Vàng không phản ánh sự phá hủy tiền tệ, ít nhất thì chưa
Đối với các nhà đầu tư, quyết định tồi tệ nhất trong môi trường tiền tệ bị hủy hoại này là đầu tư vào trái phiếu chính phủ và giữ tiền mặt.
Nguồn cung tiền đã lại tăng trở lại, và lạm phát dai dẳng không phải là điều đáng ngạc nhiên. Lạm phát xảy ra khi lượng tiền tệ tăng lên đáng kể so với nhu cầu của khu vực tư nhân. Đối với các nhà đầu tư, quyết định tồi tệ nhất trong môi trường tiền tệ bị hủy hoại này là đầu tư vào trái phiếu chính phủ và giữ tiền mặt. Việc chính phủ phá hủy sức mua của đồng tiền là một chính sách, chứ không phải là ngẫu nhiên.
Độc giả hỏi tôi tại sao chính phủ lại quan tâm đến việc làm xói mòn sức mua của đồng tiền mà họ phát hành. Điều đó rất đơn giản.
Lạm phát tương đương với việc vỡ nợ ngầm. Đó là biểu hiện của sự thiếu khả năng thanh toán và sự tin cậy đối với tổ chức phát hành tiền tệ.
Các chính phủ biết rằng họ có thể che giấu sự mất cân đối tài khóa của họ thông qua việc giảm dần sức mua của đồng tiền, và với chính sách này, họ đạt được hai điều. Thứ nhất, lạm phát là sự chuyển giao tài sản một cách ẩn giấu từ những người tiết kiệm tiền gửi và tiền lương thực tế sang chính phủ; đó là một loại thuế trá hình. Ngoài ra, chính phủ tước đoạt của cải từ khu vực tư nhân, khiến bộ phận sản xuất của nền kinh tế phải gánh chịu tình trạng vỡ nợ của tổ chức phát hành tiền tệ bằng cách áp đặt việc sử dụng đồng tiền của họ theo luật cũng như buộc các đại lý kinh tế phải mua trái phiếu của họ thông qua quy định.
Toàn bộ quy định của hệ thống tài chính được xây dựng dựa trên tiền đề sai lầm rằng tài sản có rủi ro thấp nhất là trái phiếu chính phủ. Tiền đề này buộc các ngân hàng phải tích lũy tiền tệ—trái phiếu chính phủ—còn quy định thì khuyến khích sự can thiệp của nhà nước và lấn át khu vực tư nhân bằng cách ép buộc thông qua quy định từ không sử dụng đến sử dụng rất ít vốn để tài trợ cho các tổ chức chính phủ và khu vực công.
Một khi chúng ta hiểu rằng lạm phát là một chính sách và đó là sự vỡ nợ ngầm của tổ chức phát hành, chúng ta có thể hiểu tại sao danh mục đầu tư 60–40 truyền thống không hoạt động.
Tiền tệ là nợ, và trái phiếu chính phủ là tiền tệ. Khi các chính phủ đã cạn kiệt không gian tài khóa của họ, tác động lấn át của nhà nước đối với tín dụng sẽ thêm vào mức thuế đang tăng làm tê liệt tiềm năng của nền kinh tế sản xuất, khu vực tư nhân, tạo điều kiện cho các khoản nợ chính phủ không được tài trợ ngày càng gia tăng.
Các nhà kinh tế cảnh báo về nợ gia tăng, điều này đúng, nhưng đôi khi chúng ta bỏ qua tác động của các khoản nợ không được tài trợ lên sức mua của tiền tệ. Khoản nợ của Hoa Kỳ đang ở mức rất lớn là 34 ngàn tỷ USD và mức thâm hụt công đang ở mức không thể chấp nhận được là gần 2 ngàn tỷ USD mỗi năm, nhưng đó chỉ là một sự sụt giảm so với các khoản nợ không được tài trợ vốn sẽ làm tê liệt nền kinh tế và làm xói mòn đồng tiền trong tương lai.
