Tối cao Pháp viện từ chối giải quyết nhanh kiến nghị của biện lý đặc biệt, trao cho cựu TT Trump một chiến thắng
Hiện nay vụ kiện cựu Tổng thống Trump sẽ tiếp tục ở tòa phúc thẩm.
Hôm thứ Sáu (22/12), Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã bác bỏ kiến nghị của Biện lý Đặc biệt Jack Smith về việc xem xét ngay lập tức một lời bào chữa trong một trong hai vụ án mà ông đang truy tố cựu Tổng thống (TT) Donald Trump.
“Kiến nghị yêu cầu lệnh tòa án cấp trên xét lại trước khi phán quyết,” lệnh không ký tên viết.
Bản ý kiến của Tối cao Pháp viện năm 1982 đã thiết lập quyền miễn trừ tuyệt đối cho các tổng thống khỏi các vụ kiện dân sự, nhưng như cả hai bên đã lập luận, giới hạn quyền miễn trừ khỏi bị truy tố hình sự vẫn chưa được xác định.
Nếu Tối cao Pháp viện đồng ý xem xét việc bảo vệ quyền miễn trừ của tổng thống, thì điều đó sẽ xác định kết quả kiến nghị của cựu TT Trump nhằm bác bỏ vụ kiện này dựa trên quyền miễn trừ của tổng thống tại tòa phúc thẩm.
Đó cũng là một lời biện hộ mà ông đã đưa ra trong một số vụ kiện khác, kể cả các vụ kiện dân sự, mặc dù không thành công.
Cả hai bên đều cho rằng vụ việc này có ý nghĩa lịch sử và coi đây là bằng chứng để đẩy nhanh hoặc làm chậm quá trình tố tụng. Trong các cuộc họp tại tòa án, các bên đã tranh cãi về việc bảo vệ quyền miễn trừ của cựu TT Trump được xác định như thế nào.
Tòa phúc thẩm sẽ giải quyết vụ án
Đầu tháng này, Thẩm phán Tòa án Địa hạt Liên bang Tanya Chutkan đã từ chối một kiến nghị bác bỏ dựa trên quyền miễn trừ của tổng thống, cho phép cựu TT Trump hành động tại Tòa Phúc thẩm Liên bang.
Các công tố viên đã nhanh chóng đệ trình một yêu cầu giải quyết kháng cáo này và tòa phúc thẩm đã nhanh chóng chấp thuận.
Bản tóm tắt mở đầu của cựu TT Trump sẽ được đưa ra vào ngày 23/12, và câu trả lời của các công tố viên sẽ được đưa ra vào ngày 30/12.
Phiên điều trần đầu tiên đã được ấn định vào ngày 09/01; ban đầu Tòa phúc thẩm tuyên bố tạm dừng tất cả các thủ tục tố tụng khác để chờ “hành động cuối cùng” từ Tối cao Pháp viện. Sự từ chối của Tối cao Pháp viện như được nêu ở trên cho phép quá trình kháng cáo tiếp tục.
Quyền miễn trừ của Tổng thống
Cựu TT Trump lập luận rằng tất cả những hành động mà ông bị cáo buộc đều được thực hiện với tư cách chính thức là Tổng thống Hoa Kỳ.
Những hành động theo thẩm quyền này được bảo vệ theo “quyền miễn trừ của tổng thống” là trọng tâm của sự biện hộ đặc biệt này.
Trong khi Tối cao Pháp viện quy định quyền miễn trừ tuyệt đối các vụ kiện dân sự đối với các tổng thống, các luật sư biện hộ đã lập luận rằng việc truy tố hình sự các tổng thống vì các hành vi trong khi đương nhiệm sẽ có tác động sâu sắc.
Các công tố viên lập luận rằng đây hoàn toàn không phải là vấn đề đó, và quyền miễn trừ của tổng thống không được áp dụng vì họ đang buộc tội cựu TT Trump về những hành vi phạm tội mà ông đã phạm trong thời gian ông còn đương chức.
Khuôn khổ kép này đi vào trọng tâm của các tranh luận trước khi xét xử đã được đưa ra cho đến nay; bên công tố và bên biện hộ đều nêu ra cùng một loạt dữ kiện được công bố công khai, một bên cho rằng những hành động đó là bất hợp pháp, còn bên kia lại cho rằng là hợp pháp.
Tối cao Pháp viện có thể vẫn còn tác động đến vụ án
Tối cao Pháp viện có thể vẫn chưa ảnh hưởng đến kết quả của vụ án này trước xét xử, vì hôm 13/12, Pháp viện đã chấp nhận một vụ án riêng biệt liên quan đến ngày 06/01.
Ba đơn kiến nghị đã được đệ trình lên Tối cao Pháp viện để phản đối cách sử dụng mới của Bộ Tư pháp trong việc buộc tội các bị cáo cản trở một cách sai trái một “thủ tục chính thức.” Nguyên gốc luật này liên quan đến việc giả mạo bằng chứng, nhưng trong các vụ kiện ngày 06/01, luật đó được dùng để đề cập đến việc kiểm đếm phiếu của Quốc hội.
Điều này ảnh hưởng đến khoảng 330 vụ án, kể cả vụ án của cựu TT Trump, và nếu Tối cao Pháp viện cho rằng đây là cách sử dụng không phù hợp, thì việc đó có thể làm phức tạp thêm vụ án của cựu TT Trump khi các công tố viên đang gấp rút đưa vụ án ra xét xử trong nhiệm kỳ hiện tại.
Thêm kháng cáo?
Ngày xét xử ban đầu của vụ án được ấn định là ngày 04/03/2024, chỉ một ngày trước khi cuộc bầu cử sơ bộ Siêu Thứ Ba của Đảng Cộng Hòa diễn ra trên khắp đất nước. Các công tố viên lưu ý điều này khó có thể xảy ra nhưng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xét xử vụ án trong thời hạn tòa án hiện tại.
Trong khi các công tố viên đã nhiều lần tranh luận tại các tòa án riêng biệt rằng cần phải đưa vụ án ra xét xử nhanh chóng thì các luật sư biện hộ lại lập luận rằng vụ án nên bị trì hoãn vì nhiều lý do, từ việc trao đổi chứng cứ qua 13 triệu trang tài liệu cần xem xét đến việc bị cáo là ứng cử viên tiềm năng của Đảng Cộng Hòa cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.
Các luật sư của cựu TT Trump đã yêu cầu trì hoãn đến hai năm, nhưng đã bị tòa án địa hạt nhanh chóng bác bỏ.
Nếu tòa phúc thẩm ra phán quyết bất lợi cho cựu TT Trump, thì ông vẫn có quyền 45 ngày để yêu cầu tái xét xử với toàn bộ các thẩm phán, và 90 ngày để yêu cầu Tối cao Pháp viện xem xét lại phán quyết của tòa phúc thẩm.
Và ngay cả khi kháng cáo về quyền miễn trừ của tổng thống không đẩy lùi được lịch trình đó, thì bên biện hộ gần như chắc chắn sẽ thực hiện các hành động khác để trì hoãn — và bác bỏ — vụ án.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times