Tìm lại giấc mộng Đôn Hoàng (P.6): Sự giao hòa giữa tín ngưỡng phương Tây và nghệ thuật Trung Nguyên
Sau thời Bắc Lương, lịch sử Trung Nguyên đã tiến nhập vào thời kỳ chia rẽ lớn với sự đối chọi giữa hai phương nam – bắc. Phía bắc Trung Nguyên đã trải qua rất nhiều triều đại, từ nhà Ngụy Tấn đến thời Lục quốc, rồi lại trải qua năm triều đại nhà Bắc Ngụy, Đông Ngụy, Tây Ngụy, Bắc Tế và Bắc Chu. Thời cuộc biến động, dân tình phiêu dạt. Tuy nhiên đây đúng là lúc Phật Pháp truyền bá rộng rãi ở đất Hán, mang theo sức mạnh của tín ngưỡng và chính niệm, nghệ thuật Phật giáo cũng theo đó mà phát triển đến trình độ huy hoàng mới.
Khác với sự loạn lạc ở Trung Nguyên, Đôn Hoàng ở miền biên thùy tương đối an định, bình yên vào thời gian này, đây chính là miền Phật quốc tịnh thổ. Mảnh đất này không chỉ duy trì được phong trào toàn dân tôn sùng đạo Phật của thời đại trước, mà đồng thời còn tiến vào một thời kì đỉnh cao về khai quật tạo tượng.
Trên các vách đá núi Minh Sa có thể thấy từng hang động nhỏ giống như những viên đá quý, dù là số lượng hay quy mô đều vượt qua những thời kì trước đây. Đi vào bên trong hang, các trụ trung tâm của bảo tháp, các đỉnh hang dốc đứng, các bức tượng thanh tú, mảnh mai, màu sắc tú lệ rực rỡ, gom đủ các yếu tố nghệ thuật lễ kính Đức Phật, vừa có vẻ quen thuộc vừa có phong thái khác biệt.
Di sản Lương Châu
Nếu muốn hiểu được nghệ thuật Đôn Hoàng vào thời Bắc triều, chúng ta cần phải ngược dòng thời gian trở về thời Bắc Lương với vùng đất Lương Châu uy vũ, tạo thành cán cân ở phía Tây Bắc. Các học giả đại lục đã tổng hợp lại các di tích ở đây như hang đá núi Thiên Thê, chùa Bảo Tháp, hang đá núi Văn Thù, và tổng kết ra những đặc điểm chủ yếu của các hang đá ở Lương Châu – dạng thức hang động Phật giáo sớm nhất ở Trung Hoa, bao gồm:
- Các hang động hầu hết là hang có trụ tháp trung tâm hình vuông hoặc hình chữ nhật, trong đó có tượng kích cỡ lớn và các khám thờ ở trụ trung tâm.
- Tượng Phật chủ yếu gồm tượng Thích Ca Mâu Ni, tượng Di Lặc trong trang phục Bồ Tát bắt chéo chân và các tượng Phật khác, gương mặt tròn đôn hậu, mũi cao, mắt sâu, thân thể tráng kiện, tạo hình sinh động.
Vách hang động có vẽ hàng nghìn bức tranh về Phật, bên dưới có tượng mọi người cúng dường. Hoa văn trang trí kim ngân ở cả hai bên.
Hang có tháp trụ trung tâm là bắt nguồn từ “hang Chi Đề” của Ấn Độ, Chi Đề tức là tháp, vốn là nơi lưu lại xá lợi Phật. Phật giáo thời kỳ ban sơ không có tượng Phật, tháp Phật chính là vật tượng trưng cho Phật để mọi người lễ bái. Truyền thống của Phật giáo Ấn Độ là xây dựng tháp trong hang động, để các tín chúng có thể lễ bái dọc theo bên cạnh tháp. Hang Chi Đề theo sự truyền nhập của Phật giáo vào đất Hán đã bị bản địa hóa trở thành hang có tháp trụ.
Loại hang động kiểu mới này manh nha từ thời Bắc Lương, là nét đặc sắc nhất của kiểu thức hang động ở Lương Châu, mà ba hang đá có cùng niên đại nói trên ở hang Mạc Cao, Đôn Hoàng lại không phải là điển hình của kiểu thức Lương Châu. Ngược lại, vào thời Bắc Ngụy đầu thời Bắc triều, hang có tháp trụ trung tâm mới trở thành phong cách chủ đạo. Điều thú vị là, truyền thừa của hai loại này không phải từ Lương Châu trực tiếp truyền đến phía tây là Đôn Hoàng, mà xoay xung quanh Trung Nguyên rồi trở lại Đôn Hoàng.
