Phán quyết tước quyền cựu TT Trump của Tòa án Tối cao Colorado
Có hai sai sót căn bản trong phán quyết được thông qua với tỷ lệ 4 phiếu thuận – 3 phiếu chống của Tòa án Tối Cao Colorado về việc loại bỏ cựu Tổng thống Donald Trump khỏi cuộc bầu cử sơ bộ Colorado năm 2024.
Có hai sai sót căn bản trong phán quyết được thông qua với tỷ lệ 4 phiếu thuận – 3 phiếu chống của Tòa án Tối Cao Colorado về việc loại bỏ cựu Tổng thống (TT) Donald Trump khỏi cuộc bỏ phiếu sơ bộ Colorado năm 2024. Đầu tiên là các thẩm phán đã đảo ngược phán quyết của tòa cấp dưới mà không giải quyết nghiêm túc vấn đề mà tòa cấp dưới cho là có tính quyết định. Thứ hai là thủ tục tố tụng này, cũng giống như một số thủ tục khác nhắm vào cựu tổng thống, đã không được tiến hành theo trình tự công bằng đối với ông.
Luật của Colorado trao quyền cho đổng lý tiểu bang, với tư cách là người chịu trách nhiệm quản lý bầu cử, quyết định ai đủ tư cách tham gia cuộc bỏ phiếu. Sau khi đổng lý tiểu bang đưa cựu TT Trump lên lá phiếu, thì một số thành viên Đảng Cộng Hòa và thành viên độc lập chống Trump đã nộp đơn để yêu cầu loại bỏ ông. Luật tiểu bang cho phép tiến hành một thủ tục cấp tốc (rất nhanh) cho các vụ kiện liên quan đến bầu cử. Thủ tục này giúp những người đệ đơn đó bỏ qua những vấn đề liên quan đến việc họ có “cơ sở khởi kiện” hay không, mà đây vốn là vấn đề đã ngăn trở những vụ kiện tương tự ở các tiểu bang khác và cũng là vấn đề mà tôi đã thảo luận trong một bài viết trước đó.
Những người khởi kiện lập luận rằng thủ tục cấp tốc này có thể được sử dụng để loại bỏ một ứng cử viên không đủ tư cách cho vị trí mà người đó đang ứng cử. Lập luận này có thể đúng. Tuy nhiên, các vụ kiện về tư cách ứng cử viên thường nhắm vào những câu hỏi đơn giản như “Ứng cử viên có sống ở quận đó không?” và “Ứng cử viên có đáp ứng yêu cầu về độ tuổi không?” Thế nhưng, các vấn đề trong vụ kiện ông Trump thì phức tạp hơn rất nhiều.
Bên nguyên đơn lập luận rằng cựu TT Trump đã “tham gia cuộc nổi dậy” chống lại Hoa Kỳ và do đó ông bị tước quyền theo Mục 3 của Tu chính án thứ 14: Quy định như sau (hãy chú ý các từ ngữ in nghiêng):
“Những người đã tuyên thệ ủng hộ Hiến Pháp của Hoa Kỳ với tư cách là một thành viên của Quốc hội, hoặc một viên chức của Hoa Kỳ, hoặc một thành viên của một cơ quan lập pháp của Tiểu bang, hoặc một viên chức hành chính hay tư pháp của bất cứ một Tiểu bang nào nhưng lại tham gia các cuộc nổi dậy hay phiến loạn chống lại Hiến Pháp hoặc trợ giúp hay úy lạo kẻ thù, thì không thể là Thượng nghị sĩ hoặc Dân biểu trong Quốc hội, hoặc đại cử tri để bầu Tổng thống và Phó Tổng thống, hoặc nhận một chức vụ nào … của Hoa Kỳ hay của bất kỳ một Tiểu bang nào. Nhưng Quốc hội có thể với 2/3 số phiếu của mỗi Viện để bác bỏ sự không đủ tư cách nói trên.”
