Nhà kinh tế tại WEF: Tính năng ngày hết hạn và các hạn chế khác là những lợi thế của tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương
Theo một nhà kinh tế tại một sự kiện của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), tính năng về ngày hết hạn và các hạn chế đối với các loại giao dịch mua “kém hấp dẫn hơn” là một số lợi thế chính đằng sau các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC).
WEF đã tổ chức Hội nghị Các Nhà vô địch Mới lần thứ 14 thường niên tại Thiên Tân, Trung Quốc, còn được gọi là Summer Davos. Trong một trong những cuộc thảo luận kéo dài 30 phút hôm 28/06, giáo sư Eswar Prasad của Đại học Cornell đã giải thích rằng nền kinh tế toàn cầu “đang ở đỉnh điểm của quá trình tiền tệ vật chất về căn bản là biến mất” và các loại tiền CBDC có thể lập trình được và công nghệ đằng sau các hình thức tiền tệ mới này có thể đưa bối cảnh kinh tế quốc tế hướng tới một con đường đen tối hoặc một tương lai tốt hơn.
Ông Prasad cho rằng một trong những “lợi ích tiềm năng to lớn” đối với việc số hóa tiền tệ là khả năng lập trình các đơn vị tiền CBDC và gắn ngày hết hạn kèm theo. Chính phủ cũng có thể sử dụng tiền của ngân hàng trung ương để thiết kế xã hội.
“Quý vị có thể có … một thế giới tốt hơn – hoặc một số người có thể nói là một thế giới đen tối hơn – nơi chính phủ quyết định rằng các đơn vị tiền của ngân hàng trung ương có thể được sử dụng để mua một số thứ, mà không phải là những thứ khác mà chính phủ cho là kém hấp dẫn hơn, chẳng hạn như đạn dược, hoặc ma túy, hoặc nội dung khiêu dâm, hoặc những thứ tương tự như vậy,” ông nói. “Và tính năng đó rất hiệu quả về phương diện sử dụng CBDC, và tôi nghĩ cũng vô cùng nguy hiểm đối với các ngân hàng trung ương.”
Tác giả của “Gaining Currency” (Đạt được Tiền tệ) và “The Dollar Trap” (Bẫy USD) cho rằng CBDC sở hữu những đặc điểm độc đáo và có thể được sử dụng “như một đường dẫn cho các chính sách kinh tế theo cách rất có mục tiêu, hay rộng hơn là cho các chính sách xã hội.”
“Điều đó thực sự có thể ảnh hưởng đến tính liêm chính của tiền từ ngân hàng trung ương cũng như tính liêm chính và độc lập của các ngân hàng trung ương,” ông Prasad nói. “Vì vậy, có những khái niệm tuyệt vời về những thứ có thể được thực hiện bằng tiền kỹ thuật số, nhưng một lần nữa tôi e rằng công nghệ này có thể đưa chúng ta đến một nơi tốt hơn, nhưng cũng có khả năng đưa chúng ta đến một nơi khá tăm tối.”
Tính năng ngày hết hạn của CBDC
Việc tích hợp ngày hết hạn kèm theo CBDC đã được nhiều ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đưa ra thảo luận.
Ngân hàng Trung ương Canada (Bank of Canada, BoC) đã phát hành một bài báo hồi năm 2021 có tiêu đề “Best Before? Expiring Central Bank Digital Currency and Loss Recovery” (Sử dụng Tốt nhất Trước ngày? Tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương sắp Hết hạn và Phục hồi Tổn thất). Tổ chức này đã cân nhắc những ưu và nhược điểm của tính năng ngày hết hạn, khẳng định rằng ngày hết hạn sẽ “tự động phục hồi được tổn thất cá nhân.”
“Với tính năng được tạo ra này, tiền kỹ thuật số không thể được sử dụng sau ngày hết hạn của nó. Người tiêu dùng có tiền kỹ thuật số hết hạn sẽ tự động nhận lại tiền vào tài khoản trực tuyến của họ mà không cần phải nộp đơn yêu cầu,” Ngân hàng Trung ương Canada viết. “Chúng tôi cho thấy rằng việc cung cấp tùy chọn phục hồi tổn thất cá nhân có thể làm tăng đáng kể nhu cầu của người tiêu dùng đối với tiền mặt kỹ thuật số. Tuy nhiên, khoảng thời gian cho đến hết hạn đóng một vai trò quan trọng. Ngày hết hạn quá sớm sẽ gây bất tiện, nhưng ngày hết hạn quá xa trong tương lai sẽ làm chậm quá trình hoàn trả tiền kỹ thuật số bị mất.”
Trung Quốc đang thăm dò ngày hết hạn của đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, cho thấy rằng đồng tiền này sẽ không còn sử dụng được nếu không được chi tiêu trong một khung thời gian cụ thể.
Ngân hàng Thế giới đã nghiên cứu tác động của việc tiền sắp hết hạn và cho rằng đây có thể là một “công cụ chính sách tiền tệ tiềm năng” để kích thích tiêu dùng trong thời kỳ suy thoái hoặc đại dịch.
