Giá trị vượt thời gian từ các tác phẩm của nữ văn sĩ Jane Austen
Văn học giúp chúng ta nhận ra phẩm giá căn bản của chính mình.
Tôi đang đọc tiểu thuyết “Kiêu Hãnh và Định Kiến” của nhà văn Jane Austen cho con gái 10 tuổi của mình nghe. Phải thừa nhận rằng mong muốn được xem chuỗi phim ngắn [được chuyển thể từ tác phẩm này] của đài BBC cùng con gái đã lập tức thôi thúc tôi. Rõ ràng là cuốn tiểu thuyết này được sáng tác để sản xuất ra chuỗi phim đó.
Có một quy tắc ở đây là chúng ta cần phải đọc tác phẩm này trước khi xem phim. Chà, con gái tôi vẫn đọc quá chậm để tôi có thể chờ đợi, vì vậy tôi đang đọc cuốn “Kiêu Hãnh và Định Kiến” cho con nghe. Cả hai chúng tôi đều yêu thích cuốn sách này! Tôi nghĩ đến các diễn viên trong khi tôi cố gắng mô phỏng giọng nói của các nhân vật cho từng phần. Con gái tôi cũng đang say mê thưởng thức như tôi vậy.
Con bé có một bộ sưu tập búp bê giấy hình các nhân vật của nhà văn Jane Austen, cháu rất thích vì những con búp bê này mặc những bộ trang phục xinh đẹp và nhìn chung chúng rất đáng yêu. Nhưng những con búp bê giấy vốn chỉ là mặt phẳng hai chiều (theo nghĩa bề mặt nhất). Vì vậy, khi đọc tiểu thuyết, chúng tôi đang thổi hồn vào các nhân vật búp bê này và đưa chúng du hành vào thế giới văn học lôi cuốn hơn.
Tôi thấy mình cần phải giải thích một số quy tắc xã hội cho con gái khi chúng tôi cùng nhau đọc sách.
Phụ nữ không xem truyền hình
Luôn có các lễ nghi trang trọng trong giao tiếp xã hội! Nhưng hành vi đằng sau hậu trường của các nhân vật tiết lộ cho chúng ta thấy rằng dù ở một thời điểm lịch sử nào, một nền văn hóa trên thế giới, hay một địa vị xã hội có đáng kính đến đâu, thì tính cách con người — với điểm mạnh và đặc biệt là điểm yếu — luôn là một hằng số bất biến.
Các nhân vật trong thế giới của nhà văn Austen (luôn là những người đủ giàu để có nhiều thời gian rảnh rỗi) vận trang phục chỉnh tề để dùng bữa tối và sau đó cùng nhau ngồi xem truyền hình. Tôi chỉ đùa thôi; lúc đó còn chưa có truyền hình mà. Bạn có thể nói rằng trong thế giới của nhà văn Jane Austen, phụ nữ không xem truyền hình; họ chính là truyền hình! Đó dường như là toàn bộ lý do họ có mặt trên cuộc đời này. (Còn mục đích tồn tại của các quý ông vẫn chưa xác định được.)
Các quý cô trẻ tuổi trở thành những người “tinh thông nhất” về sở trường chơi đàn piano và ca hát, vẽ tranh và làm thủ công những đồ vật đáng yêu (và có phần hữu ích) để giải trí cũng như để những người xung quanh thưởng lãm — và thường là để điểm tô cho chính họ.
Tôi không đưa ra đánh giá liệu đây là điều tốt hay điều xấu. Ý tôi là, trong thế giới của chúng ta, chúng ta là ai mà phán xét trong khi chúng ta cũng say sưa xem các tập phim truyền hình trên internet?
Nhân vật trong tiểu thuyết của nhà văn Austen cũng chơi bài, đi vòng quanh phòng thể hiện những dáng vẻ lợi thế tuyệt vời của họ, và (có vẻ như hiếm khi) họ đọc sách để giải trí. Tôi chỉ có thể đoán rằng có những quý ông biết biểu diễn âm nhạc, nhưng chủ yếu, chúng ta thường nghe nói về các quý cô nhiều hơn.
Những quý cô chơi đàn hay hoặc tệ — và bạn không thể làm gì hơn về điều đó. Bạn phải ngồi đó và lắng nghe. Ngoài giá trị giải trí của âm nhạc đối với một nhóm xã hội, thì tài năng của một phụ nữ còn mang lại ý tưởng để những người khác bàn tán về giá trị của cô ấy khi nàng không có mặt.