Sau thủ tục tố tụng cấp tốc, thẩm phán sơ thẩm nhận thấy rằng cựu TT Trump đã tham gia cuộc nổi dậy trong những ngày trước sự kiện ngày 06/01/2021. Nhưng thẩm phán cũng kết luận rằng Mục 3 của Tu chính án thứ 14 không quy định cho chức vụ tổng thống. Thẩm phán lưu ý rằng Mục 3 đề cập đến các thành viên Quốc hội và đại cử tri tổng thống nhưng không đề cập đến tổng thống. Vì vậy, chức vụ tổng thống chỉ được quy định trong mục này chỉ khi nào chức vụ tổng thống là một “chức vụ của Hoa Kỳ.” Sau khi xem xét văn bản Hiến Pháp và bằng chứng lịch sử, bà kết luận rằng, mặc dù tổng thống là một “viên chức” (officer), nhưng không phải là “viên chức của Hoa Kỳ” (officer under the United States) như cách mà Hiến Pháp sử dụng nhóm từ đó.
Như vậy, thẩm phán đã từ chối yêu cầu loại bỏ cựu TT Trump khỏi cuộc bỏ phiếu ở Colorado. Sau đó, bên khởi kiện đã kháng cáo lên tòa án tối cao tiểu bang.
Những điểm mà Tòa án Tối cao Colorado đã đúng
Hôm 19/12, Tòa án Tối cao Colorado đã đưa ra quan điểm chung của tòa. Điều đó có nghĩa là không một cá nhân thẩm phán nào là tác giả đơn nhất của phán quyết. Bốn trong số bảy vị thẩm phán đã ký vào bản quan điểm này. Những vị đó là bà Monica Márquez, bà Melissa Hart, ông Richard Gabriel, và ông William W. Hood. Ba vị bỏ phiếu chống thì mỗi người đưa ra một ý kiến riêng. Đó là ba thẩm phán Brian Boatright, Carlos Armando Samour, và Maria Berkenkotter.
Tòa phải giải quyết khá nhiều vấn đề, nên đã đưa ra một bản ý kiến dài (133 trang).
Khối đa số thẩm phán này đã đúng về hai vấn đề sau đây.
Đầu tiên, tòa án cho rằng theo Hiến Pháp Hoa Kỳ, các cuộc bầu cử tổng thống chịu sự kiểm soát của tiểu bang chứ không phải của liên bang. Mặc dù Hiến Pháp trao cho Quốc hội quyền hạn vượt trên luật bầu cử Quốc hội của các tiểu bang, nhưng Hiến Pháp không trao cho Quốc hội quyền tương tự để vượt trên các luật bầu cử tổng thống của tiểu bang. (Một ngoại lệ chủ yếu là việc Quốc hội có thể ấn định thời gian lựa chọn Cử tri Đoàn và ngày mà Cử tri Đoàn bỏ phiếu.)
Tòa án tối cao này cũng đúng về một vấn đề liên quan. Các luật sư của cựu TT Trump — và một trong những thẩm phán bỏ phiếu chống — lập luận rằng Mục 3 của Tu chính án thứ 14 không phải là luật “tự thực thi.” Nói cách khác, họ lập luận rằng đó là một điều luật không hoạt động trừ phi Quốc hội đưa ra định nghĩa và khiến mục này có hiệu lực, nhưng Quốc hội vẫn chưa làm như vậy. Họ cho rằng Mục 5 của Tu chính án thứ 14 đã trao cho Quốc hội quyền thực thi tu chính án này bằng cách “ban hành luật phù hợp.”
Lập luận này có một số vấn đề. Đầu tiên, việc Quốc hội có quyền thông qua các luật để thực thi tu chính án này không có nghĩa là Quốc hội phải làm như vậy thì tu chính án mới này có hiệu lực. Thứ hai, mặc dù việc tu chính án này đã trao cho Quốc hội quyền để chấm dứt tình trạng không hoạt động (disability) [của các điều khoản trong Hiến Pháp] nhưng Quốc hội rõ ràng không được trao quyền tạo ra tình trạng không hoạt động. Thứ ba, Mục 5 được gọi là điều khoản “quyền hạn ngẫu nhiên.” Điều này có nghĩa là phạm vi của điều khoản này khá hạn chế.
