Tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương có thể mang đến siêu lạm phát
Có nhiều lý do thường được sử dụng để giải thích lạm phát. Tuy nhiên trên thực tế, không có thứ gọi là “lạm phát do chi phí đẩy” hay “lạm phát hàng hóa.” Lạm phát không phải là sự gia tăng trong giá cả; mà là sự phá hủy sức mua của tiền tệ.
Lạm phát do chi phí đẩy nghĩa là có nhiều đơn vị tiền tệ hơn cho các tài sản thực tương đối khan hiếm. Điều tương tự cũng có thể nói về tất cả những thứ khác, từ hàng hóa đến nhu cầu và, thứ yêu thích của tôi, “sự gián đoạn chuỗi cung ứng”: Nhiều đơn vị tiền tệ hơn cho cùng một lượng loại hàng hóa và dịch vụ.
Lạm phát dữ dội mà chúng ta đã phải chịu đựng trong những năm qua trước hết là do lạm phát tài sản và sau đó là do giá tiêu dùng. Giờ đây, các chính phủ và các cơ quan thống kê đang điều chỉnh cách tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) để ngụy trang cho việc mất sức mua của đồng tiền, và các ngân hàng trung ương đã phải tăng lãi suất sau thảm họa tạo ra vào năm 2020, khi cung tiền tăng mạnh đã tài trợ cho chi tiêu cồng kềnh của chính phủ và tạo ra mớ hỗn độn mà ngày nay chúng ta đang sống bên trong.
Các ngân hàng trung ương biết lạm phát là một hiện tượng tiền tệ, và đó là lý do tại sao họ tăng lãi suất và thắt chặt nhanh hết mức có thể trong phạm vi mà chính phủ cho phép. Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương đã đánh mất một lượng đáng kể trong mức độ uy tín vốn đã thấp của mình khi ban đầu làm ngơ trước rủi ro lạm phát và sau đó sử dụng hiệu ứng cơ sở (tiếng Anh “base effect”, tức là khi tính lạm phát CPI bằng tỷ lệ giá tháng này so với tháng trước — tháng được chọn làm cơ sở tính toán — vốn đã có giá cao, thì người ta sẽ có cảm giác tỷ lệ lạm phát đã được giảm xuống, trong khi trên thực tế không phải như vậy) và viện dẫn lý do lạm phát là nhất thời chỉ để phản ứng muộn và chậm.
Điều này đã xảy ra trong một thế giới nơi sự dư thừa tăng trưởng cung tiền có một số điểm dừng và giới hạn để ngăn chặn sự gia tăng mạnh mẽ của giá tiêu dùng, thông qua việc phá hủy giá trị những đồng tiền được in một cách nhân tạo. Với việc nới lỏng định lượng, thì có một số giới hạn ngăn chặn các áp lực lạm phát: Vì cơ chế truyền dẫn của chính sách tiền tệ là kênh ngân hàng, nên chính nhu cầu tín dụng của chúng ta sẽ phá vỡ áp lực lạm phát.
Điều duy nhất cứu được người dân khỏi những mức giá cao hơn nhiều là thực tế rằng cơ chế truyền dẫn của chính sách tiền tệ là độc lập và đa dạng. Giờ hãy tưởng tượng trong giây lát nếu cơ chế truyền tải đó là trực tiếp và chỉ có một kênh duy nhất, là chính ngân hàng trung ương.
Một loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương sẽ được phát hành trực tiếp vào tài khoản của quý vị tại ngân hàng trung ương này. Như thế, đó chính là sự giám sát được ngụy trang dưới dạng tiền. Ngân hàng trung ương sẽ biết chính xác quý vị sử dụng tiền để làm gì, quý vị tiết kiệm, vay, và chi tiêu bao nhiêu và ở đâu. Việc này có thể khiến cho mỗi đơn vị tiền tệ trở nên bất phân định với nhau để tránh “vấn đề” lố bịch nhưng thường lặp đi lặp lại là “tiết kiệm quá mức.” Hơn nữa, với việc các ngân hàng trung ương ngày càng mang tính chính trị, thì họ thậm chí có thể trừng phạt những người chi tiêu theo cách mà họ cho là không phù hợp hoặc thưởng cho những người làm theo những gì mà họ khuyến nghị. Toàn bộ hệ thống quyền riêng tư và cơ chế giới hạn tiền tệ sẽ bị loại bỏ.
Tệ hơn nữa, khi các ngân hàng trung ương phạm sai lầm in quá nhiều tiền, như họ đã làm vào năm 2020, thì tác động trực tiếp đến giá tiêu dùng sẽ là rất lớn. Với mức tăng cung tiền vượt quá 20% trong một năm, chúng ta sẽ phải chịu mức lạm phát gần 20% vì các giới hạn đối với cơ chế truyền tải chính sách sẽ bị phá vỡ.
