EU, Úc hành động nhằm bảo đảm chuỗi cung ứng khoáng sản trọng yếu cho tham vọng phát thải ròng bằng 0
Biên bản ghi nhớ giữa hai bên tập trung vào việc tích hợp các chuỗi giá trị nguyên liệu thô bền vững và hợp tác nghiên cứu và đổi mới dọc theo chuỗi giá trị nguyên liệu thô.
EU và Úc đã ký một biên bản ghi nhớ (MoU) để bảo đảm nguồn cung ứng khoáng sản trọng yếu bền vững trong tương lai, đưa ra các cam kết chung để xây dựng chuỗi cung ứng khoáng sản trọng yếu.
Với mục tiêu chính là liên kết các chuỗi cung ứng khoáng sản trọng yếu an toàn và bền vững giữa EU và Úc, song phương đều công nhận hành động này như một phương tiện để đẩy nhanh các mục tiêu chuyển đổi sang phát thải ròng bằng 0 của mình.
Phó Chủ tịch Điều hành kiêm Ủy viên Thương mại Valdis Dombrovskis cho biết: “Úc là một đối tác có cùng chí hướng và là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về nguồn nguyên liệu thô trọng yếu. Sự hợp tác này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực của chúng tôi nhằm bảo đảm nguồn cung cấp nguyên liệu thô quan trọng bền vững hơn cho EU, đồng thời thúc đẩy đầu tư vào Úc.”
Sáng kiến này tiếp tục tìm cách đa dạng hóa nguồn cung cấp của EU, trong khi việc thúc đẩy lĩnh vực khoáng sản trọng yếu tại địa phương của Úc làm tăng đầu tư vào việc xây dựng chuỗi giá trị khoáng sản chiến lược và trọng yếu có khả năng phục hồi và bền vững.
Cả hai bên sẽ hợp tác về các vấn đề môi trường, xã hội, và quản trị (ESG) để giúp tận dụng các cơ hội thị trường, thúc đẩy sản xuất những khoáng sản trọng yếu ổn định và bền vững, cũng như cải thiện sự liên kết chính sách.
Ngoài việc phát triển dự án dọc theo toàn bộ chuỗi giá trị liên kết EU và Úc, quan hệ đối tác này còn đòi hỏi sự hợp tác nhằm giảm tác động môi trường và mang lại lợi ích cho các cộng đồng địa phương. Việc hợp tác cũng bao gồm nghiên cứu và đổi mới cũng như củng cố các dịch vụ khai thác.
Bộ trưởng Thương mại và Du lịch Don Farrell cho biết: “Đầu tư từ các đối tác quốc tế của chúng tôi là rất trọng yếu để đạt được tiềm năng tối đa của Úc với tư cách là một siêu cường năng lượng tái tạo — và giúp tạo ra nhiều việc làm được trả lương cao và ổn định hơn cho người Úc.”
Ông Farrell và Bộ trưởng Tài nguyên Madeleine King nhắc lại cam kết của Úc trong việc trở thành siêu cường năng lượng sạch vào năm 2030 thông qua gói Future Made in Australia trị giá 22.7 tỷ USD của chính phủ ông Albanese.
Sau khi thiết lập biên bản ghi nhớ, Ủy ban Âu Châu đã thông báo rằng một lộ trình chi tiết các hành động hợp tác cụ thể sẽ được phát triển để thực hiện quan hệ đối tác chiến lược trong sáu tháng tới.
Ủy viên Thị trường Nội địa EU Thierry Breton cho biết, “Tôi tin tưởng việc ký kết hợp tác này sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ đến toàn bộ hệ sinh thái nguyên liệu thô ở EU và Úc. Việc ký kết này sẽ thúc đẩy sự hợp tác, các khoản đầu tư, và các cơ hội kinh doanh. Chúng tôi hướng tới sản xuất bền vững và có trách nhiệm hơn cũng như sự hội nhập công nghiệp thực sự của các chuỗi giá trị giữa EU và Úc, trợ giúp cho năng lực cạnh tranh.”
“Bây giờ chúng tôi cần tiến hành nhanh chóng và hợp tác với các chính phủ và khu vực tư nhân để khai thác toàn bộ tiềm năng đầu tư và kinh doanh.”
Thỏa thuận này được đưa ra trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng về sự thống trị nguồn cung của Trung Quốc đối với các khoáng sản trọng yếu. Ví dụ, EU nhập cảng 98% nguồn cung đất hiếm, 93% magie, và 97% nhu cầu lithium của khối từ Trung Quốc.
Vì vậy, thỏa thuận với Úc được xem là mang tính chiến lược. Quốc gia này đóng góp 52% sản lượng lithium toàn cầu, trong khi cũng sản xuất các khoáng sản cần thiết cho quá trình chuyển đổi sang phát thải ròng bằng 0, bao gồm cobalt, đồng, mangan, nickel, và đất hiếm.
Úc cũng có tiềm năng khai thác gallium và germanium, hai sản phẩm mà Trung Quốc sản xuất lần lượt là 80% và 60% sản lượng của thế giới.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times