Bản tin đặc biệt

Phán quyết của Colorado có thể tạo động lực cho ông Trump trong khi vụ án được đưa lên Tối cao Pháp viện

HOA THỊNH ĐỐN — Phán quyết của Tòa án Tối cao Colorado cấm cựu Tổng thống (TT) Donald Trump tham gia cuộc bỏ phiếu [sơ bộ] của tiểu bang sẽ làm rung chuyển bối cảnh chính trị và pháp lý của quốc gia, những phản ứng trước phán quyết này cho thấy.

Về mặt pháp lý, cả hai phe chính trị đều đang trông cậy vào Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ để đưa ra lời phân xử cuối cùng rằng việc tiến hành một cuộc nổi dậy chống lại Hoa Kỳ có ý nghĩa gì đối với việc tước bỏ tư cách nắm giữ chức vụ công quyền. Về mặt chính trị, phán quyết này sẽ khuyến khích những người ủng hộ cựu TT Trump và gia tăng áp lực chính trị lên Tối cao Pháp viện.

Tòa án Tối cao Colorado đã ra phán quyết với tỷ lệ 4 phiếu thuận – 3 phiếu chống hôm 19/12 rằng cựu TT Trump sẽ bị cấm tham gia cuộc bỏ phiếu sơ bộ của tiểu bang vì ông “tham gia vào cuộc nổi dậy” bằng cách xúi giục những người ủng hộ ông xông vào Tòa nhà Capitol Hoa Kỳ vào ngày 06/01/2021.

Nhưng nhiều chuyên gia pháp lý, đặc biệt là những người có quan điểm theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống hơn, cho rằng phiên điều trần lấy bằng chứng kéo dài 5 ngày của tòa án nói trên là không đủ để đưa ra phán quyết đó và rằng phán quyết này đã giải thích sai các dữ kiện thực tế về sự kiện ngày 06/01.

Các luật sư của cựu TT Trump và các bên liên quan khác đã thông báo rằng họ sẽ kháng cáo phán quyết lên Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ. Phán quyết này hiện đang được tạm dừng cho đến ngày 04/01/2024 để tòa án cấp cao này có cơ hội cân nhắc.

Một số nhà thăm dò ý kiến, nhà tư vấn, và thậm chí cả những đối thủ chính của TT Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ cho biết phán quyết này sẽ bị xem là không công bằng, và họ đều mạnh mẽ ủng hộ cho cựu tổng thống.

Các chính trị gia Đảng Dân Chủ phần lớn đều hoan nghênh phán quyết này, đồng thời thừa nhận rằng Tối cao Pháp viện sẽ phải giải quyết vấn đề này. Một số người đã kêu gọi Thẩm phán Tối cao Pháp viện theo hướng bảo tồn truyền thống Clarence Thomas cáo tị khỏi các vụ án liên quan đến cựu TT Trump.

Phán quyết này ít có tác động trực tiếp đến cuộc bầu cử bởi vì các ứng cử viên không cần phải có tên trong lá phiếu ở tất cả 50 tiểu bang để giành chiến thắng và dù sao thì cựu TT Trump cũng khó có thể chiến thắng ở tiểu bang Colorado xanh đậm này.

Tuy nhiên, phán quyết này dường như đang làm dấy lên và khơi lại những nỗ lực nhằm loại bỏ cựu tổng thống khỏi cuộc bỏ phiếu ở các tiểu bang thiên tả khác, bao gồm New York, California, và Pennsylvania.

Luật sư Eric Olson (bên phải) tranh luận trước Tòa án Tối cao Colorado ở Denver, Colorado, hôm 06/12/2023. (Ảnh: David Zalubowski/AP Photo, Pool)
Luật sư Eric Olson (bên phải) tranh luận trước Tòa án Tối cao Colorado ở Denver, Colorado, hôm 06/12/2023. (Ảnh: David Zalubowski/AP Photo, Pool)

Các vấn đề pháp lý

Lập luận cốt lõi được đưa ra trong vụ Colorado là cựu TT Trump đã kích động hàng trăm ngàn người, vốn đã tụ tập để nghe bài diễn văn của ông tại Hoa Thịnh Đốn vào ngày 06/01/2021, tham gia vào một cuộc nổi dậy — một nỗ lực nhằm lật đổ chính phủ bằng vũ lực.

