Tìm lại giấc mộng Đôn Hoàng (P.7): Những bức tranh tường biết kể chuyện
Đôn Hoàng nằm trên ốc đảo nhỏ trong lòng sa mạc ngoài biên giới xa xôi, là thị trấn trọng điểm trên Con đường tơ lụa, là Thánh địa Phật giáo nơi các tăng nhân tu hành, vẫn tiếp tục nối dài huyền thoại lịch sử và nền văn minh huy hoàng. Ở đó, những hang động nằm cheo leo trên vách đá, sau hàng ngàn năm bị bụi thời gian vùi lấp, như đang sống dậy để kể lại một quá khứ vàng son cho mỗi vị khách qua đường.
Nghệ thuật hang đá Đôn Hoàng với đại biểu là Hang Mạc Cao, đã đạt đến đỉnh cao khiến chúng ta phải trầm trồ thán phục. Trong suốt thời kỳ Bắc triều, các bức tranh tường được vẽ khắp các phòng ốc, trên đó là hình ảnh các vị Phật trang nghiêm, Bồ Tát tường hòa, yến hội với nhã nhạc ca vũ trên thiên quốc, và trăm ngàn sắc thái của con người thế gian, v.v. Mặc dù tất cả chỉ là hình ảnh tĩnh, nhưng nhờ nét vẽ công phu của nghệ nhân Đôn Hoàng, mỗi nhân vật đều ánh lên hy vọng về tương lai huy hoàng, muốn thoát khỏi bức tường khô khan để thủ thỉ vào tai chúng ta những lời dạy của Phật Pháp.
Trong số những bức bích họa cổ xưa tinh tế ấy, đa số đều tái hiện lại một câu chuyện nào đó, có bức kể về những biến hóa của lịch sử, có bức lại kể về những câu chuyện Phật giáo. Những người thợ vẽ đã sử dụng nét cọ sinh động để biến những câu kinh Phật với nội hàm thâm sâu thành những bức tranh tuyệt tác để thế nhân thưởng thức. Nhờ đó, ngay cả những người dân bình thường mù chữ khi nhìn vào cũng có thể cảm nhận được ánh hào quang của Phật Pháp, dẫn dắt họ trên con đường chính ngộ.
Hầu hết các bức bích họa thời kỳ này đều lấy chủ đề xoay quanh quá trình lưu truyền Phật Pháp, Đức Phật đản sinh, câu chuyện nhân duyên, v.v. Những bức họa đa số mang hơi hướng triển hiện Phật ân hạo đãng, hạnh nguyện xả thân vì cứu độ chúng sinh và những thần tích khi Phật từ bi độ hóa thế nhân. Thông qua những câu chuyện hết sức sinh động này, giúp thế nhân nhận thức sâu sắc hơn về sức mạnh của chính tín và uy đức của Phật Pháp.
Phật xẻ thịt cứu chim bồ câu: Hạnh nguyện cứu độ chúng sinh của Vua Shibi
Trên bức tường phía bắc của Hang 254 thuộc Hang Mạc Cao vào thời Bắc Ngụy, có một bức tranh tường Phật giáo khổng lồ duy nhất, kể về những việc thiện của Đức Phật – hy sinh bản thân để cứu người khác trong kiếp trước. Trong đó có câu chuyện của một vị Vua ở Ấn Độ cổ rất tin vào Phật Pháp là Vua Shibi, ngài đã phát nguyện sẽ phổ độ chúng sinh. Để thử thách ý chí của Vua Shibi, Thần minh Đế Thích Thiên và Bì Thủ Yết Ma đã lần lượt hóa thành đại bàng và chim bồ câu để khảo nghiệm ngài.
Trong đó, đại bàng truy đuổi chim bồ câu và quyết tâm ăn thịt nó, chim bồ câu không còn cách nào khác nên phải chạy trốn đến chỗ Vua Shibi để xin giúp đỡ.
Vì Vua Shibi là người có trái tim nhân ái và luôn tâm nguyện cứu độ chúng sinh nên ngài rất muốn bảo vệ chim bồ câu. Nhưng đại bàng lại nói rằng nó sẽ chết đói nếu không thể ăn thịt chim bồ câu. Để cứu đại bàng, Vua Shibi tỏ ý muốn xẻ thịt mình làm thức ăn cho nó. Không ngờ, đại bàng còn yêu cầu miếng thịt cắt ra phải nặng như chim bồ câu. Vì vậy, Vua Shibi không còn cách nào khác là xẻ thịt mình và sai người đem đi cân.