Sau khi nhà Bắc Ngụy diệt vương triều Bắc Lương, Thái Vũ Đế vào năm Thái Diên thứ 5 (năm 439) đã cho di dời ba vạn hộ gồm tông tộc và người dân từ Lương Châu đến thủ đô Bình Thành. Trong số những người Lương Châu di cư có những tăng nhân lỗi lạc như Đàm Diệu và những người thợ có kĩ nghệ đục hang. Vào năm Hòa Bình thứ nhất (năm 460), Văn Thành Đế đã ban chỉ, lệnh cho tăng nhân Đàm Diệu chủ trì việc đục hang Vân Cương. Đàm Diệu đã mang theo một nhóm thợ giỏi đến Lương Châu, đưa phong cách Lương Châu đến vùng đất Trung Nguyên.
Vào năm Thái Hòa thứ 17 (năm 493), Hiếu Văn Đế dời đô từ Bình Thành đến Lạc Dương, thúc đẩy việc cải cách Hán hóa, xúc tiến việc dung hợp dân tộc và giao lưu văn hóa hai phương nam, bắc. Đến năm sau, ông tiếp tục hạ lệnh đục hang Long Môn. Do đó, hang đá thời Bắc Ngụy dựa trên cơ sở phong cách Lương Châu đã tiếp tục dung hợp với văn hóa Trung Nguyên, sự va chạm giữa các văn hóa khác nhau vào thời kì này đã tạo nên những kỳ tích tráng lệ.
Bắt đầu từ năm Nguyên Quang thứ 5 (năm 524), Hoàng đế Bắc Ngụy đã bắt đầu phái người trong tông thất đi thống lĩnh các châu địa phương để tăng cường sự thống trị. Đôn Hoàng cũng vì lệ thuộc vào Lương Châu mà trở thành thủ phủ của Qua Châu vào lúc ấy. Đông Dương Vương Nguyên Vinh chính là thành viên Hoàng thất đầu tiên đến Đôn Hoàng với thân phận Thích sử Qua Châu. Lúc ông ấy đi, ngoài gia quyến, người hầu, còn mang theo một nhóm người có tay nghề giỏi như thợ nặn, thợ vẽ, thợ nề với những kĩ thuật tạc tượng mở hang tinh thâm và lòng nhiệt huyết của thời Bắc triều để đến Đôn Hoàng.
Nguyên Vinh cũng giống như phần lớn thành viên Hoàng thất của Bắc Ngụy, ông cũng là một học trò kiền thành với Phật giáo, sau khi đến Đôn Hoàng đã đại hưng Phật sự: một là biên soạn lượng lớn kinh Phật, không chỉ tự mình sao chép kinh mà còn bỏ tiền mời người sao chép, làm thành mấy trăm bộ kinh; hai là chủ trì, tham gia vào việc đục mở hang Mạc Cao. Nguyên Vinh với thân phận tôn quý là thành viên Hoàng thất và là viên quan lớn ở địa phương, đã thống trị Đôn Hoàng 17 năm. Trải qua hai triều Bắc Ngụy và Tây Ngụy, ông đã tận lực thúc đẩy sự phồn vinh của Phật giáo ở Đôn Hoàng, còn khởi lên cao trào xây dựng hang đá ở đây. Từ thời Bắc Ngụy đến Bắc Chu, trong gần 40 hang động hiện còn ở Đôn Hoàng, có đến mười mấy cái có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với Nguyên Vinh.
Đây phảng phất như một lần hồi sinh của nghệ thuật hang động, nó từ Ấn Độ, Tây Vực tiến nhập vào hành lang Hà Tây, sau khi bén rễ ở đó, đã truyền nhập sang phía đông như Bình Thành, Lạc Dương, sau đó phát triển lên đỉnh cao rồi quay về điểm khởi đầu ở phía tây. Nó mang phong cách khác lạ của Ấn Độ hoặc Tây Vực mà đến Trung Nguyên, hấp thu dần chất dinh dưỡng của văn hóa Hán, sau đó cải biến diện mạo. Hang đá vào thời các vương triều phía Bắc vừa vặn đã phản ánh nét bản địa hóa và quá trình dung hợp liên tục nhiều loại văn minh của nghệ thuật hang đá phương tây.
