Các ngân hàng Úc đã đóng cửa 400 chi nhánh và 700 máy ATM trong năm qua
Gần 60% tổng số máy ATM đã bị đóng cửa kể từ năm 2017
Người Úc đã mất hàng trăm chi nhánh ngân hàng và máy ATM trong năm qua, làm dấy lên lo ngại từ các nhà vận động rằng việc chuyển đổi sang một xã hội không tiền mặt cuối cùng sẽ gây bất lợi cho người tiêu dùng.
Số liệu thống kê mới từ Cơ quan Quản lý An toàn và Ổn định tài chính của Úc (APRA) cho thấy 424 chi nhánh ngân hàng truyền thống và 718 máy rút tiền tự động (ATM) đã đóng cửa.
Số liệu thống kê của APRA, công bố ngày 18/10, cho thấy sự sụt giảm về số lượng chi nhánh ngân hàng và máy ATM trong năm tài chính 2023 với mức giảm 10.6% số chi nhánh ngân hàng, và số lượng máy ATM cắt giảm 11.2%.
Trong số các chi nhánh ngân hàng bị mất, có 122 chi nhánh ở các khu vực hẻo lánh và ở các vùng.
APRA cho biết: “Diễn biến này tiếp tục một xu hướng từng có số lượng chi nhánh giảm 34% ở các khu vực hẻo lánh và ở các vùng, và mức giảm chung là 37%, kể từ cuối tháng 06/2017.”
APRA là cơ quan thu thập dữ liệu quốc gia về lĩnh vực tài chính và thu thập dữ liệu từ các ngân hàng, hiệp hội tín dụng, và hiệp hội xây dựng để xuất bản hàng năm.
Phát ngôn viên của chiến dịch Cash Welcome Jason Bryce cho biết không có động cơ khuyến khích các tổ chức tài chính lớn tham gia hệ thống tiền mặt.
Ông nói với đài 4BC: “Đây thực sự là một vấn đề hệ trọng mà các chính trị gia thực sự phải đối mặt bởi vì, ở cốt lõi của hệ thống phân phối tiền mặt, tổ chức tài chính lớn này không kiếm được tiền và không thực sự muốn trở thành một phần của hệ thống tiền mặt.”
Ông Bryce nêu lên mối lo ngại rằng người dân đang bị dồn ra khỏi tiền mặt và chuyển sang các hệ thống kỹ thuật số không dùng tiền mặt.
“Toàn bộ xã hội không dùng tiền mặt này không phải là thứ gì đó do người tiêu dùng dẫn dắt. Họ đang cố gắng dồn chúng ta ra khỏi thứ được xem là một phần cơ sở hạ tầng kinh tế thuộc sở hữu công cộng — đó là tiền mặt do Ngân hàng Dự trữ Úc phát hành — và chuyển sang sử dụng hệ thống thanh toán kỹ thuật số không dùng tiền mặt, vốn là những thứ đều phải tính lệ phí và thu thập thông tin của chúng ta.”
Ông Bryce đã thành lập Cash Welcome để ứng phó với lệnh phong tỏa do dịch bệnh COVID-19 năm 2020 khi siêu thị và ngân hàng ở khu vực của ông không dùng tiền mặt.
“Phản ứng thật đáng kinh ngạc, có rất nhiều lo ngại rằng liệu tiền mặt có sẵn khi chúng ta cần hay không. Tất cả chúng ta đều thích rút tiền hoặc sử dụng thẻ của mình, điều đó thật tiện lợi, nhưng mọi người đôi khi đều cần tiền mặt.”
Các con số thống kê khách quan tiết lộ các máy ATM, chi nhánh ngân hàng biến mất nhanh chóng
Số liệu thống kê của APRA cho thấy số chi nhánh và số máy ATM đã bị cắt giảm hàng năm.
Năm 2017, có 5,694 chi nhánh ngân hàng thực trên cả nước. Con số này giảm xuống còn 4,012 vào tháng 06/2022, và cuối cùng là còn 3,588 vào năm 2023 — giảm 37% trong sáu năm.