Tiếp đến là cơ sở pháp lý rằng Tu chính án thứ 14 của Hiến Pháp cấm bất kỳ ai, vốn từng tham gia vào một cuộc nổi dậy, giữ chức vụ [công quyền]. Bởi vì luật Colorado quy định rằng chỉ những ứng cử viên đủ tư cách mới có thể xuất hiện trên lá phiếu, nên sẽ là “vô lý” nếu đổng lý của tiểu bang này cho phép một người không đủ tư cách theo Tu chính án thứ 14 có tên trên lá phiếu.

Bởi vì Tu chính án thứ 14 có từ năm 1868 — với mục đích ngăn cản những người thuộc Liên minh miền Nam cũ nắm giữ các vị trí trong chính phủ — nên các thẩm phán Colorado đã tra cứu các từ điển kể từ thời điểm đó để tìm ra định nghĩa cho thuật ngữ “cuộc nổi dậy” (insurrection).

Nhằm đáp ứng cho vụ kiện cựu TT Trump, họ đã đưa ra định nghĩa: “Việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực một cách công khai và có phối hợp bởi một nhóm người để cản trở hoặc ngăn cản chính phủ Hoa Kỳ thực hiện các hành động cần thiết nhằm hoàn thành việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình ở đất nước này.”

Định nghĩa của họ cũng dựa trên phán quyết trước đó trong vụ án của một tòa án cấp dưới ở Colorado, trong đó định nghĩa cuộc nổi dậy là “việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực một cách công khai … bởi một nhóm người … để cản trở hoặc ngăn cản việc thi hành Hiến Pháp của Hoa Kỳ.”

Dựa trên việc các thẩm phán hiểu các dữ kiện, họ “không gặp khó khăn gì khi kết luận rằng … các sự kiện ngày 06/01 tạo thành một cuộc nổi dậy.”

Hình ảnh của cựu Tổng thống Donald Trump xuất hiện trên màn hình trong cuộc họp của Ủy ban Đặc biệt Điều tra Vụ tấn công ngày 06/01 vào Tòa nhà Capitol Hoa Kỳ, tại Capitol Hill ở Hoa Thịnh Đốn, vào ngày 19/12/2022. (Ảnh: Al Drago/Getty Images)
Hình ảnh của cựu Tổng thống Donald Trump xuất hiện trên màn hình trong cuộc họp của Ủy ban Đặc biệt Điều tra Vụ tấn công ngày 06/01 vào Tòa nhà Capitol Hoa Kỳ, tại Capitol Hill ở Hoa Thịnh Đốn, vào ngày 19/12/2022. (Ảnh: Al Drago/Getty Images)

Theo phán quyết này, nhóm người tiến vào Tòa nhà Capitol khá đông, “được trang bị nhiều loại vũ khí,” và “hô vang theo cách thể hiện rõ rằng họ đang tìm cách gây ra bạo lực chống lại các thành viên Quốc hội và Phó Tổng thống [Mike] Pence.”

“Vũ lực hoặc đe dọa vũ lực không nhất thiết phải liên quan đến thương vong, cũng như quy mô của nỗ lực đó không được lớn đến mức bảo đảm có thể thành công,” các thẩm phán này lập luận.

“Ngay sau khi xâm phạm vào Tòa nhà Capitol, đám đông đã đến các phòng của Hạ viện và Thượng viện, nơi đang diễn ra thủ tục chứng nhận [bầu cử]. Hành vi xâm phạm này khiến cả Hạ viện và Thượng viện phải ngừng họp, tạm dừng quá trình chứng nhận phiếu đại cử tri.”

Các thẩm phán kết luận rằng vì có một nhóm người đe dọa vũ lực và vì hành động của họ nên việc chứng nhận đã bị cản trở và vì TT Trump đã khiến những người ủng hộ ông tức giận bằng những lời như “chúng ta chiến đấu hết mình,” nên ông ấy đã tham gia vào cuộc nổi dậy.

