Lạm phát đang bị đánh giá nhẹ đi như thế nào và tại sao mọi thứ sắp xảy ra tồi tệ hơn dự kiến
Tuần trước, chúng tôi đã viết về lý do tại sao lạm phát là mối đe dọa đối với danh mục đầu tư của quý vị và trong bài viết hôm nay, chúng tôi sẽ đề cập đến việc lạm phát đang bị đánh giá nhẹ đi như thế nào và tại sao chúng tôi tin rằng mọi thứ sắp trở nên tồi tệ hơn. Tuần tới, chúng tôi sẽ trình bày những cách khác nhau mà độc giả ở mọi mức thu nhập và tài sản đều có thể thực hiện các bước để tự bảo vệ mình.
Chỉ số Giá Tiêu dùng (CPI) là một biện pháp để đo lường mức tăng giá tổng thể theo thời gian. Việc tính toán CPI gặp nhiều vấn đề bao gồm các vấn đề về thay thế sản phẩm, tiêu dùng ở nông thôn và thành thị, và cải tiến sáng tạo. Vấn đề cải tiến sáng tạo cho thấy sự khó khăn đến mức nào trong việc tính toán con số lạm phát khi giá của các mặt hàng như xe hơi, tivi, và máy tính có thể tương tự như giá của nhiều năm trước, nhưng các mẫu sản phẩm mới hơn có hiệu suất tốt hơn và các tính năng được cải thiện hơn. Nếu quý vị trả cùng một số tiền cho một sản phẩm tốt hơn, thì chỉ số CPI lại không phản ánh được điều đó.
Thực phẩm, năng lượng, và nhà ở đặc biệt khó đánh giá vì các gia đình có thu nhập thấp hơn phải trả một tỷ lệ phần trăm lớn hơn nhiều trong thu nhập của họ cho các mặt hàng đó so với các gia đình giàu có hơn. Việc đánh giá này còn phức tạp hơn nữa bởi việc báo cáo các chỉ số CPI chính và CPI cốt lõi trong đó CPI cốt lõi không bao gồm thực phẩm và năng lượng. Với sự đồng cảm và tôn trọng phù hợp dành cho các nhà kinh tế, những người cố gắng làm cho những tính toán này chính xác, thì (có thể nói) cách tính CPI được thiết kế để con số thực về lạm phát đang bị đánh giá nhẹ đi.
Ví dụ rõ ràng nhất là nhà ở (được gọi là “nơi cư ngụ” trong mô tả chính thức). Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ vừa báo cáo chỉ số CPI tháng 12 tăng 7.0%, mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Báo cáo này liệt kê mức tăng giá nhà ở là 4.1%. Tuy nhiên, khi chúng tôi xem xét Chỉ số Giá nhà Quốc gia Hoa Kỳ Case-Shiller từ Dữ liệu Kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang, thì dữ liệu này cho thấy mức tăng là 19.1% trong 12 tháng qua và 29.1% trong hai năm qua.
Như vậy, chi phí nhà ở đã tăng 19% còn chỉ số CPI chính thức cho thấy là 4%. Lạm phát không nên có thể bị đánh giá nhẹ đi như vậy. Chênh lệch đang diễn ra là do một sự thay đổi lén lút được thực hiện đối với chỉ số CPI vào năm 1998 khi chi phí nhà ở cho chủ nhà được đổi thành “tiền thuê nhà tương đương của chủ sở hữu”. Có nghĩa là chủ nhà được yêu cầu ước tính số tiền ai đó sẽ trả để thuê nhà của họ. Bởi vì phần lớn chủ nhà hiếm khi mua nhà và thậm chí hiếm khi cho thuê chúng, nên mọi người có xu hướng ước tính thấp chi phí thuê nhà ở trong khu vực của họ. Kể từ khi sự thay đổi phương pháp này được đưa ra cách đây 24 năm, giá thuê tương đương của chủ sở hữu đã kéo giá nhà ở thực tế giảm 67%.
Nhìn chung, những người có nhiệm vụ trong chính phủ có xu hướng làm cho những điều tồi tệ như lạm phát trông như vẻ không phải là vấn đề gì so với đúng thực tế của nó. Sử dụng phương pháp tính mới cho phép báo cáo lạm phát thấp hơn mức tăng thực tế của chi phí sinh hoạt. Bởi vì nơi ở chiếm 33.3% của CPI, nếu con số lạm phát của tuần trước có bao gồm chi phí thực tế của nhà ở, thì CPI sẽ tăng là 12.1% thay vì là 7.1% như đã được báo cáo.
Chúng tôi cũng nghi ngờ cách tính toán với giá thực phẩm. Chỉ số CPI tháng 12 cho biết giá thực phẩm đã tăng 6.3% trong năm 2021. Tổ chức Nông lương Liên hợp Quốc báo cáo rằng giá thực phẩm trên toàn thế giới đã tăng 23.1% vào năm 2021. Mức tăng đột biến của đường đồ thị màu vàng trong biểu đồ dưới đây cho thấy điều đã xảy ra với giá thực phẩm trong năm 2021. Chúng tôi sẽ ngạc nhiên nếu mức tăng giá thực phẩm ở Hoa Kỳ chỉ bằng 1/4 mức thay đổi trên toàn thế giới, và chúng tôi hẳn sẽ ngạc nhiên nếu hầu hết độc giả của tờ báo này chỉ trả thêm 6% cho thực phẩm trong hơn một năm trước. Vui lòng cho chúng tôi biết trong phần nhận xét nếu đó là trải nghiệm của quý vị trong năm qua.
