Tin Việt Nam sáng 11/10: Nhật Bản dỡ bỏ hạn chế nhập cảnh, cho phép du lịch cá nhân; Bộ Tài chính tăng chi phí định mức kinh doanh xăng, dầu
Nhật Bản dỡ bỏ các hạn chế nhập cảnh, cho phép du lịch cá nhân
Ông Watanabe Nobuhiro, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Sài Gòn cho biết, từ ngày 11/10, Chính phủ nước này chính thức dỡ bỏ các hạn chế về số lượng khách quốc tế nhập cảnh cũng như hạn chế du lịch tự túc.
Sau ngày này, khi nhập cảnh Nhật Bản, du khách chỉ cần chích 3 liều vaccine, loại đã được WHO công nhận. Nếu chưa chích đủ 3 liều, du khách chỉ cần có giấy xét nghiệm âm tính.
Như vậy từ hôm nay, trong bối cảnh đồng Yên giảm giá, không chỉ du lịch theo tour, du khách Việt còn có thể du lịch tự túc tại Nhật Bản mà không cần phải đặt các dịch vụ qua công ty du lịch.
Vietjet nối lại đường bay Đà Nẵng – Tokyo (Nhật Bản)
Từ hôm qua ngày 10/10, hãng hàng không Vietjet đã nối lại đường bay Đà Nẵng đến Tokyo (sân bay Haneda, Nhật Bản) với tần suất khứ hồi hàng ngày.
Với hơn 4 giờ bay cùng chi phí từ 684,000 đồng/chặng (chưa bao gồm thuế, phí), vé bay thẳng Đà Nẵng-Tokyo được mở bán tại các kênh chính thức của Vietjet trên toàn cầu.
Ngoài ra, hãng này cũng đang mở nhiều đường bay đến Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Indonesia (Bali), Malaysia… và sắp tới là Âu Châu, Úc.
Bộ Tài chính tăng chi phí định mức kinh doanh xăng, dầu
Hôm 10/10, ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, hiện đơn vị đã đồng thuận việc tăng chi phí định mức đối với kinh doanh xăng, dầu thêm 350 đồng. Sau điều chỉnh, chi phí định mức đối với hoạt động này lên mức cao nhất là 1,340 đồng/lít với xăng, và 240 đồng/lít với dầu.
Trước đó, Bộ Tài chính đã đề nghị giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu về mức sàn tối thiểu 3,000 đồng/lít. Đồng thời, giảm 50% thuế nhập khẩu, đề nghị tiếp tục giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm 50% thuế giá trị gia tăng.
Hơn 100 cửa hàng ở Sài Gòn không còn xăng, Hà Nội bán cầm chừng
Tính đến chiều 10/10 tại Sài Gòn, có 121/550 cửa hàng không còn xăng để bán. Các đơn vị hết hàng tập trung ở các quận, huyện vùng ven như: Tp Thủ Đức, quận 12, Bình Chánh, Bình Tân, Củ Chi…
Điểm chung trong thông báo của các cây xăng này là “hết xăng, chỉ bán dầu” hoặc đang chờ nhập hàng.
Còn tại Hà Nội, tuy không hết xăng nhưng lại ghi nhận tình trạng bán cầm chừng ở một số khu vực như Thụy Khuê (quận Tây Hồ), hay ở đường Trần Phú (quận Hà Đông).
Vào trưa cùng ngày, dù không phải giờ cao điểm, nhưng nhiều điểm bán nhỏ giọt. Trong khi khách đứng chờ hàng dài thì vẫn có những trụ xăng không người bán.
Sạt lở thuỷ điện ở Quảng Ngãi, công nhân tổ máy mất liên lạc
Tối 10/10, chính quyền huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, vào lúc 18h30 cùng ngày xảy ra sạt lở tại thủy điện Kà Tinh (xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng).
Vụ sạt lở khiến một khối đất đá lớn đổ xuống, vùi lấp một số hạng mục của thủy điện Kà Tinh. Theo một lãnh đạo huyện, vụ sạt lở có khả năng vùi lấp tổ máy số 1 của thuỷ điện, trong đó một công nhân trực máy mất liên lạc.
Tuy nhiên do trời tối, khu vực này mất điện nên chưa xác định được công nhân này có ở trong tổ máy hay không.
Trước đó, từ đêm 09/10, tại Quảng Ngãi có mưa rất lớn, nhiều nơi xảy ra ngập, một số tuyến đường bị lũ chia cắt. Trong đó tại huyện Trà Bồng, lượng mưa lên đến 200 mm.
Thủ tướng yêu cầu di tản dân trước nguy cơ lũ quét tại miền Trung
Hôm 1o/10, trong công điện gửi các tỉnh thành miền Trung, Thủ tướng Chính phủ cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh, nhiều nơi ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã có mưa rất lớn.
Tổng lượng mưa lên đến hơn 300 mm, có nơi trên 550 mm, gây ngập, chia cắt giao thông, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt.
Theo dự báo, trong thời gian tới, tình trạng mưa lớn tại miền Trung có thể vẫn tiếp tục diễn ra. Tại vùng núi nguy cơ cao xảy ra lũ quét, ngập lụt sâu, sạt lở đất.
Thủ tướng yêu cầu các tỉnh cần theo dõi diễn biến mưa lũ, chủ động di tản người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm.
Tin tức Việt Nam sẽ được BTV Epoch Times Tiếng Việt tổng hợp và cập nhật từng ngày, xin mời Quý độc giả cùng đón đọc.