Trào lưu Net Zero tạo ra sự gia tăng 80% về tài trợ cho Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh
Các công ty Trung Quốc tham gia sản xuất xe điện và pin lithium đã đổ tiền vào các sản phẩm năng lượng tái tạo trên toàn thế giới.
Sự thúc đẩy toàn cầu hướng tới phát thải ròng bằng 0 (net zero) đã được chứng minh là mang lại lợi ích cho Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh, một chương trình đầu tư và cho vay toàn cầu nhắm vào các dự án lớn trên thế giới.
BRI đã phải chịu sự giám sát chặt chẽ trong những năm gần đây, đặc biệt là về các hoạt động cho vay (ngoại giao bẫy nợ) của các tổ chức có liên hệ với Bắc Kinh đối với các quốc gia đang phát triển.
Một báo cáo mới của Viện Griffith Á Châu và Đại học Phúc Đán đã phát hiện ra rằng các công ty Trung Quốc (cả nhà nước và tư nhân) đã rót 50 tỷ USD vào BRI năm ngoái – tăng 80% so với năm trước.
Sự thúc đẩy tài trợ lớn nhất đến từ quá trình chuyển đổi xanh, với khoản đầu tư liên quan đến “công nghệ” chiếm 8 tỷ USD trong BRI, bao gồm sản xuất xe điện và pin lithium.
Đầu tư vào công nghệ đã tăng đáng kể 1,046% trong khoảng thời gian từ 2022 đến 2023.
Báo cáo nhấn mạnh các khoản đầu tư lớn từ thương hiệu xe điện Trung Quốc Chiết Giang Hợp Chúng (Zhejiang Hezhong) vào sản xuất xe hơi ở Thái Lan, hoặc mối quan hệ hợp tác lớn giữa Công ty Cobalt Chiết Giang Hoa Hữu (Zhejiang Huayou Cobalt, một trong những nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới) và đại công ty LG của Nam Hàn.
Nhà sản xuất tuabin gió Goldwind cũng đang thực hiện một dự án mới ở Brazil, trị giá 36 triệu USD, dự kiến tạo ra 1,100 việc làm.
Bắc Kinh tận dụng chuỗi cung ứng năng lượng xanh
Liên quan đến đầu tư công nghệ, lĩnh vực “kim loại và khai thác mỏ” cũng chứng kiến sự gia tăng lớn về đầu tư vào khai thác và chế biến các khoáng sản quan trọng như lithium, nickel, cobalt, và than chì.
Báo cáo đã ghi nhận mức tăng vọt 158% trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến năm 2023, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển ở châu Phi, Nam Mỹ, và một số khu vực ở châu Á.
Ví dụ về hoạt động như vậy bao gồm nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới, CATL, mua cổ phần trong hoạt động khai thác mỏ của nhà sản xuất nickel lớn nhất Indonesia, PT Aneka Tambang Tbk.
Trong khi đó, công ty Jiangxi Ganfeng của Trung Quốc cũng đầu tư vào một mỏ lithium ở Mali, cũng như các dự án ở Zimbabwe, và Saudi Arabia.
Trên thực tế, năm công ty lớn nhất (phi xây dựng) đầu tư vào BRI nói chung đều tham gia vào năng lượng tái tạo. Các công ty này bao gồm CATL (15.2% tổng vốn đầu tư), Tập đoàn Khai thác Khoáng sản Tử Kim (Zijin Mining Group, 10.8%), Southern Power Grid (9.3%), China Molybdenum (5.4%), và Minmetals (5.1%).
Giáo sư Christoph Nedopil Wang, giám đốc Viện Griffith châu Á, cho biết: “Trong tương lai, dự kiến sẽ có sự tăng trưởng hơn nữa trong việc tham gia vào chương trình BRI của Trung Quốc, tập trung mạnh vào năng lượng tái tạo, khai thác mỏ, và các công nghệ liên quan.”
Bắc Kinh được ước tính kiểm soát khoảng 50% hoạt động chế biến các khoáng sản quan trọng của thế giới như lithium, nickel, cobalt, và than chì. Một tình huống mà các chính phủ dân chủ phương Tây đã mong muốn thay đổi, Úc và Hoa Kỳ đã đầu tư vào các cơ sở sản xuất riêng của họ.
Sự thúc đẩy hướng tới net zero ở các quốc gia phương Tây và nhu cầu khai triển nhanh chóng và rộng rãi các tấm pin quang năng, tuabin gió, và bộ lưu trữ pin, đã củng cố nhu cầu đáng kể về các khoáng chất trọng yếu và vật liệu đất hiếm cần thiết để sản xuất các mặt hàng này.
BRI đang phát triển ở những khu vực nào?
Châu Phi là khu vực nhận đầu tư BRI lớn nhất với 21.7 tỷ USD, vượt qua Trung Đông với mức cam kết 15.8 tỷ USD. Tuy nhiên, Trung Đông vẫn chứng kiến mức tăng trưởng đầu tư tăng 31% so với năm 2022.
Saudi Arabia chứng kiến hoạt động xây dựng trị giá 5.6 tỷ USD từ BRI trong năm 2023, tiếp theo là Sri Lanka (4.5 tỷ USD), Tanzania (3.1 tỷ USD), và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (2 tỷ USD).
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times