Tìm lại giấc mộng Đôn Hoàng (P.11): Minh chứng về Đại Đường thịnh thế
Vào thời nhà Đường, Phật giáo được truyền bá rộng rãi, phát triển hơn hẳn so với các triều đại trước. Khi đó, người nhà Đường rất sùng kính Phật giáo Đại Thừa, và còn phát triển nhiều tông phái như Tịnh Độ Tông, Mật Tông, Thiên Thai Tông, Hoa Nghiêm Tông, Thiền Tông, v.v.
Trong đó, Tịnh Độ tông là tông phái thịnh hành nhất. Người dân đều mang nguyện cầu về thế giới cực lạc giống như mô tả trong Kinh Phật. Đó là vùng đất thái bình thịnh thế ngập tràn tiếng hát ca nói cười, không có chiến tranh, thiên tai nhân họa, nghèo khó bệnh tật, và muôn vàn khổ nạn trong kiếp người. Quan niệm này cũng được phản ánh trong những thay đổi của nghệ thuật hang đá.
Phong cách nghệ thuật của Đại Đường
Thời đại nhà Đường thịnh hành khai tạc các hang có điện đường rộng rãi để đáp ứng đủ không gian cho nhiều tín chúng đến giảng Kinh và chiêm bái của Phật giáo Đại Thừa. Dưới ảnh hưởng của nhà Đường, các chùa hang đá trở thành kiến trúc phổ biến nhất, tồn tại thời gian lâu nhất trong hang đá Đôn Hoàng. Nó cũng là kiểu hang đá căn bản sau thời Đường.
Chủ đề của bức bích họa tương ứng với giáo lý của Phật giáo Đại Thừa. Nó không còn là những phương thức tu luyện khổ hạnh như thiền định, xả thân, mà thay vào đó là triển hiện về những điều mỹ hảo, hân hoan tại cõi Tịnh thổ Phật quốc. Trên bức bích họa to lớn, kỹ pháp vẽ tranh liên hoàn thời kỳ đầu không thể lột tả được cảnh tượng nhà Đường thịnh thế. Do đó thể loại Bích họa kinh biến khổ rộng ra đời. Hầu như tất cả những nội dung phức tạp trong kinh Phật đều được vẽ trong một bức họa, trong đó Tịnh Độ biến vẫn chiếm vai trò chủ đạo trong các bức tranh.
Về các bức tượng màu, hình tượng khổ hạnh cũng được giảm bớt đáng kể, thay vào đó là hình tượng các vị Thần Phật gần gũi, tràn đầy sức sống. Đồng thời số lượng các vị Thần trong các quần thể tượng tăng lên, nhiều nhất có thể lên đến 28 vị, khiến du khách không khỏi trầm trồ thán phục trước sự đồ sộ này.
Nhà Đường có Quốc lực hùng hậu, giúp con đường tơ lụa càng trở nên phát triển, và củng cố hơn mối quan hệ giữa Hán địa và Tây vực. Đôn Hoàng và Trường An cách nhau hơn 1,000 dặm, nhưng cũng không thể cản trở bước chân của các Thế gia đại tộc, các thợ điêu khắc nổi danh ở Đôn Hoàng đến Trung Nguyên, đặc biệt là Trường An để giao lưu học hỏi. Nhờ khai phá con đường Tây Bắc, nghệ thuật tạc tượng ở Đôn Hoàng gần như đồng bộ với mảnh đất Trung Nguyên, nơi đâu cũng có thể nhìn thấy không khí Đại Đường thịnh trị, và bóng dáng của các vị đại sư.
Lấy các bức bích họa làm ví dụ, hơn một nửa số danh họa trong thời nhà Đường đã tham gia vào công cuộc sáng tác bích họa. Trong đó phải kể đến các Đại danh họa như Diêm Lập Bổn, Ngô Đạo Tử, Chu Phưởng, Hàn Kiền, v.v. Các cung điện, tu viện, phủ đệ của Trường An, Lạc Dương mọc lên khắp nơi. Tuy nhiên, cùng với thời gian, hầu hết các tác phẩm đều bị hư hại hoặc biến mất. Do đó mới nói, Động Đôn Hoàng thực sự là món quà quý giá được giữ lại, bảo tồn khá tốt những dấu tích hội họa hoàn chỉnh thời nhà Đường. Nếu muốn tìm hiểu về hội họa nhà Đường, chúng ta không thể bỏ qua Động Đôn Hoàng.
