Nền kinh tế đang suy thoái của Trung Quốc đòi hỏi các biện pháp tuyệt vọng từ phía Bắc Kinh
Nền kinh tế Trung Quốc suy thoái dẫn đến việc tiếp cận với người ngoại quốc.
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình là một người cộng sản, chứ không phải là một nhà kinh tế, và ông ấy đã chứng minh điều đó gần như mỗi ngày. Ưu tiên hàng đầu của ông Tập là an ninh chính trị cho chính quyền cộng sản của ông, còn mọi cân nhắc khác, trong đó có tác động của chế độ an ninh quốc gia kiểu Mao của ông đối với nền kinh tế Trung Quốc, là đứng xa xa ở vị trí thứ hai.
Duy trì sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với mọi khía cạnh của đời sống người dân Hoa lục dường như là trọng tâm chính của ông Tập. Những nỗ lực của ông nhằm thấm nhuần tính nguyên gốc của học thuyết và kỷ luật cộng sản khắc nghiệt trong bộ máy quan liêu và các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc trong khi cố gắng thúc đẩy những người dân Trung Quốc bình thường tham gia nhổ tận gốc tệ tham nhũng, sự bất đồng chính kiến, và các mối đe dọa mà ông cho là đến từ ngoại quốc bằng cách thúc đẩy luật chống gián điệp mới đây đã tạo thêm những gánh nặng mới cho nền kinh tế, vốn đã không cải thiện được do một hành động khác thể hiện năng khiếu tùy tiện của ông Tập — chính sách zero COVID.
Trong khi các hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc tiếp tục tô hồng cho nền kinh tế Trung Quốc đang suy thoái, thì các nhà đầu tư ngoại quốc không bị lừa bởi liều lượng kha khá của việc rao bán ảnh hưởng và những cử chỉ làm thân của Trung Quốc như lời khen ngợi gần đây của ông Tập về biệt đội Phi Hổ thời Đệ nhị Thế chiến.
Điểm mấu chốt đối với các nhà đầu tư xoay quanh các khái niệm kinh tế căn bản về rủi ro, lợi nhuận, chi phí vốn và lao động, cũng như môi trường pháp lý mà doanh nghiệp phải hoạt động. Những khái niệm này dường như không được áp dụng ở Trung Nam Hải.
Chúng ta hãy xem xét về chủ đề này.
Sự can thiệp của ĐCSTQ do ông Tập lãnh đạo
Thật không may cho ông Tập, việc bắt buộc nghiên cứu “Tư tưởng Tập Cận Bình” và chủ nghĩa cộng sản nguyên gốc để củng cố cơ sở chính trị của ĐCSTQ chẳng giúp ích gì cho việc phát triển nền kinh tế Trung Quốc. Trên thực tế, tác động là hoàn toàn ngược lại. Bốn trụ cột chính đã thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc trong những thập niên gần đây là địa ốc, xuất cảng, thị trường nội địa, và đầu tư trực tiếp ngoại quốc. Cả bốn trụ cột này đều bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các chính sách độc đoán, chắp vá, can thiệp, và mang tính phá hoại của ĐCSTQ.
Thị trường địa ốc
Khoảng 70% tài sản gia đình ở Trung Quốc liên quan đến địa ốc. Suy thoái kinh tế do chính sách zero COVID kéo dài của ông Tập đã làm giảm doanh số bán địa ốc và làm tăng nợ của chính phủ địa phương. Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao do nền kinh tế đang suy thoái cũng góp phần làm giảm nhu cầu về nhà ở và giá nhà sụt giảm. Kết quả là, các nhà phát triển địa ốc như Viễn Dương (Sino–Ocean) và Bích Quế Viên (Country Garden) đã không thể thanh toán trái phiếu quốc tế trong hai tháng qua.
Nền kinh tế xuất cảng
Trong những thập niên gần đây, Trung Quốc đã xây dựng một nền kinh tế xuất cảng rất lớn thông qua sự chảy vào của nguồn vốn, công nghệ, và tài sản trí tuệ phương Tây, cộng với chủ nghĩa trọng thương mạnh mẽ của Trung Quốc để chiếm lĩnh thị trường ngoại quốc.
Chi phí nhân công thấp và 1.4 tỷ người tiêu dùng tiềm năng đã tạo nên tiếng gọi hấp dẫn thu hút nhiều tập đoàn đa quốc gia đến Hoa lục, gây bất lợi cho quê nhà của các tập đoàn này. Việc thâu tóm chuỗi cung ứng xảy ra sau đó đã tạo ra sự phụ thuộc cố hữu vào Trung Quốc về dược phẩm, phụ tùng xe hơi, linh kiện công nghệ xanh, và nhiều mặt hàng khác.