Quốc hội đã thông qua một luật xem cuộc nổi dậy là tội phạm (Tiêu đề 18, Mục 2383, Bộ luật Hoa Kỳ). Việc vi phạm luật đó sẽ dẫn đến việc [người vi phạm] bị tước bỏ tư cách. Không rõ phần nào của Hiến Pháp trao cho Quốc hội quyền thông qua một luật như vậy, nhưng có lẽ đó không phải là Tu chính án thứ 14.
Điểm mà toà án này có thể đã sai
Một số học giả đã kết luận rằng Mục 3 của Tu chính án thứ 14 không áp dụng cho tổng thống bởi vì (họ nói) chức vụ tổng thống, theo cách hiểu nhóm từ này trong Hiến Pháp, không phải là một “chức vụ của Hoa Kỳ” (office under the United States).
Họ đưa ra rất nhiều bằng chứng cho thấy rằng khi Hiến Pháp được phê chuẩn, người ta cho rằng tổng thống là một chức vụ, nhưng không phải một “viên chức của Hoa Kỳ” (officer under the United States). Nhóm từ “viên chức của Hoa Kỳ” chỉ đề cập đến một chức vụ được bổ nhiệm, chẳng hạn như Bộ trưởng Ngân khố hoặc Thư ký Thượng viện.
Thẩm phán sơ thẩm nhận thấy bằng chứng từ thời mà Hiến Pháp được phê chuẩn có sức thuyết phục, nhưng phần lớn Tòa án Tối cao Colorado đã phớt lờ điều này. Thay vào đó, khối đa số cho rằng việc không tính đến vị trí tổng thống là vô lý, bởi vì như thế thì tổng thống sẽ không bị điều chỉnh bởi Điều khoản Thù lao từ Ngoại quốc của Hiến Pháp (Mục I, Điều 9, Khoản 8), vốn ngăn cản các viên chức của Hoa Kỳ nhận quà từ các thế lực ngoại quốc. Tuy nhiên, bằng chứng quan trọng cho thấy rằng trên thực tế, những người phê chuẩn Hiến Pháp không xem tổng thống là đối tượng được điều chỉnh của Điều khoản Thù lao từ Ngoại quốc. Những vị thẩm phán này cũng đã bỏ qua điểm đó.
Điểm mà tòa án này chắc chắn đã sai
Nhiều lần cựu TT Trump đã không được xét xử theo trình tự pháp lý công bằng (due process of law). Điều này đã xảy ra trong hai phiên tòa đàn hặc thứ nhất và thứ hai, cũng như tại “Ủy ban Đặc biệt Điều tra Vụ tấn công vào Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ” ngày 06/01 của Hạ viện. (Chúng ta sẽ gọi là “Ủy ban ngày 06/01.”)
Và việc ông không được xét xử theo trình tự công bằng lại xảy ra một lần nữa ở Colorado.
Cựu TT Trump chưa bao giờ bị kết án về tội nổi dậy, hoặc thậm chí bị cáo buộc nổi dậy. Bộ Tư pháp của Tổng thống Joe Biden, vốn không ngần ngại truy tố các đối thủ chính trị (bao gồm cả cựu TT Trump), chưa bao giờ tiến hành các thủ tục tố tụng chống lại ông Trump theo đạo luật nổi dậy liên bang. Lý do họ không thực hiện là vì các công tố viên biết rằng không có đủ bằng chứng để kết tội ông. Như tôi từng trình bày ở một bài báo, tôi cho rằng để tước bỏ tư cách tranh cử của một người, thì người đó phải bị kết án về tội nổi dậy.
Tuy nhiên, thẩm phán sơ thẩm Colorado vẫn cho phép vụ kiện này được tiến hành. Kết quả là, bà ấy phải xác định xem liệu cuộc bạo loạn ngày 06/01 có thực sự là một cuộc nổi dậy hay không — và nếu đó là một cuộc nổi dậy, thì cựu TT Trump có cố tình thúc đẩy cuộc nổi dậy đó hay không. Đây là những vấn đề khó, và cần có sự chuẩn bị, cần có bằng chứng đã được kiểm chứng, và cần thời gian để giải quyết.
