Các ngân hàng trung ương đã sai về việc cắt giảm lãi suất
Khi nói đến chính sách tiền tệ, người ta chưa hiểu được tầm quan trọng của việc lãi suất phản ánh thực tế về lạm phát và rủi ro.
Lãi suất là cái giá của rủi ro, và việc thao túng làm giảm lãi suất dẫn đến tình trạng bong bóng, thứ kết thúc trong khủng hoảng tài chính, trong khi việc áp đặt lãi suất quá cao có thể gây bất lợi cho nền kinh tế. Lý tưởng nhất là để lãi suất di chuyển tự do và không có ngân hàng trung ương nào can thiệp để điều chỉnh lãi suất. Một tín hiệu quan trọng về giá cả như lãi suất hoặc là khối lượng tiền sẽ ngăn chặn được việc tạo ra bong bóng, và trên hết, ngăn chặn được sự tích lũy rủi ro không cân xứng. Rủi ro ấn định lãi suất quá cao không tồn tại khi các ngân hàng trung ương áp dụng lãi suất tham chiếu, vì lãi suất tham chiếu sẽ luôn tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc vay nợ của chính phủ — tạo ra cung tiền nhân tạo — theo cách thuận tiện nhất — cái mà họ gọi là “không bóp méo” — và với chi phí rẻ.
Nhiều nhà phân tích cho rằng các ngân hàng trung ương không áp đặt lãi suất; họ chỉ phản ánh những gì thị trường yêu cầu. Đáng ngạc nhiên là, nếu đúng như vậy, thì chúng ta sẽ không có cảnh các nhà giao dịch tài chính dán mắt vào màn hình vào ngày thứ Năm để chờ giải mã xem quyết định lãi suất sẽ ra sao. Hơn nữa, nếu các ngân hàng trung ương chỉ đáp ứng theo nhu cầu của thị trường, thì đó là một lý do chính đáng để thả nổi lãi suất.
Người dân nhìn nhận rằng tăng lãi suất trong lúc có lạm phát cao là có hại; tuy nhiên, họ dường như không hiểu rằng điều thực sự có sức tàn phá là việc có các mức lãi suất danh nghĩa trong khi lãi suất thực đang âm. Lãi suất âm là yếu tố khuyến khích các tác nhân kinh tế chấp nhận nhiều rủi ro hơn mức chúng ta có thể chấp nhận và che giấu khoản nợ vượt mức bằng cảm giác an toàn giả dối. Đồng thời, thật ngạc nhiên khi người dân ca ngợi lãi suất thấp nhưng lại phàn nàn rằng giá nhà và giá các tài sản rủi ro tăng quá nhanh.
Lạm phát là một lợi thế rất lớn cho nhà phát hành tiền tệ. Họ đổ lỗi việc giá cả tăng lên cho tất cả mọi người, trừ yếu tố duy nhất khiến giá tổng hợp tăng lên, làm củng cố mức tăng đó, và tiếp tục tăng nữa, thậm chí ngay cả khi lãi suất đã ở mức vừa phải hơn: việc in nhiều tiền hơn nhu cầu của nền kinh tế tư nhân và thiết lập lãi suất thấp hơn nhiều so với mức rủi ro thực tế.
Lợi ích của chủ nghĩa nhà nước là họ đổ lỗi cho các ngân hàng về lãi suất cao, cũng như đổ lỗi cho các siêu thị về giá tiêu dùng.
Ai đã in tiền và che giấu rủi ro? Tất nhiên, chúng ta sẽ nhìn về phía Ngân hàng Trung ương Âu Châu (ECB) và Hệ thống Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed), những cơ quan quyết định việc tăng cung tiền thông qua các đợt mua lại và các mức lãi suất cố định. Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương không mua lại tài sản nhà nước, in tiền, hay áp đặt lãi suất thực âm bởi vì họ là những nhà giả kim độc ác. Họ làm như vậy bởi vì thâm hụt của nhà nước — sự tạo ra cung tiền một cách giả tạo — tiếp tục không bền vững, nợ công suy yếu, và khả năng thanh toán của nhà nước trở nên tồi tệ hơn do tài khoản công mất cân bằng. Ngân hàng trung ương không chịu trách nhiệm thực hiện chính sách tài khóa. Do đó, chính phủ mới chính là bên in tiền và chuyển sự mất cân bằng sang người dân thông qua lạm phát và thuế.
Trong một nền kinh tế mở, các ngân hàng không đột nhiên tạo ra tiền; họ cho các dự án thực tế vay với dự kiến sẽ được hoàn trả kèm theo lãi suất, và những khoản vay đó có tài sản bảo đảm. Nếu như các ngân hàng thương mại có bao giờ đột nhiên tạo ra được tiền, thì đã chẳng có ngân hàng nào bị phá sản. Họ chỉ tạo ra tiền một cách bất ngờ khi có quy định áp đặt các mức lãi suất không có kết nối với rủi ro, và loại bỏ nhu cầu về vốn để rồi duy trì chính phủ bằng cách tích lũy trái phiếu của chính phủ và các khoản cho chính phủ vay với cách nghĩ sai lầm rằng các trái phiếu và các khoản cho vay này là “tài sản không có rủi ro.” Vì vậy, tình thế bấp bênh dựng lên dưới hình thức rủi ro của khu vực công luôn tạo ra lạm phát, khủng hoảng tài chính, trì trệ kéo dài, và bẫy thanh khoản. Lượng cung tiền được tạo ra rót vào chi tiêu không hiệu quả, phá hủy sức mua của đồng tiền, làm nghèo túng người dân, đồng thời, làm mất vốn của các công ty, doanh nghiệp vừa và nhỏ mỏng manh nhất. Đó là điều mà người ta gọi là việc sử dụng tiền mang tính xã hội đấy. Quả đúng là như vậy.
Việc ECB công bố một đợt cắt giảm lãi suất tiềm năng vào tháng Sáu có nguy cơ là sớm và sai lầm. Thứ nhất, do cung tiền, và cầu cũng như cung tín dụng đang phục hồi nên lạm phát vẫn dai dẳng và cao hơn mục tiêu 2%. Hơn nữa, xu hướng căn bản là mức lạm phát cao hơn nhiều so với mục tiêu của ECB, ngay cả sau hai lần thay đổi cách tính Chỉ số Giá Tiêu dùng (CPI). Sau khi giá tiêu dùng tích lũy ở mức 20% kể từ năm 2019, việc tuyên bố chiến thắng lạm phát sau hai lần thay đổi cách tính CPI và khi lạm phát cơ bản vẫn tăng cao là điều dại dột. Nếu chúng ta thấy được giá hàng hóa không thể thay thế tăng lên, thì chúng ta có thể hiểu tại sao người dân lại tức giận. Mức CPI thực của hàng hóa không thể thay thế có thể là ở gần 4-5% mỗi năm.
Nhiều người tham gia thị trường báo hiệu việc tăng lãi suất của ECB là nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ của khu vực đồng euro, nhưng thật kỳ lạ, không có ai đề cập rằng khu vực đồng euro vốn dĩ đã đang trải qua tình trạng trì trệ lớn do lãi suất âm từ trước đó rồi. Ngoài ra, nếu quý vị cần có lãi suất thực âm để “tăng trưởng”, thì quý vị sẽ đang không tăng trưởng mà là đang tích lũy rủi ro độc hại. ECB biết rằng hiệu ứng cơ sở (base effect), vốn diễn biến có lợi cho lạm phát hàng năm vào năm 2023, sẽ không còn có tác dụng trợ giúp vào năm 2024 nữa. Các quan chức của ECB cũng biết rằng tổng cung tiền tệ đã giảm vài tháng trước đây nhưng đang phục hồi, và rằng nguồn cung tín dụng không bị sụt giảm. ECB, giống như Hệ thống Dự trữ Liên bang, biết rằng lạm phát là một hiện tượng tiền tệ và không có thứ lạm phát do chi phí đẩy, “lạm phát tham lam,” hay các lý do bào chữa tương tự về mặt thống kê. Không yếu tố nào trong số đó có thể khiến giá cả tổng hợp tăng vọt, củng cố, hoặc tiếp tục tăng; mà chỉ có sự phá hủy sức mua của đồng tiền mới gây ra lạm phát.
