Thượng nghị sĩ Schumer chỉ trích phản ứng của Bắc Kinh về xung đột Israel-Hamas trong cuộc gặp với ông Tập Cận Bình
Ông Schumer cho biết ông ‘thất vọng trước tuyên bố của bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc vốn không thể hiện sự thông cảm hay ủng hộ nào đối với người dân Israel đang trong thời điểm khó khăn này.’
Hôm 09/10, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp phái đoàn lưỡng đảng gồm các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ tại Bắc Kinh, trong cuộc trao đổi đầu tiên với các nhà lập pháp Mỹ trong gần một thập niên, một dấu hiệu cho thấy nhà cầm quyền cộng sản muốn hợp tác với Hoa Thịnh Đốn trong bối cảnh họ phải đối mặt với nền kinh tế đang trì trệ.
Phái đoàn gồm sáu thành viên, do Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) và Thượng nghị sĩ Mike Crapo (Cộng Hòa-Idaho) dẫn đầu, đang trong ngày thứ ba trong chuyến công du Á Châu, bao gồm hai điểm dừng chân ở Nhật Bản và Nam Hàn.
Trong bài diễn văn mở đầu cuộc họp, ông Schumer kêu gọi ông Tập ủng hộ Israel, cho rằng chế độ Bắc Kinh “không bày tỏ sự cảm thông nào” với nhà nước Do Thái, nơi bị nhóm khủng bố Hamas tấn công vào sáng sớm ngày 07/10. Hôm 08/10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố về Chiến tranh Israel-Hamas, kêu gọi “các bên liên quan” “ngay lập tức chấm dứt những hành động thù địch.” Tuy nhiên, tuyên bố của Trung Quốc không đề cập gì đến Hamas.
Ông Schumer nói: “Những sự kiện đang diễn ra ở Israel trong vài ngày qua thật quá khủng khiếp. Tôi kêu gọi quý vị và người dân Trung Quốc hãy sát cánh cùng người dân Israel và lên án các cuộc tấn công hèn nhát và tàn ác này.”
Ông nói thêm: “Dù tôn trọng, nhưng phải nói rằng tôi thất vọng vì tuyên bố của bộ trưởng ngoại giao không thể hiện bất kỳ sự thông cảm hay ủng hộ nào đối với người dân Israel trong thời điểm khó khăn này.”
Kể từ khi Hamas phát động cuộc tấn công hôm 07/10, chính quyền Trung Quốc đã bị cộng đồng quốc tế dò xét kỹ về mối quan hệ của họ với nhóm khủng bố Hồi Giáo này.
Ông Gordon Chang, tác giả cuốn sách “Sự Sụp Đổ Sắp Tới của Trung Quốc,” viết trên X, trước đây gọi là Twitter, hôm 08/10, “#Hamas là lực lượng ủy nhiệm của #Iran, và #Iran là lực lượng ủy nhiệm của #Trung Quốc. Chúng ta cần buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công mà các lực lượng ủy nhiệm của họ đang thực hiện nhắm vào #Israel.”
Hôm 07/10, Dân biểu Joe Wilson (Cộng Hòa-South Carolina) đăng trên X, “Chế độ (Iran) trang bị vũ khí cho Hamas cũng giống như chế độ [Trung Quốc] trang bị vũ khí cho tội phạm chiến tranh Putin. ĐCSTQ giúp đỡ cả hai. Đây là quy tắc của băng đảng sở hữu súng.”
Khi được hỏi về bình luận của ông Schumer, bà Mao Ninh (Mao Ning), phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã cập nhật tuyên bố của mình về cuộc xung đột Israel-Hamas, mặc dù họ vẫn hạn chế chỉ đích danh đến Hamas.
Bà Mao nói trong cuộc họp báo thường nhật hôm thứ Hai (09/10): “Chúng tôi rất đau buồn trước những thiệt hại về người do cuộc xung đột gây ra, đồng thời phản đối và lên án những hành động như vậy đối với thường dân.”
Ông Schumer cho biết ông “hài lòng” với phản ứng mới nhất của chế độ này.
Ông Schumer nói với các phóng viên trong cuộc họp báo sau cuộc họp: “Tôi hài lòng vì Bộ Ngoại giao đã đưa ra một tuyên bố mới lên án thiệt hại về nhân mạng của thường dân.”
Cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập?
Cuộc gặp hôm 09/10 giữa ông Tập và các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ diễn ra tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, nơi lãnh đạo Trung Quốc đã từng tiếp đón Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hồi tháng Sáu.
