Bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam
Đưa đậu mùa khỉ vào bệnh truyền nhiễm nhóm B
Theo quyết định hôm 09/11 của Bộ Y tế, bệnh đậu mùa khỉ được bổ sung vào danh mục các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.
Theo đó, các hoạt động ứng phó bệnh được thực hiện theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm đối với nhóm B.
Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B bao gồm: Bệnh do virus Zika, virus adeno, HIV/AIDS; bệnh bạch hầu, cúm, dại, ho gà, lao phổi; bệnh do liên cầu lợn ở người; bệnh lỵ, lỵ trực trùng, quai bị, sốt xuất huyết Dengue, sốt rét, sốt phát ban, sởi, tay chân miệng; bệnh than, thủy đậu, thương hàn… Đây là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh và gây tử vong.
Hồi tháng 7, Tổ chức Y tế thế giới ban bố tình trạng khẩn cấp trên phạm vi toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ.
Từ thời điểm đó đến nay, Việt Nam ghi nhận 2 ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ có nguồn lây từ nước ngoài, có kết quả giải trình tự gene nhiễm chủng Monkeypox virus thuộc clade Iib. Hiện cả 2 bệnh nhân đã khỏi bệnh, không có nguy cơ lây lan cộng đồng. Việt Nam chưa ghi nhận ổ dịch đậu mùa khỉ.
Ca nghi nhiễm bệnh đậu mùa khỉ về từ Nam Phi
Liên quan đến trường hợp nghi nhiễm bệnh đậu mùa khỉ khi từ Nam Phi về Đắk Lắk, hôm 04/11 tại Việt Nam, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho biết, kết quả xét nghiệm PCR của người này đã âm tính với virus gây bệnh.
Trước đó, trong thông báo hôm 02/11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, một người đàn ông (49 tuổi, ngụ thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) đi du lịch Nam Phi về có biểu hiện mụn đỏ ở người.
Người đàn ông này cho biết, từ ngày 19 đến 26/10 ông đi du lịch tại Nam Phi. Trong thời gian du lịch ông đi nhiều nơi, tiếp xúc, nói chuyện, bắt tay với nhiều người.
Từ ngày 26/10 đến ngày 01/11, sau khi về nước bằng máy bay, ông tiếp xúc với nhiều người. Ngày 01/11, khi có biểu hiện đau mỏi các khớp, xuất hiện nhiều mụn đỏ ở bụng và lưng, ông đã khai báo y tế và tự cách ly tại nhà.
Thời điểm đó bệnh nhân khỏe, không sốt, nổi nhiều mụn đỏ ở bụng và lưng. Những người tiếp xúc gần chưa có biểu hiện bất thường. Ngành y tế tỉnh lấy mẫu gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên làm xét nghiệm. Đây là trường hợp thứ 3 liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam.
Tính từ ngày 01/01 đến 30/10/2022, thế giới ghi nhận gần 77,300 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại hơn 100 quốc gia/vùng lãnh thổ. Trong đó, đã có 36 trường hợp tử vong.
Không có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng từ ca bệnh đậu mùa khỉ thứ hai
Chiều 21/10 tại Sài Gòn, một lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (HCDC) cho biết, liên quan đến ca bệnh đậu mùa khỉ thứ hai, do bệnh nhân được cách ly ngay tại sân bay nên không tiếp xúc với ai.
Theo HCDC, nguy cơ lây nhiễm cộng đồng từ ca bệnh này là không có. Những người tiếp xúc với ca bệnh đều đang ở nước ngoài.
HCDC cho biết thêm, bệnh nhân này và ca bệnh đầu tiên ở cùng nhà tại Dubai nhưng không tiếp xúc. Tại Việt Nam, khi biết người bạn có các triệu chứng tương tự, ca bệnh đầu tiên đã thông báo cho HCDC.
Theo đó, y tế thành phố đã tiếp cận ngay với ca nghi nhiễm thứ 2 khi tàu bay vừa hạ cánh và đưa vào khu riêng để khám sàng lọc và dịch tễ. Sau đó ca nghi nhiễm được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để cách ly, xét nghiệm và điều trị. Tàu bay cũng đã được khử trùng theo quy định.
Với những hành khách đi chung chuyến bay về Việt Nam, HCDC khuyến cáo những người này tự theo dõi sức khỏe tại nhà, đồng thời khử khuẩn kỹ.
Ca đậu mùa khỉ thứ hai từng ở chung với ca bệnh đầu tiên
Sáng 20/10 tại Sài Gòn, Sở Y tế thành phố cho biết, vừa ghi nhận ca đậu mùa khỉ thứ hai là một phụ nữ 38 tuổi, trú tại Tuyên Quang.
Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thành phố, ca bệnh đã có kết quả PCR dương tính. Trường hợp này cũng đi du lịch tại Dubai từ ngày 29/9 đến 18/10.
Từ ngày 11/10, bệnh nhân bắt đầu có các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ với sốt kèm mệt mỏi, buồn nôn và xuất hiện các mụn mủ trên cơ thể.
Khi về Việt Nam, ngay khi vừa xuống máy bay nhập cảnh qua sân bay Tân Sơn Nhất, người này được chuyển về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cách ly để được chẩn đoán, điều trị.
Sở Y tế cho biết thêm, ca bệnh này và ca bệnh đầu tiên đã có thời gian ở cùng nhà và sinh hoạt chung.
Ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên đã hồi phục
Về ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam là nữ (35 tuổi, trú tại Sài Gòn), vào tối thứ Năm ngày 13/10 ở Sài Gòn, Bác sĩ Huỳnh Thị Thúy Hoa, Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cho hay, sau 3 tuần điều trị, sức khỏe của bệnh nhân tiến triển tốt. Hiện bệnh nhân khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường.
Các sang thương da đã lành hoàn toàn. Mẫu phết các sang thương làm xét nghiệm PCR đậu mùa khỉ đã cho kết quả âm tính vào hôm 13/10. Ngoài ra, những trường hợp tiếp xúc gần khi bệnh nhân về Việt Nam hiện chưa ghi nhận triệu chứng nghi nhiễm.
Ngày 14/10, bệnh nhân sẽ được xuất viện về nhà. Bác sĩ Hoa nhận định, bệnh chưa lây ra cộng đồng khi bệnh nhân về nước.
Chủng virus đậu mùa khỉ tại Việt Nam khác các chủng trước
Trước đó, một đại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, qua xét nghiệm gen đã xác định, chủng virus của ca bệnh tại Sài Gòn khác hẳn với chủng virus ghi nhận tại Trung Phi và Tây Phi trước đó.
Theo Bộ Y tế, hiện WHO đã phân bệnh đậu mùa khỉ thành 3 nhánh (clade 1, 2, 3), tuy nhiên, chủng virus tại Sài Gòn chi tiết hơn, là clade2B.
Liên quan đến ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên, lãnh đạo HCDC cho biết, nguy cơ lây lan từ đây gần như bằng không. Nhưng với mức độ giao lưu, tiếp xúc như hiện nay, việc xuất hiện thêm ca bệnh là hoàn toàn có thể.
Hiện có 9 người tiếp xúc gần, trong đó có 4 nhân viên y tế và 5 người thân được theo dõi sức khỏe trong 21 ngày. Đến hôm qua 06/10, tức là sau 11 ngày, những người này không xuất hiện triệu chứng nghi nhiễm.
Đại diện Cục Y tế dự phòng đề nghị, ngành y thành phố cập nhật lại kế hoạch đáp ứng; tiếp tục khai thác thông tin từ phía Dubai (Ấn Độ) trong bối cảnh đã ghi nhận ca nhiễm tại Sài Gòn.
Sức khỏe ca nhiễm đậu mùa khỉ đầu tiên
Hôm thứ Ba ngày 04/10 tại Sài Gòn, bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã thông tin về diễn biến mới nhất xung quanh sức khỏe của ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam.
Các bác sĩ bệnh viện cho biết, sau 12 ngày điều trị, bệnh nhân đã hết sốt, các bóng nước ở mặt, tay, chân… đã khô, tróc vảy và lên da non, các bóng nước ở họng cũng lành, hết đau.
Bên cạnh đó, kiết quả PCR dịch tiết ở một số vị trí kiểm tra đã âm tính. Người bệnh ăn uống tốt, lên cân và thực hiện tốt quy trình cách ly.
Đáng chú ý, những trường hợp tiếp xúc gần khi ca bệnh về Việt Nam chưa ghi nhận triệu chứng nghi nhiễm, bệnh chưa lây lan ra cộng đồng.
Theo các bác sĩ, diễn tiến điều trị thuận lợi của ca bệnh phù hợp với các trường hợp trên thế giới là không dễ lây nhiễm nếu không có tiếp xúc trực tiếp giữa da của người lành và da có bóng nước hoặc niêm mạc có bóng nước của người bệnh.
Với những trường hợp cơ địa có miễn dịch bình thường, đa số sẽ khỏi bệnh sau 10-14 ngày và hết lây lan sau 21 ngày. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn cho bản thân và cộng đồng, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa theo khuyến cáo.
Lịch sử dịch tễ của ca bệnh đậu mùa khỉ
Trong chiều 03/10, Bộ Y tế cho biết, ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam là nữ (35 tuổi, thường trú ở Sài Gòn).
