Gặp gỡ nhà hàng hải người Hawaii, ông Nainoa Thompson, người bảo tồn nghệ thuật hoa tiêu cổ xưa
Là một người học về nghệ thuật hoa tiêu cổ xưa của người Polynesia, ông Nainoa Thompson chứng minh rằng việc điều hướng vượt biển Thái Bình Dương chỉ dựa vào bầu trời và biển cả dẫn đường là hoàn toàn khả thi — và có thể gắn kết mọi người với nhau
Ông Nainoa Thompson đã không bắt đầu cuộc hành trình để viết lại lịch sử. Ông chỉ muốn lên đường cho một chuyến phiêu lưu mà thôi.
Thế nhưng ông đã hoàn thành được cả hai điều ấy. Nhiều thập niên trôi qua, hiện giờ ông vẫn là người nổi tiếng nhất ở Hawaii và là một biểu tượng đối với những người đi biển trên khắp thế giới. Dọc hành trình, ông đã học hỏi được một số điều như: Chuẩn bị kỹ lưỡng để vượt qua rủi ro. Hành động mạo hiểm nhất là không làm gì cả. Và đôi khi chỉ có sự hiểu biết thôi cũng chưa đủ, cho dù kiến thức sâu rộng đến đâu.
Nhưng tất cả những điều đó đều đến sau khi ông học được điều gọi là “The Way of the Canoe” (Con Đường Của Chiếc Canoe). Đầu tiên, ông đã ra khơi trong một chuyến phiêu lưu trên một chiếc thuyền buồm hai thân của người Polynesia.
“Tất cả những gì tôi biết là nơi mà tôi muốn đến — ở ngoài đại dương,” ông Thompson kể về thời thơ ấu của mình khi lớn lên ngay bên ngoài vùng Waikiki trong một trang trại bò sữa. Ký ức đầu đời của ông là việc vắt bò sữa hồi mới 5 tuổi. Rồi ngày nọ, một chuyến thám hiểm khám phá đã đưa ông đến Thái Bình Dương, chỉ cách đó một dặm. Cảm giác gắn kết thân thuộc của ông với đại dương hình thành ngay từ lúc đó, và điều đó đã quyết định hướng đi của cuộc đời ông. “Tôi không biết làm thế nào để ra khơi mãi mãi, nhưng tôi biết bằng cách nào đó, điều đó sẽ sớm diễn ra thôi.”
Tái khám phá
Hóa ra, cuộc phiêu lưu đại dương đích thực đầu tiên của ông Thompson vào năm 1976, khi ông 22 tuổi, không chỉ là một cuộc phiêu lưu kỳ thú; mà chuyến đi này còn khiến người phương Tây thay đổi hoàn toàn thái độ của họ đối với việc định cư của người Polynesia ở Thái Bình Dương. Giăng buồm từ Hawaii đến Tahiti trên một chiếc thuyền buồm hai thân đi biển truyền thống, chỉ dựa vào việc quan sát mặt trời, các vì sao, gió, những ngọn sóng, và dòng hải lưu để định hướng — một nghệ thuật cổ xưa được gọi là hoa tiêu — ông và những người bạn trong nhóm của mình đã chứng minh rằng từ xa xưa, người Polynesia đã vượt qua đại dương lớn nhất Trái Đất một cách điêu luyện và đầy thận trọng để tìm ra những xứ xở mới. Khoảng 1,500 năm về trước, hành trình của những người Polynesia cổ xưa đã kết thúc tại quần đảo Hawaii, quê nhà của ông Thompson.
