Lý do khiến tin tức kinh tế tốt lại là tin xấu đối với thị trường chứng khoán
Nhiều người trong số các quý vị có thể đã nhận thấy một xu hướng gần đây mà theo đó tin tức kinh tế tốt lại khiến thị trường chứng khoán giảm. Về mặt lý thuyết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao hơn dự kiến, hoặc tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn dự kiến sẽ tốt cho nền kinh tế, thu nhập của doanh nghiệp, và thị trường chứng khoán. Trong những giai đoạn bình thường, và trong dài hạn, thì lý thuyết này là đúng. Tuy nhiên, gần đây, chúng ta đã chứng kiến thực tế ngược lại. Vì vậy, hôm nay tôi sẽ giải thích lý do tại sao thị trường lại chuyển động theo những cách phản trực giác khi chúng ta nhận được những tin tức kinh tế quan trọng.
Trong khi hiệu quả của lao động và thu nhập của doanh nghiệp là những yếu tố quyết định chính đến nền kinh tế và việc định giá cổ phiếu, thì lãi suất mới chính là yếu tố gây ra những biến động lớn trong ngắn hạn. Có nhiều lý do cho điều này, nhưng có hai lý do quan trọng. Thứ nhất, lãi suất cao hơn dẫn đến lợi suất trái phiếu cao hơn, hút tiền ra khỏi thị trường chứng khoán và rồi chuyển sang trái phiếu. Sự dịch chuyển của tiền là một yếu tố ảnh hưởng đến cung và cầu giữa các loại phương tiện đầu tư khác nhau.
Một ví dụ sẽ giúp minh họa cho lý do này. Một năm trước, trái phiếu kho bạc kỳ hạn hai năm chỉ mang lại lợi suất hơn 0.2%. Điều đó có nghĩa là nếu quý vị mua một trái phiếu trị giá 1,000 USD, thì quý vị sẽ chỉ kiếm được hơn 2 USD trong hai năm. Mức lợi suất này không hấp dẫn, nó thấp hơn nhiều so với lạm phát, và khiến nhiều nhà đầu tư đổ xô vào cổ phiếu bất kể định giá như thế nào. Đôi khi các chuyên gia thị trường nói về TINA (“There Is No Alternative”, nghĩa là “Không Có Lựa Chọn Khác”) như một cách để nói rằng mặc dù họ có thể không muốn đầu tư vào một thị trường chứng khoán tăng cao, nhưng kiếm 0.2% trên trái phiếu hai năm không phải là một lựa chọn khả thi cho họ. Không còn cách nào khác, họ đành phải mua nhiều cổ phiếu hơn.
Tại thời điểm viết bài này, lợi tức của cùng một loại trái phiếu kỳ hạn hai năm là trên 4%. Đó là khoảng 20 lần lợi suất so với chỉ một năm trước, và ở mức mà mọi người sẽ chuyển tiền ra khỏi cổ phiếu để nhận được mức lợi nhuận bảo đảm là 4%. Vì vậy, chúng ta có thể thấy lãi suất cao hơn dẫn đến lợi suất trái phiếu cao hơn, rồi tình huống này lại dẫn đến việc chuyển tiền ra khỏi cổ phiếu và chuyển sang trái phiếu như thế nào.
Lý do lớn thứ hai khiến lãi suất cao hơn ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán là lãi suất đại diện cho giá trị của thời gian trên thị trường. Mối quan hệ đó đặc biệt quan trọng đối với các tài sản dài hạn, chẳng hạn như nhiều cổ phiếu công nghệ tăng trưởng cao. “Thời gian dài” chỉ là một cách nói hoa mỹ để nói rằng phần lớn thu nhập, hay dòng tiền tự do từ công ty, dự kiến sẽ còn xa mới có trong tương lai. Amazon là một ví dụ xác đáng cho điều này. Công ty có tốc độ tăng trưởng doanh thu cao kết hợp với lợi nhuận âm trong nhiều năm. Cuối cùng, tất cả sự tăng trưởng doanh thu đó dẫn đến thu nhập đáng kể, nhưng các nhà đầu tư cần phải đợi nhiều năm để điều đó xảy ra.