Như những vị thẩm phán bỏ phiếu chống đã cho thấy, việc tước bỏ tư cách đảm nhận chức vụ công quyền là một hình phạt nghiêm khắc, chỉ nên được áp dụng sau khi tuân thủ tất cả các tiêu chuẩn về trình tự công bằng: thông báo kịp thời, tiết lộ bằng chứng cho các bên, một quan tòa công bằng, quyền triệu tập các nhân chứng, quyền thẩm vấn đối phương, thời gian chuẩn bị, và — bởi vì xét đến mức độ nghiêm trọng của hình phạt — nên cần có bằng chứng vượt trên sự nghi ngờ hợp lý.
Các thủ tục tố tụng cấp tốc có thể phù hợp để định đoạt xem một người có đáp ứng yêu cầu về độ tuổi hay không, nhưng hoàn toàn không thỏa đáng để xét xử vấn đề phức tạp này về việc liệu cựu tổng thống có tham gia cuộc nổi dậy hay không. Vì lý do đó, lẽ ra thẩm phán sơ thẩm nên bác bỏ vụ kiện. Cách thức đúng đắn cho những người khởi kiện là thuyết phục một công tố viên truy cứu trách nhiệm hình sự về cuộc nổi dậy hoặc (giả sử bên khởi kiện có tư cách) bắt đầu một thủ tục tố tụng dân sự thông thường.
Có thể vì thời gian cho phiên điều trần cấp tốc quá hạn chế nên thẩm phán sơ thẩm này đã khiến sai lầm của bà tồi tệ hơn bằng cách lệ thuộc quá nhiều vào “bằng chứng” từ Ủy ban ngày 06/01. Sai lầm nghiêm trọng nhất của Tòa án Tối cao Colorado là đã phê chuẩn thủ tục này.
Tài liệu từ Ủy ban ngày 06/01 là những tin đồn, có nghĩa là không thể được thẩm vấn. Đúng vậy, Tòa án Tối cao này đã cho thấy có một ngoại lệ là có tồn tại phán quyết dựa trên tin đồn đối với “những phát hiện có căn cứ, là kết quả từ một cuộc điều tra được thực hiện theo thẩm quyền mà pháp luật cho phép.” Nhưng sự trình diễn của Uỷ ban ngày 06/01 không phải là một “cuộc điều tra” theo cách hiểu thông thường về nhóm từ này. Đó là một phiên tòa dàn dựng: Tất cả các thành viên của uỷ ban đã bỏ phiếu để luận tội cựu TT Trump đối với cùng các tội danh. Tất cả những người ủng hộ ông Trump đều bị loại ra khỏi uỷ ban này. Nhóm của ông Trump không được phép đưa ra bằng chứng, được thách thức bằng chứng, hay được thẩm vấn nhân chứng. Bằng chứng đã được thừa nhận, được nêu bật, bị đàn áp, hoặc bị thao túng nhằm đạt được các kết quả định trước.
Các phiên điều trần của ủy ban này là những sự kiện được dàn dựng nhằm huỷ hoại một đối thủ chính trị. Có lẽ đến Joseph Stalin cũng còn kém xa.
Tóm lại, tài liệu từ Ủy ban ngày 06/01 không có có chỗ trong phòng xử án.
Tương lai
Nếu phán quyết nói trên của Tòa án Tối cao Colorado qua khỏi lần chung thẩm của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ — và tôi ngờ rằng điều đó sẽ không xảy ra — thì chúng ta có thể hình dung tương lai sẽ như thế nào rồi đấy. Tương lai sẽ như thế này:
Nếu giới quyền uy liên bang hoặc tiểu bang phản đối một ứng cử viên chính trị nổi tiếng, thì Quốc hội hoặc cơ quan lập pháp tiểu bang sẽ tiến hành một phiên tòa dàn dựng và đưa ra một báo cáo “chứng minh” ứng cử viên đó phạm tội nổi dậy.
Tiếp đến, các đối thủ của ứng cử viên đó sẽ kiện lên một tòa án ủng hộ họ để loại chính trị gia đó khỏi cuộc bỏ phiếu, sử dụng báo cáo đó làm “bằng chứng.”
Tòa án này sẽ loại bỏ chính trị gia đối lập khỏi lá phiếu, và cử tri sẽ không bao giờ được lắng nghe.
Đó có phải là tương lai mà chúng ta mong muốn không?