Bây giờ hãy tưởng tượng nếu chỉ có một tài khoản, một ngân hàng trung ương, và chính phủ. Hãy đoán xem điều gì sẽ xảy ra? Đáp án: Việc tài trợ hoàn toàn bằng chính sách tiền tệ cho tất cả các khoản chi tiêu của chính phủ sẽ đẩy tiền tệ đến tình trạng siêu lạm phát trong một vài năm và xóa sổ khu vực tư nhân. Một quá trình trên thực tế là quốc hữu hóa. Một phiên bản kỹ thuật số của các tín phiếu Assignat của Pháp. Siêu lạm phát cùng sự kiểm soát hoàn toàn của chính phủ và đàn áp tài chính.
tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương là một ý tưởng không cần thiết và tệ hại. Quý vị không thể bắt đầu một thử nghiệm tầm cỡ như vậy khi tính độc lập của các ngân hàng trung ương đã bị nghi ngờ trong nhiều năm và có nhiều bằng chứng về các hành động chính sách không màng tới nguy cơ lạm phát gia tăng đối với giá tài sản và hàng tiêu dùng. Các ngân hàng trung ương chưa bao giờ ngăn chặn được một bong bóng, các mức chấp nhận rủi ro cao, và nợ quá mức, cũng như không nhận ra được áp lực lạm phát. Với thành tích như vậy, không ai nên bảo vệ một biện pháp cho phép họ kiểm soát hoàn toàn cả hệ thống tài chính và tiền tệ.
Điều quan trọng nhất cần nhớ là các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương là không cần thiết. Những lợi ích của công nghệ, số hóa, và sự dễ dàng trong giao dịch đã có sẵn ở đây rồi. Không cần phải tạo ra một loại tiền tệ được phát hành trực tiếp vào một tài khoản tại ngân hàng trung ương. Các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương cũng là không cần thiết vì hoàn toàn không cần phải cạnh tranh với đồng nhân dân tệ điện toán. Trung Quốc đang tiến gần hơn tới chính sách tiền tệ lành mạnh và ngân hàng trung ương của Trung Quốc đang mua thêm vàng, chứ không phải ngược lại. Nếu quý vị muốn cạnh tranh với các loại tiền tệ hoặc mã kim khác thì chỉ có một cách: Hãy làm rõ rằng quý vị sẽ bảo vệ trạng thái dự trữ giá trị cho đồng tiền của mình. Đồng euro hoặc đồng USD không cần phải cạnh tranh với bitcoin hoặc đồng nhân dân tệ điện toán nếu Fed và Ngân hàng Trung ương Âu Châu (ECB) thực sự bảo vệ được tác dụng dự trữ giá trị và sức mua của đồng euro hoặc đồng USD.
Tuy nhiên, có vẻ như lý do duy nhất mà Fed hoặc ECB muốn có một loại tiền kỹ thuật số là vì họ muốn giữ thị phần của mình mà không bảo vệ sức mua và trạng thái dự trữ giá trị của đồng tiền của họ. Có vẻ như các ngân hàng trung ương muốn hành xử như một công ty độc quyền bán các sản phẩm kém chất lượng nhưng lại đòi duy trì vai trò nhà cung cấp chính bằng cách loại bỏ sự cạnh tranh. Fed và ECB không cần phải cạnh tranh với mã kim nếu họ cho thế giới thấy rằng họ sẽ bảo vệ sức mua của đồng USD và đồng euro.
Thực tế rằng các nhà lãnh đạo trong hệ thống tiền tệ sợ các loại tiền tệ và tài sản hiếm khi tạo ra sự khác biệt về mặt sử dụng trên toàn cầu hoặc thị phần cho thấy họ biết sản phẩm của họ — đồng tiền nội tệ — sẽ không giữ được niềm tin của người dân trong một thời gian dài với tỷ lệ thặng dư tiền tệ này.
Nếu ECB và Fed thực sự muốn có một loại tiền kỹ thuật số thì đó là vì họ biết rằng họ sẽ đánh mất niềm tin của người dân sớm hơn chúng ta nghĩ và họ cần áp đặt thị phần của mình, chứ không phải tự đạt được lượng thị phần đó.
Nếu như Fed hoặc ECB thực hiện chính sách tiền tệ lành mạnh và thực sự tuân theo nhiệm vụ ổn định giá cả của họ thì họ sẽ phá hủy bất kỳ loại tiền tệ cạnh tranh nào, dù là kỹ thuật số hay không, chỉ trong nháy mắt. Nếu họ không giành chiến thắng trong cuộc đua này, thì đó là bởi vì động cơ tối hậu là từ bỏ nhiệm vụ ổn định giá cả và dự trữ giá trị để tiếp tục phình to quy mô chính phủ với cái giá phải trả là tiền lương thực tế và tiền gửi của khu vực tư nhân.
Fed và ECB có muốn một đồng USD hoặc đồng euro điện toán toàn cầu được người dân chấp nhận và mong muốn không? Đơn giản thôi: hãy tuân thủ chính xác nhiệm vụ và giành được thị phần toàn cầu trong việc sử dụng tiền tệ vì người dân muốn loại tiền tệ đó, chứ không phải là do họ bị ép buộc phải dùng.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times