Theo Bộ Y tế, vào tháng 07/2022, người phụ nữ này tới Dubai du lịch. Đến ngày 18/09 khi vẫn ở Dubai, người này có triệu chứng sốt kèm mệt mỏi, ớn lạnh, đau cơ, đau đầu và ho, xuất hiện các nốt đỏ, ngứa trên khắp cơ thể.
Ngày 22/09 chị về Việt Nam, đến khám tại Bệnh viện Từ Dũ, được chuyển sang Bệnh viện Da liễu vì nghi mắc bệnh truyền nhiễm. Tại đây, chị được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm PCR.
Ngày 25/09, kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh đậu mùa khỉ, bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để cách ly, điều trị và lấy mẫu giải trình tự gen. Kết quả khẳng định, bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ chủng Monkeypox virus thuộc clade IIb.
Đây cũng là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam nhiễm căn bệnh này. Hiện sức khỏe của bệnh nhân ổn định, không sốt, đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.
Nguồn và khả năng lây lan, cảnh báo nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập
Bộ Y tế cho biết, bệnh nhân có nguồn lây từ nước ngoài. Khi về Việt Nam, các trường hợp tiếp xúc gần đều được giám sát và hiện chưa ghi nhận ca nghi nhiễm.
Giáo sư, Tiến sỹ Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đánh giá, khó có khả năng bệnh lây lan ra cộng đồng. Theo Giáo sư, do bệnh nhân nhiễm chủng Tây Phi, có biểu hiện nhẹ hơn nhiễm chủng Trung Phi. Việc quan trọng nhất là phát hiện sớm ca bệnh để khoanh vùng, tránh lây lan.
Đại diện Bộ Y tế cho hay, hiện trên thế giới ghi nhận gần 68,300 ca bệnh tại 106 nước, trong đó có 25 trường hợp tử vong.
Số nhiễm tăng tại Âu Châu, Châu Mỹ và các nước trong khu vực. Đây là các nước thường xuyên giao lưu, đi lại với Việt Nam. Do đó, nguy cơ ghi nhận thêm ca bệnh là hiện hữu.
Kiểm soát chặt tại các cửa khẩu phòng bệnh đậu mùa khỉ
Trong sáng 03/10, sau khi thông báo Sài Gòn ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên, Phó Giáo sư, Bác sỹ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế thành phố cho biết, đơn vị đang phối hợp với các bên liên quan kiểm soát chặt việc ứng phó bệnh.
Cụ thể, tại các cửa khẩu, HCDC thực hiện việc giám sát người nhập cảnh qua việc đo thân nhiệt, triệu chứng phát ban có bóng nước cấp tính.
Với trường hợp nhập cảnh có triệu chứng lâm sàng và yếu tố dịch tễ, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới hoặc các bệnh viện đa khoa có khu cách ly để kiểm tra, theo dõi.
Khuyến cáo của các chuyên gia về bệnh đậu mùa khỉ
Các chuyên gia y tế đưa ra khuyến cáo, khi có các triệu chứng như: sốt trên 38 độ C, nổi hạch, đau đầu, đau cơ, đau lưng, suy nhược… người bệnh cần báo ngay cho cơ sở y tế nơi cư trú.
Khi đến cơ sở y tế, người dân cần đeo khẩu trang, di chuyển bằng xe cá nhân hoặc gọi tổng đài 115 để được hỗ trợ. Người dân hết sức hạn chế di chuyển bằng phương tiện công cộng.
Khi tiếp nhận trường hợp nghi nhiễm, nhân viên y tế sẽ khai thác thông tin, lập phiếu điều tra dịch tễ trong 21 ngày. Theo đó, người dân sẽ được hướng dẫn tự cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà.
Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế đối với bệnh đậu mùa khỉ. Từ tháng 05/2022 đến nay tại Âu Châu, dịch đã lây lan ra 12 quốc gia.
Theo Sở Y tế Hà Nội, bệnh đậu mùa khỉ (Monkeypox) là một bệnh do virus đậu mùa khỉ gây ra. Tên bệnh bắt nguồn từ việc phát hiện ban đầu về virus trên đàn khỉ nuôi tại Đan Mạch vào năm 1958. Bệnh được lây từ động vật sang người khi có tiếp xúc trực tiếp với máu, thịt, dịch cơ thể của động vật bị nhiễm bệnh. Bệnh cũng có thể được lây từ người sang người khi có tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm bệnh. Hoặc được truyền từ mẹ sang con qua nhau thai, khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh. Vào năm 1970, ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên trên người được ghi nhận tại Cộng hòa Dân chủ Công gô và sau đó bệnh lưu hành ở khu vực Trung và Tây Phi. |
Tin tức về bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam sẽ được BTV Epoch Times Tiếng Việt tổng hợp và cập nhật khi có diễn biến mới nhất, xin mời Quý độc giả cùng đón đọc.