Nào ngờ, Vua Shibi xẻ hết thịt trên người rồi mà đòn cân vẫn không cân bằng, sau đó ngài dùng hết sức của mình nhảy lên bàn cân và ngất xỉu. Hành động xả thân cứu chim bồ câu của vua Shibi đã khiến trời đất chấn động. Sau đó Đế Thích Thiên đã khôi phục nguyên hình và sử dụng thần lực để cứu nhà vua tỉnh lại.
Trong bức bích họa này, Vua Shibi ở chính giữa, tay trái của ngài đang ở thế lập chưởng, tay phải nâng một chú chim bồ câu như trong tư thế bảo vệ nó. Chân trái của ngài ngồi xếp bằng, để tên đồ tể hung hãn dữ tợn xẻ thịt trên đùi mình, chân phải để duỗi thẳng tự nhiên. Bên cạnh ngài là hoàng hậu cùng hai phi tần đang quỳ xuống khuyên can, ôm gối ngài khóc nức nở. Mặc dù Vua Shibi đang vô cùng đau đớn, nhưng thần thái của ngài vẫn hết sức điềm tĩnh tự nhiên, nói lên ý chí sắt đá, sự kiên định không lay chuyển của ngài vào việc xẻ thịt cứu chim đại bàng. Ở góc phía trên bên phải của bức tranh là phần mở đầu của câu chuyện đại bàng truy đuổi chim bồ câu và bay trên cao xuống. Hình ảnh đại biểu cho hai vị thần tiên trên trời hóa thành hai chú chim bay xuống nhân gian, thử thách tấm lòng của nhà vua, khiến ngài không quản ngại xả thân giải cứu chim bồ câu và đại bàng.
Ở trên cùng của bức họa, có các phi thiên đang bay xuống. Ở giữa vẽ các quan chức và dân chúng đứng bên trái của nhà vua, và các vị Thần trên thiên đàng đứng bên phải. Thần tiên trên trời, con người dưới đất đều vây quanh Vua Shibi, người thì chắp tay khóc, trải hoa, bày tỏ sự tán thưởng khâm phục trước hành động xả thân của ngài. Tất cả tạo nên một bầu không khí vừa xúc động, vừa hùng tráng.
Ở góc dưới bên phải của bức tranh vẽ Vua Shibi đang ngồi trên một cái cân, hạnh nguyện dùng chính mạng sống của mình để cứu nguy chim bồ câu và đại bàng.
Bức bích họa này tập trung vào cốt truyện quan trọng nhất là “xẻ thịt”, và áp dụng bố cục đối xứng: đặt chim đại bàng, chim bồ câu đi cầu cứu, phi tần khuyên can, đưa mình lên cân, thiên nhân tán tưởng, v.v ở các vị trí xung quanh nhà vua. Ngoài ra, bức tranh còn sử dụng biện pháp diễn tả đồng thời những cảnh ở các khoảng thời gian khác nhau trong cùng một bức tranh. Khi thưởng thức bức tranh sẽ bắt đầu từ nửa bên phải, từ trên xuống dưới tạo thành hình chữ “C”. Tiếp theo, bên trái và bên phải của bức tranh tường cùng thể hiện cảnh tượng khâm phục, tán thưởng của thần tiên và con người. Toàn bộ câu chuyện giống như một màn kịch lớn, kết thúc trong một không khí bi tráng, hào hùng.
Toàn bộ bức tranh vừa làm nổi bật chủ đề, vừa có cốt truyện hoàn chỉnh, khiến các tín chúng có thể xem hiểu được nội dung câu chuyện, vừa có thể cảm nhận một cách trực quan và sâu sắc về phẩm hạnh tuyệt vời, sự hy sinh cao cả của Vua Shibi.