Khi căng thẳng gia tăng, chính phủ Hoa Kỳ của Tổng thống Joe Biden đã tìm cách hàn gắn mối bang giao với Trung Quốc cộng sản, cũng để tránh rơi vào tình trạng xung đột. Trong năm nay, Tổng thống Biden đã cử bốn quan chức nội các tới Bắc Kinh.
Hôm 18/09, ông Blinken đã hội đàm với Phó Thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính (Han Zheng) bên lề phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York. Cuộc trò chuyện diễn ra sau cuộc gặp đột xuất giữa cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Biden, ông Jake Sullivan, và nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, ông Vương Nghị, tại Malta.
Những cuộc đàm phán này được kỳ vọng sẽ đặt nền móng cho cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và ông Tập bên lề hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Á Châu-Thái Bình Dương (APEC) vào tháng tới tại San Francisco.
Hôm 09/10, ông Tập nói với các nhà lập pháp Hoa Kỳ rằng có “1,000 lý do để cải thiện bang giao Trung Quốc-Hoa Kỳ và không có một lý do nào để hủy hoại mối bang giao này.”
Nhưng không rõ liệu ông Tập có sẵn sàng tới Hoa Kỳ hay không.
Ông Tập đã không tới dự hội nghị thượng đỉnh G-20 năm nay ở New Delhi và Bắc Kinh không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào cho hành động bất thường này. Kể từ khi nhậm chức vào năm 2012, ông Tập chưa từng bỏ lỡ buổi họp mặt thường niên nào của các nhà lãnh đạo thế giới.
Việc ra quyết định của chế độ này còn khó hiểu hơn nữa khi ông Tập công bố một số thay đổi đột ngột trong ban lãnh đạo cao nhất trong những tháng gần đây. Hồi tháng Bảy, ông Tập đã cách chức Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương (Qin Gang), người mà ông đã đích thân cất nhắc, chỉ bảy tháng sau khi ông Tần nhậm chức. Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) đã biến mất khỏi tầm mắt công chúng kể từ tháng Chín; nhiều bản tin cho thấy ông này đang bị điều tra.
‘Một sân chơi bình đẳng’
Ngoài cuộc gặp với ông Tập, các thượng nghị sĩ còn gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị, và nhà lập pháp hàng đầu của nước này, ông Triệu Lạc Tế (Zhao Leji).
Ông Schumer đến Trung Quốc hôm 07/10 cùng với năm thượng nghị sĩ khác. Vài giờ sau khi tới nơi, ông Schumer đã gặp ông Trần Cát Ninh (Chen Jining), Bí thư Thành ủy Thượng Hải. Ông nói với ông Trần rằng các công ty Hoa Kỳ đã không được đối xử công bằng ở Trung Quốc và nói rằng ông muốn thấy một sân chơi bình đẳng trong cuộc cạnh tranh kinh tế giữa hai bên.
Ông Schumer nói với ông Vương Nghị: “Trung Quốc cũng phải đem đến một sân chơi bình đẳng cho các công ty và nhân viên Mỹ. Nhiều người Mỹ, hầu hết người Mỹ, bao gồm cả phái đoàn của chúng tôi, nghĩ là hiện tại chúng tôi không nhận được sự công bằng đó.”
Chuyến đi của các thượng nghị sĩ diễn ra trong bối cảnh Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang gặp khó khăn trong việc vực dậy nền kinh tế đang suy thoái của mình, một yếu tố quan trọng mà các nhà phân tích cho rằng đã thúc đẩy Bắc Kinh đối thoại với Hoa Thịnh Đốn.
ông Đinh Thụ Phạm (Ding Shuh-fan), chuyên gia về chính sách an ninh và quan hệ quốc tế của Trung Quốc tại Đại học Quốc lập Chính trị Đài Loan, nói với The Epoch Times sau khi các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đến Trung Quốc, “Tình hình kinh tế hiện tại của Trung Quốc không tốt. Đó là lý do tại sao Trung Quốc dường như đang nỗ lực rất nhiều để khôi phục mối bang giao với Hoa Kỳ.”
Chính quyền Trung Quốc đã ngừng cập nhật dữ liệu về tình trạng thất nghiệp của thanh niên sau khi con số này liên tục đạt mức cao kỷ lục, trong đó có mức tỷ lệ thất nghiệp 21.3% chưa từng có trong tháng Sáu. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực địa ốc, vốn chiếm khoảng 1/4 tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đã leo thang trong những tuần gần đây.
