Tìm lại giấc mộng Đôn Hoàng (P.10): Thời đại hoàng kim của Phật Pháp và tạc tượng
“Sơn hà thiên lý quốc, thành khuyết cửu trùng môn. Bất đổ hoàng cư tráng, an tri thiên tử tôn”. Nước có núi sông nghìn dặm, thành trì có cửa cửu trùng. Không nhìn thấy sự tráng lệ nơi vua ở, sao biết Đấng Thiên tử tôn quý.
Nếu không thấy thành Trường An thời Thịnh Đường, thì không biết đỉnh cao thời thịnh thế của Trung Hoa; Không thấy được nghệ thuật hội họa thời Đường, thì không thể biết được tinh hoa tạo tượng trong động Đôn Hoàng. Nhà Đường là thời đại thịnh phồn hoa nhất ở thời cổ đại Trung Hoa, nghệ thuật Phật giáo của Đôn Hoàng đã trải qua sự tích lũy và gom góp trong suốt hơn 200 năm, đây cũng là thời kỳ tỏa sáng chói lọi của Phật giáo.
Trong các hang động đẹp nhất ở Đôn Hoàng – đoạn giữa hang Mạc Cao, có một gác cao chín tầng màu đỏ tươi rất bắt mắt, nó được xây dựa vào núi non, mái treo giữa tầng không, hình thành nên kiến trúc to lớn hoành tráng trên vách núi cao độc nhất vô nhị. Tòa “lầu chín tầng” này được dựng vào giữa thời Dân quốc, là kiến trúc có tính tiêu biểu của hang động Đôn Hoàng, nó được đánh số hiệu là hang thứ 96, bởi vì nó là nơi lưu giữ bức tượng Phật lớn nhất ở Đôn Hoàng và được xây dựng vào đầu thời nhà Đường, nên còn gọi là “hang Đại Tượng”.
Hang Đại Tượng, ban đầu là một hang động có bốn tầng phía trước điện đường, thời kỳ nghĩa quân còn tăng thêm làm năm tầng, thời Dân quốc sửa thành chín tầng. Vị Đại Phật trong hang là tôn tượng Phật Di lặc, cao hơn 30 mét, tọa hướng Đông, lưng dựa núi, nhãn quang chiếu xuống, tay phải làm thủ ấn Vô Úy, tay trái làm thủ ấn Dữ Nguyện, hai chân buông lỏng tự nhiên, chỉnh thể tạo hình mềm mại đầy đặn. Đây là tượng Phật cao hàng thứ ba ở Trung Quốc, cũng là tượng Phật lớn nhất trên thế giới được điêu khắc trong nhà, và là tượng Phật lớn nhất đắp bằng đất sét và đá.
Điều này thật khiến người ta khâm phục, nếu không phải người thời nhà Đường mạnh dạn khai phá, thì không thể thành tựu được kỹ nghệ phi phàm như thế; không phải khí thế phóng khoáng của thời Đại Đường thì cũng không thể sáng tạo nên kỳ quan chưa từng có này. Mà sự tráng lệ của hang số 96 nằm trong hang Mạc Cao chỉ là một trang tinh tế, tuyệt diệu trong nghệ thuật tạc tượng của thời Thịnh Đường.
Phật giáo được truyền bá mạnh mẽ
Thế giới Phật quốc mênh mông là không thể tách rời với việc hồng truyền Phật Pháp; phía sau việc tạo tượng xuất thần nhập hóa là thời đại Hoàng kim vô cùng phồn vinh của Phật giáo do thời thịnh thế Đại Đường. Trải qua chiến loạn vào cuối thời đại nhà Tùy, Phật giáo từng xuất hiện cảnh tượng suy bại, chùa chiền bị đốt cháy, tăng chúng phân tán, nhưng nhờ Thiên tử nhà Đường sùng tín Thần Phật, từ buổi đầu khai quốc đã tận lực phò trợ và phục hưng Phật giáo.