Theo Statista, thặng dư thương mại hàng hóa của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới vào năm 2022 đạt mức 877.6 tỷ USD, “đạt mức cao trong lịch sử,” khi phần còn lại của thế giới phải chật vật để khởi động lại nền kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, tình huống đã thay đổi vào năm 2023, khi CNBC đưa tin hồi tháng Tám rằng “xuất cảng đã giảm so với cùng thời kỳ năm ngoái kể từ tháng Tư do nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa Trung Quốc giảm.” Tác động từ ba phía của chính sách zero COVID của ông Tập, các quy định mới đối với kinh doanh, và sự hiếu chiến của quân đội Trung Quốc ở Đông Á đã kích thích các quốc gia tìm kiếm các giải pháp thay thế cho các nguồn cung cấp từ Trung Quốc thông qua việc tách rời và “giảm thiểu rủi ro.”
Thị trường nội địa
Nhu cầu trong nước là một yếu tố quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc. Diễn đàn Đông Á đã báo cáo rằng “tỷ trọng GDP dành cho tiêu dùng nội địa [đạt] 55% vào năm 2019.”
Tăng trưởng dân số của Trung Quốc đã đình trệ do các quy định sai lầm của ĐCSTQ về số lượng trẻ em được phép sinh. Chính sách zero COVID của ông Tập đã làm giảm nhu cầu [của thị trường] trong ba năm qua, khiến những người dân Trung Quốc bình thường gặp khó khăn trong việc sống, làm việc, và đi lại (cho mục đích công việc và giải trí).
Theo Statista, bất chấp tỷ lệ sinh giảm, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị (từ 16 đến 24 tuổi) vẫn lên tới 21.3% trong tháng Sáu. Những con số và xu hướng hẳn là đã rất tệ bởi vì vào tháng Tám, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã thông báo rằng họ sẽ không công bố dữ liệu thất nghiệp của thanh niên.
Các cuộc tấn công vào các doanh nghiệp ngoại quốc, luật chống gián điệp mới, và các hoạt động chống tham nhũng không ngừng nghỉ đã làm xáo trộn nền kinh tế và làm giảm niềm tin của người tiêu dùng hơn nữa. Thậm chí tệ hơn nữa là, nhu cầu nội địa yếu kém đang được cho là nguyên nhân khiến Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát, như Reuters đưa tin hồi cuối tháng Tám.
Đầu tư trực tiếp ngoại quốc
Sự trỗi dậy của nền kinh tế Trung Quốc có nguyên nhân trực tiếp từ việc nguồn vốn đầu tư trực tiếp ngoại quốc ồ ạt chảy vào Hoa lục trong nhiều thập niên. Dòng vốn ngoại quốc đã thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế và hiện đại hóa nhanh chóng của Trung Quốc, gồm cả việc hiện đại hóa Quân Giải phóng Nhân dân.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, trong năm 2021, Trung Quốc là điểm đến thứ ba về đầu tư trực tiếp ngoại quốc (FDI) sau Hoa Kỳ và Hà Lan. Tình hình này cũng đang thay đổi khi các nhà đầu tư ngoại quốc ngày càng trở nên thận trọng hơn trước các quy định mới của Trung Quốc mà sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, các cuộc đột kích vào các công ty thuộc sở hữu ngoại quốc, và luật chống gián điệp mới ảnh hưởng xấu đến các doanh nghiệp.
Tờ Wall Street Journal đưa tin hồi tháng Bảy rằng, theo công ty nghiên cứu Rhodium Group, “đầu tư trực tiếp ngoại quốc vào Trung Quốc đã giảm xuống còn 20 tỷ USD trong quý đầu tiên [năm 2023] từ mức 100 tỷ USD vào một năm trước đó, gây tổn hại cho nền kinh tế vốn đã gặp khó khăn này.”
Financial Times đưa tin rằng “các nhà đầu tư ngoại quốc đã bán thêm số cổ phiếu Trung Quốc trị giá 23 tỷ nhân dân tệ (3.15 tỷ USD) tính đến thời điểm này trong tháng sau khi dòng vốn chảy ra với khối lượng kỷ lục trong tháng Tám.”
The Epoch Times đã tóm lược tình trạng thoái vốn hàng loạt khỏi Trung Quốc đang ngày càng lan rộng tại đây.
ĐCSTQ nhận ra mối đe dọa từ việc FDI suy giảm đối với nền kinh tế của mình, và các hãng truyền thông nhà nước trong nhiều tháng qua đã dẫn đầu dàn đồng thanh kêu gọi người ngoại quốc “ở lại Trung Quốc,” không tách rời, và tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc.
ĐCSTQ sử dụng ảnh hưởng để giải cứu
Giới lãnh đạo ĐCSTQ đã không còn phản đối việc thu hút đầu tư ngoại quốc kể từ khi Đặng Tiểu Bình đề ra con đường đó, bắt đầu từ cuối những năm 1970. Nhưng các vấn đề trở nên đặc biệt nghiêm trọng khi nền kinh tế Trung Quốc suy thoái do các chính sách của ĐCSTQ và tình trạng đầu tư trực tiếp ngoại quốc dần cạn kiệt như đã nêu ở trên. Do đó, Bắc Kinh đã thực hiện một bước đi chưa từng có khi quảng bá năm 2023 là “Năm Đầu Tư Vào Trung Quốc.”