Các luật sư của cựu TT Trump và các chuyên gia pháp lý khác lập luận rằng vụ việc ngày 06/01 giống một cuộc bạo loạn hơn là một cuộc nổi dậy.

Ông Rob Natelson, một học giả Hiến Pháp, người đã viết rất nhiều về ý nghĩa của Hiến Pháp, lưu ý rằng chỉ có “một thiểu số rất, rất nhỏ” những người biểu tình có hành vi đe dọa.

Phán quyết của Colorado có thể tạo động lực cho ông Trump trong khi vụ án được đưa lên Tối cao Pháp viện

Ông Rob Natelson (Ảnh: Được đăng dưới sự cho phép của ông Rob Natelson)
Ông Rob Natelson (Ảnh: Được đăng dưới sự cho phép của ông Rob Natelson)

“Hầu hết tất cả những người biểu tình đều không có vũ khí, và họ cũng không sát hại ai; chỉ một tỷ lệ nhỏ trong số họ thực sự vào được Tòa nhà Capitol — và nhiều người trong số họ đã thật sự được nhân viên an ninh của Capitol mời vào. Và, khi vào bên trong, hầu hết chỉ đi loanh quanh một cách không mục đích,” ông viết trong một bài xã luận trên The Epoch Times.

“Tôi đề cập đến những dữ kiện này không phải để bào chữa cho những kẻ bạo loạn mà để nêu ra rằng vụ việc này không có mối liên hệ thực sự nào với ‘cuộc nổi dậy’ theo cách mà Hiến Pháp sử dụng từ ngữ này,” ông Natelson nói.

Ông nói rằng tòa án Colorado đã sai khi dựa vào báo cáo ngày 06/01 của Quốc hội để đưa ra những khẳng định thực tế do tính chất đảng phái và bị hạn chế về mặt thực tế của báo cáo.

Ông Natelson nói với The Epoch Times rằng việc tòa án sử dụng từ “chiến đấu” theo nghĩa đen của cựu TT Trump là “hơi thiếu trung thực” nếu xét theo bối cảnh bài diễn văn của ông.

Ông nói rằng hành vi của một nhóm nhỏ trong đám đông đó không nên bị đổ lỗi cho một bài diễn văn mà trong đó tổng thống đặc biệt kêu gọi đám đông bày tỏ quan điểm “một cách ôn hòa.”

Các thẩm phán đã bác bỏ lời kêu gọi hòa bình của tổng thống như một “sự tham khảo riêng biệt.”

Những người ủng hộ ông Trump đụng độ với cảnh sát và lực lượng an ninh khi mọi người cố gắng vào Tòa nhà Capitol Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 06/01/2021. (Ảnh: Brent Stirton/Getty Images)
Những người ủng hộ ông Trump đụng độ với cảnh sát và lực lượng an ninh khi mọi người cố gắng vào Tòa nhà Capitol Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 06/01/2021. (Ảnh: Brent Stirton/Getty Images)

Theo quan điểm của họ, cựu TT Trump là một phần trong một nỗ lực trì hoãn việc kiểm đếm phiếu đại cử tri và do đó là một bên tham gia vào một cuộc nổi dậy.

Tuy nhiên, ông Natelson lưu ý cựu TT Trump có quyền kêu gọi phó tổng thống trì hoãn thủ tục này dựa trên tư vấn pháp lý mà ông đã nhận được, ngay cả khi ông làm sai luật.

“Chắc chắn không có gì sai khi ai đó đưa ra một lý thuyết thay thế và cố gắng thuyết phục ông ấy đợi cho đến khi có thêm sự điều tra,” ông nói.

“Đó không phải là cuộc nổi dậy. Đó là tự do ngôn luận.”

Ông Natelson cũng nêu ra rằng ba trong số bảy thẩm phán của tòa án Colorado, bao gồm cả chánh án, không đồng tình với bản ý kiến, lập luận rằng thủ tục tố tụng dân sự nhanh chóng này không đủ để đáp ứng các quyền tố tụng hợp pháp của cựu TT Trump đối với một vấn đề trọng đại như vậy.

Có cùng quan điểm của các luật sư khác, ông Natelson lập luận rằng để đáp ứng thủ tục tố tụng hợp pháp, tội nổi loạn phải được xác định trong một thủ tục tố tụng hình sự.

