Hãng hàng không quốc gia New Zealand hạ mục tiêu giảm phát thải năm 2030
Air New Zealand cho biết tiến độ chương trình đổi mới phi cơ của hãng có thể bị trì hoãn, với nguồn cung cấp nhiên liệu bền vững dành cho phi cơ là thách thức lớn nhất.
Air New Zealand sẽ loại bỏ mục tiêu giảm phát thải năm 2030 của mình, đồng thời rút khỏi sáng kiến Mục tiêu Dựa trên Khoa học (SBTi) do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn. Đây là một sáng kiến nhằm thúc đẩy doanh nghiệp hành động về biến đổi khí hậu.
Mục tiêu giảm cường độ carbon xuống 28.9% vào năm 2030 (so với mức năm 2019) của hãng hàng không này hiện đã bị hủy bỏ do một số yếu tố, bao gồm sự tiếp cận phi cơ mới và nhiên liệu thay thế cho phi cơ.
Hãng hàng không cho biết trong một tuyên bố gửi tới thị trường rằng: “Nhiều đòn bẩy cần thiết để đạt được mục tiêu phát thải này, bao gồm sự sẵn có của phi cơ mới, khả năng chi trả và sự sẵn có của nhiên liệu thay thế cho phi cơ, cũng như sự trợ giúp về chính sách và quy định ở trong nước và trên toàn cầu, là nằm ngoài tầm kiểm soát trực tiếp của hãng và vẫn còn là một thách thức.”
Tổng giám đốc của Air New Zealand, ông Greg Foran cho biết trong những tháng mới đây, và đặc biệt là trong vài tuần mới đây, rõ ràng là sự chậm trễ tiềm ẩn trong kế hoạch đổi mới đội phi cơ của họ có thể gây rủi ro cho việc đạt được mục tiêu phát thải.
Ông cho biết: “Có khả năng hãng hàng không sẽ phải duy trì đội phi cơ hiện tại lâu hơn dự kiến do các vấn đề về sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu, vấn đề có thể làm chậm quá trình đưa các phi cơ mới hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn vào đội phi cơ.”
“Do đó, xét đến việc có quá nhiều đòn bẩy cần thiết nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi để đạt được mục tiêu, quyết định hủy bỏ mục tiêu năm 2030 và rút khỏi mạng lưới SBTi ngay lập tức đã được đưa ra.”
SBTi là một sáng kiến hợp tác với Hiệp ước Toàn cầu Liên Hiệp Quốc và các nhóm khác nhằm thúc đẩy doanh nghiệp cấp bách hành động về biến đổi khí hậu.
Air New Zealand sẽ khai triển mục tiêu mới
Air New Zealand hiện sẽ xây dựng mục tiêu phát thải carbon mới để phản ánh những thách thức kể trên trong ngành.
Chủ tịch hãng hàng không này, bà Therese Walsh, đã xác nhận công ty vẫn cam kết đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 ít nhất là vào năm 2050.
Bà Walsh cho biết: “Sự chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch của chúng tôi vẫn tiếp tục, cũng như việc chúng tôi vận động các chính sách và quy định ở trong nước và trên toàn cầu giúp tạo điều kiện cho Air New Zealand và hệ thống hàng không rộng lớn hơn ở New Zealand thực hiện vai trò trong việc giảm thiểu rủi ro về biến đổi khí hậu.”
Mục tiêu 28.9% của hãng hàng không này, được SBTi xác nhận, tương đương với mức giảm 16.3% tổng lượng khí thải trong giai đoạn từ năm 2019.
Air New Zealand cho biết vào thời điểm đó: “Các mục tiêu dựa trên khoa học do SBTi xác nhận cho thấy các công ty cần phải giảm lượng khí thải nhà kính (GHG) bao nhiêu và nhanh đến mức nào để ngăn ngừa những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.”
“Việc đặt ra mục tiêu dựa trên khoa học cho phép các doanh nghiệp đề ra mục tiêu giảm phát thải carbon mạnh mẽ và đáng tin cậy, được đánh giá một cách độc lập để bảo đảm mục tiêu này phù hợp với khoa học khí hậu mới nhất.”
Hãng hàng không này được niêm yết trên cả Sở Giao dịch Chứng khoán New Zealand (NZX) và Sở Giao dịch Chứng khoán Úc (ASX).
Trong nửa đầu năm tài chính 2024, Air New Zealand đã công bố lợi nhuận ròng sau thuế là 129 triệu USD, giảm 39% so với cùng thời kỳ năm trước.
Còn hãng hàng không quốc gia Úc thì sao?
Hãng hàng không quốc gia Úc, Qantas, đã cam kết năm 2030 sẽ giảm 25% lượng khí thải carbon so với mức của năm 2019.
Hãng hàng không này cũng đặt mục tiêu sử dụng 10% nhiên liệu là Nhiên liệu Hàng không Bền vững (SAF) vào năm 2030, và tăng mức này lên 60% vào năm 2050.
Qantas cho biết biến đổi khí hậu do con người gây ra là “vấn đề quan trọng đối với ngành hàng không” và đã cam kết thực hiện các mục tiêu theo Thỏa thuận Khí hậu Paris trong báo cáo thường niên mới nhất.
Qantas cho biết rủi ro về khí hậu bao gồm cả “rủi ro vật lý,” chẳng hạn như các sự kiện thời tiết khắc nghiệt, và rủi ro chuyển đổi, bao gồm việc phát triển nhiên liệu thay thế và những thay đổi về chính sách, luật pháp, và quy định của chính phủ.
Hôm 24/07, Qantas thông báo rằng họ đã tham gia một liên minh hàng không mới để giúp thúc đẩy sản xuất nhiên liệu sinh học hàng không toàn cầu. Qantas đã cam kết dành 50 triệu USD (76 triệu NZD) từ quỹ khí hậu trị giá 400 triệu USD của mình cho sáng kiến này.
Hãng hàng không Úc này cho biết SAF là một trong những công cụ hiệu quả nhất giúp các hãng hàng không cắt giảm khí thải.
Tổng giám đốc Qantas Group, bà Vanessa Hudson cho biết thêm: “Hàng không là một trong những ngành khó giảm phát thải carbon nhất và cần có sự hợp tác giữa các ngành như thế này để giúp thu hẹp khoảng cách giữa cung và cầu.”
Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh đến từ Úc là Virgin Airlines đang đặt mục tiêu cắt giảm 22% lượng khí thải vào năm 2030.
Bain Capital, công ty đầu tư của Mỹ, chủ sở hữu của Virgin Australia, cho biết chương trình đổi mới đội phi cơ của hãng hàng không này là yếu tố chính để đạt được mục tiêu này.
Ví dụ, theo tuyên bố của họ, 35 phi cơ Boeing 737 mới sẽ giúp giảm 15 đến 17% lượng khí thải trên mỗi ghế cho mỗi chuyến đi.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times