Tuần trước, chúng tôi đã đề cập đến cách mà việc nới lỏng định lượng và lãi suất thấp là nguyên nhân gốc rễ của tình trạng lạm phát mà chúng ta đang trải qua hiện nay như thế nào. Tháng trước, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell cho biết ông sẽ giảm bớt việc nới lỏng định lượng trong vài tháng tới và bắt đầu tăng lãi suất vào năm 2022. Với lãi suất của Quỹ Liên bang hiện ở mức 0% và CPI chính thức ở mức 7.1%, thì có nghĩa là rằng lãi suất thực tế là âm 7.1%. Chúng ta có một mức lãi suất thực âm rất lớn, lạm phát đang ở mức cao so với nhiều thập kỷ, và báo cáo lạm phát thấp hơn thực tế một cách có hệ thống, và cho đến thời điểm hiện tại, Cục Dự trữ Liên bang vẫn đang tăng tính thanh khoản trong hệ thống. Nói thẳng ra là, Fed vẫn đang tiếp tục thực hiện hành vi là nguyên nhân đã tạo ra vấn đề lạm phát. Thị trường đang hoạt động giống như ông Powell vừa nhấn mạnh rằng mọi người hãy chịu khó khăn đi, trong khi trên thực tế ông Powell vẫn tiếp tục [tạo điều kiện cho sự thoải mái] như phát kẹo trong dịp lễ Halloween.
Mặc dù Fed đã ngừng sử dụng từ tạm thời để mô tả lạm phát, nhưng rõ ràng là họ kỳ vọng lạm phát sẽ giảm xuống mức vừa phải vào cuối năm 2022. Ông Powell đang ở trong một tình thế khó khăn. Lạm phát đang đè nặng lên số tiền tiết kiệm của những người đã quản lý tài chính của mình một cách cẩn trọng, và lạm phát là mối nguy hiểm với mức sống của bất kỳ ai đang dựa vào nguồn thu nhập cố định hoặc những người không giàu có. Để giải quyết vấn đề này, ông Powell sẽ cần phải tăng lãi suất một cách mạnh mẽ. Nếu ông ta tăng lãi suất, thị trường chứng khoán có thể sẽ bị ảnh hưởng. Ông ta đang cố gắng cân bằng xung đột điển hình giữa Wall Street và Main Street (các doanh nghiệp nhỏ lẻ), nhưng mà ai đó sẽ sẽ phải chịu thiệt hại trong sự xung đột này. Còn hiện tại, ông ấy đang để lạm phát tăng nhanh và bảo vệ thị trường chứng khoán.
Hiện nay, rất nhiều người Mỹ đang lo lắng về tình trạng tài chính, khả năng duy trì mức sống, cũng như về danh mục đầu tư và tiết kiệm của họ. Tuần tới, chúng tôi sẽ đề cập đến danh sách những điều mà mọi người ở mọi mức thu nhập và tài sản có thể làm để bảo vệ tốt hơn cho bản thân cũng như cho các khoản đầu tư của họ khỏi lạm phát cao hơn, và cả lãi suất cũng sẽ cao hơn sắp tới đây.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Gary Brode đã dành ba thập niên trong lĩnh vực kinh doanh quỹ đầu cơ. Gần đây nhất, ông là Giám đốc Đối tác Quản lý và Quản lý Danh mục Cấp cao cho Silver Arrow Investment Management, một quỹ đầu cơ tập trung duy nhất vào vị thế mua đi kèm với bảo hiểm rủi ro dựa trên quyền chọn. Năm 2020, ông thành lập Deep Knowledge Investment, một công ty nghiên cứu hợp tác với các nhà quản lý danh mục đầu tư, RIA, văn phòng gia đình, và các cá nhân để giúp họ kiếm được lợi nhuận cao hơn với phần đầu tư cổ phiếu trong danh mục đầu tư của họ. Công ty này cung cấp các ý tưởng đầu tư có thể thực hiện để mang lại lợi nhuận cao, tập trung vào những cơ hội đầu tư thị trường đang bỏ quên, và khuyến nghị về thị trường kịp thời. DKI đã khuyên những thành viên đăng ký nên bán khống thị trường vào tháng 02/2020 ngay trước khi các đợt phong tỏa vì COVID, tạo ra lợi nhuận lớn. Công ty có một Ban Cố vấn đông đảo và thành đạt với chuyên môn sâu rộng. Tác phẩm của ông Brode đã được đăng trên Wall Street Journal và Barron’s, và xuất hiện trên CNBC, Bloomberg West, và RealVision. Vui lòng tìm hiểu thêm tại DeepKnowledgeIn Anything.com hoặc liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ IR@DeepKnowledgeIn Investors.com
Lưu Đức biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: