Bình phẩm sách: ‘Tiếng Gõ Vang Của Máy Đánh Chữ: Nhớ Về Nghề Báo’
Một hồi ức đẹp đẽ về ‘Thời Hoàng kim’ của nghề báo
“Tiếng Gõ Vang của Máy Đánh Chữ” là một phần hồi ký của tác giả Lance Morrow, gần như là bảng tiểu sử của nhà đồng sáng lập tạp chí Time Henry Luce, và tựa như một bài điếu văn dành cho ngành báo chí. Cuốn sách này tràn ngập nỗi hoài niệm và gợi lên một cảm giác đau buồn cho giai đoạn mà ông gọi là “Thời Hoàng kim” đã qua từ lâu của báo chí và những người đã góp phần làm nên thời kỳ hoàng kim ấy.
Tác giả Morrow được biết đến nhiều nhất với công việc xuất sắc của ông tại tạp chí Time trong vai trò là một nhà viết tiểu luận, và đoạn thời gian ông làm việc tại tạp chí này là nơi ông đã trải qua phần lớn những hồi ức của mình. Nhan đề “Tiếng Gõ Vang Của Máy Đánh Chữ” và phụ đề “Nhớ về nghề báo chí” biểu thị các yếu tố chủ đề của cuốn sách này. Cuốn sách là một cuộc thảo luận với độc giả về việc báo chí đã từng là một nghề cao quý như thế nào (“công việc thiêng liêng” theo cách nói của ông Morrow) được ủng hộ bởi các nhà văn tài năng, những người theo đuổi việc viết lên sự thật (“tính tôn nghiêm của sự thật, được phân tích một cách công bình”) cho một số đông độc giả sẽ dành thời gian để đọc những nội dung đó.
Mặc dù tác giả vô cùng cẩn trọng khi viết về thế kỷ 20, nhưng ông ám chỉ về sự suy tàn (nếu không muốn nói là sự sụp đổ) trong thế kỷ này của tất cả những điều đã đề cập ở trên: nghề báo, những nhà văn, và những độc giả.
Sự ám chỉ này khiến chúng ta tưởng rằng cuốn hồi ký đó là một thời kỳ của một chuỗi liên tiếp các sự kiện đáng tiếc dẫn đến tình trạng báo chí hiện nay, nhưng thực tế lại không như vậy. Đó là một tác phẩm đáng yêu, cách trình bày đậm tính nghệ thuật, đôi khi hài hước, hấp dẫn xuyên suốt, và trung thực trong phần bình phẩm của mình về các nhà văn và các biên tập viên trong quá khứ, cũng như về chính bản thân ông. Cuốn hồi ký này là một chuyến hành trình đi qua các sự kiện quan trọng được trình bày bởi những nhà văn miệt mài, những người sở hữu tính cách tuyệt vời, ngay cả khi nhân vật đó uống rất nhiều rượu. Ông Ernest Hemingway, người thường được nhắc đến trong tác phẩm này, đã tuyên bố: “Viết khi say. Biên tập khi tỉnh táo.” Điều đáng thú vị là, ông Luce không hề cảm thấy có vấn đề gì với quy trình đó.
Một cách tiếp cận mang tính văn chương đối với báo chí
Hồi ký của ông Morrow, như đã đề cập ở trên, là một cách tiếp cận từ nhiều khía cạnh đối với một khái niệm: ngành báo chí. Ông nâng tầm báo chí lên thành một phương tiện của chủ nghĩa lịch sử, mặc dù phủ nhận ý kiến cho rằng báo chí là “bản thảo đầu tiên của lịch sử.” Cuốn sách đồng thời là một cuộc điều tra trí tuệ về ý nghĩa và mục đích của báo chí, cũng như những lý do tại sao các nhà văn chọn nghề báo dẫu chỉ nhận được mức thù lao thấp và, đôi khi, làm giảm vị thế các biên tập viên.
“Tiếng Gõ Vang của Máy Đánh Chữ” là một sự tương phản thường hằng giữa sự hư cấu về nghề báo chí được mô tả trong phim ảnh (“It Happened One Night” [Chuyện Xảy Ra Trong Một Đêm] and “Citizen Kane” [Công dân Kane]) và những cuốn sách như “A Farewell to Arms” (Giã Từ Vũ Khí) và hiện thực của nghề báo. Điều này không có nghĩa là cả hai điều này ― các phiên bản hư cấu và phi hư cấu ― không thể đan xen vào nhau. Chúng có thể, như tác giả đã bày tỏ, đôi khi ở dạng bi kịch ― bi kịch đối với các nhà văn, giống như nhân vật Otto Friedrich thường được nhắc đến, người “đã chuyển từ văn học sang báo chí thể thao.” Tôi được gợi nhắc đến một dòng trong tác phẩm “For Whom the Bell Tolls” (Chuông Nguyện Hồn Ai) của tác giả Hemingway, trong đó ông viết: “Tôi là một ký giả. Nhưng giống như tất cả các ký giả, tôi mong muốn sáng tác văn học.”
Ông Morrow lưu ý rằng “một số tác phẩm báo chí đã được nâng tầm lên đến vị trí của văn học và, các tác phẩm như vậy, còn vẹn nguyên giá trị.” Có vẻ như, chính khát vọng hay “sự nâng tầm” đó đã thúc đẩy nhiều đồng nghiệp của ông Morrow viết một cách sốt sắng, chân thực, và đẹp đẽ. Và chính chiếc máy đánh chữ, hay cảm giác êm ái có được nhờ tiếng gõ lách cách và nhịp điệu của nó, đã giữ cho những chàng trai và cô gái vàng kim này tiếp tục viết lách.