“Đây là một sự phủ nhận quan trọng đối với thủ tục tố tụng hợp pháp. Cách căn bản nhất và dễ dàng nhất để thấy điều đó là: TT Trump vẫn chưa bị một bồi thẩm đoàn hình sự nào đồng thuận kết án về tội nổi loạn,” ông Jeff Clark, một cựu quan chức Bộ Tư pháp, người đã trợ giúp cho cựu TT Trump trong việc thách thức [kết quả] bầu cử, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với NTD.

Phán quyết của Colorado có thể tạo động lực cho ông Trump trong khi vụ án được đưa lên Tối cao Pháp viện

Hậu quả chính trị

Theo một số nhà phân tích, phán quyết của Colorado đã gây ra nhiều phản ứng trong khối thành viên của cả hai đảng, nhưng hiệu quả chung là có thể có lợi cho cựu TT Trump.

“Vụ này giúp ích cho ông ấy theo chiều hướng là vụ này hoàn toàn tràn ngập trên các mục tin tức. Vụ này buộc các đối thủ cạnh tranh của ông ấy phải ủng hộ ông ấy chống lại các thẩm phán, như quý vị nhận thấy họ đã làm như vậy ngay tức khắc,” cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich, một cộng tác viên của The Epoch Times, cho biết.

“Bốn luật sư đó đã quyết định rằng quan điểm của họ lấn át hơn 1,364,607 người dân Colorado đã bỏ phiếu cho ông Trump hồi năm 2020. Họ không được phép giả vờ mình là thẩm phán. Họ đã thay thế chế độ pháp pháp bằng chế độ cai trị bằng quyền lực. Chào mừng đến Venezuela. Hoặc Cuba. Hoặc Nicaragua.”

Những người ủng hộ reo hò khi cựu Tổng thống Donald Trump nói tại cuộc biểu tình “Giữ cho nước Mỹ Vĩ đại” ở Colorado Springs, Colorado, vào ngày 20/02/2020. (Ảnh: Jim Watson/AFP qua Getty Images)
Những người ủng hộ reo hò khi cựu Tổng thống Donald Trump nói tại cuộc biểu tình “Giữ cho nước Mỹ Vĩ đại” ở Colorado Springs, Colorado, vào ngày 20/02/2020. (Ảnh: Jim Watson/AFP qua Getty Images)

Cựu Đại sứ Liên Hiệp Quốc Nikki Haley vừa bảo vệ cựu tổng thống vừa công kích ông tại một điểm vận động tranh cử ở Iowa hôm 19/12.

“Tôi sẽ nói với quý vị rằng tôi nghĩ ông Donald Trump chẳng cần phải trở thành tổng thống. Tôi nghĩ tôi [mới là người] cần phải trở thành tổng thống,” bà Haley nói. “Nhưng tôi sẽ đánh bại ông ấy một cách công bằng. Chúng ta không cần có những thẩm phán đưa ra những quyết định này, chúng ta cần cử tri đưa ra những quyết định này.”

Cựu Thống đốc New Jersey Chris Christie, người cũng đang chạy đua cho đề cử của Đảng Cộng Hòa, cho rằng tòa án không nên ngăn cản cựu TT Trump trở thành tổng thống.

Ông nói trong một tuyên bố hôm 19/12, “Tôi nghĩ rằng cử tri của đất nước này [mới chính là những người] nên ngăn cản ông ấy trở thành tổng thống Hoa Kỳ.”

Ông Vivek Ramaswamy gọi phán quyết này là “không phù hợp giá trị truyền thống của Mỹ quốc, vi hiến, và chưa từng có,” viết trên X rằng “một bè nhóm thẩm phán Đảng Dân Chủ đang cấm ông Trump tham gia cuộc bỏ phiếu ở Colorado.”

Phán quyết của Colorado có thể tạo động lực cho ông Trump trong khi vụ án được đưa lên Tối cao Pháp việnDoanh nhân công nghệ này cam kết sẽ rút tên khỏi cuộc bỏ phiếu ở Colorado trừ phi cựu TT Trump có tên trở lại, và ông kêu gọi các ứng cử viên khác cũng làm theo. Vẫn chưa có ứng cử viên nào đồng ý làm như vậy.

