Tìm hiểu về văn hóa Trung Hoa thông qua luyện tập võ thuật cổ truyền
Kiếm, giáo, và côn [gậy]. Những đấu thủ tham gia cuộc thi đã thể hiện những kỹ năng Kung Fu thông qua việc sử dụng nhiều loại binh khí và môn phái khác nhau trong một cuộc thi đấu võ thuật diễn ra ở thành phố New York.
Hơn 70 võ sĩ đến từ tận những nơi xa xôi như đất nước Đài Loan, đã tham gia cuộc thi đấu Võ Thuật Truyền Thống Trung Quốc lần thứ 7 của đài truyền hình Tân Đường Nhân (NTD), được tổ chức ở thành phố Middletown, tiểu bang New York hồi cuối tháng Tám vừa qua.
Anh Vương Quốc Long (Wang Guolong), biểu diễn kỹ năng sử dụng Đường Lang Song Thủ Kiếm trong cuộc thi, đã nói rằng anh hy vọng có thể nâng cao trình độ của mình bằng cách chia sẻ với các võ sĩ khác.
“Luyện tập kiếm thuật là một quá trình rèn luyện suốt đời”, người đạt huy chương đồng của giải nói.
Quan trọng hơn, trọng tâm duy nhất của cuộc thi – đức hạnh và truyền thống – đã thôi thúc anh tham gia lần này. Cuộc thi là một phần của chuỗi những sự kiện văn hóa và nghệ thuật quốc tế được tổ chức bởi Đài Truyền Hình Tân Đường Nhân, nhằm mục đích hồi sinh võ thuật truyền thống Trung Hoa và hồng dương các giá trị chân chính này cho thế giới.
Võ Đức
Khi đến với võ thuật vào năm 1983, anh Vương Quốc Long cho biết trọng tâm của anh trong những năm đầu tiên là học tập các kỹ thuật và phát triển các kỹ năng.
“Kết quả là khi cơ thể của mình ngày càng mạnh mẽ thì tôi ngày càng kiêu ngạo,” anh nói.
Sau đó, anh đã nhận được một cuộc gọi cảnh tỉnh từ sư phụ của mình.
“Luyện tập võ thuật, điều đầu tiên cần phải học chính là võ đức,” anh Vương hồi tưởng lại những lời dạy của sư phụ. “Chỉ rèn luyện kỹ thuật mà không thấu hiểu được những nội hàm văn hóa (ẩn phía sau các động tác), thì tất cả những nỗ lực đó đều chỉ là vô ích.”
Võ thuật là một bộ phận của nền văn hóa truyền thống 5,000 năm của đất nước Trung Hoa, vào lúc ban đầu có nguồn gốc từ Đạo giáo, là một môn thực hành tâm linh liên quan mật thiết đến việc rèn dưỡng và hoàn thiện bản thân.
Từ đó, trọng tâm của võ thuật chính là tinh thần thượng võ, được gọi là “wu de – [võ đức] trong tiếng Trung Quốc. Điều này đề cập đến khía cạnh tinh thần cốt lõi của võ thuật truyền thống, chỉ dùng võ để tự bảo vệ trước những sự bất công, chứ không phải để gây hấn.
Một đấu thủ người Trung Quốc nói rằng hiện tại anh thích mô tả bản thân mình như là một người luyện tập “võ đức”, thay vì là một võ sĩ.
“Bình hòa, một hình thái vĩ đại hơn của Sức mạnh”
Người đạt huy chương đồng của giải đấu, cô Megan Westerman chia sẻ rằng những động tác uyển chuyển của võ thuật cổ truyền Trung Quốc đem đến cho cô một tinh thần tập trung và một tâm trí thanh tĩnh.
“Võ thuật cũng giống như thiền định trong vận động, và bạn sẽ quên hết tất cả mọi thứ khác (trong suốt quá trình tập luyện)”, cô nói “Đôi khi chúng tôi sẽ mắc lỗi chỉ bởi vì có quá nhiều điều náo loạn ở trong nội tâm”.
Mặc dù chậm rãi, nhưng cô Waterman đã cảm nhận được những chiêu thức cổ xưa nhất tồn tại những nguồn năng lượng vĩ đại nhất trong suốt 15 năm luyện tập của cô.
“Điều làm nên sự khác biệt của võ thuật truyền thống chính là phía sau mỗi động tác đó đều có hàm nghĩa uyên thâm và đều chứa đựng nguồn năng lượng vô cùng mạnh mẽ”, cô nói sau khi hoàn thành xong phần biểu diễn.
Anh Chris Chappel, người đã tập luyện võ cổ truyền từ khi còn trẻ, nói rằng anh cũng cảm nhận được sức mạnh to lớn của sự thanh tĩnh.