Mặc dù những lịch sử truyền miệng và một số lập luận logic khá rõ ràng đã chỉ ra rằng trên thực tế đó là các truyền thuyết của người Polynesia, nhưng từ lâu các nhà nhân chủng học phương Tây đã bác bỏ ý tưởng đó. Không có la bàn, không dùng kính lục phân, không xem bản đồ sao? Thật vô lý. Một số người chế giễu ý tưởng đó như một câu chuyện hư cấu thuở sơ khai, khi lập luận rằng việc những người định cư bản địa này có mặt trên hầu hết các hòn đảo trên đại dương lớn nhất thế giới chỉ là do ngẫu nhiên và những cơn gió bão đã đưa họ đến đó. Vào những năm 1950, giáo sư nhân chủng học người New Zealand, ông Andrew Sharp, đã bác bỏ ý tưởng về những chuyến đi có chủ ý này, cho rằng đó là chuyện vô lý.
Sau đó, vào đầu những năm 1970, một nhóm do nghệ sĩ người Hawaii bản địa là ông Herb Kane và nhà nhân chủng học trẻ cấp tiến, ông Ben Finney, dẫn đầu đã quyết định chứng minh rằng giáo điều học thuật kia là sai. Một cuộc tìm kiếm kéo dài nhiều năm đã đưa họ đến gặp gỡ người dẫn đường vĩ đại cuối cùng trên trái đất, ông Mau Piailug, trên hòn đảo nhỏ Satawal ở đảo quốc Micronesia. Họ đã chế tạo một chiếc thuyền buồm hai thân kiểu Polynesia dài 61 feet (tương đương 18,6 mét) có tên là Hokule‘a: “Ngôi sao của Niềm hân hoan.” Họ nhờ ông Piailug dạy họ cách tìm đường, và dẫn dắt họ trên hành trình đến Tahiti cách đó 2,750 dặm.
Chính vào năm 1976; ông Thompson đã lên tàu với tư cách là một hoa tiêu tập sự, và những xung đột bạo lực giữa các thủy thủ đoàn đã ngăn họ không thể đưa con thuyền Hokule‘a trở lại Hawaii bằng cách sử dụng phương pháp tìm đường cổ xưa. Khi ông Piailug quay trở lại Micronesia, chiếc thuyền buồm hai thân đó đã trở về quê nhà bằng cách sử dụng cách thức điều hướng kiểu hiện đại, và có vẻ như cuộc phiêu lưu này đã kết thúc.
Khởi hành trên chuyến đi tự thân
Ông Thompson vẫn chưa sẵn lòng bỏ cuộc. Bốn năm sau, sau khi chuyên tâm nghiên cứu các kỹ thuật của ông Piailug, ông đã điều khiển chiếc Hokule‘a đi đến Tahiti và quay về với vai trò là hoa tiêu trưởng — một lần nữa chỉ dựa vào các vì sao, hướng gió, dòng hải lưu, và những ngọn sóng làm phương tiện dẫn đường. Trong chuyến đi này, ông Piailug giữ vai trò cố vấn chứ không phải là trưởng đoàn. Sau 600 năm đã có một cuộc hành trình đầu tiên như thế, nhưng đó không phải là một trò đùa.
Đầu tiên, ông Thompson phải thuyết phục ông Piailug dạy ông cách tìm đường. Sau đó là nhiều năm nghiên cứu bản đồ các chòm sao và biểu đồ của những con sóng biển, những dòng hải lưu, và hướng gió chủ đạo — thường được vẽ trên cát ở các bãi biển của rìa Thái Bình Dương. Nhiều năm học cách quan sát những chú chim và đường bay của chúng. Cách đo tốc độ của một con thuyền bằng cách đếm vô vàn các bong bóng trong nước khi chúng lướt qua thân tàu. Cách cảm nhận hướng của sóng biển động ở đại dương bên dưới con thuyền hai thân, và phân biệt với những con sóng bề mặt — một nghệ thuật mà một nhà hàng hải bậc thầy có thể luyện tập ngay cả khi đang thiếp ngủ dưới boong tàu.
Ông đã hoàn toàn say mê sau khi học được những điều này.
“Tôi sẽ dạy cho anh cách đi và quay về, ông Mau nói với tôi, nhưng tôi sẽ không bao giờ dạy anh phép thuật,” ông Thompson nhớ lại. “Anh phải tự mình tìm ra điều đó. Và đó là điều dành cho tôi kể từ thời khắc đó — sự kỳ diệu của những vì sao và những con thuyền.”