Ngược lại, Thống đốc Florida Ron DeSantis đưa ra giả thuyết rằng phán quyết của tòa án có thể là một phần trong nỗ lực giúp cho cựu TT Trump giành được đề cử của Đảng Cộng Hòa.

“Những gì cánh tả, giới truyền thông, và Đảng Dân Chủ đang làm — họ đang làm tất cả những việc này, nói thẳng ra là để củng cố sự ủng hộ trong cuộc bầu cử sơ bộ dành cho ông ấy, để đưa ông ấy vào cuộc tổng tuyển cử, và toàn bộ cuộc tổng tuyển cử sẽ chỉ là những việc hợp pháp này,” ông DeSantis cho biết tại Des Moines, Iowa, hôm 20/12.

Theo một số nhà quan sát, tác động nghiêm trọng hơn, ngoài chu kỳ bầu cử hiện tại, là ảnh hưởng của phán quyết này đối với tiến trình bầu cử.

Ông Dave Williams, chủ tịch Đảng Cộng Hòa Colorado, nói với The Epoch Times: “Đó là một cuộc khủng hoảng Hiến Pháp mà chúng ta chưa từng thấy kể từ Nội Chiến.”

“Đây là điều mà quý vị có thể đã từng thấy ở Liên Xô hay ở một nền cộng hòa chuối. Nhưng đúng là chẳng theo kiểu Mỹ. Chắc chắn là hoàn toàn không phù hợp giá trị truyền thống của Mỹ quốc.”

Ông Roger Severino, một cựu công tố viên liên bang và cựu lãnh đạo Văn phòng Dân Quyền tại Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, nói với The Epoch Times: “Một tòa án giả hiệu ở Colorado đã dựa vào một tòa án giả hiệu khác trong Quốc hội để tước đoạt quyền bỏ phiếu của người dân cho ứng cử viên tổng thống hàng đầu. Sự xúc phạm này nhạo báng nền pháp quyền và hệ thống dân chủ.”

Bên ngoài Tòa án Tối cao Colorado và Tòa Phúc thẩm Colorado ở Denver, Colorado, vào tháng 07/2019. (Ảnh: Epiglottis/Shutterstock)
Bên ngoài Tòa án Tối cao Colorado và Tòa Phúc thẩm Colorado ở Denver, Colorado, vào tháng 07/2019. (Ảnh: Epiglottis/Shutterstock)

Nhận xét của Tổng thống Joe Biden

Tổng thống Joe Biden từ chối bình luận về tính hợp pháp của phán quyết của tòa án này nhưng nhấn mạnh rằng cựu TT Trump là một “người theo chủ nghĩa nổi dậy.”

“Tôi nghĩ đó là điều hiển nhiên. Quý vị đã thấy tất cả rồi,” TT Biden nói với các phóng viên khi trả lời câu hỏi về phán quyết của tòa án hôm 20/12.

“Bây giờ, liệu Tu chính án thứ 14 có được áp dụng hay không, chúng tôi sẽ để tòa án đưa ra quyết định đó. Nhưng chắc chắn ông ấy đã ủng hộ một cuộc nổi dậy. Không còn nghi ngờ gì về điều này. Không nghi ngờ gì nữa. Chắc chắn là không.”

Một số nhà lập pháp Đảng Dân Chủ khẳng định rằng phán quyết của tòa án là tôn trọng pháp quyền.

Dân biểu Ted Lieu (Dân Chủ-California), một trong những người quản lý đàn hặc cho phiên đàn hặc thứ hai của cựu TT Trump, đã viết: “Thật vui khi thấy Tòa án Tối cao Colorado đã tuân thủ Hiến Pháp. Tòa án đã phán quyết một cách thích đáng rằng ông Trump không đủ tư cách có tên trên lá phiếu. Với tư cách là người quản lý đàn hặc, tôi thấy rất rõ ràng rằng bằng chứng cho thấy ông Trump đã kêu gọi và kích động đám đông vào ngày 06/01.”

