tôi lại muốn ra khơi đáp lại tiếng gọi của thủy triều
Là tiếng gọi hoang sơ, trong trẻo không thể chối từ;
Chỉ mong bầu trời có một làn gió với áng mây trắng bay ngang,
Bọt nước tung tóe, vòi rồng thổi và hải âu kêu vang
Tôi lại muốn ra khơi, sống cuộc đời phiêu bạt,
Theo chân chim hải âu và luồng cá voi nơi có những cơn gió mạnh như dao cắt;
Và tất cả những gì tôi mong mỏi là một câu chuyện vui tươi từ một người bạn hài hước,
Giấc ngủ bình yên và giấc mơ ngọt ngào khi câu chuyện khép lại
Trong 12 dòng này, chúng ta tìm thấy nhiều yếu tố làm nên tác phẩm hay nhất của nhà thơ Masefield: vẻ đẹp của thiên nhiên, điều ông say đắm suốt cuộc đời; “cuộc sống phiêu bạt,” một chủ đề thường thấy trong các bài thơ khác; và “những câu chuyện vui tươi,” mà ông luôn say mê.
Trái tim ông vô cùng lãng mạn, và bài thơ này là tiếng gọi của những cuộc phiêu lưu và chuyến du hành. Hình ảnh tuyệt diệu của “bánh lái khởi động,” “cánh buồm trắng đung đưa” và “bọt nước tung tóe” như đưa chúng ta ra giữa đại dương, đúng như dòng đầu tiên của bài thơ.
Lãng mạn hóa quá khứ
Bài thơ thứ hai về biển cả, cũng thường được đưa vào các tuyển tập, tên là “Cargoes.” Không giống như bài “Biển gọi,” trọng tâm ở đây là hàng hóa được chở trên tàu, từ “thuyền năm mái chèo của Nineveh” đến “tàu buồn bẩn thỉu của Anh.”
Những con tàu của Nineveh đi từ Ophir xa xôi,
Quay về bến đỗ bình yên, Palestine đầy nắng,
Một con tàu chở đầy ngà voi,
Cùng chim công và những loài linh trưởng,
Gỗ đàn hương, tuyết tùng và rượu vang trắng ngọt ngào.
Tàu chiến Tây Ban Nha đầy uy nghi đến từ vùng Isthmus,
Đi qua miền nhiệt đới với những bờ biển phủ đầy cọ xanh,
Một con tàu chở đầy kim cương,
Cùng ngọc lục bảo, thạch anh tím,
Đá hoàng ngọc, quế cay và đồng tiền vàng.
Tàu chở hàng nước Anh đã qua phong sương với ống khói đầy muối,
Băng qua eo biển trong những ngày tháng Ba khốc liệt,
Tàu chở đầy than vùng Tyne,
Là Ray xe lửa, những thỏi chì,
Củi, đồ sắt và những khay thiếc rẻ tiền.
Trong hai khổ thơ đầu, nhà thơ Masefield phác họa những con tàu, hàng hóa được vận chuyển và những vùng đất họ đi qua với những sắc màu thú vị, mới mẻ. Ví dụ, quinquireme là một loại tàu cổ dùng trong chiến tranh và thương mại thời Hy Lạp hoặc La Mã cổ đại với năm bờ mái chèo ở mỗi bên và moidores là những đồng tiền vàng của Bồ Đào Nha.
Những con thuyền buồm này và sự giàu có của chúng trái ngược hẳn với các con tàu chở hàng (coaster). Từ “coaster” là tiếng lóng chỉ các tàu chở hàng ven biển, với than, chì và “khay thiếc rẻ tiền.” Ở đây không có “Palestine đầy nắng” và “những bờ biển phủ đầy cọ xanh” mà chỉ có eo biển Anh vào tháng Ba. Dường như rõ ràng là góc nhìn lãng mạn của thi hào Masefield về quá khứ một lần nữa được thể hiện. Sự huy hoàng của cánh buồm và sự giàu có của quá khứ tương phản lại với hình ảnh ống khói và hàng hóa tầm thường của hiện tại.
Không được đọc nhiều nhưng không hề bị lãng quên
Theo văn phòng Royal Collection Trust của Anh, vào thời điểm ông qua đời, “Những bài thơ được sưu tầm” của nhà thơ John Masefield đã bán được hơn 200,000 bản, một con số đáng kinh ngạc cho một cuốn sách thơ tại thời điểm đó hoặc bất kỳ thời điểm nào. Những bài thơ tự sự của ông như “Lòng nhân từ trường cửu”, “Dauber,” và “Reynard the Fox” đã thu hút được nhiều độc giả, vì ông thường xuyên tìm đến nguồn cảm hứng từ thiên nhiên và biển cả, hai chủ đề từ lâu đã trở nên thân thiết với trái tim người Anh.