Đây là chỗ mà lãi suất cao hơn tác động đến tình hình. Giả sử một công ty sẽ tạo ra 100 USD thu nhập trong 10 năm. Một năm trước, Trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm lãi 1.33%. Chiết khấu 100 USD thu nhập đó trở lại thời điểm hiện tại với mức lãi suất đó có nghĩa là giá trị hiện tại của những khoản thu nhập đó sẽ hơn 87 USD một chút. Lợi suất Trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm hiện tại là gần 4%. Việc chiết khấu các khoản thu nhập tương tự [giờ đây] sẽ tạo ra giá trị hiện tại chỉ dưới 68 USD. Giá trị hiện tại của cùng một khoản thu nhập đã thay đổi hơn 20%. Thị trường đi xuống trong năm nay chủ yếu do lãi suất tăng và lý do Chỉ số Tổng hợp NASDAQ thiên về công nghệ giảm nhiều hơn Chỉ số S&P 500 đa dạng là do chỉ số NASDAQ tăng trưởng cao nhạy cảm hơn với những thay đổi của lãi suất.
Fed can thiệp
Tất cả những lý do này có nghĩa là, trong ngắn hạn, các hành động của Cục Dự trữ Liên bang có tác động rất lớn lên thị trường. Miễn là lạm phát cao và tỷ lệ thất nghiệp thấp, thì Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất, đó là nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán giảm. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell đã nói rằng ông sẵn sàng chấp nhận tỷ lệ thất nghiệp cao hơn để giảm lạm phát, nhưng rõ ràng là ông và các thống đốc Fed khác lo ngại về việc gây ra một cuộc suy thoái nghiêm trọng hơn cuộc suy thoái mà chúng ta đang trải qua.
Vì vậy, khi chúng ta nhận được một báo cáo thất nghiệp “tốt” cho thấy hầu hết mọi người ở Hoa Kỳ muốn đi làm đều có việc làm, thì điều đó tốt cho nền kinh tế, nhưng điều đó cũng khiến việc Fed tiếp tục tăng lãi suất là khả thi. Khi chúng ta nhận được một con số GDP “tốt” cho thấy năng suất không giảm quá mức như lo ngại, điều đó cũng tốt cho nền kinh tế, và cũng giúp Fed dễ dàng tiếp tục tăng lãi suất hơn.
Hai yếu tố duy nhất có thể khiến Fed ngừng tăng lãi suất là một mức giảm lạm phát có ý nghĩa, điều mà chúng ta chưa thấy, hoặc là một cuộc suy thoái đủ tồi tệ để mọi người ở Hoa Thịnh Đốn ngừng tranh luận về việc liệu đó có phải là suy thoái hay không và chấp nhận rằng nền kinh tế đã trở nên tồi tệ.
Kết quả là, khi chúng ta nhận được tin tức kinh tế “tốt”, thì thị trường lo ngại rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất, và lo ngại này dẫn đến việc định giá cổ phiếu thấp hơn. Khi chúng ta nhận được tin tức kinh tế “xấu”, thì thị trường bắt đầu định giá theo việc tăng lãi suất chậm lại và bắt đầu dự đoán khi nào Fed sẽ quay lại hạ lãi suất một lần nữa. Dự đoán này làm cho các chỉ số thị trường tăng.
Tôi đặt dấu hỏi về sự sáng suốt của việc có một ngân hàng trung ương với những nhân viên là những người chưa bao giờ điều hành doanh nghiệp hoặc thực hiện việc trả lương mà lại đi cố gắng điều hành nền kinh tế bằng những thay đổi lãi suất ngắn hạn và các cuộc họp báo, nhưng để làm rõ chủ đề đó sẽ cần đến một cuốn sách.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times