Các chuyên gia: Thuế quan của Hoa Kỳ với thép Trung Quốc ít có khả năng ảnh hưởng đến xuất cảng quặng sắt của Úc
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đề nghị tăng mức thuế trung bình 7.5% hiện nay đối với thép lên 25%.
Các nhà phân tích đồng thuận rằng quặng sắt xuất cảng của Úc sẽ không bị ảnh hưởng bởi đề nghị của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden về việc tăng gấp ba lần mức thuế 7.5% đối với thép nhập cảng của Trung Quốc nhằm nỗ lực bảo vệ ngành này khỏi các hành vi không công bằng.
Một phát ngôn viên của công ty khai thác kim loại toàn cầu Fortescue nói với Epoch Times: “Chúng tôi không cho rằng mức thuế quan theo đề nghị của Hoa Kỳ đối với thép nhập cảng của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến xuất cảng quặng sắt của Úc.”
“Nhu cầu thép ở Trung Quốc đã ổn định nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ trong sản xuất, cơ sở hạ tầng, và đầu tư vào năng lượng tái tạo. Chúng tôi hy vọng xu hướng này sẽ tiếp tục trong thời gian tới.”
Phát ngôn viên này đã lưu ý thêm rằng mặc dù Trung Quốc xuất cảng khoảng 110 triệu tấn thép mỗi năm, nhưng rất ít trong số này sẽ vào được thị trường Hoa Kỳ.
Ông Lawrence Zhang, cố vấn chính về Thị trường Thép và Nguyên liệu Thô tại Wood Mackenzie, cũng có quan điểm tương tự.
Ông Zhang nói với Epoch Times: “Tác động của việc tăng thuế quan của Hoa Kỳ đối với thép Trung Quốc là rất nhỏ do khối lượng nhập cảng vốn đã nhỏ rồi của họ, chỉ 0.8 triệu tấn trong tổng số 91 triệu tấn xuất cảng.”
“Chúng tôi không nghĩ rằng việc tăng thuế quan sẽ có bất kỳ tác động đáng chú ý nào đến xuất cảng quặng sắt của Úc, vốn chủ yếu phụ thuộc vào tiêu dùng nội địa của Trung Quốc.”
Theo đề nghị của ông Biden, mức thuế trung bình 7.5% hiện nay đối với thép có thể tăng lên 25%, trong khi một mức thuế 10% khác đối với nhôm cũng sẽ được áp dụng.
Ông Biden nói trong chuyến thăm trụ sở Pittsburgh của Nghiệp đoàn Nhân viên Thép (United Steelworkers, USW) ngày 17/04, “Họ không cạnh tranh, họ đang gian lận.”
“Điểm mấu chốt là tôi muốn cạnh tranh công bằng với Trung Quốc, chứ không phải xung đột. Và chúng ta đang ở vị thế mạnh mẽ hơn để giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh kinh tế trong thế kỷ 21 với Trung Quốc, hoặc với bất kỳ nơi nào khác, bởi vì chúng ta đang đầu tư trở lại vào Hoa Kỳ và người lao động Hoa Kỳ.”
Dòng thép giá rẻ tràn vào từ Trung Quốc được cho là đã tác động đến thị trường đóng tàu toàn cầu và buộc các nhân viên Hoa Kỳ phải đối diện với sự cạnh tranh không lành mạnh do trợ cấp nặng nề và lượng khí thải carbon cao hơn liên quan đến thép và nhôm Trung Quốc.
Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen cũng đã đề ra những lo ngại tương tự sau chuyến thăm Trung Quốc hôm 04/04, nói rằng sản phẩm năng lượng sạch dư thừa của Trung Quốc sẽ tràn vào thị trường toàn cầu với giá thấp hơn, có thể gây ra sự cạnh tranh bóp nghẹt đối với ngành.
Đáp lại một thỉnh cầu của USW và bốn nghiệp đoàn khác cho rằng Trung Quốc có các chính sách hiếu chiến phi thị trường, chính phủ của ông Biden và bà Harris cũng hứa sẽ điều tra các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc trong lĩnh vực đóng tàu, hàng hải, và tiếp vận.
Theo các quan chức cấp cao của Hoa Kỳ, Trung Quốc chiếm khoảng một nửa sản lượng thép của thế giới, và thu được lợi nhuận đáng kể vượt quá nhu cầu thị trường thép trong nước, do giá bán chỉ bằng một nửa giá thép do Hoa Kỳ sản xuất.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm (Lin Jian) đã phản bác những tuyên bố này, nói rằng: “Ý kiến cho rằng tình trạng dư thừa công suất của Trung Quốc gây tổn hại cho thị trường toàn cầu là hoàn toàn sai lầm. Những người truyền bá câu chuyện đó để biện minh cho chủ nghĩa bảo hộ sẽ không thu được bất kỳ lợi ích nào từ đó, và sẽ chỉ gây bất ổn và phá vỡ chuỗi công nghiệp và cung ứng, cản trở quá trình chuyển đổi xanh của thế giới, và kiềm chế sự phát triển của các lĩnh vực mới nổi.”
Hồi tháng Hai, ông David Uren, thành viên cao cấp của Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI), cho biết ông dự đoán nguồn lợi kinh tế thông qua quặng sắt của Úc sẽ phải đối diện với những thách thức.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times