Từng là công ty xây dựng nhà nổi tiếng nhất đất nước, Evergrande đã đệ đơn khai phá sản ở New York hồi tháng Tám. Tuy nhiên, kế hoạch tái cơ cấu khoản nợ hơn 300 tỷ USD của họ đang bị nghi ngờ khi người sáng lập công ty, ông Hứa Gia Ấn (Hui Ka Yan), bị điều tra về tội hình sự. Một đại công ty địa ốc khác, Bích Quế Viên (Country Garden), đang trên bờ vực vỡ nợ, và phải vật lộn để tránh bị mất khả năng trả nợ cho các nhà đầu tư.
Làn sóng vỡ nợ tài chính của các nhà phát triển địa ốc tư nhân đang gây thêm căng thẳng cho các chính quyền địa phương, nơi có nguồn thu chính đến từ việc bán đất. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, các khoản nợ mà chính quyền địa phương tích lũy đã lên tới 9 nghìn tỷ USD, làm tăng thêm rủi ro cho nền kinh tế của đất nước này.
“Trung Quốc cần rất nhiều đầu tư của Hoa Kỳ,” ông Đinh cho biết. “Nếu Hoa Kỳ có thể tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc, điều đó tất nhiên sẽ giúp ích cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.”
Nhưng do sự suy thoái của nền kinh tế, cùng với hàng loạt các biện pháp quản lý chặt chẽ đối với các hình thức tư vấn ngoại quốc, nên nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ đang lần lượt rút khỏi thị trường Trung Quốc.
“Chỉ có cách làm cho mọi người cảm thấy rằng căng thẳng Hoa Kỳ-Trung Quốc đang dịu bớt, thì Trung Quốc mới có thể trấn an các nhà đầu tư ngoại quốc đang chuyển tiền ra khỏi đất nước này,” ông Nhan Tuệ Hân (Yen Huai-Shing), nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung Hoa ở Đài Loan, cho biết. “Trung Quốc muốn ‘ngăn dòng chảy này.’”
‘Phải yêu cầu câu trả lời’
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, sau khi dừng chân ở Bắc Kinh, các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ sẽ tới Tây An, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây ở phía tây Trung Quốc.
Trước khi lên đường sang Trung Quốc, ông Schumer nói rằng một trong những vấn đề mà ông sẽ nêu ra là hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc. Không rõ thượng nghị sĩ này sẽ thúc ép Bắc Kinh chấm dứt danh sách dài các hành vi vi phạm nhân quyền ở mức độ nào.
Tháng trước (09/2023), Thượng nghị sĩ Rick Scott (Cộng Hòa-Florida) đã đề nghị với lãnh đạo đa số tại Thượng viện một danh sách các vấn đề mà ông “phải yêu cầu câu trả lời” khi gặp các quan chức Trung Quốc “nếu ông có bất kỳ hy vọng nào rằng điều này sẽ không khiến ông xấu hổ.”
Một trong những vấn đề như vậy là các hoạt động gián điệp của Trung Quốc nhắm vào Hoa Kỳ, bao gồm cả khinh khí cầu do thám của họ đã bay ngang qua Hoa Kỳ hồi đầu năm nay trước khi bị quân đội Hoa Kỳ bắn hạ, cũng như sự tồn tại của một căn cứ gián điệp ở Cuba và các đồn công an chìm ở các thành phố của Hoa Kỳ.
Hồi tháng Tư, đồn công an chìm của Trung Quốc tại thành phố New York đã bị lộ tẩy, khi FBI bắt giữ hai cá nhân với cáo buộc rằng họ đã nhận lệnh từ chế độ cộng sản để truy lùng và bịt miệng những người bất đồng chính kiến Trung Quốc.
Về hành vi vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh, ông Scott đề nghị ông Schumer yêu cầu câu trả lời về việc Trung Quốc vẫn đang tiếp tục giam giữ và đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, những người “là nạn nhân của lao động nô lệ, thu hoạch nội tạng không tự nguyện, triệt sản, và tra tấn với hệ quả thường là tử vong.” Chính phủ Hoa Kỳ xác định rằng Trung Quốc đã phạm tội “diệt chủng” đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc.
Ông Scott cho biết, yêu cầu Trung Quốc đưa ra câu trả lời về việc che đậy đại dịch COVID-19 cũng là một điều phải làm vì dịch bệnh bùng phát đã “gây ra sự tàn phá cho nền kinh tế Hoa Kỳ và cướp đi sinh mạng của hàng triệu người Mỹ.”