Ước tính tổng chi phí An sinh Xã hội và Medicare không được tài trợ là 175.3 ngàn tỷ USD. Vâng, số tiền đó cao gấp 6.4 lần GDP của Hoa Kỳ. Nếu quý vị cho rằng số nợ đó sẽ được tài trợ bằng thuế “áp vào người giàu” thì quý vị hơi có vấn đề về toán học.
Tình hình ở Hoa Kỳ không phải là một ngoại lệ. Ở những quốc gia như Tây Ban Nha, nợ lương hưu công không được tài trợ vượt quá 500% GDP. Tại Liên minh Âu châu, theo Eurostat, mức trung bình là gần 200% GDP. Và đó mới chỉ là khoản nợ lương hưu không được tài trợ. Eurostat không phân tích các khoản nợ không được tài trợ của các chương trình phúc lợi.
Điều này có nghĩa là các chính phủ sẽ tiếp tục sử dụng câu chuyện sai lầm về “đánh thuế người giàu” để tăng thuế đối với giai tầng trung lưu và áp đặt loại thuế lũy thoái nhất trong các loại thuế, đó là lạm phát.
Không phải ngẫu nhiên mà các ngân hàng trung ương muốn khai triển tiền kỹ thuật số càng nhanh càng tốt. Tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành (CBDC) là sự giám sát được ngụy trang dưới dạng tiền và là một phương tiện để loại bỏ những hạn chế đối với các chính sách gây lạm phát theo các chương trình nới lỏng định lượng hiện tại. Các ngân hàng trung ương ngày càng thất vọng vì cơ chế truyền tải chính sách tiền tệ không hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của họ. Bằng cách loại bỏ kênh ngân hàng và do đó là loại bỏ tác dụng ngăn chặn lạm phát của nhu cầu tín dụng, các ngân hàng trung ương và chính phủ có thể cố gắng loại bỏ sự cạnh tranh của các hình thức tiền độc lập thông qua việc ép buộc và hạ giá đồng tiền theo ý muốn để duy trì và tăng quy mô của nhà nước trong nền kinh tế.
Việc so vàng với trái phiếu thể hiện vấn đề này một cách hoàn hảo. Vàng đã tăng 89% trong 5 năm qua, so với 85% của S&P 500 và mức đáng thất vọng 0.7% của chỉ số trái phiếu tổng hợp của Hoa Kỳ (tính đến ngày 17/05/2024, theo Bloomberg).
Các tài sản tài chính đang phản ánh bằng chứng về sự phá hủy tiền tệ. Chứng khoán và vàng tăng vọt; trái phiếu không tăng gì cả. Đó là hiện thân của việc các chính phủ sử dụng tiền pháp định để ngụy trang khả năng thanh toán tín dụng của tổ chức phát hành.
Xét đến tất cả những điều này, vàng không đắt chút nào. Vàng vô cùng rẻ. Các ngân hàng trung ương và các nhà hoạch định chính sách biết rằng sẽ chỉ có một cách để cân bằng tài khoản công với hàng ngàn tỷ USD nợ không được tài trợ: Hoàn trả các nghĩa vụ đó bằng một loại tiền tệ vô giá trị. Giữ tiền mặt là nguy hiểm; tích lũy trái phiếu chính phủ là liều lĩnh; nhưng bác bỏ vàng là phủ nhận thực tế của đồng tiền.
Các quan điểm và ý kiến được bày tỏ chỉ là của các tác giả. Những thông tin này chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin chung và không nên được hiểu hoặc diễn giải như một khuyến nghị hoặc một lời mời chào. The Epoch Times không cung cấp tư vấn về đầu tư, thuế, pháp lý, lập kế hoạch tài chính, lập kế hoạch địa ốc, hoặc bất kỳ lời khuyên tài chính cá nhân nào khác. The Epoch Times không chịu trách nhiệm về tính chính xác hoặc kịp thời của thông tin được cung cấp.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ the The Epoch Times