Phán quyết của Colorado có thể tạo động lực cho ông Trump trong khi vụ án được đưa lên Tối cao Pháp viện

Dân biểu Pramila Jayapal (Dân Chủ-Washington) đã viết: “Tốt. Cựu tổng thống đã kích động một cuộc tấn công vào nền dân chủ của chúng ta và chắc chắn sẽ phải gánh chịu hậu quả.”

Nhưng phán quyết này có thể mang đến tác động ngược lại, tiếp thêm sinh lực cho cả cử tri ủng hộ cựu TT Trump và cử tri độc lập.

Một điều hữu ích cho ông Trump

Ông Rich Baris, giám đốc Big Data Poll, cho biết: “Phán quyết của Tòa án Tối cao Colorado gần như chắc chắn sẽ gây phản tác dụng đối với cả các đối thủ bên Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa, những người đã hy vọng vào những diễn biến này trong nhiều tháng.”

“Trong cuộc thăm dò gần đây nhất của chúng tôi, 40% những người ủng hộ cuộc bầu cử sơ bộ của tổng thống nói với chúng tôi rằng họ sẽ viết tên ông ấy vào lá phiếu nếu vì bất kỳ lý do gì mà ông ấy không phải là người được đề cử — tỷ lệ phần trăm cao nhất mà chúng tôi đã đo lường được trong chu kỳ này.”

Một cử tri bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Bảo tàng Hành trình Khủng long ở Fruita, Colorado, vào ngày 08/11/2022. (Ảnh: Jason Connolly/AFP qua Getty Images)
Một cử tri bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Bảo tàng Hành trình Khủng long ở Fruita, Colorado, vào ngày 08/11/2022. (Ảnh: Jason Connolly/AFP qua Getty Images)

Nhà phân tích chính trị Frank Luntz đã chia sẻ quan điểm tương tự trên X hôm 19/12.

“Colorado vừa chứng minh rằng giả thuyết mà ông Trump đưa ra là đúng, rằng ông ấy là nạn nhân của cuộc đàn áp chính trị,” ông nói. “Số thăm dò của ông ấy sẽ không giảm. Ngược lại, con số này sẽ tăng lên.”

Theo ông Henry Olsen, một thành viên cao cấp của Trung tâm Chính sách Công cộng và Đạo đức, vấn đề gây tranh cãi này cũng có thể tiếp thêm sinh lực cho các cử tri độc lập.

Ông Olsen nói với The Epoch Times: “[Những cử tri độc lập] có xu hướng không bị cuốn vào cuộc tranh luận ‘ông Trump là một nạn nhân vô tội’ hay ‘ông Trump là một kẻ xấu xa.’”

“Họ có xu hướng xem ông Trump như một nhân vật chính trị bình thường.”

“Thật khó để dự đoán liệu điều này có khiến họ thay đổi hay không. Nhưng nếu có sự thay đổi thì điều đó sẽ khiến họ ủng hộ hơn là chống lại ông Trump.”

Trong mọi trường hợp, cuộc bầu cử sơ bộ ở Colorado, sẽ diễn ra vào ngày 25/06, có thể không ảnh hưởng gì đến cuộc cạnh tranh giành đề cử của Đảng Cộng Hòa.

Nhà phân tích chính trị Richard Gordon nói với The Epoch Times: “Nếu đến lúc đó ông Trump vẫn chưa giành được đề cử, thì có điều gì đó nghiêm trọng hơn nhiều khiến ông ấy không được đề cử, chứ không phải do ông bị cấm tham gia cuộc bầu cử sơ bộ này.”

“Nếu đến lúc đó mà ông ấy không giành được đề cử thì ông ấy sẽ không bao giờ được đề cử nữa.”

Về tác động tiềm tàng của phán quyết này đối với cuộc tổng tuyển cử, đây sẽ không phải là lần đầu tiên một ứng cử viên lớn không xuất hiện trên lá phiếu của tất cả các tiểu bang. Ông Abraham Lincoln bị loại khỏi cuộc bỏ phiếu ở 10 tiểu bang miền Nam, nơi chiếm 61 trong tổng số 303 phiếu đại cử tri.

Thanh Nhã biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times


Form Newsletter Subscription
Form Newsletter Subscription