“Tiền hết hạn sẽ làm tăng cả vận tốc của tiền và cả hoạt động kinh tế nói chung, tương tự như việc áp dụng lãi suất âm đối với tiền kỹ thuật số,” tổ chức này viết. “Trên thực tế, một khoản phí gắn với tiền sẽ khuyến khích người dân chi tiêu và do đó ngăn chặn được việc tích trữ tiền.”
Thật vậy, những người ủng hộ CBDC nói rằng tiền kỹ thuật số có thể là một công cụ linh hoạt cho các lĩnh vực mục tiêu vi mô, khu vực, lãi suất, và nhân khẩu học kinh tế xã hội với các tác động trong thời gian thực.
Hoài nghi
Mặc dù có hơn 100 quốc gia ít nhất là đang trong giai đoạn nghiên cứu CBDC, nhưng ngày càng có nhiều thái độ hoài nghi xung quanh tiền kỹ thuật số do chính phủ kiểm soát.
Một cuộc Khảo sát Quốc gia về CBDC hồi tháng 05/2023 của Viện Cato cho thấy chỉ 16% người Mỹ ủng hộ việc áp dụng CBDC. Ngoài ra, 68% số người được hỏi nói rằng họ sẽ phản đối CBDC nếu chính phủ có thể giám sát hoạt động mua sắm của người tiêu dùng. Đa số thành viên Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa cho biết họ lo sợ chính phủ có thể kiểm soát việc công chúng chi tiền vào việc gì và có khả năng xóa sổ tiền mặt của người dân Mỹ.
“Mặc dù một số nhóm (thành viên Đảng Dân Chủ, người Mỹ gốc Phi Châu, người trẻ tuổi hơn) có nhiều khả năng ủng hộ CBDC hơn những nhóm khác, nhưng đa số vẫn phản đối việc áp dụng CBDC,” tổ chức tư vấn theo chủ nghĩa tự do này cho biết trong báo cáo của mình. “Tóm lại, rõ ràng là ý tưởng này không nhận được sự ủng hộ của đa số mà các quan chức chính phủ nên tìm kiếm trước khi áp dụng CBDC.”
Kể cả một số quan chức Cục Dự trữ Liên bang cũng bày tỏ nghi ngờ về tính cần thiết của CBDC.
Thống đốc Fed Michelle Bowman đồng thuận về “những rủi ro đáng kể” và nhấn mạnh những rủi ro so với lợi ích.
Trong một bài diễn thuyết tại một sự kiện của Đại học Georgetown hôm 18/04, bà Bowman nói: “Khi suy ngẫm về ý nghĩa của CBDC và quyền riêng tư, chúng ta cũng phải xem xét vai trò trung tâm của tiền trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta và nguy cơ CBDC không chỉ cung cấp một cơ hội tiếp cận, mà còn là một năng lực cản trở, đối với quyền tự do mà người Mỹ được hưởng trong việc lựa chọn cách sử dụng và đầu tư tiền và các nguồn lực.”
Hồi tháng Hai, các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã giới thiệu Đạo luật Chống Nhà nước Giám sát qua CBDC để cấm “các quan chức không được bầu chọn” ở Hoa Thịnh Đốn phát hành một loại tiền CBDC mà họ cho rằng có thể thiết lập một đồng USD kỹ thuật số “kiểu-độc đoán” và “kiểu-giám sát”. Kể từ khi được giới thiệu, dự luật này vẫn chưa được Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện chấp thuận.
Trong khi đó, ở những nơi đã thành lập CBDC, người dân không mấy mặn mà với chúng, vì nhiều người vẫn thích các ứng dụng thanh toán bằng tiền mặt hoặc di động hơn.
Năm ngoái (2022), chính phủ Nigeria đã phát hành đồng eNaira và chưa đến 0.5% công dân đã sử dụng CBDC. Các quan chức đã cố gắng tạo động lực cho một tỷ lệ sử dụng cao hơn, chẳng hạn như giảm giá nếu mọi người sử dụng CBDC để trả tiền taxi. Nhưng bất chấp việc khuyến khích, đồng tiền này vẫn không hoạt động.
Xu hướng này thậm chí còn thu hút sự chú ý của IMF, tổ chức cho rằng sự đón nhận từ phía công chúng đang “thấp một cách đáng thất vọng”.
Bắc Kinh đã và đang cố gắng tăng tỷ lệ đón nhận đồng nhân dân tệ kỹ thuật số. Một trong những chiến lược là khuyến khích chính quyền địa phương đưa CBDC vào cuộc sống hàng ngày, như giao thông công cộng hoặc trả lương cho công chức bằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số. Các chính quyền thành phố khác đang tiến xa hơn khi phát tiền miễn phí dưới dạng phiếu giảm giá tiêu dùng và trợ cấp.
Một số nền kinh tế lớn, bao gồm cả Nhật Bản và Nga, sẽ khai triển các dự án thí điểm của họ trong năm nay. Các quan chức sẽ xác định xem có nhu cầu về đồng yên hoặc đồng rúp ảo hay không, hay người tiêu dùng thích tình hình như hiện tại hơn.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times