Các nghệ nhân Nhật Bản sử dụng vàng để phục hồi những đồ gốm bị vỡ bằng kỹ thuật lấy cảm hứng từ thiền
Triết lý Thiền Nhật Bản đã truyền cảm hứng cho một nền văn hóa tìm thấy vẻ đẹp trong sự không hoàn hảo. Quan điểm này được hình thành dựa trên vết nứt của một tách trà trong nghệ thuật kintsugi.
Ở nơi mà những người phương Tây chúng ta có thể cho rằng món đồ đó là bị hỏng và vô dụng, thì người Nhật đã ghép những mảnh gốm vỡ như vậy lại với nhau bằng cách sử dụng sơn mài và sau đó rắc vàng bột lên các vết nứt để trang trí — và thực sự là để tôn vinh — khiếm khuyết đó.
Việc chú trọng vào phần được gọi là “bị vỡ” này đã tô điểm cho lịch sử cuộc đời của vật thể đó. Chính sự phong phú của lịch sử này đã nâng tầm giá trị và khiến vật thể “bị hỏng” trở nên đẹp hơn, nhờ vậy mà món đồ được tái sinh.
Loại hình nghệ thuật này khác với các tư tưởng của phương Tây và bắt nguồn từ nguyên tắc wabi-sabi của Nhật Bản. Nguyên tắc này khuyến khích chúng ta khám phá vẻ đẹp và những phúc lành ở những điều không theo chuẩn mực nhất và những nơi ảm đạm nhất.
Triết lý này khởi sinh cùng với sự du nhập của Phật giáo Thiền tông từ Trung Quốc vào Nhật Bản cuối thế kỷ 12. Triết lý này được biểu hiện trong trà đạo Nhật Bản, nơi mà sự đơn giản và mộc mạc đã sớm thay thế cho sự xa hoa.
Người ta tin rằng nghệ thuật kintsugi được hình thành khi Tướng quân Ashikaga Yoshimasa gửi một chén trà bằng sứ bị vỡ đến Trung Quốc để phục hồi. Chiếc chén này trở về trong tình trạng đã được hàn gắn bằng những chiếc ghim kim loại mà ông Ashikaga Yoshimasa thấy không đẹp mắt. Ông ra lệnh cho các nghệ nhân hãy nghĩ ra một giải pháp thẩm mỹ hơn, và thế là kintsugi ra đời.
Bản thân quá trình này rất đơn giản. Bắt nguồn từ hình thức nghệ thuật sơn mài lâu đời của Nhật Bản, có từ thời tiền sử, kỹ thuật này sử dụng sơn mài chiết xuất từ cây urushi bản địa kết hợp với các chất kết dính, chẳng hạn bột mì hoặc gạo, như một chất keo để nối các mảnh gốm vỡ lại với nhau. Chất keo này được phết lên món đồ gốm đó bằng một cây cọ mảnh. Sau đó, các nghệ nhân đặt chúng vào các ngăn bảo quản được làm ẩm, gọi là furo, trong khoảng thời gian từ hai ngày đến hai tuần. Những bát nước nóng đặt bên trong furo giúp làm tăng độ ẩm mà lớp sơn mài này hấp thụ, giúp chúng khô nhanh hơn.
Một khi mảnh gốm đã cố định lại, người ta rắc một lớp bột vàng lên vết nứt này, tô điểm cho vết nứt ấy bằng kim loại quý. Từ khi bắt đầu đến khi kết thúc, quá trình này có thể mất tới ba tháng để hoàn thiện.
Thông thường, nghệ thuật kintsugi được dùng để hàn gắn những món đồ được trân quý trong gia đình; trên một nhóm các hòn đảo thường xuyên xảy ra những trận động đất, thì đồ gốm bị vỡ là điều có thể xảy ra.
Người ta nói rằng nghệ thuật kintsugi trở nên phổ biến đến mức một số nhà sưu tập đồ gốm bị cáo buộc là cố tình đập vỡ các mảnh để ghép chúng lại bằng phương pháp này. Cũng có thể là những mảnh gốm bị lỗi hoặc bị biến dạng đã bị đập vỡ và được hàn gắn lại theo cách này, để cứu vãn chúng khỏi bị bỏ đi.
Sự khéo léo và tiết kiệm như vậy trong việc giữ lại những mảnh gốm này là hiện thân của toàn bộ triết lý đằng sau nghệ thuật kintsugi. Triết lý này có thể được tóm tắt bằng câu thành ngữ phương Tây “Không phung phí thì không túng thiếu.” Triết lý “xoay sở để thích nghi” này có nhiều điều để dạy cho những người phương Tây chúng ta: sự hoàn hảo rất dễ mất đi và không thể nắm giữ, nhưng bằng cách đón nhận những khuyết điểm trong chính bản thân chúng ta, và tìm thấy vẻ đẹp cũng như sự hàn gắn cho những khiếm khuyết đó, thì sự hoàn hảo và tái sinh luôn gần trong tầm tay.
Chi Lan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times