Vài năm sau chuyến đi đến Tahiti và trở về của họ vào năm 1980, ông Thompson và những người đồng hương của mình tại tổ chức Polynesian Voyaging Society (PVS, do hai ông Kane và ông Finney sáng lập) đã lái thuyền Hokule‘a và chiếc thuyền ‘chị em’ tên Hikianalia đến Rapa Nui (Đảo Phục Sinh); đến Rarotonga; New Zealand; và California.
Trong suốt hành trình ra khơi hàng ngàn dặm đó, ông Thompson và những người bạn trong nhóm của mình đã nhận ra rằng chuyến hải trình Hawaii không chỉ giúp chứng minh các thế hệ học giả Âu Châu trước đây đã sai lầm. Các chuyến đi của tổ chức PVS (Polynesian Voyaging Society) đã giúp khơi dậy “Thời kỳ Phục hưng của người Hawaii,” làm sống dậy mối quan tâm với nền văn hóa truyền thống trên đảo, từ ẩm thực đến ngôn ngữ cho đến các bài hát và điệu nhảy và thực hành tâm linh. Vào thời điểm chiếc thuyền Hokule‘a ra khơi lần đầu tiên, tiếng Hawaii đã được giảng dạy tại khoa ngoại ngữ của Đại học Hawaii. Ngày nay, nhiều học sinh gốc Hawaii được giáo dục bằng ngôn ngữ của tổ tiên họ cho đến lớp năm. Sau thành công của chiếc Hokule‘a, các hòn đảo khác đã thành lập các nhóm chuyên đóng thuyền buồm hai thân và ra khơi trên những chiếc thuyền của họ. Kỹ năng hoa tiêu này đã được dạy ở các lớp học, thậm chí cả trong lớp thiên văn học hàn lâm. Các khóa dạy điều hướng cũng nhiều lên, đầu tiên là do tổ chức PVS tài trợ, sau đó lan sang các nhóm và địa phương khác. Ông Thompson không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục kỹ năng hoa tiêu, mà còn là một bên cốt yếu trong một chiến dịch phối hợp nhằm thu hút phụ nữ trẻ đến với môn nghệ thuật này. “Đây là một kỷ nguyên mới,” ông Thompson giải thích.
Ngày nay, ở Hawaii, có hàng chục nhà hàng hải đạt tiêu chuẩn để dẫn đường cho các chuyến vượt đại dương theo cách truyền thống. Vai trò của họ không chỉ là dẫn dắt tàu thuyền, mà còn giúp định hình tư tưởng phổ biến về biển cả. “Quan điểm cổ điển của phương Tây về đại dương là biển cả đang chia cắt chúng ta,” ông Timothy Lara, một nhà hàng hải ở Maui, cho biết. “Theo góc nhìn của người Polynesia, thì đại dương gắn kết chúng ta.”
Vào năm 2013, 33 năm sau chuyến hải trình đột phá năm 1980 đó, ông Thompson, hiện là chủ tịch của PVS, đã dẫn đầu một chiếc Hokule’a đi vòng quanh thế giới trên một hành trình mang tên Malama Honua (nghĩa là “care for Earth”: “quan tâm đến Trái Đất”), hành trình này đã đi qua tổng cộng 40,000 dặm, 150 bến cảng, và 18 quốc gia. Con thuyền Hokule‘a trở lại Waikiki hồi tháng 06/2017 và có 20,000 người đã chào đón sự trở lại này.
Những hành trình tương lai
Thế nhưng ở tuổi 68, ông Thompson vẫn chưa dừng lại. Năm 2023, con tàu Hokule’a sẽ rời Hawaii một lần nữa để đi vòng quanh Thái Bình Dương, một hành trình dài 41,000 dặm đến 46 vùng đất và 345 bến cảng sẽ kéo dài trong 42 tháng — một hành trình gần giống với hành trình của các thủy thủ Polynesia cổ đại vào thời kỳ mà các nhà thám hiểm Âu Châu hầu như không bao giờ giong buồm ra khơi xa hơn tầm nhìn từ đất liền.