Tất nhiên, không có ngân hàng trung ương nào thừa nhận rằng lạm phát là lỗi của họ, trong số những nguyên nhân khác, bởi vì không có ngân hàng trung ương nào có ý muốn tăng cung tiền cho mục đích nào ngoài việc tài trợ cho thâm hụt công không bền vững. Tuy nhiên, không có ngân hàng trung ương nào sẽ dám thách thức một cấu trúc tài chính vốn dựa trên lầm tưởng rằng nợ công là không có rủi ro. Các ngân hàng trung ương đều biết rằng lạm phát là một hiện tượng tiền tệ, đó là lý do tại sao họ tấn công giá tiêu dùng tăng bằng cách tăng lãi suất và giảm cung tiền. Chỉ là họ làm điều đó một cách từ tốn vì các chính phủ được hưởng lợi từ lạm phát.
Vấn đề với việc hạ lãi suất ngay bây giờ — khi không có bằng chứng nào cho thấy lạm phát đã được kiểm soát và đã đạt được một mức mục tiêu mà vẫn làm xói mòn sức mua của đồng tiền 2% mỗi năm — là sa vào tuyên bố rằng tình trạng kinh tế xấu của khu vực đồng euro là do chính sách tiền tệ, trong khi thực ra là do chính sách tài khóa sai lầm, thảm họa của Quỹ Liên minh Âu Châu Thế hệ Tiếp theo, mà sự thất bại của quỹ này chỉ có thể so sánh với Kế hoạch Juncker bị lãng quên (một kế hoạch đầu tư tham vọng của châu Âu được tuyên bố năm 2014), một chính sách năng lượng, nông nghiệp, và công nghiệp thiển cận và mang tính hủy diệt, và một hệ thống thuế làm dịch chuyển sự đổi mới và công nghệ sang các quốc gia khác.
ECB nhận thức được rằng lãi suất là không cao, và rằng lượng cung tiền của hệ thống đã không giảm như kỳ vọng. Trên thực tế, họ tiếp tục mua lại trái phiếu đang lưu hành và sẽ không thực hiện giảm đáng kể bảng cân đối kế toán theo giá trị thực cho đến cuối năm. Giảm lãi suất bây giờ sẽ có nguy cơ làm mất giá đồng euro so với đồng USD, và do đó làm tăng giá hóa đơn nhập cảng của khu vực đồng euro theo giá trị thực, làm giảm các dòng tiền dự trữ vào khu vực đồng euro, và khuyến khích hơn nữa chi tiêu công và nợ chính phủ mà vốn chưa được kiềm chế ở các nước như Ý và Tây Ban Nha, những quốc gia tự hào về việc “tăng trưởng” nhờ tăng nợ rất lớn, và hơn nữa là những nơi lạm phát không được kiểm soát. Tất cả những điều này nhắc nhở chúng ta về những sai lầm trong quá khứ khi Hy Lạp tự hào là động lực tăng trưởng của Liên minh Âu Châu, còn nhiều người cho rằng Đức là “thành viên tồi” của Âu Châu. ECB không thể giả bộ là Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vì hai lý do: khu vực đồng euro không được hưởng sự xa xỉ của cấu trúc tiết kiệm tiền của xã hội Nhật Bản hoặc kỷ luật sắt đá của công dân nước này, và trên hết, vì sự thất bại của chủ nghĩa Keynes cực đoan của Nhật Bản đã đưa đồng yên về mức giá thấp nhất trong 35 năm so với đồng USD.
Đối với những người nói rằng đồng euro và ECB là vấn đề, thì tôi khuyên quý vị nên vận dụng trí tưởng tượng của mình về việc Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, hoặc Ý sẽ ra sao với đồng tiền của riêng họ và các chính phủ dân túy in ấn như thể Argentina là Thụy Sĩ vậy. Quý vị không cần phải tưởng tượng; quý vị có nhớ khi các quốc gia này có tỷ lệ lạm phát 14–15% và họ đã phá hủy tiền tiết kiệm và tiền lương thực tế bằng sự giả dối về việc phá giá “mang tính cạnh tranh” không? Sự việc không phải là cách đây lâu đâu.
Đừng để bị lừa. Khu vực đồng euro không yếu kém do chính sách tiền tệ. Khu vực đồng euro đã yếu kém ngay cả với sự tồn tại của chính sách tiền tệ.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times