Nghề báo và Sự thật
Như được trình bày trong cuốn sách, các đồng nghiệp của ông Morrow đã mong muốn nói lên sự thật về một chủ đề. Các cây bút Norman Mailer, John Hersey, Walter Isaacson, Joan Didion, cùng với chính ông Morrow và một nhóm người khác đã trình bày một phiên bản của sự thật mà tác giả cuốn sách này chia thành hai phạm trù, hay đúng hơn, là hai định nghĩa của người Nga: “pravda” (sự thật của con người) và “istina” (sự thật của Thượng Đế). Ký giả thế kỷ 20 này đã bị lôi kéo theo cả hai hướng, cố gắng trình bày “sự thật khó khăn, trần tục, thông thường” (pravda) và “sự thật thuần túy của vạn vật, sự thật nội tại, sự thật thi vị” (istina). Đó là một ranh giới đầy khó khăn và gây nhiều tranh cãi để giữ cân bằng.
Ông Morrow nêu lên cho chúng ta thấy những cố gắng trung thực trong nghề báo đã giữ cho ký giả trong tầm kiểm soát và tiểu thuyết gia trong chừng mực bằng cách đan xen pravda và istina vào với nhau mà không nhập nhằng cả hai. Sự cám dỗ đối với các ký giả, mà ông thừa nhận đã có kể từ khi tạp chí Time được thành lập, là đắm chìm vào một câu chuyện kể lại ở ngôi thứ nhất mang tính miêu tả, mà ông nhận thấy là rỗng tuếch và tự phụ, như thể rằng độc giả cần phải biết chủ thể mà ký giả mô tả dùng bữa sáng loại gì. Điều ấy mang lại cho các ký giả sức mạnh của istina vì sự hiện diện của họ (ngay cả khi họ không có mặt), và vì lý do đó, sức mạnh này mang lại một sự bày tỏ ý kiến cho người viết và mang lại một nhận thức sai lệch về sự thật cho người đọc. Ông Morrow nhận định hình thức báo chí này là kiểu viết với “sự nhiệt tình” ― một sự cám dỗ để các biên tập viên đòi hỏi và để các nhà văn sáng tác. Ông cũng lưu ý rằng “sự sống động được kích thích quá đà ở mật độ cao” này là một “tội lỗi.”
Nền báo chí trung lập chính trị
“Tiếng Gõ Vang của Máy Đánh Chữ” là một lời kêu gọi rõ ràng để trở về một phiên bản báo chí trung thực hơn, ít hiểm ác hơn, một phiên bản nơi các nhà văn từ khắp các đảng phái chính trị viết báo để bảo vệ sự thật. Đó đã là thời điểm tòa soạn báo cân bằng hơn về mặt tư tưởng, với các nhà văn thiên tả và các biên tập viên theo phái bảo tồn truyền thống. Tạp chí Time dưới thời ông Luce chính là như vậy. Nhà sáng lập tạp chí này, người được bàn luận nhiều đến thế (nếu không muốn nói là hơn cả chính ông Morrow), là một thành viên Đảng Cộng Hòa mà, như tác giả đã nói, “ngưỡng mộ những cấp dưới không vâng lệnh ông ấy ― và ông còn ngưỡng mộ bản thân mình hơn vì đã chiêu mộ họ.” “Sự dung nhẫn” mà ông Luce đã thể hiện với những nhân viên của mình này rất có thể xuất phát từ thực tế rằng ông “có lẽ là một phóng viên giỏi hơn bất kỳ ai làm việc cho ông” và rằng “sự cao thượng của ông ấy với tư cách là một ký giả không liên hệ gì đến quan điểm chính trị hay hệ tư tưởng của ông”.
Ấn tượng mà ông Luce tạo ra đối với sự nghiệp của ông Morrow là không thể phai mờ cũng như ấn tượng mà ông đã tạo ra đối với xã hội Mỹ. Việc ông thành lập các tạp chí Time, Life, Fortune, và Sports Illustrated là đủ để nói với độc giả về tầm ảnh hưởng xã hội của ông. Ảnh hưởng của ông đối với ngành báo chí cũng vậy. Ông Morrow đã viết về ông Luce là “chìa khóa để thông hiểu nền báo chí của thế kỷ 20.”
Hồi ức như một phép ẩn dụ
“Tiếng Gõ Vang của Máy Đánh Chữ” cũng là chìa khóa để hiểu về nền báo chí trong thế kỷ 20. Cuốn sách này lướt qua một cách tường tận những tháng ngày tươi đẹp nhất của ngành báo chí và đối chiếu sự suy tàn của báo chí hiện đại với sự suy giảm tính liêm chính báo chí ở tạp chí Time. Nhưng ông Morrow đề cập rằng, theo nhà sử học Hy Lạp cổ đại và vị tướng Thucydides, “mọi thứ biến mất vào xứ sở thần thoại” và cách mà “tạp chí Time đã đẩy nhanh quá trình đó như thế nào.”
Toàn bộ cuốn sách này mang tính ẩn dụ theo một ý nghĩa rằng tất cả mọi thứ đã lùi vào quá khứ, bị lãng quên, sẽ được gọi trở lại, và được biểu thị như một đài tưởng niệm về những gì mà chúng đã từng là, có lẽ thậm chí còn tốt hơn chúng của trước đây. Những bộ phim cũ, những cố nhà văn, công nghệ lỗi thời, “Thời Hoàng kim” của báo chí ― tất cả đều là huyền thoại, nhưng đáng để khắc cốt ghi tâm.
‘Tiếng Gõ Vang của Máy Đánh Chữ: Nhớ Về Nghề Báo’
Hữu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times