Thưởng ngoạn hang động
Vào Thời kì này, Trung Quốc cổ đại nằm ở trạng thái đối lập giữa hai phương nam-bắc trong thời gian khá dài, hình thành nên những nét đặc sắc văn hóa khác biệt, đặc điểm Phật giáo ở hai phương cũng không giống nhau. Phật giáo phương nam trọng nghĩa lý, nhận được sự tôn sùng của văn nhân và sĩ đại phu, lấy sự thanh đạm làm chủ; Phật giáo phương bắc thể hiện tín ngưỡng toàn dân, trên từ bậc đế vương, dưới đến bách tính, lại trọng thị sự tu trì và sùng bái, vì thế nên nói rằng “nam nghĩa bắc thiền”.
Hành lang Hà Tây lấy Đôn Hoàng làm đại biểu, một thời là trung tâm Phật giáo của phương bắc, thịnh hành phong cách khổ hạnh tu thiền. Tăng lữ, quý tộc và người dân Đôn Hoàng vô cùng coi trọng việc dựng tượng trong hang đá, hình thế hang và nội dung tượng thờ cũng có quan hệ đến thiền tu. Trong văn hóa tín ngưỡng Phật giáo, tu thiền trước hết cần quán tượng. Quán tượng cũng như trông thấy Phật, vì thế mà hang thiền, hang có tháp trụ trung tâm liên tục được dựng ở đây. Trong đó, hang có tháp trụ trung tâm là phong cách kiến trúc phổ biến nhất thời Bắc triều, ước đoán chiếm khoảng hơn một nửa.
Nói đến chủ đề của các bức tượng, chủ thể là các bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật Di Lặc, Phật tam thế, chư Phật thập phương, chủ yếu thể hiện hình tượng thiền định, khổ tu, tư duy của Đức Phật. Ngoài ra, thời kỳ đầu còn chú trọng tuyên dương sự tích về Thích Ca Mâu Ni, trong bích họa cũng có tương đối nhiều nội dung thích hợp với thiền tu, quán tượng như cuộc đời Đức Phật, Phật truyền pháp, các câu chuyện nhân duyên, thuyết pháp đồ v.v..
Trong ngoài phối hợp: Kết cấu kinh điển của hang số 254 trong hang Mạc Cao
Đẩy cửa hang số 254 trong hang Mạc Cao, từ đường thông chầm chậm tiến vào trong, là chúng ta đã tiến vào hang có tháp trụ trung tâm sớm nhất thời Bắc triều. Thứ nổi bật nhất ở đây chính là tháp trụ trung tâm hình vuông, trong “khám Viên Khuyến” (khám thờ Phật) là một bức tượng Thích Ca Mâu Ni ngồi bắt chéo chân, trang nghiêm, tường hòa, ngồi trên vách phía đông của trụ tháp. Vào buổi sáng sớm, tia nắng đầu tiên chiếu vào từ cửa sổ đang mở trên cánh cửa tường phía đông của hang động vừa hay sẽ phản chiếu lên tượng Phật, khiến bức tượng lấp lánh kim quang , rực rỡ vô cùng.
Để kết hợp một cách hòa điệu với gian phòng hình vuông, Đôn Hoàng đã biến tháp Chi Đề hình trụ tròn vốn có nguồn gốc từ Ấn Độ thành trụ hình vuông; từ chỗ không có tượng thờ đã thay đổi thành có tượng thờ ở bốn mặt tháp, còn trang trí những bức tượng Phật đà bằng những món đồ tinh tế. Vị trí trụ tháp không nằm ở giữa gian phòng mà hơi thụt về sau, tức là lệch về phía tây, hình thành không gian khá lớn ở phía đông để tăng đồ và tín chúng tụ tập lễ bái. Các không gian khác ở trong phòng là để tín đồ đi vòng quanh chiêm ngưỡng tượng thờ và cảm nhận sức mạnh của Phật Pháp.
Ba mặt khác của trụ tháp cũng đều đặt tượng Phật Thích Ca Mâu Ni trong tư thế thiền định, hai vách ở phía nam và bắc dùng hình thức hội họa để thể hiện các vị Phật đang hàng phục ma hoặc tu luyện khổ hạnh. Hang động này chủ yếu thuật lại câu chuyện tu luyện của Thích Ca Mâu Ni, ông đã rời bỏ cuộc sống vương giả xa hoa, dốc chí tu hành, trải qua muôn vàn khó nạn để cuối cùng ngộ đạo thành Phật, và truyền rộng Phật pháp.