Ông nói thêm: “Trung Quốc Cộng sản đã gây ra nhiều tai hại do những hành vi vi phạm hiệp ước quốc tế, thao túng thương mại và bán phá giá bất hợp pháp, sử dụng lao động nô lệ trong hoạt động sản xuất tấm quang năng cũng như công kích chủ quyền của Đài Loan và Philippines bằng các hoạt động quân sự ở Eo biển Đài Loan và Biển Tây Philippine.”
Vị thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa ở Florida này nhắc nhở ông Schumer rằng Trung Quốc sẽ vẫn là một địch thủ của Hoa Kỳ.
Ông Scott nói: “Tất nhiên, ông ấy sẽ được chào đón như một vị vua ở Bắc Kinh. Trung Quốc Cộng sản đã chọn trở thành địch thủ của Mỹ và BẤT CỨ ĐIỀU GÌ mà ông Schumer nói cũng sẽ không thay đổi được điều đó.”
‘Những kẻ đàn áp nhân quyền’
Chuyến đi của phái đoàn Hoa Kỳ diễn ra vào thời điểm Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chuẩn bị tổ chức một cuộc bầu cử vào ngày 10/10, để chọn ra 15 quốc gia vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) gồm 47 ghế. Nga đang tìm cách quay trở lại cơ quan nhân quyền này, trong khi Trung Quốc và Cuba nằm trong số các quốc gia đang tìm cách tái tranh cử, khi nhiệm kỳ ba năm hiện tại của họ sẽ kết thúc vào ngày 31/12.
Các nhóm nhân quyền đang kêu gọi các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc không ủng hộ cho các quốc gia có hồ sơ không tốt về nhân quyền, bao gồm cả Trung Quốc.
Trong một tuyên bố được đưa ra hôm 05/10, ông Cédric Alviani, Giám đốc văn phòng khu vực Đông Á của tổ chức Phóng viên Không Biên giới, cho biết: “Cung cấp cho Trung Quốc, một trong những nước đàn áp nhân quyền và tự do báo chí lớn nhất thế giới, một nền tảng để gây ảnh hưởng hơn nữa và phá hoại các chuẩn mực quốc tế sẽ gây nguy hiểm lớn cho quyền thông tin trên toàn cầu.”
“Chúng tôi kêu gọi tất cả các thành viên Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu phản đối việc Trung Quốc tái đắc cử vào Hội đồng Nhân quyền và kêu gọi các quốc gia tăng cường áp lực để bảo đảm trả tự do cho tất cả các ký giả và những người bảo vệ tự do báo chí đang bị giam giữ ở cả Trung Quốc lẫn Hồng Kông.”
Hồi tháng Chín, ba tổ chức nhân quyền, trong đó có UN Watch, đã công bố một báo cáo chung phân tích tiêu chuẩn để các quốc gia ứng cử viên có được một ghế trong UNHRC.
“Nhiều nhóm tôn giáo ở Trung Quốc bị chỉ định là bất hợp pháp và phải chịu sự đàn áp hà khắc, gồm cả tra tấn và giam giữ tùy tiện. Những người này bao gồm các Phật tử Tây Tạng, người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ, học viên Pháp Luân Công, và các tín đồ Cơ Đốc Giáo tại gia,” báo cáo nêu rõ.
Báo cáo cũng xem xét hồ sơ bỏ phiếu của Trung Quốc với tư cách là thành viên UNHRC.
“Trong cương vị đó, Trung Quốc đã phản đối các nghị quyết lên tiếng cho các nạn nhân nhân quyền ở Iran, Syria, Belarus, Burundi, Nicaragua, và Venezuela, cùng những quốc gia khác,” báo cáo cho biết. “Họ cũng ủng hộ các nghị quyết phản tác dụng vốn làm suy yếu nhân quyền cá nhân hoặc giải quyết các vấn đề vượt quá thẩm quyền của Hội đồng.”
Trong một tuyên bố kèm theo việc công bố báo cáo nói trên, ông Hillel Neuer, Giám đốc điều hành của UN Watch, cho biết đây sẽ là một “cái tát vào mặt” các tù nhân chính trị và những công dân bị đàn áp nếu chính quyền áp bức của họ trở thành “thẩm phán toàn cầu và người bảo vệ nhân quyền” khi họ có được một ghế trong UNHRC.
Bản tin có sự đóng góp của Lạc Á và Reuters
Ngọc Mai biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times