Người bảo tồn những vật liệu mỹ thuật quý hiếm
Một cặp vợ chồng Mỹ quốc theo đuổi sứ mệnh bảo tồn và cải tiến truyền thống sản xuất màu sơn vẽ tranh có tuổi đời hàng thế kỷ
Trong suốt hơn 30 năm, ông George O’Hanlon đã sản xuất màu sơn vẽ tranh và tìm kiếm những màu sắc tự nhiên cũng như các dung môi pha màu, mong muốn của họ là tìm ra các phương pháp và công thức tốt nhất để truyền lại cho các họa sĩ chuyên nghiệp. Khát khao tìm kiếm đó đã đưa đi ông đi vòng quanh thế giới, tới những nơi ông có thể gặp gỡ những họa sĩ đồng nghiệp cũng như những người nhiệt thành có cùng niềm đam mê nghệ thuật hội họa và sản xuất màu sơn giống như ông.
Vừa bắt đầu hành trình tìm kiếm, ông George đã phải lòng một người phụ nữ. Và hiện tại ông và vợ, bà Tatiana Zaytseva, trợ giúp cho nhiều họa sĩ trên toàn thế giới thông qua hãng Natural Pigments — công ty của họ có trụ sở tại California.
Từ nghiên cứu ngành ‘Hình tượng học’ đến hãng Natural Pigments
Ông George đã gặp bà Tatiana ở nước Nga trong các chuyến đi vào cuối những năm 1990 để học thêm về ngành hình tượng học (iconography). Cùng thời điểm đó, ông George cũng đang điều hành một công ty quảng cáo của riêng mình, nơi mà sau khi tốt nghiệp đại học vào những năm 1970, ông giữ vai trò họa sĩ vẽ tranh minh họa — đây là lựa chọn nghề nghiệp khả thi duy nhất dành cho nghệ sĩ tả thực.
Ông George bắt đầu yêu thích vẽ hình tượng sau khi ông nhận được một bài tiểu luận về nghệ thuật thời trung cổ, thời đại nghệ thuật mà ông chưa bao giờ thật sự hứng thú hay hiểu rõ. Khi tìm hiểu nhiều hơn về nghệ thuật thời kỳ đó, ông đã phát hiện rằng lĩnh vực hình tượng học mang đến một góc nhìn thú vị về nhân loại và cảm thấy thôi thúc phải đến nước Nga để học tập trực tiếp từ những họa sĩ và các chuyên gia về hình tượng học.
Cùng với bà Tatiana, ông đã thành lập tổ chức bất vụ lợi Iconofile để hướng dẫn cho các họa sĩ mọi kiến thức mà vợ chồng ông học được về truyền thống vẽ tranh hình tượng. Công việc của đôi vợ chồng cùng với tổ chức Iconofile đã tạo bước đệm mở đường cho công ty Natural Pigments của họ sau này.
Sản xuất màu sơn
Họa sĩ biểu tượng chủ yếu sử dụng màu keo (egg tempera: một dạng màu nước mau khô, hỗn hợp của chất màu và các chất kết dính dễ hòa tan trong nước như lòng đỏ trứng) để vẽ. Ông George nhận thấy rằng những vật liệu truyền thống được các họa sĩ hình tượng sử dụng hoạt động theo cách khác biệt với những vật liệu hiện đại mà ông đã quen thuộc. Khi đó, ông George đang vẽ bằng sơn dầu, vì tò mò, ông bắt đầu tạo ra các màu sơn dầu của riêng mình và cũng phát hiện rằng chúng khác với những loại sơn thương mại mà ông từng sử dụng. Ông không hiểu vì sao chúng lại khác nhau như vậy và muốn tìm hiểu thêm về điều này.
Trước đó, ông George từng làm việc trong một tập đoàn hóa chất Nhật Bản. Vì vậy, áp dụng những kiến thức về hóa học, ông đã bắt đầu nghiên cứu về loại sơn tự làm. Ông chỉ tìm được một số bài báo nghiên cứu nói về tính lưu biến của sơn (phản ứng của sơn). Khi khám phá ra những phương pháp sản xuất màu sơn của những bậc thầy cổ xưa, những phát hiện này đã khiến ông chấn động. “Tôi đã phát hiện ra cách họ tạo ra màu sơn đã làm thay sự tương tác của sơn,” ông nói.
Các bậc thầy cổ xưa đã sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc không chỉ nhờ đến kỹ pháp hội họa và cách sử dụng sơn tinh tế, mà còn bởi vì họ đã tự mình làm ra màu sơn và có hiểu biết sâu sắc về những công cụ cũng như vật liệu của họ.