Ông Tập đã khởi động một chiến dịch quảng bá toàn diện để thu hút đầu tư ngoại quốc thông qua các hãng truyền thông nhà nước và bộ máy quan liêu của ĐCSTQ. Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin cho biết, tháng Tám đã chứng kiến một loạt quan chức thương mại Trung Quốc nói chuyện với truyền thông nhà nước về cam kết của chính quyền trong việc “cải thiện môi trường đầu tư ngoại quốc” và “nỗ lực hết sức để giữ vốn ngoại quốc ở lại Trung Quốc.”
Trung Quốc Nhật Báo (China Daily) đưa tin hồi tháng Tám loan báo rằng “Trung Quốc đã ban hành một bản hướng dẫn để tối ưu hóa hơn nữa môi trường đầu tư ngoại quốc và tăng cường các nỗ lực, gồm 24 biện pháp cụ thể trong sáu khía cạnh.” Các biện pháp này gồm cả các nỗ lực nghiên cứu và phát triển, cũng như các khu vực thí điểm mở ra “các dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng,” tăng cường quyền sở hữu quốc tế.
Nỗ lực thúc đẩy toàn diện đó cũng mở rộng sang việc tăng cường các hoạt động gây ảnh hưởng và tiếp cận với những người ủng hộ và đồng minh ở Hoa Kỳ để củng cố mối bang giao, tình hữu nghị, và sự gắn kết giữa người dân hai nước trong khi thu thập sự trợ giúp cho việc tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc. Như Trung Quốc Nhật Báo đã đưa tin, ông Tập đã cho phép thành lập hai nhóm công tác Trung Quốc-Hoa Kỳ mới để bắt đầu hợp tác trong kinh tế và tài chính. Các quan chức Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến những người tương nhiệm Hoa Kỳ của họ, bao gồm cả những người có xu hướng ủng hộ “sự tương giao với Trung Quốc.”
Báo cáo gần đây trên tờ The Wall Street Journal về việc trả lại những con gấu trúc trong Vườn thú Quốc gia ở Hoa Thịnh Đốn là một ví dụ điển hình khác về việc Bắc Kinh đang cố gắng hết sức để đạt được mục đích chính trị của mình. Một lần nữa, tại sao lại chuyển gấu trúc đi vào lúc này? Rốt cuộc, Trung Quốc đã cho Vườn thú Quốc gia “thuê” gấu trúc với giá 1 triệu USD mỗi năm kể từ năm 2000.
Theo Nhân Dân Nhật Báo, hồi tháng Bảy, Trung tâm Hợp tác Giao lưu Ngôn ngữ giữa Trung Quốc và Ngoại quốc (CLEC) thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc đã khởi động một chương trình mới về “giao lưu kịch nghệ và ngôn ngữ Trung Quốc quốc tế dành cho thanh thiếu niên Trung Quốc và Hoa Kỳ.” Chương trình này, cùng với sự tái sinh của các Viện Khổng Tử dưới hình thức “Lớp học Khổng Tử” ở Hoa Kỳ, là một hình thức chiến tranh tâm lý nhằm khiến trẻ em Hoa Kỳ hướng tới ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc trong khi phớt lờ sự đàn áp và thái độ hiếu chiến đang mà nhà cầm quyền cộng sản này đang thể hiện.
Dường như lời khen ngợi công khai của ông Tập đối với biệt đội Phi Hổ và Tổ chức Di sản Mỹ Trung hôm 19/09 là một hành động tuyệt vọng (mặc dù việc chỉ trích Nhật Bản luôn nằm trong sách lược chính trị của ĐCSTQ). Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng ông Tập “[đã tận tâm] thúc đẩy tình hữu nghị và hiểu biết giữa nhân dân hai nước.” Một lần nữa, tại sao là bây giờ? Suy cho cùng, biệt đội Phi Hổ đã trợ giúp những người theo chủ nghĩa Dân tộc Trung Hoa của Tưởng Giới Thạch — chứ không phải là Mao Trạch Đông và đảng cộng sản — trong Đệ nhị Thế chiến. Rõ ràng là lãnh đạo ĐCSTQ đang muốn khai thác tình hữu nghị* (tôi cố tình chơi chữ ở đây).
Mối quan hệ nồng ấm giữa người Mỹ và người Hoa đã có từ trước khi thành lập Trung Quốc cộng sản, cũng như các hoạt động gây ảnh hưởng đã được ĐCSTQ tài trợ nhiều ở Hoa Kỳ trong những thập niên gần đây. Không phải tất cả mọi người đều bị lừa, vì kinh doanh và kinh tế là về dollar và cent, đồng tệ và nhân dân tệ, chứ không phải những cử chỉ vô nghĩa như thế này.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times