Nhưng “phép thuật,” đối với ông Thompson, là gồm một số điều gần như trái ngược với cách hiểu thông thường của thuật ngữ đó. Là một người cẩn trọng, tinh gọn, cân nhắc cẩn thận cả trong lời nói lẫn hành động, ông ứng phó với những rủi ro bằng sự chuẩn bị kỹ càng — thể hiện qua những năm tháng ông học cách tìm đường dưới sự hướng dẫn của ông Piailug hay, thậm chí đáng chú ý hơn, là việc chạy đà cho chuyến đi vòng quanh thế giới bằng đường biển của chiếc thuyền Hokule‘a. Ông Thompson nói rằng quá trình chuẩn bị vất vả, tẻ nhạt là chìa khóa dẫn đến thành công trong những hành trình mạo hiểm vốn có nhiều rủi ro như thế.
“Tôi sẽ kinh qua những việc như lập biểu đồ một hướng đi hàng triệu lần trong đầu,” ông giải thích. “Việc tôi mất quá nhiều thời gian như vậy khiến mọi người nản lòng. ‘Malama Honua’ mất 37 tháng lênh đênh trên mặt nước, nhưng đó thực sự là một chuyến đi kéo dài 10 năm vì trước đó là hơn 6 năm chuẩn bị.” Nhiều người lập luận rằng chuyến hải trình này hoàn toàn không nên được thực hiện — quá nguy hiểm — nhưng ông Thompson đã phản bác rằng mối nguy hiểm lớn nhất là không làm gì cả. Trong suốt hành trình này, ông đã từ chối cho chiếc Hokule‘a lên một con tàu chở hàng để băng qua những vùng nước nguy hiểm nhất quanh Nam Phi.
Ông Thompson chất vấn những người phản đối ông: “Cơn bão hay là cướp biển, chuyện nào là nguy hiểm hơn — hay buộc chặt Hokule‘a vào bến tàu vì chúng ta quá sợ hãi để ra khơi?”
Giờ đây, khi ông Thompson và tổ chức PVS sẵn sàng để giong buồm vòng quanh Thái Bình Dương, từ Alaska đến New Zealand đến Nam Mỹ, ông càng kiên quyết hơn bao giờ hết rằng việc thực hiện các chuyến phiêu lưu phải thể hiện được mục đích và giá trị — chẳng hạn như, nhận được sự công nhận chung. Giống như hầu hết người bản địa ngày nay, di sản của ông Thompson để lại là rất to lớn, đối với cả người Hawaii và người Âu Châu. “Hàng hải không chỉ đơn thuần là giong buồm ra khơi,” ông Thompson lập luận. “Nhân loại cần xích lại gần nhau dựa trên các giá trị chung. Thế giới này xứng đáng với điều đó, và chúng ta không có vùng đất nào khác.”
Giống như tất cả những nhà lãnh đạo vĩ đại thực thụ, ông có một khả năng đặc biệt trong việc làm gương và truyền đạt những chân lý phổ quát theo cách rất cuốn hút mọi người. Ông cân bằng sự rủi ro và sự thận trọng một cách khôn ngoan, nhưng lại từ chối sự an toàn giả tạo.
“Điều tôi trân trọng nhất là nhà và gia đình,” ông nói. “Và thực sự, đó là toàn bộ hành tinh của chúng ta. The Way of the Canoe đưa ra một lộ trình khá tốt cho xã hội nhân loại.”
Vì vậy, nếu bạn yêu cầu ông Thompson đặt tên cho di sản của mình, câu trả lời của ông rõ ràng như chính cuộc sống của ông vậy.
“Tôi đứng về phía những điều quan trọng.”
Wa’a – Con đường của chiếc thuyền buồm hai thân
Thục Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times