Ông George tin rằng bằng cách tạo ra những màu sơn của riêng mình, những bậc thầy cổ đại này đã tiết lộ bí mật về thuật giả kim trong hội họa — một điều mà hầu hết các họa sĩ thời nay không còn cơ hội trải nghiệm nữa.
Lắp ghép hay Sáng tạo trong Hội họa?
Rất nhiều họa sĩ thời nay không am hiểu về sơn. Họ phụ thuộc vào loại sơn thương mại được đóng gói sẵn trong một tuýp màu. Ông George nhận thấy đây chính là một bất lợi đáng kể đối với họ. Ông so sánh những họa sĩ ấy như những đầu bếp đến siêu thị mua vài lọ nước sốt [pha sẵn] và một số nguyên liệu để chuẩn bị bữa ăn vậy. Họ không phải đang chế biến; mà là đang lắp ghép chúng lại với nhau. “Bạn hãy thử tượng tượng một đầu bếp ngay từ ban đầu đã không biết cách pha chế nước sốt, hoặc không biết làm thế nào để nấu một món ăn từ những nguyên liệu căn bản,” ông nói.
Ngày nay, các họa sĩ không tự thử nghiệm để sản xuất ra màu sơn như các họa sĩ thời trước, bởi vì họ đã không được học cách làm sơn ở trường đại học, và họ cũng không thể dễ dàng tiếp cận với các nguồn nguyên vật liệu để làm ra sơn.
Bà Tatiana nói rằng, về căn bản, mỗi khi họa sĩ mua một tuýp sơn, thì họa sĩ đó đang bị hãm vào ý tưởng về màu sơn và thành phần được tạo ra bởi một người khác. Các công ty bán sơn thương mại kiểm soát việc thử nghiệm, và điều này thường bị giới hạn theo nhu cầu của thị trường.
Truyền thống tự làm sơn vẽ tranh
Trong quá khứ, cha mẹ phải trả học phí cho thầy để con cái của họ được học việc. Học sinh được sống trong môi trường nghệ thuật của thầy và quan sát các họa sĩ khác trong xưởng. Những đứa trẻ bắt đầu học việc ở độ tuổi từ 8 đến 12 tuổi, và sẽ thuần thục khi chúng 18 tuổi.
Tuy nhiên họa sĩ ngày nay không có trải nghiệm hòa mình trọn vẹn vào không gian nghệ thuật như vậy. Ông George nhận thấy rằng nhiều họa sĩ có trình độ đại học đang gặp khó khăn bởi vì họ chủ yếu được dạy về các lý thuyết nghệ thuật, và họ không có cơ hội quan sát việc sáng tạo nghệ thuật trong thực tế.
Đáng chú ý là, ông George đã từng gặp nhiều họa sĩ có đến 40 năm tuổi nghề nhưng lại không có kiến thức căn bản về hội họa. Ông nhấn mạnh rằng họ không phải là họa sĩ dở. Do lỗ hổng trong việc đào tạo nghệ thuật thực tiễn, nên họ phải tự mình học tập những kiến thức căn bản và tìm giúp đỡ từ những chuyên gia như ông George.
Nghệ thuật cảm thụ
Những họa sĩ thời xưa có kỹ năng quan sát phi thường. Họ không có kiến thức khoa học để hiểu vì sao màu sơn phản ứng theo một cách cụ thể, nhưng họ học hỏi thông qua việc sử dụng các giác quan của mình và áp dụng vào thực tế, ông George nói. Ví dụ như, trong bức đa liên họa Ghent Altarpiece, danh họa Jan van Eyck vẽ các nhân vật đứng gần Đức Mẹ Maria bằng cách dùng hai lớp sơn có cùng sắc tố. Ông George giải thích rằng mỗi lớp sơn có kích thước hạt sắc tố khác nhau. Danh họa van Eyck, một bậc thầy về quang học, hiểu rằng những sắc tố đó đã giúp ông tạo được độ mờ đục (opacity) mà ông muốn có.
Tương tự như vậy, những chuyên gia tại National Gallery of Art ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn gần đây đã phân tích tranh của họa sĩ Vermeer. Họ nhận thấy rằng ông đã sử dụng đến bốn sắc tố vàng khác nhau để vẽ ống tay áo màu vàng lấp lánh của người phụ nữ trong tác phẩm “A Lady Writing.”
Vào những năm 1950, khoa học đã đuổi kịp những gì mà các bậc thầy cổ xưa như danh họa van Eyck đã nhận ra từ 500 năm trước: Cách thức ánh sáng tán xạ khi phản xạ trên những môi trường chất liệu khác nhau.