Đường Cao Tổ sau khi lên ngôi liền hạ chiếu dựng chùa đúc tượng, thiết bày nhà học thực hành Đạo, như tại các thành thị lớn Trường An, Thái Nguyên, Hoa Âm .v.v. ra sắc lệnh xây Phật tự, lại vì các cao tăng thần thông quảng đại hoặc từ bi tế thế mà kiến tạo tự viện. Ông còn thiết lập chức vị “Thập Đại Đức” để cai quản các tăng ni, quản lý việc Phật giáo tại chùa Từ Bi ở Kinh thành.
Đến thời Thái Tông, sự gắn kết giữa Thiên tử với Phật giáo và các cao tăng càng thêm sâu sắc. Vào những năm Đường Thái Tông bình định Vương Thế Doãn, mười ba vị tăng nhân có võ nghệ cao cường ở chùa Thiếu Lâm đã phò trợ quân nhà Đường thu phục thành trì, bắt giam được cháu Vương Thế Doãn là Vương Nhân Tắc, lập được công lớn bảo vệ đất nước. Thái Tông luận công ban thưởng, viết thư khen ngợi, còn thưởng tiền tài, ban điền sản, dựng dinh phòng, ban cho vinh dự đặc biệt chưa từng có. Thiếu Lâm tự cũng từ đó mà phát dương quang đại.
Năm đầu tiên khi lên ngôi, Thái Tông chiêu tập cao tăng trong kinh thành nhập cung làm Pháp sự, cầu phúc cho đất nước, siêu độ tướng sĩ trận vong và dân chúng bất hạnh. Mấy năm sau đó, ông còn nhiều lần hạ Chiếu, không chỉ dựng chùa Phật ở các nơi đã từng trải qua chiến loạn, mà còn đem nhà cũ ở Thái Nguyên đổi lập làm Tự viện, thể hiện sự yêu mến đối với bách tính và kính phụng Thần minh.
Thái Tông ủng hộ chính giáo Phật gia, đồng thời nghiêm cấm các loại hành vi loạn Pháp, đối với những ngụy tăng, ác tăng không có đức hạnh, ông tuyệt đối không khoan dung. Ông hy vọng người tu hành trong thiên hạ vô luận già trẻ thế nào, thảy đều tinh thành đức nghiệp, bảo vệ cửa Phật được thanh tĩnh và Phật Pháp được thuần chính.
Thuận theo việc phục hưng Phật giáo, Thái Tông lấy thánh chủ Đại Đường và Thiên Khả Hãn làm đấng tôn quý, dùng nhiều biện pháp để thúc đẩy, hoằng dương Phật Pháp thêm một bước nữa. Ví như khôi phục giảng đường ở chùa Đại Hưng Thiện có từ thời Tùy, thỉnh Cao tăng Ấn Độ và Sa môn đất Hán cùng tham gia dịch Kinh; khai thị xá lợi Phật cho hơn nghìn người cùng chiêm ngưỡng, lưu lại thần tích khiến những kẻ không biết được sáng tỏ; triệu mời Sơ tổ Hoa Nghiêm Đỗ Thuận nhập cung, Thái Tông đích thân bước xuống điện nghênh đón, ban hiệu là “Đế Tâm”, kính lễ như Phật; gả công chúa Văn Thành vào vùng đất Tây Tạng hòa thân, mang theo rất nhiều kinh Phật, tượng Phật, trợ giúp Phật giáo truyền bá sâu rộng ở vùng đất này.
Việc có sức ảnh hưởng lớn nhất tại thời kỳ này chính là sự tích Huyền Trang đi Tây Trúc thỉnh kinh. Huyền Trang là nguyên mẫu của Đường Tăng trong “Tây du ký”, ông là cao tăng thời Sơ Đường, vì cảm thấy Phật học ở hai phương Nam Bắc có khác biệt cùng với việc dịch thuật và chú giải không tốt, nên đã phát nguyện hồi về nơi nguyên gốc của Phật Pháp, cầu tìm Kinh điển nguyên sơ. Trên đường đi về phía Tây, ông đã vượt qua Lương Châu, Cao Xương, Toái Diệp, một đường thẳng đến vùng đất Pakistan, Ấn Độ hiện nay. Mỗi khi đến một nơi, Huyền Trang vừa học kinh luận Phật Pháp, vừa tham quan di tích Phật giáo, sau hơn mười năm, ông mang hơn sáu trăm bộ kinh thư trở về Trung Thổ.