Điện và đĩa nhạc thu âm cũng chưa được phát minh, các quý cô là những người sẽ chơi nhạc cho các buổi khiêu vũ. Và, vì phương tiện truyền thông xã hội chưa ra đời, nên các buổi khiêu vũ là cơ hội chủ yếu để gặp gỡ, thưởng thức, và tán gẫu về những người hàng xóm cũ và mới của một người nào đó.
Cũng giống như chúng ta, họ cũng không đủ phẩm cách để phê bình những người bạn của họ, người quen, và người lạ chỉ vì một hành động khiêu khích nhỏ nhất. Internet chỉ đơn giản là cho phép chúng ta đánh giá mọi người một cách mơ hồ hơn.
Đón tiếp
Và sau đó là diễn biến quen thuộc mà chúng tôi đã đọc trong nhiều cuốn sách thời xưa, đó là các quý cô có những ngày họ đi thăm viếng người khác và có những ngày họ tiếp đón khách tại nhà mình. Các quý cô làm phần việc của mình vào buổi sáng (những người thuộc tầng lớp thấp mà phải làm bất kỳ công việc nào đó), rồi đến buổi chiều, họ thay một bộ váy đẹp và ngồi trong phòng khách chờ đợi những quý cô khác đến thăm.
Mô hình xã hội này khiến tôi không khỏi suy nghĩ về việc sống trong một xã hội được quản lý tốt như vậy sẽ trông như thế nào? Tôi chắc chắn rằng tôi không phải là người đầu tiên vận dụng trí óc của mình vào cách vận hành hệ thống này để mang lại lợi ích cho bản thân.
Đương nhiên, điều đầu tiên cần làm là tìm hiểu xem khi nào mà mọi người tiếp khách [tại nhà của họ] và khi nào họ đi thăm viếng người khác. Sau đó, bạn cần chắc chắn rằng bạn sẽ xếp lịch cùng ngày với những quý cô mà bạn không muốn phải đi thăm viếng cùng họ. Tuy nhiên, điều đó có nghĩa là bạn có thể tình cờ gặp họ tại nhà của người khác vào những ngày bạn đến thăm. Nhưng xác suất này mong manh hơn.
Tất nhiên, điều tiếp theo cần làm là tìm hiểu xem quý cô nào phục vụ món ăn nhẹ ngon nhất. Mặc dù vậy, điều này không chỉ phục vụ cho việc thưởng thức ẩm thực của riêng bạn. Người phục vụ những món ăn ngon nhất sẽ có một lý do đằng sau đó. Cô ấy hoặc là đang thể hiện hoặc là đang cố gắng thu hút mọi người (bởi vì mọi người sẽ biết rằng món ăn của ai là ngon nhất để kết giao và nên tránh né món ăn của ai). Nếu quý cô đó đang cố gắng thu hút mọi người, thì hoặc là vì nếu không thì sẽ không có ai đến thăm cô ấy (thận trọng!), bởi vì cô ấy muốn thu thập thông tin về mọi người để sử dụng trong tương lai (một lần nữa, hãy thận trọng!), hoặc bởi vì cô là người rất vui tính!
Nếu cô thành công trong việc thu hút nhiều người đến nhà vào những ngày cô tiếp khách, thì sau đó, rất có thể, bạn sẽ chạm mặt những người khác ở đó. Vì vậy, bạn nên sắp xếp lịch trình phù hợp và cố gắng không để lộ bất kỳ khuyết điểm nào đáng chú ý, về vẻ ngoài lẫn hành vi — bởi vì những vị khách cần có điều gì đó để tán gẫu. Nếu bạn thích một cuộc tụ họp yên tĩnh hơn, thì bạn có thể chọn thưởng thức những chiếc bánh quy nhạt nhẽo ở nhà của một quý cô trầm tính hơn. Rất có thể quý cô này sẽ tôn trọng các vị khách đến thăm hơn những người khác — trừ khi cô đã cố tình lên lịch tiếp khách của mình vào thời điểm đó để ngăn cản các vị khách đến thăm.