Điều đáng chú ý là, đỉnh của tiền thất được tạo hình mái dốc kiểu chữ “nhân” (phía sau vẫn là đỉnh bằng). Trên mái dốc trang trí một vì kèo, chia thành rất nhiều dải dọc, trên đó vẽ rất nhiều bức tượng Bồ Tát xếp đặt chỉnh tề, tay mỗi vị Bồ Tát cầm một cành hoa tiên rất uyển diệu. Đỉnh hang dốc hình chữ “nhân” là tạo hình mô phỏng kiến trúc gỗ trên đất Hán, phản ánh thẩm mỹ Trung Nguyên đã đi sâu vào lòng người ở xứ Đôn Hoàng.
Trên vách động còn vẽ cảnh chơi nhạc trên thiên cung, tranh thuyết Pháp, Phật áo trắng.v.v., bao phủ toàn bộ vách tường, nội dung phong phú, phức tạp, tựa như muốn dung nạp cả một vũ trụ, khiến con người cảm nhận được sự bao la hùng vĩ. Những bức tượng Thần, Phật này vẫn còn dùng phương pháp tán màu của Tây Vực để cho người ta cảm giác lập thể. Theo thời gian màu sắc mờ dần, những chỗ ban đầu tô màu quá độ đã biến thành các vòng tròn đen thô tháo, khiến bề mặt tượng có sự tương phản rõ nét giữa đen và trắng, với những hiện tượng kỳ lạ như “vòng mắt đen” và “mặt chữ tiểu” .
Tào y xuất thủy: Bức tượng chính ở hang số 257 trong hang Mạc Cao
Hang số 257 trong hang Mạc Cao được dựng vào thời Bắc Ngụy, là hang động nổi tiếng từ lâu ở Đôn Hoàng, bức tượng chính ở đây biểu hiện ra kĩ pháp “xuất thủy thức” điển hình, còn có một bức tranh lớn trên vách đá tên là “Lộc Vương bổn sinh”, cũng là câu chuyện thần thoại về hươu chín sắc mà mọi người đều biết rõ.
Bức tượng chính trong hang động này là tượng Phật theo dạng thức ngồi ngả lưng , đặc sắc nhất là thủ pháp thể hiện nếp gấp của áo cà sa, họ đã dùng phương thức dính các lớp đất bùn để chế tác, giống như các lớp hoa văn gợn sóng, khiến toàn bộ áo cà sa ôm chặt lấy thân Phật, vô cùng nổi bật tựa như Phật mới bước ra từ trong nước. Phong cách đắp tượng như vậy đã thịnh hành vào thời Bắc Lương, do tiếp nhận ảnh hưởng từ nghệ thuật Phật giáo của Tây Vực.
Vào thời Bắc Tề, có một nhà hội họa tài giỏi là Tào Trọng Đạt, ông vốn là người nước Tào ở Tây Vực, nổi danh với nghề vẽ và điêu khắc tượng Phật. Phong cách tranh của ông rất phổ biến vào thời nhà Đường, được xưng là “phong cách Tào gia”, và tỏa sáng cùng với “phong cách Ngô gia” của Ngô Đạo Tử. “Lịch đại danh họa ký” ghi chép: “Bút của họ Ngô khí thế uyển chuyển tròn trịa , mà áo quần bồng bềnh; Bút của họ Tào, hình thể trùng điệp, mà áo quần ôm sát. Cho nên người đời sau nói rằng: ‘Ngô đới đương phong, Tào y xuất thủy’ (Họ Ngô như mang theo gió mát, áo họ Tào như vừa mới từ trong nước ra)’”. Hình tượng sinh động này đã nói lên bút pháp tinh diệu của họ Tào khi thể hiện nếp gấp áo quần.
Bức tượng này cũng giống như phong cách của Tào gia, nhưng sớm hơn trên trăm năm. Mà Tào Trọng Đạt vốn đến từ Tây Vực, kỹ xảo vẽ tranh của ông trên thực tế có nguồn gốc từ bên ngoài. Ông đem phong cách này truyền bá rộng rãi, nhận được lời khen của các nhà phê bình tranh nhiều thời đại. Tác phẩm của Tào thị ngày nay đã không còn, mà phong cách tạo tượng “xuất thủy” trong hang Đôn Hoàng thời Bắc triều đã bảo lưu hoàn chỉnh đặc điểm của nó, để hậu nhân có thể liên tưởng được sự uyển chuyển nhiều màu sắc của “Tào y xuất thủy”.