Sau khi quay về đất Đường, Thái Tông đối với vị pháp sư nhất mực phong trần này vô cùng lễ kính và tôn sùng, còn đặc biệt dựng nhà dịch kinh để ông yên tâm làm việc. Huyền Trang thông qua truyền khẩu, cùng đệ tử hoàn thành mười hai quyển “Đại Đường Tây Vực ký”, ghi chép toàn diện những gì tai nghe mắt thấy khi đến Tây Vực.
Cho đến cuối đời, Huyền Trang đã dịch hơn 70 bộ kinh, hơn một ngàn quyển, tổng cộng hơn một ngàn ba trăm vạn chữ, chiếm hơn một nửa tổng số kinh dịch trong thời Đường. Ông cũng trở thành một trong ba dịch giả Phật giáo lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc, cùng với Cưu Ma La Thập và Ba La Mật Đa.
Từ Đường Cao Tông đến năm đầu niên hiệu Khai Nguyên thời Đường Huyền Tông, các vị Hoàng Đế đều nối tiếp Thái Tông, tiếp tục có các chính sách tôn sùng đạo Phật, hết lòng trợ giúp cho sự phát triển của Phật giáo. Cùng với sự phồn vinh thịnh thế là cảnh tượng Tăng đồ ngày một nhiều, chùa Phật ngày thêm được sùng tu, phát triển toàn diện. Các nơi trong toàn quốc cũng hưng khởi phong trào tạc tượng, chính là trong bối cảnh thời đại như vậy, hang Đôn Hoàng được xây dựng ngày càng hưng thịnh, đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật.
Thống ngự Tây Vực
Từ cuối thời Tùy đến đầu thời Đường, Đôn Hoàng tuy cách xa sự phân tranh nơi Trung Nguyên, nhưng không phải được bình an vô sự. Năm Võ Đức thứ nhất khi Đại Đường khai quốc (năm 618), tướng nhà Tùy là Lý Quỹ sau khi chiếm cứ hành lang Hà Tây, đã tiếm xưng Đế hiệu. Đường Cao Tổ vốn muốn chiêu hàng nhưng Lý Quỹ kiên trì không hàng phục, năm sau đã bị bại trận và xử chém.
Sau khi quận Đôn Hoàng (thời Tùy Dạng Đế, châu Bãi Qua đổi làm quận Đôn Hoàng) quy thuộc nhà Đường, y theo thông lệ toàn quốc đổi Quận làm Châu, đổi trở lại tên là Qua châu, về sau lại phân thành Qua châu, Tây Sa châu. Trị sở của Tây Sa châu ở huyện Đôn Hoàng, lĩnh hai huyện Đôn Hoàng và Thọ Xương, phạm vi giảm đi rất nhiều. Trải qua mấy cuộc phản loạn nhỏ, Đôn Hoàng cuối cùng bước vào thời kỳ thái bình với sự thống nhất của nhà Đường. Nhưng bộ tộc Tây Vực xâm lấn Hà Tây liên tục, triều đình nhà Đường thuở ban sơ cũng xác lập sẽ đánh thông Hà Tây, xây dựng sách lược đối phó Tây Vực.
Năm Trinh Quán thứ ba (năm 629), Thái Tông phát mười vạn binh chia đường tiến về phía tây, cùng với tộc Đột Quyết ở phía đông triển khai đại chiến. Ôm ấp việc kiến công lập nghiệp và xướng danh nơi biên tái, quân nhà Đường rất nhanh đã lập được công lớn, bắt được Hiệt Lợi Khả Hãn. Sau đó, nước này quy thuộc nhà Đường, Cao Xương Vương triều bái, mở ra thời kỳ giao hảo giữa Đại Đường và Tây Vực.