Các con số càng rõ ràng hơn khi số lượng máy ATM giảm 59% từ 13,814 vào tháng 06/2017 xuống còn 5,693 vào tháng 06/2023.
Sau khi công bố báo cáo của Lực lượng Đặc nhiệm Ngân hàng Khu vực về tác động của việc đóng cửa chi nhánh ngân hàng ở vùng hẻo lánh và các khu vực của Úc, APRA đã tiến hành một cuộc lấy ý kiến từ cộng đồng hôm 04/04/2023.
Bà Therese McCarthy Hockey, thành viên APRA cho biết vào thời điểm đó: “APRA nhận thức được tác động của việc đóng cửa chi nhánh ngân hàng đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp, đặc biệt là thuộc những cộng đồng ở khu vực hẻo lánh và ở các vùng.”
APRA sẽ khai triển vòng lấy ý kiến lần thứ hai vào năm 2024.
Một phong trào toàn cầu
Úc không phải là quốc gia duy nhất đóng cửa các chi nhánh ngân hàng.
Theo Daily Mail, tại Hoa Kỳ, Bank of America đã đóng cửa 21 chi nhánh chỉ trong tuần đầu tiên của tháng Mười.
Wells Fargo đã đóng cửa 15 chi nhánh, Ngân hàng Hoa Kỳ đã đóng cửa 9 chi nhánh, và Chase đóng cửa 3 chi nhánh.
Một cuộc thăm dò của ấn phẩm này cho thấy 51% người tiêu dùng lo ngại về việc đóng cửa các chi nhánh ngân hàng.
Trong khi đó, một chính trị gia Úc tuần này đã cảnh báo rằng một xã hội không tiền mặt có thể mở ra một sự thay đổi về lối sống của các gia đình trung lưu, những người cho rằng việc giảm sử dụng tiền mặt có thể đặt dấu chấm hết cho mặt hàng heo đất, việc bán đồ cũ trên xe hơi, và cổ tích nàng tiên răng.
Bà Tracey Roberts, Nghị sĩ Đảng Lao Động đại diện cho Pearce ở Tây Úc, bày tỏ lo ngại về “sự chuyển đổi nhanh chóng” sang một xã hội không tiền mặt.
Bà nói, “Hãy nghĩ về một xã hội không tiền mặt có nghĩa là gì — không còn những nàng tiên răng, không còn heo đất, không còn cảnh bán đồ cũ trên xe hơi, không còn chợ, không còn những đồng tiết kiệm cho những ngày khó khăn, không còn việc cho tặng cho người vô gia cư, và không còn tiền tip hoặc không còn nhạc công hát rong nữa.”
Bà Roberts nêu lên nhiều lo ngại về việc quay lưng với tiền mặt, như vấn đề bảo mật, chi phí, quyền riêng tư, và tác động đối với doanh nghiệp nhỏ. Cư dân trong khu vực bầu cử của bà đã bày tỏ lo ngại với bà về việc thiếu các chi nhánh và việc đóng cửa ATM.
Bà nói: “Các hệ thống thanh toán kỹ thuật số thường đi kèm với lệ phí giao dịch có thể tăng lên theo thời gian. Mặc dù điều này có thể được coi là một bất tiện nhỏ nhưng lại có thể ảnh hưởng bất tương xứng đến những cá nhân có thu nhập thấp, những người ít có khả năng chi trả nhất.”
Tuy nhiên, chính phủ Đảng Lao Động liên bang hiện đang hướng tới mục tiêu “hiện đại hóa” hệ thống thanh toán của Úc. Hồi tháng Sáu, Bộ trưởng Ngân khố Jim Chalmers đã đưa ra một kế hoạch chiến lược để đạt được mục tiêu này.
Kế hoạch này bao gồm việc loại bỏ dần chi phiếu vào năm 2030, và điều chỉnh “hệ thống thanh toán với các cải tổ khác” bao gồm cả ID kỹ thuật số quốc gia sắp ra mắt.
Một yếu tố quan trọng khác của kế hoạch này là đưa “Úc trở thành quốc gia dẫn đầu về thanh toán toàn cầu,” kể cả việc hợp tác với G20 và Thái Bình Dương để thí điểm “tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times