Về phong cách, Đại Đường là một cường quốc hùng mạnh, bừng lên khí thế hiên ngang lẫm liệt ở khắp muôn nơi. Trong lịch sử 1,600 năm xây dựng Động Đôn Hoàng, thời đại nhà Đường chỉ chiếm 300 năm, nhưng lại khai phá nhiều hang đá nhất và cũng có số lượng hang được bảo tồn nhiều nhất. Trong đó, chùa hang đá điển hình đã mô phỏng các kiến trúc điện đường cao lớn của Hán địa, còn các bức bích họa khổng lồ lại khiến người xem không khỏi trầm trồ, thán phục. Hang đá 95 thuộc Hang Mạc Cao, nơi nổi tiếng đặt nhiều bức tượng Đại Phật, cũng là công trình vẻ vang của nhà Đường. Những công trình với quy mô rộng lớn, kết hợp với kỹ nghệ điêu luyện và thuần thục, đến nay vẫn được ngợi ca không ngớt.
Sự thịnh vượng của nhà Đường có liên quan chặt chẽ đến sức mạnh quân sự bất khả chiến bại của quốc gia. Vào đầu triều đại nhà Đường, Hoàng đế Đường Thái Tông thông tuệ mẫn tiệp, đã mở cuộc viễn chinh Tây Bắc, trở thành vị Thiên Khả Hãn được tất cả các nước chư hầu Tây Vực phải kính phục. Cả đất nước trên dưới, ai ai cũng hừng hực ý chí kiến công lập nghiệp, giới văn nhân mặc khách cũng kéo nhau gia nhập đội ngũ đến biên cương, luyện võ tòng quân, lưu lại một nền văn học biên cương khảng khái, hào sảng.
Đôn Hoàng, với vai trò là một trấn quân sự quan trọng, cũng bộc lộ ra những đặc trưng oai hùng lẫm liệt, tráng kiện vô song trong nghệ thuật hang đá. Trong số các bức tượng, có rất nhiều tượng Thiên Vương và Kim Cương lực sĩ. Những bức tượng đều tạc dựa trên nguyên mẫu võ tướng có thật, chế tác theo tỷ lệ người thật, người mặc áo giáp, thân hình tráng kiện, thể hiện nét đẹp của dương cương và giàu tính nghệ thuật.
Đất nước thịnh vượng, bách tính an cư lạc nghiệp, cho nên các bức tượng được chế tác cũng mang phong cách thẩm mỹ vừa ung dung khí khái, vừa tôn quý hào hoa. Trên các bức tượng còn đeo những trang sức lộng lẫy, trên các bức bích họa vẽ những người đến cúng dường trong trang phục bắt mắt, mang theo những cống phẩm bằng vàng bạc quý giá. Tất cả đều chứng tỏ sự giàu có và hào hùng của một triều đại thịnh vượng.
Thế giới tịnh thổ
Vào năm Trinh Quán thứ 4 (năm 640), Đường Thái Tông đã huy động đại quân chinh phá phía Tây, bình định nước Cao Xương. Chỉ hai năm sau, Hang 220 thuộc Hang Mạc Cao đã bắt đầu khởi công xây dựng. Đây là một trong số ít hang đá ở Đôn Hoàng có niên đại rõ ràng, và cũng là một trong những hang động tiêu biểu nhất vào thời đầu nhà Đường. Dưới ảnh hưởng của nghệ thuật Trung Nguyên, những người thợ ở Đôn Hoàng đã tạo ra những hang đá độc đáo, toát lên sức sống dồi dào sinh cơ của Đại Đường thịnh trị, và đưa nghệ thuật hang đá Đôn Hoàng lên một tầm cao mới.
Về hình thức kiến trúc, Hang 220 không còn cột trụ trung tâm, mà đổi sang kiểu chùa hang đá hình vuông quy mô lớn. Ở bức tường chính lập ba khám thờ, bên trong đặt năm tượng. Trong năm tượng đó, Thích Ca Mâu Ni đặt ở giữa, bên cạnh là hai đệ tử Ca Diếp và A Nan, hai vị Bồ Tát đứng chầu. Hầu hết những bức tượng này đã được các thế hệ sau trùng tu lại, nên đã mất đi phong cách thời nhà Đường. Bức tượng Ca Diếp là di sản duy nhất lưu giữ được đặc trưng thời đầu nhà Đường, được các nghệ nhân khắc họa như một lão tăng thông thái, ổn trọng.