Thổ Cốc Hỗn từng là bại tướng dưới tay nhà Tùy, cho đến cuối thời Tùy vẫn tiếp tục chiến loạn gây họa một phương. Năm Trinh Quán thứ 9, đại tướng Lý Tịnh lĩnh binh chinh phạt, cuối cùng bình định được mối lo gần Đôn Hoàng. Sau đó, Thái Tông bình định Cao Xương, phá Yên Kỳ, chế ngự được Quy Tư, quân Đường uy chấn Tây Vực, các bộ tộc liên tiếp quy thuộc Đại Đường. Thái Tông đặt tên vùng đất vốn thuộc Cao Xương Quốc là Tây châu, thiết lập An Tây Đô hộ phủ, sau đó lại lập Quy Tư, Vu Điền, Yên Kỳ, Sơ Lặc làm “An Tây tứ trấn”, đặt định cơ sở vững chắc để quản lý Tây Vực.
Con đường tơ lụa vào thời này từ hành lang Hà Tây đến Đôn Hoàng, đường phía nam từ Vu Điền vượt quan ải Song Lĩnh đến phía tây, con đường giữa đi từ cửa Ngọc Môn, qua Tây châu, Quy Tư, Sơn Lặc đến phía tây, dưới sự bảo vệ uy mãnh của nhà Đường càng thêm khai thông, không hề có trở ngại.
Thời Cao Tông, thế cuộc Tây Vực lại xuất hiện sự phức tạp, An Tây Đô hộ phủ không thể không dời về Tây châu, An Tây tứ trấn bị phế bỏ hoàn toàn. Thẳng cho đến năm Hiển Khánh đầu tiên, khi quân đội nhà Đường công phá Đột Quyết ở phía tây, tại đây thiết lập Mông Trì, Côn Lăng Đô hộ phủ, An Tây Đô hộ phủ thăng làm Đại Đô hộ phủ và dời về Quy Tư, khôi phục lại tứ trấn.
Khi nhà Đường có sức ảnh hưởng to lớn đối với Tây Vực, thì cũng là lúc nước Thổ Phồn ở phía tây nam đang trong đà quật khởi, liên tục khuếch trương thế lực hướng tới Tây Vực, nhà Đường do đó mà hai lần bị buộc phải phế bỏ tứ trấn. Đến thời Võ Chu, quân nhà Đường mới lại khống chế được Tây Vực, đem An Tây Đô hộ phủ dời về Quy Tư, lần thứ tư khôi phục tứ trấn. Đến đây, Tây Vực mới hoàn toàn nằm dưới sự thống ngự của vương triều nhà Đường.
Chiến lược quản lý phía tây của nhà Đường do Đường Thái Tông khai mở, không chỉ phát dương uy thế quốc gia đi xa, mà còn tăng cường quan hệ giữa Trung Nguyên và Tây Vực, con đường tơ lụa càng tiến nhập vào thời kỳ nhộn nhịp, phồn vinh nhất. Kinh thành Trường An đã trở thành nơi tập trung quý tộc, sứ thần, khách thương, tăng lữ đến từ các nước ở phía Tây, biến nơi đây trở thành đại đô thị nổi tiếng thế giới; Đôn Hoàng, Hà Tây cũng nhờ đó mà khống chế được con đường quan trọng giữa Trung Nguyên và Tây Vực, trở thành trấn hiểm yếu về mặt quân sự, thương nghiệp và văn hóa ở mạn Tây Bắc. Hơn nữa, sự giao lưu giữa Đôn Hoàng và Trung Nguyên đã có sự mật thiết và phồn vinh mà trước đó chưa từng có.
Cùng với những cuộc xuất chinh của quân đội và những đoàn lữ hành, các thợ thủ công có tay nghề cao và các nghệ thuật gia ở Trung Nguyên cũng đặt chân lên vùng đất Đôn Hoàng, mang theo kỹ nghệ vô cùng tinh xảo và thẩm mỹ nghệ thuật đặc trưng của thời Thịnh Đường. Đôn Hoàng, cổ thành nơi biên tái nổi tiếng với nghệ thuật tạo tượng mang đặc trưng Trung Nguyên và Tây Vực, cũng rất nhanh chóng có được kỹ nghệ tươi mới, đẹp đẽ, phóng khoáng mà hoa lệ này, thể hiện ra diện mạo hoàn toàn mới.