Hươu chín màu chỉ ra thiện ác hữu báo, đừng quên tâm nguyện ban đầu
Các hang đá Đôn Hoàng được trang hoàng bằng các bức bích họa khổng lồ, mỗi bức đều khắc họa những câu chuyện khác nhau. Các nghệ sĩ đã học tập phong cách nghệ thuật Phật giáo ở Tây Vực để thể hiện những bức vẽ một cảnh, và cả những bức vẽ nhiều cảnh. Ngoài đó ra, còn một loại tranh tự sự khổ lớn, hoành tráng, tình tiết phức tạp, phong phú hơn, đó là loại tranh mà ngày nay chúng ta thường gọi là “Tranh liên hoàn”. Từ thời Ngụy Tấn đến nay, trên vùng đất Hán địa đã xuất hiện những bức vẽ tranh liên hoàn kiểu này. Trong đó phải kể đến tác phẩm “Nữ sử chân đồ”, “Lạc Thần phú đồ”, đều là những kiệt tác khiến giới học thuật phải trầm trồ.
Tác phẩm đã đột phá những hạn chế của khổ tranh thông thường và vẽ theo khổ ngang nên có thể triển hiện nội hàm phong phú của các câu chuyện thần thoại Phật giáo. Nhờ những ưu thế vượt bậc này, tranh khổ ngang dần dần trở thành thủ pháp nghệ thuật được các thợ vẽ Đôn Hoàng yêu thích. Tranh ngang ban đầu chỉ vẽ trên từng mảnh tường, dần dần phát triển với quy mô lớn hơn, khắc họa các câu chuyện liên tiếp nhau khiến người ta phải choáng ngợp trước sự hoành tráng của nó.
Điều thú vị hơn là, trình tự các câu chuyện trong bức tranh không chỉ đơn giản là vẽ từ trái sang phải, mà còn từ hai đầu rồi tập trung vào chính giữa, cũng chính là nơi thể hiện cao trào hoặc kết cục cuối cùng của câu chuyện. Điển hình nhất là bức họa “Lộc Vương bổn sanh” trong hang Mạc Cao số 257.
Trước khi Thích Ca Mâu Ni chứng đạo quả vị Như Lai, ngài đã từng nhiều lần chuyển sinh thành thánh nhân tiên hiền, chim muông thần thú ở các kiếp trước, tích lũy vô số thiện hạnh, cuối cùng tu thành chính quả. Hươu chín màu (cửu sắc lộc) bề ngoài khoan thai oai vệ, tính tình nhân ái, ôn hòa, là một trong những kiếp đản sinh của Phật Thích Ca Mâu Ni.
Hươu chín màu, hay còn gọi là Lộc vương, có cặp sừng trắng như tuyết, bộ lông sặc sỡ tuyệt đẹp. Số chín ở đây không phải đại biểu cho chín màu sắc, mà thể hiện sự đa dạng phong phú, thần thánh mỹ hảo của Lộc vương. Tương truyền, Lộc vương thường uống nước bên sông Hằng, làm bạn với chim muông. Một hôm, Lộc vương đang tản bộ ven sông, bỗng nhiên nghe thấy tiếng người đuối nước kêu cứu. Lộc vương đã không quản ngại an nguy của mình, lao xuống dòng nước chảy xiết, cứu người nọ lên bờ. Để báo đáp ơn cứu mạng, người ấy đã quỳ lạy cảm tạ và xin làm nô bộc cho Lộc vương, làm kẻ hầu hạ ngài suốt đời. Mặc dù anh ta một lòng một dạ muốn theo Lộc vương, nhưng ngài đã cự tuyệt, chỉ yêu cầu anh giữ bí mật, không tiết lộ hành tung của mình.
Ngày nọ, hoàng hậu nước đó nằm mơ thấy chú hươu chín màu tuyệt đẹp, khi tỉnh giấc bèn đòi nhà vua tìm bắt, nói muốn lấy da hươu làm áo choàng, lấy sừng hươu làm gậy phất trần. Vì nàng nằng nặc cầu xin, nên Quốc vương đành chiều ý, treo thưởng chia một nửa giang sơn của cải cho ai bắt được Lộc vương.