Nếu bạn là một trong những người khao khát sống những ngày bình dị hơn với các hành vi xã hội được quy định chặt chẽ, khi các vai trò và ý định được truyền đạt rõ ràng hơn nhiều so với ngày nay, thì tôi khuyên bạn nên chọn một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Jane Austen. Bạn sẽ khám phá ra đằng sau những chiếc áo choàng dài và những vũ điệu đồng quê, những người trong thời đại của bà Austen cũng gặp khó khăn với những điểm yếu giống như chúng ta thời nay. Trên thực tế, nhân loại luôn khá giống nhau. Thời đại và xã hội không thể được phân chia thành tốt hay xấu, thiện hay ác. Chiến trường nằm trong tâm của mỗi người được sinh ra. Đó là một trận chiến không hồi kết kéo dài trong suốt cuộc đời của mỗi người và điều này đúng cho tất cả mọi người từ Adam cho đến người cuối cùng còn lại trên cõi đời này.
Bên trong trái tim con người
Tiểu thuyết gia Aleksandr Solzhenitsyn đã nói như thế này trong tác phẩm “Quần đảo Gulag”:
“Giá như mọi chuyện đều đơn giản như vậy! Giá như có những ác nhân đâu đó ngấm ngầm làm những việc ác, và chỉ cần tách rời họ khỏi chúng ta rồi loại bỏ họ. Thế nhưng ranh giới giữa thiện và ác nằm ngay ở chính trái tim của mỗi người. Và ai lại sẵn lòng hủy đi một phần trái tim của chính mình kia chứ.”
Tôi thường chạnh lòng khi nghe ai đó lý giải rằng người xưa không am hiểu điều này điều kia như chúng ta biết bây giờ, như thể đơn giản là họ không biết suy nghĩ, hoặc khi những câu chuyện xưa phân chia những người hùng và kẻ ác thành chỉ có thiện hoặc ác. Hoặc [như thể] những người sống ở một nơi chịu nhiều gánh nặng vì nghèo đói hoặc chiến tranh, vốn dĩ họ thiếu mọi lợi thế về công nghệ mà chúng ta cho là đương nhiên trong xã hội của mình, không cảm thấy đau khổ như tôi trước sự ra đi của con họ hoặc vụ đánh bom thành phố của họ, và chỉ bởi vì nơi họ sống không có điện, nên có thể họ không cảm thấy sợ hãi, tị hiềm hay vui sướng, những cảm xúc mà mỗi người đều đã trải qua từ thuở sơ khai của nhân loại?
Một trong nhiều lợi ích của việc đọc những tác phẩm văn học vĩ đại (đặc biệt là văn học được viết vào thời xưa và không chỉ lấy bối cảnh trong quá khứ) là trong tác phẩm đó, chúng ta thấy rằng con người dù ở thời đại nào cũng gặp khó khăn để trả lời những câu hỏi lớn giống nhau, để vượt qua những tội lỗi và thói nhỏ nhen giống nhau mà thời nay chúng ta đang trải qua.
Những câu chuyện hay thổi hồn vào vở kịch của nhân loại diễn ra ở mọi thời đại, trong trái tim của mỗi người. Điều này cũng tương tự với những bộ phim lịch sử được sản xuất công phu và khắc họa một cách chính xác. Thật tốt cho chúng ta khi nhận ra rằng những người cách biệt chúng ta về mặt thời gian và văn hóa cũng có những cảm xúc trần tục của thế nhân mà chúng ta trải qua ngày nay. Điều đó góp phần củng cố bên trong chúng ta sự thật về phẩm giá của con người bằng một cách thức dựa trên trải nghiệm. Chúng ta cũng giống như họ.
Văn học vĩ đại sở dĩ được xem là vĩ đại bởi vì nó đã trường tồn hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm. Giờ đây, chúng ta có được các tác phẩm ấy bởi vì nền văn học đó khơi dậy niềm hứng khởi trong trái tim nhân loại và cho chúng ta nhận ra chính mình. Thông qua đó, chúng ta được dạy để trân trọng trọn vẹn hơn phẩm giá của những người hàng xóm, quá khứ, hiện tại, và tương lai của chúng ta.
Danh sách các tác phẩm văn học vĩ đại quá dài để nêu ở đây, nhưng điều đó có mặt lợi là bạn không bao giờ mất thời giờ khi tìm điều gì đó để đọc. Có những nhà văn như Homer, Dante, Chaucer, Shakespeare, Coleridge, Austen, Hugo, Dickens, Dostoevsky, và nhiều hơn nữa! Khi thời gian trôi qua, nhiều tác phẩm vĩ đại hơn được thêm vào — mặc dù sự vĩ đại của một tác phẩm văn học sẽ được quyết định bởi tính bền bỉ theo thời gian.
Bình An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times