Các quyết định của OPEC tiết lộ nền kinh tế yếu kém
Các kết luận từ cuộc họp OPEC mới đây cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang không mạnh mẽ như tin tức cho thấy và các ngành công nghiệp trên toàn thế giới đang gặp khó khăn.
Các kết luận từ cuộc họp OPEC mới đây cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang không mạnh mẽ như tin tức cho thấy và các ngành công nghiệp trên toàn thế giới đều đang gặp khó khăn trong quá trình phục hồi. Thật vậy, nhiều chỉ số quản lý mua hàng sản xuất tiếp tục cho thấy tình trạng thu hẹp.
Giá dầu đã giảm trong những tuần gần đây bất chấp cuộc chiến ở Gaza và rủi ro địa chính trị leo thang. Tại thời điểm soạn thảo bài viết này, dầu thô Brent đang giao dịch ở mức 81.62 USD/thùng và dầu thô ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) ở mức 76.99 USD. Mức giá này phản ánh mức tăng vỏn vẹn 7% từ đầu năm cho đến nay. Giá trung bình của các quốc gia OPEC trong số liệu mới nhất tháng 06/2024 là 83.08 USD.
OPEC+ đã đồng ý gia hạn đợt cắt giảm sản lượng lần này cho đến năm 2025 vì triển vọng nhu cầu vẫn chưa chắc chắn. Các thành viên của nhóm sản xuất dầu mỏ này nhận thấy rằng giá đồng đã tăng 72% trong năm năm qua, tăng 22% chỉ trong năm qua, và có thể lo ngại rằng nỗ lực thúc đẩy xe điện đang làm dịch chuyển nhu cầu sang lĩnh vực khác.
Giá dầu đã có diễn biến hợp lý trong năm năm qua, nhưng vẫn chưa đạt đến mức mà các nhà sản xuất cho là đủ để cân bằng ngân sách của họ. Nếu giá đồng có thể báo hiệu cho chúng ta biết điều gì, thì đó là nhu cầu của Trung Quốc và sự phát triển của xe điện là những lực đẩy mạnh hơn nhiều so với nhu cầu nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, đây có thể là một cách nhìn nhận sự việc chưa chuẩn xác.
Giá dầu Brent đã ổn định ở mức trên 80 USD/thùng, và giá của các quốc gia OPEC hiện đang cao hơn giới hạn mà các nhà phân tích cho là mức giá cần thiết để cân bằng ngân sách của các nhà sản xuất. Hơn nữa, chúng ta không thể quên rằng khái niệm về một mức giá cần thiết để cân bằng ngân sách chính phủ không có nghĩa lý gì. Tất cả các quốc gia sản xuất đều đang được hưởng lợi nhuận tuyệt vời ở mức giá này. Nếu ngân sách chính phủ của họ chứa đầy các khoản trợ cấp không cần thiết và các mặt hàng không liên quan gì đến sản xuất năng lượng, thì họ không thể kỳ vọng giá dầu sẽ trang trải được các khoản chi tiêu xã hội hoặc quốc phòng.
Nhu cầu có thể sẽ tiếp tục yếu nhưng đang tăng lên. Hơn nữa, có một điều rõ ràng: Dầu mỏ có thể sẽ tiếp tục là một phần quan trọng trong nhu cầu năng lượng cơ bản trên toàn cầu.
OPEC nên lo lắng về nguồn cung từ Hoa Kỳ và các quốc gia khác ngoài OPEC. Những dự đoán tiêu cực về sự sụp đổ trong sản xuất dầu mỏ do các nguồn dầu mang tính phi truyền thống đã thất bại. Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho thấy sản lượng trung bình hàng ngày vào năm 2024 là 13.11 triệu thùng mỗi ngày, một mức tăng sản lượng là 7.1% so với số liệu của năm 2023 và cao hơn 1.4% so với mức cao nhất trong lịch sử đạt được trước đó. Hoạt động sản xuất của Hoa Kỳ đã trở nên mạnh mẽ và hiệu quả hơn, hòa vốn ở mức 40 USD/thùng. Ngoài ra, các biện pháp của chính phủ nhằm đặt gánh nặng pháp lý lên ngành sản xuất năng lượng đã thất bại. Trình độ sản xuất của Hoa Kỳ là mạnh mẽ, bền vững, và quan trọng hơn là có thể thích ứng với các rủi ro về quy định.
Các thành viên OPEC dường như đang quá lo ngại về chính sách môi trường của các chính phủ phương Tây. Tuy nhiên, họ không nên lo lắng quá. Các chính phủ thành viên OPEC có thể không đồng ý với điều này, nhưng kế hoạch hóa tập trung chưa bao giờ mang lại hiệu quả. Tương tự như vậy, kế hoạch hóa tập trung cũng không làm cho giá dầu tăng lên đến mức mà một số người có thể mong muốn, chủ nghĩa can thiệp đang không có tác dụng hướng tới mục tiêu khử carbon vào năm 2030.
Tin tốt cho các thành viên OPEC là các chính phủ phương Tây đã quyết định thực hiện các chính sách can thiệp và phớt lờ sự cạnh tranh, công nghệ, và sự phá hủy mang tính sáng tạo. Như vậy, dầu mỏ có thể sẽ vẫn là một nguồn cung cấp năng lượng trọng yếu trong một khoảng thời gian dài tới. Quá trình chuyển đổi năng lượng của thế giới chỉ có thể xảy ra nếu chúng ta tìm được nguồn thay thế dồi dào cho dầu mỏ, với nguồn cung cấp ổn định, liên tục, và khả thi về mặt kinh tế. Quang năng, phong năng, và khí đốt tự nhiên là rất cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng mang tính cạnh tranh, nhưng sẽ không có khả năng mang đến thay đổi thực sự khi thế giới từ bỏ khí đốt tự nhiên và hạt nhân.
Chúng ta cần hiểu rằng quá trình chuyển đổi năng lượng không thể đến từ việc cấm các nguồn năng lượng hiệu quả. Sự chuyển đổi này chỉ có thể đến từ công nghệ và cạnh tranh — từ thị trường tự do. Chúng ta phải hiểu rằng dầu mỏ sẽ tiếp tục là nguồn sản xuất năng lượng chính và dầu mỏ hoàn toàn tương thích với sự tôn trọng môi trường nếu được sử dụng kèm theo công nghệ để cải thiện hiệu quả và tính bền vững. Việc bỏ qua các yêu cầu của khai thác năng lượng xanh cũng nguy hiểm như quên đi tiềm năng bền vững của việc sản xuất nhiên liệu hóa thạch. Thay vì sử dụng hệ tư tưởng để thúc đẩy chính sách năng lượng, chúng ta nên sử dụng công nghệ và thị trường mở.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times