Trung Quốc: Các gói cứu trợ ngân hàng sắp bắt đầu
Khi các ngân hàng Trung Quốc quằn quại rên rỉ dưới sức nặng của nhu cầu cho vay ngày càng tăng và số lượng lớn các khoản nợ xấu không được công bố, thì chỉ còn là vấn đề thời gian cho đến khi việc cứu trợ ngân hàng bắt đầu. Vâng, các gói cứu trợ ngân hàng ở Trung Quốc đã bắt đầu.
Bất chấp sự cường điệu về những rủi ro chưa từng có đối với hệ thống tài chính Trung Quốc từ các chuyên gia, hệ thống ngân hàng Trung Quốc vốn dĩ đã bấp bênh và các gói cứu trợ vẫn rất có tiền lệ. Đầu những năm 2000, Trung Quốc đã phải đối diện với làn sóng nợ xấu gia tăng đe dọa áp đảo hệ thống ngân hàng của nước này. Từ khoảng năm 2004 đến năm 2006, Trung Quốc đã tiến hành một đợt tái cấp vốn lớn cho hệ thống ngân hàng của mình, cho cả các ngân hàng cấp quốc gia và ngân hàng cấp thành phố.
Cuộc tái cấp vốn này diễn ra thông qua hai kênh chính. Đầu tiên, Bắc Kinh tạo ra bốn “ngân hàng xấu” thuộc sở hữu nhà nước và được nhà nước cấp tiền, sau đó các ngân hàng này mua lại các khoản nợ xấu từ các ngân hàng khác. Các ngân hàng này có thành tích khác biệt một cách rõ rệt. Một số khoản vay cuối cùng đã được hoàn trả khi Trung Quốc đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh chóng từ năm 2005 đến năm 2020. Tuy nhiên, phần lớn các khoản vay này vẫn chưa được hoàn trả và tồn tại dưới dạng tài sản xác sống khó có thể được hoàn trả với các mức lãi suất chiết khấu cao. Ngày nay, tình trạng tài chính của những ngân hàng xấu này là từ chính thức phá sản cho đến đang bên bờ vực phá sản.
Thứ hai, nhiều chính quyền địa phương đã vào cuộc để mua tài sản từ các ngân hàng để giữ cho các ngân hàng này không bị sụp đổ. Đây là cách các giao dịch thường diễn ra. Chính quyền địa phương sẽ mua một lượng lớn hoặc toàn bộ nợ xấu, do đó các ngân hàng sẽ không có các khoản nợ xấu trong sổ sách của họ và có thể tiếp tục cho vay với lãi suất thấp hoặc bằng 0 trong thời gian dài. Sau đó, ngân hàng sẽ hoàn trả các khoản vay này dựa trên một biện pháp tạm thời hoặc sự kiện cụ thể, chẳng hạn như phát hành cổ phiếu ra công chúng với một phần thu nhập cụ thể hoặc mua lại nợ xấu theo từng đợt.
Vì một lượng lớn các khoản nợ xấu có liên quan đến các dự án công cộng và chính quyền cần các ngân hàng tiếp tục cho vay, nên đã có một nhu cầu mang tính cộng sinh giữa các bên. Mặt không tốt của cách làm này là khoản nợ không bao giờ được xóa sổ hay tài sản được thanh lý, vì chính quyền chưa bao giờ giải quyết được vấn đề căn bản của nợ xấu. Vì vậy, khi ngân hàng trả nợ xấu hoặc mua lại các khoản nợ như vậy, thì về căn bản những khoản nợ xấu này không có gì thay đổi.
Trung Quốc đã có thể giải quyết một lượng đáng kể nợ xấu trước đây bằng cách đơn giản là phát triển vượt quá mức nợ xấu, chứ không phải bằng cách thực sự điều chỉnh định giá, ghi giảm hoặc xóa các khoản cho vay, hay giải quyết các hoạt động của ngân hàng. Phát triển vượt lên trên nợ xấu là không phổ biến đối với mỗi từng khoản nợ xấu riêng lẻ và rất hiếm khi xảy ra ở cấp độ kinh tế vĩ mô.
Trung Quốc hy vọng sẽ lặp lại thành tích này khi nước này bắt đầu giải quyết các khoản nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng, chưa đầy 20 năm sau lần cuối cùng Bắc Kinh cố gắng tái cấp vốn cho các ngân hàng.
Mới gần đây, Ngân hàng Thịnh Kinh (Shengjing Bank) niêm yết tại Hồng Kông từ tỉnh Liêu Ninh phía đông bắc thông báo họ đã bán khoản nợ xấu trị giá 176 tỷ nhân dân tệ hoặc 24 tỷ USD cho chính quyền tỉnh Liêu Ninh. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ hơn giao dịch này, chúng ta sẽ thấy có nhiều sự lưu chuyển còn tác dụng thực chất thì ít.
Thỏa thuận giữa Ngân hàng Thịnh Kinh và Liêu Ninh rất đơn giản và chỉ nhằm mục đích che giấu trên giấy tờ và trì hoãn giải quyết vấn đề căn bản. Không có khoản tiền thực tế nào được trao tay trong giao dịch giữa Ngân hàng Thịnh Kinh và Liêu Ninh. Liêu Ninh Asset, một tổ chức thuộc chính quyền địa phương, chỉ đơn giản là nhận một gói cho vay và đầu tư, và sau đó phát hành trái phiếu kỳ hạn 15 năm trị giá 176 tỷ nhân dân tệ trở lại cho Thịnh Kinh với lãi suất 2.25%. Trên thực tế, Thịnh Kinh đang chuyển các khoản nợ xấu của mình cho chính quyền địa phương với hy vọng sẽ được hoàn trả sau 15 năm trong khi chấp nhận mức thanh toán lãi suất tối thiểu thấp hơn nhiều so với lãi suất chính thức.