Quá trình điêu khắc trong hang động
Rong chơi ở các chùa trong hang đá cổ xưa, có thể nhận thấy nghệ thuật điêu khắc đá của thời Thịnh Đường đã phát triển lên đến đỉnh cao, công trình xây dựng cũng rất thành thục, số lượng hang động hiện còn tồn tại ước chừng chiếm một nửa tổng số hang động ở Đôn Hoàng. Trước khi tán thưởng sự phong phú, tinh mỹ của hang đá thời nhà Đường, tôi luôn có một suy nghĩ quanh quẩn trong đầu: một tòa hang động thần thánh như vậy, những người đi trước làm thế nào để đục đẽo từng li từng tí mà làm ra được? Lại ở trong một không gian phong kín u ám như thế mà hoàn thành được kiệt tác khiến người ta cảm thán không thôi?
Để quy hoạch một hang động, thi công rồi tạo thành hình, tất yếu phải kinh qua một loạt các công việc phức tạp và tỉ mỉ, đòi hỏi những người thợ phải hợp tác thực hiện đồng thời các việc khác nhau như lấy cây, lấy bùn, đắp, vẽ .v.v. trong vài năm, thậm chí phải đến mười mấy năm mới hoàn thành được. Đầu tiên là đục đẽo hang động, bao gồm đào hang và đặt định nền móng, tức là dựng nền để vẽ trên vách hang.
Căn cứ thư tịch Đôn Hoàng ghi chép lại, “người đục hang” là những người thợ mở hang đầu tiên, họ là đội thợ thi công chuyên nghiệp, phụ trách chọn nền, thiết kế, đục đẽo và chỉnh sửa hang động. Đây không phải là công việc đơn giản mà một mình có thể đảm đương, cần căn cứ theo chủ đề, hình dạng và quy mô của công trình mà tiến hành thiết kế một cách cẩn trọng. Lấy hang Mạc Cao làm ví dụ, các hang động nằm rải rác ở vách núi Minh Sa đã được xây dựng hàng bao đời nay , lúc thiết kế không chỉ cần tận dụng được mọi thứ có thể, mà còn không được phá hoại kết cấu chỉnh thể, để bảo vệ các hang động này.
Quy trình cụ thể của việc đục hang là trước tiên cần đào được đường thông. Sau đó, người đục tiến hành đào dọc theo đỉnh và xung quanh vách đá, đá vụn đào được theo đường thông này đưa ra ngoài, vừa an toàn vừa thuận tiện cho thao tác. Sau khi đỉnh hang thành hình, lại đục xuống dưới, đến khi đục ra hình dáng. Có lúc, thợ mộc còn cần phải kết hợp với thợ đá trong việc xây dựng điện đường, mái hang và lầu gác.
Những hang đá lớn siêu cấp như “lầu chín tầng” còn cần sử dụng phương pháp đặc thù. Sau khi đục ra đến đỉnh hang, vừa tiếp tục đào xuống dưới, vừa đào tiếp đường thông thứ hai dưới đường thông ban đầu, đá vụn đục ra được đưa ra ngoài theo đường thông bên dưới. Cứ lần lượt đục xuống rồi lại đào đường thông bên dưới như vậy, thẳng cho đến khi đục được độ cao mong muốn. Ở đây còn yêu cầu tính toán chuẩn xác vị trí đường thông, để tăng thêm ánh sáng bên trong.
Nếu trong hang động có thiết kế trụ tháp, bàn thờ Phật và tượng điêu khắc lớn, trong quá trình đục còn cần phải đục đẽo đá mẫu ra hình hài tương ứng. Ví như tượng Phật lớn trong hang số 96 ở Mạc Cao, chính là thợ thủ công trong quá trình đục hang đã lợi dụng vách đá trong phòng chính mà trực tiếp đục ra hình dáng lập thể thô. Muốn hoàn thành một hang đá lớn như thế cần tiêu tốn công sức mấy chục năm.