Kẻ đuối nước kia vì ham muốn lợi lộc, đã vong ân bội nghĩa, vứt bỏ lương tâm mà dẫn Quốc vương cùng binh sĩ đến bờ sông Hằng. Sau khi gặp Quốc vương, Lộc Vương đã kể lại việc cứu mạng kẻ chỉ điểm kia. Nghe xong câu chuyện ấy, Quốc vương vô cùng cảm động trước đại nghĩa của Lộc vương và hạ lệnh cấm tất cả mọi người không được làm hại Lộc vương. Còn kẻ báo tin kia bị quả báo nặng nề, khắp thân nổi mụn độc, mồm miệng hôi thối. Vương hậu vì lòng lang dạ sói, ngày một bị thất sủng, cuối cùng bi phẫn mà chết.
Bức bích họa trong hang 257 đã sử dụng thủ pháp vẽ liên hoàn kể lại truyền thuyết về Lộc vương. Bức tranh có tất cả năm phân cảnh, tám tình tiết:
Từ bên trái là cảnh bên sông Hằng, tái hiện cảnh khi Lộc vương tản bộ bên sông, thì nghe thấy có người đuối nước kêu cứu, ngài đã nhảy xuống sông cõng anh ta lên bờ. Anh ta đã quỳ xuống tạ ơn, còn Lộc vương dặn dò phải giữ gìn bí mật.
Từ bên phải là cảnh tượng trong vương cung, Vương hậu ngồi bên Quốc vương đòi bắt hươu chín màu. Kẻ đuối nước đã hám lợi cầu vinh, thấy cáo thị treo thưởng liền vứt bỏ lương tâm đi báo tin. Tiếp đó là cảnh kẻ chỉ điểm dẫn Quốc vương và binh lính đi truy lùng tung tích của Lộc vương.
Phần chính giữa bức tranh phía trên khắc họa cảnh Lộc vương đang an giấc thì bầy quạ bay tới báo tin Lộc vương mau chóng tìm nơi ẩn náu. Bức phía dưới là tình tiết cao trào nhất và kết cục của câu chuyện, nằm ở trung tâm của bức họa, tái hiện cảnh Lộc vương gặp lại kẻ chỉ điểm, kể cho Quốc vương về sự vong ân bội nghĩa của hắn và cảnh hắn phải nhận ác báo.
Chủ đề của bức tranh và cốt truyện được các nghệ nhân khéo léo sử dụng biện pháp “kể chuyện hai đầu” tái hiện lại, cho thấy tay nghề khéo léo, trí tuệ phi phàm, sự am hiểu và lý giải sâu sắc của họ về Phật Pháp. Bên trái là cảnh cứu người tương ứng với trái tim từ bi thiện lành, bên phải là cảnh chiếm hữu tương ứng với lòng tham dục vọng. Để rồi hai lực lượng thiện-ác, chính-tà đối đầu và hội tụ vào điểm trung tâm. Nhưng rốt cuộc thiện ác hữu báo, tà không thể thắng chính, những chân lý ấy một lần nữa được các nghệ nhân khéo léo lồng ghép vào câu chuyện bằng những nét vẽ xảo diệu của mình.
Ngoài cốt truyện ý nghĩa, bức bích họa còn rất tinh tế khắc họa tính cách và hình tượng của từng nhân vật. Trong đó, Vương hậu trong hình tượng một tay khoác lên vai Quốc vương, một chân nhấc lên, lộ rõ vẻ quyến rũ phong tình của nàng. Còn trong cảnh Lộc vương gặp Quốc vương, Lộc vương với hình tượng tráng kiện, hiên ngang, điềm tĩnh, thể hiện sự tôn quý của mình. Còn Quốc vương yên lặng chăm chú lắng nghe, giống như đang đăm chiêu suy nghĩ, lại như tự thẹn với lòng.
Năm trăm tên cướp thành Phật
Thời Ấn Độ cổ có tiểu vương quốc Kiều Tát La. Thời đó, có 500 tên cướp đã kéo nhau lên núi xưng vương, chúng thường xuyên chặn đường cướp bóc, giết hại dân thường vô tội, cắt đứt con đường thông thương của đất nước. Thấy đám cướp hung hăng phách lối, nhà vua đã phái đội quân tinh nhuệ đi thảo phạt, đám đạo tặc rất nhanh đã bị đánh cho tan tác và bị bắt làm tù binh. Nhà vua sau khi dùng hình thẩm vấn đã hạ lệnh khoét mắt chúng và đày vào núi hoang.
