Trong khi Nhật Bản và các nước khác mua vào, thì Trung Quốc đang bán ra hàng loạt nợ của Hoa Kỳ
Trung Quốc đã bán hàng tỷ USD chứng khoán và cổ phiếu của Bộ Ngân khố Hoa Kỳ trong khi nhiều quốc gia mua thêm tài sản của Mỹ.
Theo dữ liệu mới từ Bộ Ngân khố, vào tháng Tám, lượng nắm giữ công khố phiếu Hoa Kỳ của ngoại quốc đã tăng tháng thứ ba liên tiếp lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2021. Nhưng Trung Quốc đã thu hút sự chú ý khi tiếp tục bán phá giá tài sản của Mỹ với số lượng lớn.
Tổng số nợ Hoa Kỳ được nắm giữ đã tăng gần 3% so với cùng thời kỳ năm ngoái lên 7.707 ngàn tỷ USD. Con số này cũng tăng so với tổng số 7.655 ngàn tỷ USD của tháng Bảy.
Trung Quốc đã giảm hơn 16 tỷ USD trong lượng nắm giữ của mình để xuống mức 805.4 tỷ USD, giảm khoảng 15% so với cùng thời kỳ năm ngoái và là mức thấp nhất kể từ năm 2009. Các nhà đầu tư Trung Quốc cũng bán ra khoảng 5.1 tỷ USD cổ phiếu Hoa Kỳ trong tháng Tám, một mức cao kỷ lục.
Nhật Bản duy trì vị thế là bên ngoại quốc nắm giữ công khố phiếu Hoa Kỳ lớn nhất thế giới, với việc các nhà đầu tư ở Tokyo tăng lượng nắm giữ của họ thêm khoảng 4 tỷ USD lên 1.116 ngàn tỷ USD.
Các quốc gia đáng chú ý khác tăng cường nắm giữ công khố phiếu Hoa Kỳ là Vương quốc Anh (36 tỷ USD), Canada (1.2 tỷ USD), và Saudi Arabia (3 tỷ USD). Các quốc gia cắt giảm lượng nắm giữ của họ bao gồm Bỉ (2 tỷ USD), Thụy Sĩ (18 tỷ USD), Đài Loan (2 tỷ USD), và Ấn Độ (600 triệu USD).
‘Lời tạm biệt lâu dài’
Một loạt nhà quan sát thị trường cho rằng Trung Quốc đã bán nợ và cổ phiếu Hoa Kỳ nhằm mục đích can thiệp để trợ giúp cho đồng nhân dân tệ. Các quan chức Bắc Kinh được cho là đã thúc đẩy các ngân hàng nhà nước củng cố đồng nhân dân tệ. Khi việc này trở nên bắt buộc, Trung Quốc sẽ bán tài sản bằng USD và sử dụng lợi nhuận thu được để mua đồng nhân dân tệ.
Năm nay, cả ở trong và ngoài nước, đồng nhân dân tệ đã suy yếu đáng kể so với đồng bạc xanh, chạm mức thấp nhất kể từ cuối năm 2007. Năm 2023, đồng nhân dân tệ là một trong những đồng tiền Á Châu có diễn biến tệ nhất, giảm khoảng 6%.
Các chuyên gia kinh tế khác cho rằng Bắc Kinh đang cố gắng kiềm chế tài chính của mình trong thời kỳ tăng trưởng dưới xu hướng. Kết quả là, các quan chức có thể đang sử dụng các nguồn lực của chính phủ để thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong quý 3, nền kinh tế Trung Quốc chậm lại với tốc độ tăng trưởng GDP 4.9%, giảm từ mức 6.3% trong quý 2. Con số này cao hơn mức ước tính đồng thuận 4.4%.
Đa dạng hóa tài sản là một thành phần quan trọng khác trong sách lược của Trung Quốc, với nợ chính phủ Hoa Kỳ chiếm khoảng ¼ tổng dự trữ ngoại hối của nước này, giảm từ mức 59% vào gần một thập niên trước. Bắc Kinh đã dự trữ nhiều loại tài sản, từ vàng, dầu thô cho đến đồng euro.