Ngoài ra, hang động thời Bắc triều cũng cho thấy nhiều tượng vẽ Phật với phong cách “xuất thủy”, mà tượng Phật mặc áo trắng là nổi tiếng nhất trong vách động phía tây, hang số 431 ở Mạc Cao. Các đường cong tinh tế bài xếp trên khắp áo cà sa thể hiện sự nhẹ nhàng và vừa vặn của vải áo, càng làm tăng thêm hình thể tráng kiện, cao lớn của Đức Phật.
Số người cúng dường nhiều nhất: Thẩm mỹ học Trung Nguyên trong hang số 428 ở Mạc Cao
Hang này có hai “cái nhất” vào thời Bắc triều: Diện tích lớn nhất, gian chính rộng 138.8 mét vuông, và tượng người cúng dường nhiều nhất, dưới bốn vách đá có 1,198 tượng chân dung người cúng dường. Người cúng dường, tức là người tự nguyện đem tài sản để xây dựng hang, hình tượng của họ được vẽ trong hang động tùy theo chủ đề ghi chép. Đa phần là vương công, quý tộc, văn võ đại thần hoặc thế gia vọng tộc, chân dung các thành viên gia tộc, thậm chí là nô bộc hầu cận của họ cũng được vẽ lên tường, thể hiện lòng kiền thành lễ kính, ghi chép công đức để lưu danh cho hậu thế.
Hang số 428 được xây dựng vào thời Bắc Chu, thời kì thống trị của Thứ sử Đôn Hoàng Vu Nghĩa. Từ chủ đề ghi chép có thể thấy được rằng, những người cúng dường đến từ các nơi ở Hà Tây, họ đều nghe theo lời kêu gọi của Vu Nghĩa, lũ lượt xuất ra tiền của, dùng tư cách cá nhân mà tham gia vào công việc xây dựng hang động vĩ đại này. “Lý Quân Mạc Cao quật tu Phật khám bi” (Bia dựng khám thờ Phật trong hang Mạc Cao của Lý Quân) ở hang Mạc Cao ghi lại rằng: “Nhạc Tổn, Pháp Lương làm rạng danh tông tộc, Kiến Bình, mở rộng dấu tích khắp Đông Dương”, “Kiến Bình” ở đây là chỉ Kiến Bình Công Vu Nghĩa chủ trì việc lớn xây dựng hang số 428.
Nhìn pho tượng ở gian chính, tuy mang phong cách Tây Vực nhưng khuôn mặt thể hiện sự thanh tú, ngũ quan nhỏ nhắn, tập trung, thân hình thẳng và hơi gầy. Phong cách vẽ “tượng gầy xương thanh mảnh” của Trung Nguyên, là do sự dung hợp của văn hóa hai phương nam-bắc và những người thợ di cư từ phương Tây đến, đã khiến cho những vách đá trong hang động Đôn Hoàng bừng bừng sinh khí.
Tượng vẽ người cúng dường và phương pháp tạo tượng Thần, Phật có sự khác biệt rất lớn, không dùng lại phép tô màu của Tây Vực, mà trọng dùng phép vẽ của Trung Nguyên. Ai ai cũng có dáng dấp thân gầy cổ dài, phục trang lộng lẫy, mang vẻ vui sướng như bức tranh Lạc Thần Phú Đồ. Sau một nghìn năm, lúc tượng Phật ở phần trên của bức bích họa ấy xuất hiện sự thay đổi sắc màu, tượng vẽ người cúng dường vẫn còn sống động như thật.
Hang động thời Bắc triều, vô luận là cấu trúc trụ tháp trung tâm được bản địa hóa, hay là ý tưởng sáng tạo dốc hình chữ “nhân”, vô luận là phép tô màu của Tây Vực hay là nội hàm tượng mảnh mai, thon gầy, toàn bộ đều phản ánh phong cách giao hòa giữa Trung Nguyên và phương Tây, cũng là quá trình vi diệu khi Phật giáo truyền về phía đông, dung hợp với văn minh Trung Hoa mà đạt được nhiều thành tựu.
Chú thích:
[1] Chỉnh lý từ Di tích hang đá Lương Châu và “kiểu thức Lương Châu”, báo Khảo cổ học năm 1986 của Túc Bạch.
Trương Hiến Nghĩa biên tập
Thiên Lý biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