Điều bắt mắt nhất trong hang đá này là ba bức họa kinh biến khổ rộng phủ trên tường. Bức tường phía nam vẽ Vô Lượng Thọ Kinh, phía bắc vẽ Dược Sư Kinh, hai cánh cửa phía đông vẽ tranh đối xứng Duy Ma Cật Kinh. Hai bức tường đối diện ở phía nam và bắc lần lượt thể hiện thế giới tịnh thổ của phương Đông và phương Tây. Đây cũng là cách bài trí điển hình trong các chùa chiền ở Hán địa thời nhà Đường. Bên trong các hang đá đều có diện tích rộng rãi, trong đó các bức họa kinh biến của Tịnh Độ Tông chiếm vị trí chủ đạo, khiến cả căn thất hiện lên như thế giới Phật quốc rất phong phú và tương đối hoàn chỉnh.
Thế giới cực lạc phương Tây
Vô Lượng Thọ Kinh là cuốn sách kể về đức bổn sinh của Phật A Di Đà. Ngài đã từ bỏ ngai vàng để xuất gia tu hành, được ban Pháp hiệu là Tỳ kheo Pháp Tạng. Ngài đã phát 48 đại nguyện, thành tựu một thế giới lý tưởng mỹ hảo không gì sánh được. Trải qua nhiều kiếp tu hành, Ngài cuối cùng đã đắc thành Chính quả, trở thành A Di Đà Phật ở Tây Phương Tịnh Độ. Tây Phương Tịnh Độ hay được mọi người biết đến với cái tên là Tây Phương Cực Lạc, ở đó bốn mùa đều tươi đẹp, chim chóc hót vang, hoa khoe sắc hương, Trân châu Dị bảo khắp nơi, tiếng nhạc ngân vang tứ phương. Ở đó có vị Phật Đà đang giảng Pháp, còn chúng sinh đều có thể hưởng thụ những niềm vui hân hoan bất tận.
Bức tượng phía nam là bức kinh biến của Vô Lượng Thọ, hay còn gọi là “Tây Phương Tịnh Thổ Biến”. Các nghệ nhân đã phác họa một thế giới cực lạc đẹp đẽ và lộng lẫy với những gam màu tương sáng, sống động, đường nét uyển chuyển, tinh tế.
Trong Hồ Thất Bảo, Phật A Di Đà ngồi trên tòa sen thuyết Kinh giảng Pháp, hai bên ngài là Quan Thế Âm và Đại Thế Chí Bồ Tát, tương hợp với quan niệm về “Tây Phương Tam Thánh”. Xung quanh ba vị là rất nhiều Bồ Tát và Thiên nhân, họ đều đang kính cẩn chăm chú lắng nghe Pháp. Trên trời còn xuất hiện những Phi Thiên bay lượn, dưới hồ là những Liên hoa đồng tử đang vui đùa, trên mặt đất Vũ công nhảy múa duyên dáng, tượng trưng cho cảnh sắc mỹ hảo của thế giới cực lạc.
Thế giới Lưu Ly ở phương Đông
Trong Kinh Phật viết, Dược Sư Phật có thể cứu vớt nhân gian khỏi những thống khổ của bệnh tật, khiến con người giải thoát khỏi “cửu hoành tử” (tức là 9 cái chết không chính đáng, oan uổng). Do đó tín ngưỡng về Dược Sư Phật rất nhanh đã được phổ biến rộng rãi ở triều Đường. Kinh biến Dược Sư trong hang này chủ yếu miêu tả về Phật Dược Sư và những cảnh tượng mỹ diệu, tường hòa của thế giới Lưu Ly. Ở chính giữa bức tường phía Bắc là hồ sen với những gợn sóng xanh biếc, trên mặt hồ nổi lên 7 đóa Lưu Ly Bảo đài xếp thành một hàng. Trên bảy liên đài ấy là bảy vị Phật dáng đứng trang nghiêm, tay cầm tích tượng hoặc chén thuốc. Họ chính là bảy vị Dược Sư Phật được bách tính cung kính thờ cúng.
Hai bên tượng Phật Dược Sư là Bồ Tát trực chầu, đội mũ quan, mặc thiên y, dưới liên đài là những Phi Thiên tấu nhạc cúng dường. Hai bên còn có đội nhạc với nhiều loại nhạc cụ khác nhau, ở giữa là các tiên nữ nhảy múa thanh thoát. Họ bước trên tấm thảm tròn đỏ, múa hát xoay vòng, tà áo tung bay, như thể đang biểu diễn điệu múa Hồ Toàn Vũ rất được ưa thích ở thành Trường An. Ở chính giữa sân khấu còn có một cây đèn khổng lồ, phía dưới là bóng người đang thắp đèn, trông giống cảnh tượng bách tính Trung Nguyên đang thưởng đèn vào đêm Thượng Nguyên.