Tuy nhiên, một số nhà kinh tế xem việc Trung Quốc bán phá giá dần dần tài sản của Hoa Kỳ là “lời tạm biệt lâu dài.”
“Sau khi đạt đỉnh trên 1.3 ngàn tỷ USD vào cuối năm 2013, lượng nắm giữ của Trung Quốc đã giảm tổng cộng 500 tỷ USD (hoặc gần 40%) trong 10 năm qua xuống chỉ còn hơn 800 tỷ USD một chút,” ông Douglas Porter, nhà kinh tế trưởng tại BM Capital Markets, viết trong một lưu ý. “Việc cắt giảm rõ ràng đã tăng tốc trong hai năm qua, có khả năng khiến tình trạng bán tháo công khố phiếu trở nên nghiêm trọng hơn.”
Nếu Trung Quốc đã mất hứng thú với công khố phiếu Hoa Kỳ, thì họ sẽ không phải là nước duy nhất cảm thấy như vậy.
Không quan tâm đến nợ của Hoa Kỳ
Trong những tuần gần đây, các cuộc đấu giá công khố phiếu đã chứng kiến nhu cầu của nhà đầu tư giảm dần, bao gồm cả nhu cầu đối với trái phiếu kỳ hạn 3, 10, và 30 năm. Xu hướng quan tâm giảm sút này là do chính phủ liên bang làm ngập thị trường vốn bằng trái phiếu và [trên thị trường] có tâm lý lo ngại lan rộng về con đường tài khóa của Hoa Thịnh Đốn, một lộ trình mà nhiều người, chẳng hạn như Chủ tịch Hệ thống Dự trữ Liên bang Jerome Powell, cho là không bền vững.
Bộ Ngân khố đã phát hành 1 ngàn tỷ USD trái phiếu trong quý 3 và được dự báo sẽ bơm vào thị trường thêm 850 tỷ USD khác. Trong khi đó, nợ quốc gia đã lên tới 33.55 ngàn tỷ USD và thâm hụt liên bang lên tới gần 2 ngàn tỷ USD.
Mặc dù vậy vẫn có một số tin tốt trên thị trường trái phiếu khi cuộc đấu giá công khố phiếu kỳ hạn 20 năm trị giá 13 tỷ USD hôm 18/10 nêu bật nhu cầu mạnh mẽ và tốt hơn mong đợi. Kết quả này đã giúp làm giảm thiểu việc bán tháo công khố phiếu dài hạn.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm chuẩn đã vượt mốc quan trọng 5% hôm 19/10 lần đầu tiên kể từ tháng 07/2007. Lợi suất về sau đã giảm xuống dưới mức tăng đó và lại xuống dưới mức 5%, nhưng lợi suất đã tăng khoảng 40 điểm cơ bản tính đến thời điểm hiện tại trong tháng này.
Các nhà đầu tư đã nhận được tín hiệu từ Chủ tịch Fed Jerome Powell, khi ông nói với Câu lạc bộ Kinh tế New York rằng chính sách tiền tệ đang không quá hạn chế.
Ông Powell nói: “Có phải mọi người cảm thấy chính sách hiện tại đang quá thắt chặt? Tôi sẽ phải nói là không đâu.”
Trong khi báo hiệu rằng ngân hàng trung ương có thể đã hoàn tất việc tăng lãi suất, ông Powell vẫn để ngỏ khả năng thắt chặt hơn nữa nếu tăng trưởng và lạm phát không dịu đi.
Ông nói: “Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy rằng để đạt được mục tiêu lạm phát 2% một cách bền vững, thì chúng ta có thể cần một khoảng thời gian tăng trưởng dưới xu hướng và để điều kiện thị trường lao động dịu thêm một chút nữa.”
Fed đã không thể hiện bất cứ dấu hiệu nào cho thấy ngân hàng này sẽ khôi phục chương trình mua lại trái phiếu rất lớn của mình.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times