“Tôi nghĩ rằng bài học to lớn nhất mà tôi đã lĩnh hội được, đặc biệt là từ võ thuật cổ truyền của Trung Hoa, bạn biết đấy, họ có một câu nói như thế này “sự mềm mại chiến thắng cả trái tim,” anh Chappell, người đạt giải Danh Dự chia sẻ với NTD.
“Tôi nghĩ rằng có rất nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta học được về giận dữ hoặc thịnh nộ. Bạn biết đấy, tất cả những thứ đó, là một dạng sức mạnh mà chúng ta có thể sử dụng để vượt qua những thời khắc khó khăn, tuy nhiên nó là một loại cảm xúc rất nguy hiểm bởi vì nó có thể làm tổn thương cả những người thân thiết nhất của bạn như người thân và bạn bè”, anh Chappell, cũng là người dẫn chương trình của kênh China Uncensored [Kênh Youtube Trung Quốc Không Kiểm Duyệt] nói: “Tuy nhiên đối với võ thuật cổ truyền Trung Hoa, bạn có thể học được rằng sức mạnh cũng có thể đến từ sự thanh tĩnh và bình hòa, và đó là một nguồn sức mạnh to lớn hơn và vĩ đại hơn.”
Trân Trọng
Hai mươi lăm võ sĩ đã đạt huy chương đồng và chín võ sĩ đã đạt huy chương bạc. Ban giám khảo đã không trao giải huy chương vàng trong năm nay.
“Thật không may là không có bất kỳ võ sĩ nào đủ điều kiện cho huy chương vàng năm nay,” ông Lý Hữu Phủ (Li Youfu), trưởng ban giám khảo của cuộc thi cho biết trong một buổi hội thảo sau lễ trao giải.
Hội đồng giám khảo đang tìm kiếm những môn võ thuật đích thực, được gọi là “wushu [võ thuật]” trong tiếng Trung Quốc. Tuy nhiên hiện tại, theo ông Lý thì võ thuật chân chính đã bị mất đi rất nhiều đặc tính nguyên bản sau nhiều thập niên bị đàn áp tư tưởng và bị thương mại hóa.
Trong giai đoạn diễn ra cuộc Cách Mạng Văn Hóa từ những năm 1960 đến 1970, những vị sư phụ của các môn võ thuật truyền thống đã bị bắt và bị làm ô danh bởi Đảng Cộng Sản Trung Quốc, điều này khiến cho các môn võ thuật này thời nay đã bị mất đi sự kết nối với nguồn gốc bản nguyên của nó.
Việc luyện tập ‘wushu’ ngày nay đã bị suy thoái rất nhiều bởi vì những lợi ích thương mại đã len lỏi vào trong đó, khuyến khích tập trung vào những chuyển động hào nhoáng bên ngoài mà bỏ qua những giá trị tinh tế huyền ảo cổ xưa.
“Người ta hoàn toàn đã đánh mất ý nghĩa thật sự của Kung Fu khi tập trung quá nhiều vào danh tiếng và hứng thú”, ông Lý Hữu Phủ nói với những võ sĩ tham gia cuộc thi.
Theo nhận định của vị sư phụ nổi tiếng đến từ Bắc Kinh này, các chiêu thức của Wushu hiện đại đã bị pha trộn với các đòn thế của các môn võ thuật khác nhau và đánh mất đi võ đức, là những thuộc tính căn bản nhất của một nền văn hóa thần truyền.
Hãy tìm đọc nhiều hơn nữa
Nghiên cứu của một võ sư Trung Quốc đương đại về tinh thần võ đức cổ đại
Giữ vững tiêu chuẩn chọn lọc nghiêm khắc nhất và để trống vị trí quán quân của cuộc thi, ông Lý Hữu Phủ nói, là mục đích cổ vũ cho những người luyện võ cải thiện bản thân và thấu hiểu được bản chất chân chính của võ thuật truyền thống Trung Hoa trong quá trình kiên trì luyện tập của họ sau này.
Tuy nhiên, những đấu thủ tham gia cuộc thi nói rằng thắng hay bại không phải là điều tối quan trọng so với những kinh nghiệm quý báu mà họ đã lĩnh hội được tại đây.
“Tình bằng hữu giữa các đấu thủ với nhau là rất quan trọng. Mặc dù chúng tôi đang thi đấu với nhau, nhưng lại thật sự hy vọng rằng tất cả đều sẽ là người chiến thắng”, anh Daniel Hernandez, người đạt được giải Danh Dự cho biết. “Đây là bộ phận quan trọng nhất của sự kiện này, và nó thật sự có ý nghĩa to lớn đối với cá nhân tôi.”
Anh Brandon Chin, lần đầu tham dự giải đấu, nói rằng anh rất yêu thích sự kiện này.
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times