Tiếng kêu đau đớn thống khổ của những tên cướp đã lọt vào tai của Đức Phật. Ngài nghe xong vô cùng thương cảm bèn thi triển thần thông thổi cây tuyết thảo vào mắt của những tên cướp để khôi phục thị lực cho họ, rồi giảng kinh thuyết pháp để họ nghe. Năm trăm tên cướp thấy hào quang của Phật pháp, lại được khai thị nên đã thành tâm sám hối, đỉnh lễ quy y, ẩn cư trong núi chuyên tâm tu hành, cuối cùng 500 người đã đắc được quả vị A La Hán.
Phật Pháp phổ độ chúng sinh, giáo hóa lòng người, giúp kẻ thành tâm tu thành chính quả. Điều đó còn hữu hiệu hơn so với biện pháp dùng hình phạt bạo lực đơn thuần. Điều này đã được kiểm chứng qua câu chuyện Đức Phật cảm hóa cứu độ 500 tên cường đạo. Câu chuyện kết Phật duyên kinh tâm động phách này đã được tái hiện lại trong hang số 285 và 296 của hang Mạc Cao.
Bức bích họa “Năm trăm tên cướp thành Phật” ở hang 285 do sáu tổ hợp tranh tạo thành. Từ trái qua phải tái hiện cuộc chiếc ác liệt giữa những tên cường đạo và quan binh. Trong đó, quân đội triều đình mặc áo giáp sắt, cưỡi tuấn mã, khí thế bừng bừng, còn những tên cướp dùng cung tiễn, trường mâu, lá chắn ra sức chống đỡ, rất nhanh đã đại bại, buông vũ khí đầu hàng. Tiếp đó là lũ tên cướp quỳ gối trước cung điện, bị chính nhà vua đích thân dùng hình tra khảo và lãnh án khoét mù hai mắt. Trên mái nhà của cung điện còn có một đôi gà trống chọi nhau, chúng ngóc cổ, tung cánh, đá nhau vô cùng hung hãn, thể hiện không khí căng thẳng khi nhà vua định tội bọn cướp.
Tiếp đó, bọn cướp bị đuổi vào núi sâu rừng già, cơ thể què quặt tàn khuyết, thiếu thốn cơm áo, mang theo đôi mắt mù lòa khua khuắng lung tung, khóc lóc thảm thiết. Rồi bầu trời bỗng nhiên nổi lên một cơn bão, dưới đất lại từ đâu thình lình xuất hiện một con hổ đói, ám chỉ tình cảnh khốn cùng, ngàn cân treo sợi tóc.
Đức Phật nghe thấy tiếng kêu thống thiết của bọn cướp nên đã rủ lòng từ bi đem theo thuốc thần đến giúp họ chữa trị đôi mắt. Sau đó, Ngài đã đích thân bước vào sơn cốc, thuyết giảng kinh Phật, khai sáng Phật tính trong tâm họ. Trong bức tranh “Thính Pháp đồ”, bên cạnh tên cướp còn xuất hiện một chú nai hoang dã vừa đang ăn lá, vừa nở nụ cười, cành liễu rủ nhẹ nhàng đung đưa trong gió, v.v. Trước mặt Đức Phật có một cái hồ, bên trong có đàn vịt đang vui đùa bơi lội, những bông sen tỏa ngát hương thơm, v.v. Cảnh tượng tổng thể trông rất đỗi thanh bình, yên ả.
Cuối cùng, 500 tăng nhân trong núi sâu rừng già nhờ chăm chỉ tu hành đã công thành viên mãn. Tổng thể bức bích họa được thay đổi từ động sang tĩnh, từ ác sang thiện, từ đấu đá sang thiền định, tất cả là để phản ánh sức mạnh của Phật Pháp khiến con người cải tà quy chính, thanh lọc tâm hồn, phổ độ chúng sinh. Bức bích họa rất xứng là tác phẩm kinh điển trong hệ thống các cố sự họa đồ của hang động Đôn Hoàng.
Về kết cấu tổng thể, trong tranh liên hoàn theo khổ ngang thường vẽ cây cối, công trình kiến trúc, con dốc, v.v như những “dấu chấm câu” để ngăn cách các phân cảnh, giúp câu chuyện được rõ ràng và liền mạch. Phong cách này đã được sử dụng rộng rãi từ triều đại nhà Tùy.
Trương Hiến Nghĩa biên tập
Minh Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