Cảnh tượng ấy thật đúng với bài thơ Đường của thi sĩ Trương Thuyết:
“Đế cung tam ngũ hí xuân thai,
Hành vũ lưu phong mạc đố lai.
Tây vực đăng luân thiên ảnh hợp,
Đông hoa kim khuyết vạn trọng khai.”
Tạm dịch nghĩa:
“Trong Hoàng cung có dăm ba vở kịch,
Mưa gió kia hãy đi đừng ghen tị
Tây Vực kết đăng soi sáng mọi nẻo đường
Hàng vạn cánh cửa chùa vàng hoa lệ ở phương Đông đang mở ra”
Đây quả là một thịnh yến ca vũ náo nhiệt, hoa lệ, tái hiện cảnh tượng đạp ca toàn vũ, giăng đoàn kết hoa được miêu tả trong thơ Đường.
Duy Ma Cật kinh biến
Bức họa kinh biến Duy Ma Cật vẽ cảnh tượng Văn Thù Bồ Tát đến vấn an được vẽ ở bức tường phía Đông là một đề tài phổ biến kể từ thời Tuỳ Đường. Đặc sắc của hang đá này là kỹ pháp vẽ điêu luyện hơn và mang hơi hướng phong cách của Trường An. Cư sĩ Duy Ma Cật đang ngồi trong màn trướng, ánh mắt sáng ngời, thân hơi nghiêng về phía trước, như đang say sưa nói chuyện. Đối diện ngài là Bồ Tát Văn Thù, thần sắc an hòa, tự tại, tạo nên nét đối lập giữa hai cá thể. Kỹ pháp vẽ bằng nét ở bức họa này rất thành thục, điêu luyện, tái hiện lại đỉnh cao của nghệ thuật hội họa đời Đường.
Bên dưới hai vị Đại giác giả là bức tranh nghe Pháp. Bên dưới Duy Ma Cật là tất cả chúng sinh mặc trang phục phương Tây, phản ánh bối cảnh nhà Đường thường xuyên giao lưu với các nước Tây Vực. Phía dưới Bồ Tát Văn Thù là một bức “Đế vương đồ”, được hậu thế quan tâm nhiều nhất. Vị Hoàng Đế này đang dang cánh tay, ung dung tiến lên, có hai thị vệ cầm Chướng phiến phía trước, còn các Đại thần tháp tùng phía sau. Điểm đặc biệt của bức họa này là hình tượng Hoàng Đế giống hệt với bức “Lịch đại đế vương đồ” của Diêm Lập Bổn. Điều này không khỏi khiến nhiều người tự hỏi, phải chăng danh họa Diêm Lập Bổn đã từng âm thầm bước vào hang đá, sau đó để lại nét bút thần kỳ trên vách đá này?
Văn hóa hang đá mang tên gia tộc
Nếu muốn tìm hiểu đầy đủ về lịch sử của hang đá, thì những văn tự trên bức họa là những thông tin quý giá mà chúng ta tình cờ phát hiện được. Những dòng chữ tên Hang 220 của Hang Mạc Cao, Đôn Hoàng, không những có niên đại rõ ràng, mà còn có một dòng chữ rất khó phát hiện là “Địch Gia Quật” nằm ở phía khám thờ phía Tây. Những chữ cái này đã mang đến một cái tên mới cho hang đá 220, và cũng tiết lộ một thân phận khác của Động Đôn Hoàng.
Trong đường thông đạo vào hang đá xuất hiện “Kiểm Gia Phổ” do Địch Phục Đạt viết trong thời kỳ Ngũ Đại, nó đã ghi lại gia phả của gia tộc họ Địch nổi tiếng ở Đôn Hoàng. Địch gia đã chuyển đến núi Chí Tam Nguy từ thời Bắc Chu, và bắt đầu khai phá hang đá tạc tượng từ rất sớm. Hang đá được khởi công vào thời Trinh Quán đầu nhà Đường, vị chủ nhân đầu tiên góp công đục đá tên là Địch Thông. Bấy giờ, Địch Thông sau khi vượt qua nhiều kỳ thi ở địa phương và các cuộc tuyển chọn khác, đã chính thức nhậm chức Triều Nghị Lang cấp Lục phẩm. Đây quả là một sự kiện trọng đại, rất đáng tự hào của Địch gia.