Dù nổi tiếng và có số lượng tác phẩm được bán ra rất nhiều, nhưng hiện nay, các bài thơ của thi hào Masefield hầu như không được biết đến. Hàng ngàn dòng thơ của ông không còn được ưa chuộng bởi [sự nổi lên của] xu hướng thơ tự do hiện đại. Một số chủ đề sáng tác của ông như cuộc sống lang thang, người nghèo ở nông thôn và việc ông sử dụng tiếng lóng cùng ngôn ngữ địa phương lâu đời cũng đã mai một trong thời hiện đại của chúng ta.
Chẳng hạn, trên giá sách của tôi có hai cuốn sách thích hợp cho các lớp văn học trung học nâng cao hoặc các lớp đại học: quyển “Literature”(Văn chương) và quyển “Prentice Hall Literature: The English Tradition”( Văn học Prentice Hall: Truyền thống Anh) của tác giả X.J. Kennedy và Dana Gioia. Quyển đầu tiên có một nghiên cứu ngắn về bài thơ “Cargoes,” trong khi quyển sau, một cách đầy ngạc nhiên, tập trung vào các nhà văn Anh, không đề cập đến bất kỳ điều gì về thi hào John Masefield. Những bài thơ của thi hào Masefield, cũng như những tác phẩm của rất nhiều nhà thơ khác thời đó và bây giờ, ngoại trừ được các học giả văn học và một số người theo chủ nghĩa truyền thống để tâm tìm hiểu, hầu như không thu hút được sự quan tâm của [người sống ở] thời đại màn hình và giải trí điện tử ngày nay.
Chưa hết, những câu từ tôn vinh biển cả của thi hào Masefield được tái hiện ở trên vẫn còn phổ biến, ít nhất là cho đến khi thi ca ngày nay còn phát triển, và nếu không có gì khác, nhiều sinh viên văn chương sẽ bắt gặp các vần thơ về biển cả này. Ngày nay, hãy hỏi một nhà thơ xem anh ta có vui không khi biết rằng sau một thế kỷ, một số dòng thơ của anh vẫn thu hút độc giả, và quý vị có thể chắc chắn rằng anh ta sẽ trả lời đầy thích thú “Tất nhiên rồi!”.
Ngôn từ cho trí huệ
Có lẽ những kho tàng mà thi hào Masefield trân quý cũng đã không còn được ưa thích. Mặc dù ông đã sống đến thế kỷ 20, tri giác [thơ ca] của ông, theo nhiều cách, vẫn còn ở thời kỳ Victoria, không chỉ trong các tác phẩm mà còn trong cuộc sống cá nhân. Ông quý trọng người vợ, người bạn đời của mình trong 56 năm, và hai người con của họ, yêu thích những cánh đồng rộng lớn và rừng cây ở nông thôn hơn những con đường thành phố đầy gạch và đá.
Ông cũng tôn vinh những niềm vui đơn giản trong cuộc sống và giống như rất nhiều nhà thơ, hạnh phúc với những điều bình thường: bình minh, tiếng cười giữa bạn bè, sự tất bật và hối hả của các loài vật thiên nhiên trên cánh đồng vào một ngày mùa xuân.
Trong bài thơ “Tiểu sử,” ông bắt đầu với những dòng sau:
Khi tôi được chôn cất, mọi suy nghĩ và hành động của tôi
Sẽ được đưa vào danh sách gồm ngày tháng và sự việc,
Và rất lâu trước khi xác thịt lang thang này bị thối rữa
Những ngày tháng đã hình thành nên tôi sẽ bị lãng quên.
Sau đó, người kể chuyện dành phần còn lại của bài thơ dài, và đôi khi rối rắm này để ngẫm lại tất cả những gì ông từng làm và chứng kiến: những chuyến hải trình, những con phố đã băng qua, những người ông đã gặp. “Những điều có ý nghĩa trong cuộc sống thật sự nhiều đến mức ít ỏi,” ông quan sát, nhận xét về sự mù quáng của nhiều người đối với những bí ẩn và vẻ đẹp của thế giới.
Nhưng trong khổ thơ cuối cùng, ông nói lên một sự thật thường bị lãng quên:
Hãy tin tưởng những khoảnh khắc hạnh phúc.
Hạnh phúc khiến nhân loại bớt sợ hãi sinh tử hơn
Hạnh phúc ban cho nhân loại lòng trắc ẩn và những góc nhìn mới mẻ.
Những ngày tháng hạnh phúc khiến chúng ta thông tuệ.
“Những ngày tháng hạnh phúc khiến chúng ta thông tuệ.” Chúng ta thường không nghĩ niềm vui có kết nối với trí huệ, nhưng có một dòng thơ có thể khiến chúng ta khắc sâu trong trái tim và tâm trí mình.
Chú thích của dịch giả:
Thiên Thư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times