Tiếp theo chính là nền móng để tạo tác bích họa, tức là trên vách đá đắp một lớp bùn thích hợp để vẽ tranh. Thợ xây sẽ dùng vật liệu tại chỗ, trộn với đất, bông, sợi vải .v.v. tạo thành hỗn hợp bùn, trát lên vách đá, khiến nó sáng bóng như giấy, lại bôi một lớp vôi vữa lên trên mặt bùn. Quá trình trang trí tiếp theo giao cho thợ vẽ và thợ đắp.
Tượng trong hang đá đa phần là tượng đắp bằng đất sét màu, trình tự chủ yếu gồm bốn giai đoạn là làm xương, đắp bùn, tạo hình và bôi màu. Từ một số tượng đắp bằng đất sét màu bị tàn phá có thể nhìn thấy được quá trình chế tác của người thợ từ khi cột khung xương cho đến điêu khắc, bôi màu. Khung xương tạo tác chia làm ba loại là khung bằng cây, bằng đá và khung gỗ, trong đó khung gỗ phổ biến nhất, quá trình làm cũng phức tạp nhất. Người thợ dùng cành liễu đỏ trên sa mạc làm nguyên liệu, sau khi đục đẽo chế tạo thành hình thân và tứ chi thì đem cành cây nung nóng uốn cong lại để tạo thành các chi tiết nhỏ như ngón tay, thắt lưng.
Việc làm bùn cũng quan trọng không kém, người thợ có kinh nghiệm dựa theo tỉ lệ tốt nhất, đem đất mịn ở vùng đó trộn với nước, cát vàng, thực vật có sợi như rơm rạ, sợi vải, sợi bông, khiến chúng không co lại hoặc rạn nứt, sau trăm ngàn năm vẫn sáng sủa ổn định. Lúc tạo hình, trước hết bó chặt cỏ JiJi hoặc cây sậy để tạo hình dạng đại thể, rồi lại mang bùn đặc chế trát từng lớp lên khung. Trong lúc bôi màu, thợ vẽ thường tham gia vào quá trình này, sáng tạo ra bức tượng hoàn mỹ có hình hài tuyệt đẹp và màu sắc tinh tế.
Thợ vẽ chủ yếu phụ trách công việc vẽ màu lên bức bích họa và một số bức tượng. Vào thời nhà Đường, các nghệ nhân nổi tiếng đã quy tụ đông đảo ở Trường An để phác thảo cho các bức tranh – đây là một trào lưu hưng thịnh, và cũng là chuẩn mực để các thợ vẽ khắp cả nước sao chép mô phỏng. Các thợ vẽ dựa vào các bản phác thảo được lưu hành rộng rãi ở Trung Nguyên mà vẽ nên thế giới Phật quốc trong tâm hồn. Sau đó, họ tinh chọn các khoáng vật có màu sắc, nghiền nhỏ chế thành bột màu quý, màu đỏ là Chu sa, màu vàng là Thư hoàng, màu xanh là Ngọc lưu ly, màu trắng là Mica.
Nhìn chung, một bức bích họa mỹ lệ, hoành tráng, rực rỡ là nhờ kỹ nghệ vô cùng tinh xảo của những thợ vẽ “bậc thầy” cùng với những người bôi màu. Độ khó của việc vẽ là ở chỗ đỉnh động không có nơi dựa, phải treo lủng lẳng giữa khoảng không mà vẽ; ở chỗ sát đất lại phải nằm nghiêng để vẽ. Đây không chỉ là tài năng nghệ thuật, mà còn là khảo nghiệm về thể lực và nghị lực.
Bằng cách này, ở môi trường gian khổ, lạnh lẽo nơi biên giới cùng với hoàn cảnh sống tịch mịch, thanh bần, những người thợ bậc thầy vô danh, từng nhát đục đẽo, từng tầng bôi trát, từng nét chạm khắc, đã đục đẽo ngàn năm chẳng nghỉ, mới hoàn thành được tuyệt tác có một không hai với hơn ngàn Tôn tượng và bốn vạn năm nghìn mét vuông tranh tường như thế.
Trương Hiến Nghĩa biên tập
Thiên Lý biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