Vì vậy, người ta đã bắt đầu xây dựng Hang 220, như một hang Công đức để vinh danh Địch Tông. Vào năm Trinh Quán thứ 16, các bức bích họa trên các tường phía Đông và phía Bắc đã được vẽ hoàn chỉnh. Nhưng mãi đến 20 năm sau, Hang 220 mới chính thức xây dựng xong. Lần cuối cùng hang đá được trùng tu là do Địch Phụng Đạt của thời Ngũ Đại phụ trách. Ông là nhà thiên văn học và địa lý học, cũng là Tiết độ sứ tham mưu của đội quân Quy Nghĩa. Ông còn là nhân vật rất nổi tiếng trong vùng.
Ở đây cần lưu ý rằng, hầu hết việc khai phá Động Đôn Hoàng là hoạt động tự phát của các gia tộc địa phương. Do đó các Vương tôn quý tộc trong vùng tất nhiên là lực lượng quan trọng nhất tham gia xây dựng. Các gia tộc lớn ở Đôn Hoàng gồm Địch, Lý, Tào, Trương, Tác, Âm, v.v. Những gia tộc này chuyển đến đây sinh sống có thể vì được sắc phong hoặc giáng chức. Cùng với thời gian, con cháu của họ sinh sôi và phát triển thành các hào môn thế gia ở Đôn Hoàng. Ngoài ra, còn có những gia tộc đã quật khởi trong các giai đoạn lịch sử khác nhau, và gia nhập vào đội ngũ quý tộc trong vùng.
Ngoài yếu tố tôn giáo, những gia tộc này vì muốn tưởng nhớ những người có công, phô trương quyền lực và duy trì sự phú quý của gia tộc, đã không ngần ngại bỏ ra món tiền khổng lồ để xây dựng những hang đá quy mô lớn. Không phụ sự kỳ vọng, những hang đá được mang tên của gia tộc này đã trở thành những tác phẩm kinh điển của nhiều thời đại.
Công cuộc xây dựng hang đá gia tộc có thể bắt đầu từ thời Tây Ngụy. Khi ấy, gia tộc Âm Thị đã kiến tạo Hang 285. Ngoài ra, Hang Đại Tượng ở Hang 96 cũng được hình thành nhờ bàn tay của gia tộc Âm Thị. Gia tộc khai phá nhiều hang động nhất là Lý Thị, có tất cả 7 hang đá, thời gian xây dựng kéo dài suốt thời nhà Đường. Vào cuối thời nhà Đường, gia tộc Trương Thị, Tào Thị giàu lên, nên cũng để lại nhiều di tích ở hang Mạc Cao và hang Du Lâm.
Mặc dù các hang đá nổi tiếng ở Đôn Hoàng đều do các gia tộc giàu có xây dựng. Nhưng xét về số lượng, các hang đá nhỏ do dân chúng khai phá lại chiếm lợi thế tuyệt đối. Do tài lực hạn chế, người dân thường gia nhập các tập thể như xã đoàn hoặc tăng đoàn để cùng nhau kiến tạo. Cũng có người dùng thân phận cá nhân tham gia việc xây dựng các hang lớn. Họ đã đóng góp số tiền dành dụm của mình để mở rộng từng phân đất trong hang, với mục đích lưu giữ những hình tượng về Thần Phật. Cũng có những hang đá lưu lại hình ảnh của chính người dân, hoặc để lại lời cầu nguyện tốt đẹp của mình.
Ví dụ, Hang 428 của Mạc Cao, Đôn Hoàng, do Vu Nghĩa triều đại Bắc Chu bỏ tiền xây dựng, những người tham gia khai phá lên đến hơn 1,000 người. Từ các dòng chữ ghi trong hang đá có thể thấy rằng, những người này đến từ các vùng ở Hà Tây, hưởng ứng lời kêu gọi của Vu Nghĩa cùng nhau xây dựng hang đá.
Trong hang đá rộng lớn, những sự tồn tại tưởng chừng như vô cùng nhỏ bé ấy lại là bằng chứng cho thấy tấm lòng thành kính, một lòng hướng Phật của những người dân chất phác thời cổ đại. Tín ngưỡng cao đẹp ấy đã đồng hành cùng lịch sử suốt hàng nghìn năm….
Trương Hiến Nghĩa biên tập
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