Ông George giải thích rằng vào năm 1952, nhiều nhà khoa học đã lấy một mẩu sơn gồm ba lớp mỏng từ chiếc áo choàng lộng lẫy màu xanh dương đậm của Đức Mẹ Mary trong tác phẩm Ghent Altarpiece của danh họa van Eyck. Ngạc nhiên thay, ông van Eyck đã có thể tạo được màu xanh dương đậm bằng cách sử dụng ba lớp màu sơn rất mỏng manh. Khi phân tích những lớp sơn đó, các nhà khoa học nhận thấy rằng thứ tự của các lớp sơn là không giống với bình thường. Ông đã thay đổi lớp màu cuối cùng trong những lớp màu xanh dương đó bằng một lớp màu keo xanh lam mỏng – không phải sơn dầu – đây cũng là một điểm đáng chú ý khác của bức tranh này. (Đối với sơn dầu, màu xanh dương có chiều hướng phai màu, nhưng với màu keo thì không). Danh họa van Eyck chỉ có thể đạt được màu xanh dương đậm lộng lẫy cho chiếc áo choàng của Đức Mẹ Maria bằng cách dùng một số sắc tố theo một thứ tự đặc biệt.
Nghệ thuật trường tồn
“Các bức tranh thay đổi theo thời gian. Điều đáng ngạc nhiên là những bức tranh có tuổi đời 500 năm lại có diện mạo trông giống hệt như lúc mới được vẽ xong,” ông George nói.
Hiệp Hội Thử Nghiệm và Vật Liệu Hoa Kỳ (ASTM) Quốc Tế đặt ra những bộ tiêu chuẩn cho các loại vật liệu ở Hoa Kỳ. Khoảng bốn năm trước, các nhà khoa học đã có một khám phá đáng giật mình có thể khiến cho một số bức tranh, chủ yếu là từ thế kỷ 20 trở đi, rơi vào tình huống nguy hiểm. Họ đã phát hiện rằng một số loại sơn từng được định nghĩa là bền màu lại thật sự có thể bị phai màu.
“Đó chính là một cơn khủng hoảng mà không ai đề cập đến,” ông nói.
Bởi kết quả của khám phá này, hãng Natural Pigments là một trong số ít các công ty đã tiến hành kiểm tra lại độ bền màu với ánh sáng của tất cả các loại màu của họ. Natural Pigments đã tìm ra một số sai sót với hai loại màu, cả hai công thức hiện đại này là trái ngược với những tiêu chuẩn của ASTM. Công ty này tin rằng các loại sơn còn lại của họ đều bền màu vì được sản xuất bằng rất nhiều các vật liệu truyền thống, đã được nhiều họa sĩ sử dụng và kiểm nghiệm qua hàng nhiều thế kỷ.
“Tác phẩm The Ghent Altarpiece [được vẽ từ thế kỷ 15] thực sự đã không cần bất kỳ sự can thiệp nào cho đến giữa thế kỷ 20, đó là một điều đáng ngạc nhiên,” ông George nói.
Phản ứng hóa học trong sản xuất màu sơn
Tại Natural Pigments, ông George và bà Tatiana hướng dẫn các họa sĩ chuyên nghiệp cách tự làm màu sơn, và họ bảo đảm rằng tất cả các nguyên vật liệu đều sẵn có để mua. Họ cũng bán những loại màu sơn và dung môi đã làm sẵn, tuy nhiên họ nhấn mạnh rằng khi các họa sĩ hiểu được tương tác hóa học của màu sơn, thì điều đó sẽ làm thay đổi các tác phẩm nghệ thuật của họ.
“Tác phẩm hội họa là một cấu trúc hỗn hợp; không chỉ là một bức tranh đơn thuần,” bà Tatiana giải thích. Mỗi bộ phận của bức tranh – vải canvas và lớp véc-ni, ví dụ vậy — chúng tác động lẫn nhau theo hướng có lợi hoặc có hại.
Ông George khuyến khích dùng các công thức làm sơn đơn giản nhất, và như thế các họa sĩ có thể thấy rõ cách các thành phần phản ứng với nhau. Khi các họa sĩ hiểu rõ mỗi thành phần bên trong màu sơn của họ, bởi vì họ tự tay làm ra chúng, họ sẽ kiểm soát tốt hơn quá trình vẽ tranh của mình.
Gia đình ông O’Hanlon học hỏi từ quá khứ để làm ra màu sơn, tuy nhiên họ cũng nhìn đến tương lai. Ông George đang học hỏi không ngừng. Ông gửi một mẫu của từng loại sắc tố để phân tích khoa học nhằm thấy rõ kích thước và mật độ phân bố của các hạt, cả hai điều đó đều hữu ích cho các họa sĩ. Các bột màu có cùng thành phần hóa học sẽ phản ứng khác nhau trong cùng một dung môi bởi vì kích thước và hình dạng hạt khác nhau của chúng. Bởi những đặc tính vật lý này, chúng cũng có thể có độ bền màu khác nhau. Ví dụ, Natural Pigments có lưu trữ năm loại màu hoàng thổ (là loại chất màu có nguồn gốc từ đất sét tự nhiên) từ những khu vực khác nhau trên thế giới. Mỗi loại trong số đó phản ứng với dung môi (ví dụ, dầu hoặc trứng) theo cách khác nhau và có độ chảy khác nhau. Trang thông tin trực tuyến của công ty này có thông tin chi tiết về đặc tính của từng loại bột màu và thông tin liên quan đến cách sử dụng.