Thịnh Kinh đã tiến hành giao dịch thanh lý tài sản này nhằm “nâng cao chất lượng tài sản của ngân hàng.” Tuy nhiên, nhìn bề ngoài, đây là một hành động khó hiểu nếu chúng ta chấp nhận những hồ sơ được công bố ở đây là sự thật. Theo báo cáo nửa năm của Thịnh Kinh, thì tỷ lệ nợ xấu là 3.17%, thực tế đã giảm so với mức 3.22% vào năm 2022. Ngoài ra, Thịnh Kinh được cho là đã có khoản dự phòng nợ xấu là 4.5%, nghĩa là họ đã trích lập gấp 1.5 lần khoản nợ khó đòi để trang trải các khoản nợ khó đòi.
Số lượng khoản cho vay bán đi cũng có vẻ khó hiểu. Việc bán tài sản trị giá 176 tỷ nhân dân tệ cho Liêu Ninh Asset bao gồm 16% tổng tài sản của Thịnh Kinh, và phần cho vay chiếm hơn 20% tổng số khoản vay trên sổ sách của họ. Nói cách khác, Thịnh Kinh đang giảm số lượng nợ xấu gấp 5 lần lượng nợ xấu mà họ báo cáo, ngay cả khi họ báo cáo rất nhiều khoản dự phòng để giải quyết các khoản nợ khó đòi.
Vấn đề thực sự là sâu sắc và ẩn giấu hơn những gì các báo cáo tài chính chính thức thể hiện. Cho đến cuối năm 2022, một trong những khách hàng đồng thời là cổ đông lớn nhất của Thịnh Kinh là nhà phát triển địa ốc Hằng Đại (Evergrande). Trên thực tế, vào cuối năm 2022, Thịnh Kinh đã đệ đơn kiện Evergrande vì khoản nợ chưa trả hơn 32 tỷ nhân dân tệ.
Khoản nợ 32 tỷ nhân dân tệ chưa trả đó còn quan trọng hơn thực tế là Hằng Đại khó có thể sớm trả được những khoản vay đó. Trong kết quả tài chính nửa đầu năm, Thịnh Kinh chỉ liệt kê khoản lỗ cho vay là 3.7 tỷ nhân dân tệ và tổng số nợ khó đòi là dưới 20 tỷ nhân dân tệ. Vì vậy, bằng cách nào đó, thì Thịnh Kinh không thể thu được hơn 32 tỷ nhân dân tệ từ một khách hàng vỡ nợ và tuyên bố phá sản, nhưng họ chỉ liệt kê 20 tỷ nhân dân tệ vào các khoản nợ xấu trong toàn bộ danh mục đầu tư của mình.
Có một số điểm chính về gói cứu trợ ngân hàng Liêu Ninh-Thịnh Kinh. Đầu tiên, cấu trúc căn bản này là hình mẫu cho các gói cứu trợ ngân hàng Trung Quốc trong quá khứ. Rất ít hoặc không có khoản tiền thực sự nào được trao tay, tài sản xấu được chuyển sang một số pháp nhân khác và không có gì được thực hiện để giải quyết giá trị tài sản căn bản hoặc các hoạt động ngân hàng. Hãy xem đây là một khuôn khổ chung cho các gói cứu trợ ngân hàng trong tương lai.
Thứ hai, ngay cả với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, thì số lượng lớn nợ và tài sản vẫn lưu lại từ gói cứu trợ ngân hàng Trung Quốc gần nhất vào gần 20 năm trước trong thời kỳ mà Trung Quốc đạt được mức tăng trưởng vượt trội trong lịch sử nhân loại. Trung Quốc khó có thể gặp được vận may như vậy lần thứ hai, đồng nghĩa với việc nhiều tài sản xấu sẽ chồng chất trong hệ thống tài chính và bảng cân đối kế toán của chính quyền. Ngay cả khi lãi suất giảm đáng kể, thì Liêu Ninh vẫn sẽ phải chật vật để trả khoản nợ này trong 15 năm với bất kỳ hình thức giảm giá trị tài sản nào. Nếu đây là địa ốc và tài sản cơ sở hạ tầng công cộng, với phần lớn các khoản nợ khó đòi đã được bán, thì điều này chỉ khiến ngày thanh toán bị trì hoãn lại về sau với chi phí cao hơn.
Thứ ba, toàn bộ vụ việc này trực tiếp giải thích lý do tại sao các nhà đầu tư Trung Quốc và quốc tế không tin vào dữ liệu kinh tế và tài chính đã được công bố hay tin rằng chính quyền sẽ không đứng đằng sau các nhà đầu tư lớn. Hoạt động tài chính của Thịnh Kinh rõ ràng không thể giải quyết được các vấn đề tài chính của chính họ và Bắc Kinh đang giải cứu một ngân hàng mà họ rất cần. Các nhà đầu tư sẽ không tin vào dữ liệu tài chính và kinh tế nhưng sẽ tiếp tục tin rằng chính quyền sẽ luôn ra tay giải cứu.
Khi các ngân hàng Trung Quốc tiếp tục cần viện trợ, đây mới chỉ là khởi đầu của một quá trình chắc chắn là sẽ rất to lớn, tốn kém, và kéo dài.