Một loại bột màu giá trị nhưng bị hiểu lầm
“Có rất nhiều thứ tốt được làm ra theo cách truyền thống mà vẫn có giá trị cao cho đến ngày nay,” ông George cho biết. Công bằng mà nói, chỉ vì loại vật liệu không còn được sử dụng ngày nay thì không đồng nghĩa là chúng không có giá trị. Một số bức họa tồn tại được hơn 500 năm như chúng ta nhìn thấy ở các viện bảo tàng ngày nay là vì các họa sĩ đã sử dụng màu trắng chì (lead white). Cho đến đầu thế kỷ 20, các họa sĩ đã sử dụng bột màu trắng chì bất chấp độc tính của loại màu này. Gần đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng bột trắng chì giúp bảo quản sơn dầu. “Bột trắng chì là chất liệu duy nhất thật sự có phản ứng hóa học với dầu để làm lớp màng sơn bền hơn và ngăn chúng bị xuống cấp nhanh chóng,” ông chia sẻ.
Bà Tatiana nói rằng các họa sĩ chuyên nghiệp tại những hội thảo nghệ thuật thường lùi khỏi bàn trưng bày của hãng Natural Pigments khi họ nhìn thấy màu trắng chì. Độc tính của bột chì trắng đã đa phần đã bị hiểu sai. Ông George giải thích rằng, những người làm việc trong các quy trình sản xuất công nghiệp mới là nhóm bị tổn thương nặng nhất bởi độc tố chì. Ở Hoa Kỳ, các họa sĩ chuyên nghiệp có thể sử dụng chì trong tranh của họ; cũng như đối với bất kỳ chất độc hại nào, họ chỉ đơn giản là cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa đơn giản khi thao tác với chúng.
Nhiều họa sĩ đã dành những lời ca ngợi cho bột trắng chì của công ty Natural Pigments. Ông Paul G, cũng là một nhà hóa học phân tích, đã viết bình luận của mình như sau: “Với sơn dầu, tinh tế hay không là ở chỗ màu trắng titan độc hại. Khả năng pha trộn hài hòa giữa màu trắng chì với các màu khác là phi thường, tạo nên những bức tranh siêu việt với màu sắc có chiều sâu cũng như độ tinh tế — còn màu trắng titan chỉ làm mất đi màu sắc, để lại vẻ nhợt nhạt cho mọi thứ.”
Gìn giữ truyền thống Anh quốc
Ông George mong muốn hồi sinh truyền thống của thợ làm màu sơn truyền thống Anh quốc, những người làm việc cùng các họa sĩ để sản xuất ra những chất liệu tốt nhất cho họ. Ông bà Tatiana rất vui vẻ trò chuyện hàng giờ với các họa sĩ trên điện thoại hoặc ngay tại xưởng của họ để chắc chắn rằng những họa sĩ này có được loại màu sơn tốt nhất theo nhu cầu của mình. Nhiều họa sĩ được đào tạo ở trường đại học sử dụng cùng những loại chất liệu như giảng viên của họ. Tuy nhiên, gia đình ông O’Hanlon tin rằng không có loại sơn nào là phù hợp cho tất cả mọi người. Các họa sĩ nên sử dụng các loại màu sơn phù hợp với những cảm quan độc đáo của riêng họ. Đôi vợ chồng này gần đây đã làm việc với một họa sĩ ở Brooklyn, New York, người đã thử qua rất nhiều loại sơn màu trắng nhưng không có cái nào ưng thuận. Sau khi dành vài giờ trong xưởng của người họa sĩ này, ông bà O’Hanlon đã tạo ra một loại bột màu trắng đặc biệt dành riêng cho anh.
Những bậc thầy cổ xưa rất dụng tâm đến quá trình sản xuất màu sơn của họ. Họ đã viết những bản luận trình bày chi cách các sắc tố tiến triển như thế nào và loại dung môi nào là phù hợp cho những tình huống nhất định, chẳng hạn như khi bảo quản một bức tranh. Gia đình ông O’Hanlon cũng dành tâm huyết như vậy cho Natural Pigments, nhằm chuyển giao những khám phá của họ cho những họa sĩ chuyên nghiệp sử dụng trong nhiều thế kỷ tới.
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times