Hoa Kỳ: Ngoại trưởng Blinken sẽ thực hiện chuyến công du thứ hai tới Trung Quốc, cảnh báo về việc ĐCSTQ ủng hộ Nga
Ngoại trưởng Blinken đang tới Bắc Kinh trong chuyến thăm 3 ngày để giải quyết một loạt vấn đề gây tranh cãi, bao gồm cả việc Bắc Kinh giúp đỡ Nga.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken sẽ tới Trung Quốc trong tuần này trong chuyến thăm ba ngày để giải quyết một loạt vấn đề gây tranh cãi, bao gồm Đài Loan, nhân quyền, và viện trợ của Bắc Kinh cho Nga.
Chuyến đi thứ hai của ông Blinken tới Trung Quốc trên cương vị ngoại trưởng cũng là chuyến đi mới nhất trong chuỗi nỗ lực của Hoa Thịnh Đốn nhằm hợp tác với Bắc Kinh. Những nỗ lực này nhằm mục đích ổn định mối bang giao còn nhiều căng thẳng giữa hai quốc gia. Hoa Kỳ và Trung Quốc cộng sản đang xung đột về hầu hết mọi thứ, từ cuộc chiến của Nga ở Ukraine cho đến tương lai của TikTok.
Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao cho biết ông Blinken sẽ nêu lên mối lo ngại của Hoa Thịnh Đốn về một loạt “các vấn đề song phương, khu vực, và toàn cầu” trong chuyến thăm ba ngày của ông bắt đầu từ thứ Tư (24/04).
Trong chuyến thăm, bao gồm các điểm dừng ở Bắc Kinh và Thượng Hải, ông Blinken sẽ gặp các thành viên ban lãnh đạo cấp cao của chế độ, bao gồm cả người đồng cấp Trung Quốc, ông Vương Nghị.
Vẫn còn phải xem liệu ông có nói chuyện với ông Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo của chế độ cộng sản hay không. Ông Tập đã tiếp vị ngoại trưởng này đến thăm Bắc Kinh vào tháng Bảy năm ngoái, nhưng cuộc nói chuyện của họ không được xác nhận công khai cho đến ngay trước khi diễn ra.
Nga
Viện trợ của Trung Quốc cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga là ưu tiên hàng đầu trong nghị trình của ông Blinken. Quan chức cấp cao này cho biết: “Thông qua sự trợ giúp của Trung Quốc, Nga đã tái thiết phần lớn cơ sở công nghiệp quốc phòng của mình.”
Theo quan chức này, ông Blinken sẽ nêu bật “mối lo ngại sâu sắc” của Hoa Thịnh Đốn về vấn đề này và gây sức ép để phía Trung Quốc cắt giảm sự ủng hộ cho Nga.
“Chúng tôi sẵn sàng thực hiện các bước khi chúng tôi tin rằng cần thiết để chống lại các công ty đang thực hiện các bước đi ngược lại với lợi ích của chúng tôi và theo cách… làm suy yếu nghiêm trọng an ninh ở cả Ukraine và châu Âu.”
Thông điệp này theo sau một cảnh báo tương tự từ Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen, người đã đến Trung Quốc để tiến hành các cuộc đàm phán kinh tế trước đó trong tháng này. Bà Yellen nhấn mạnh với các quan chức Trung Quốc rằng bất kỳ công ty nào, kể cả các công ty ở Trung Quốc, sẽ phải đối mặt với “hậu quả nghiêm trọng” nếu họ giúp đỡ để ủng hộ Nga xâm lược Ukraine.
Bộ Thương mại đã đưa hơn 40 tổ chức Trung Quốc vào danh sách kiểm soát xuất cảng vì những tổ chức này bị cho là cung ứng cho ngành công nghiệp quân sự và quốc phòng của Nga.
Vào tháng 04/2023, một quan chức Ukraine nói với Reuters rằng các lực lượng Ukraine đang tìm thấy các thiết bị điện tử do Trung Quốc sản xuất trong vũ khí của Nga thu được trên chiến trường.
Đài Loan
Ngoại trưởng dự kiến sẽ qua chuyến đi của mình để bày tỏ lo ngại của Hoa Kỳ rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã trở nên hung hăng hơn đối với Đài Loan trong những năm gần đây, làm gia tăng căng thẳng trên Eo biển Đài Loan nhạy cảm.
Ông Blinken “sẽ nhấn mạnh, cả trong tư nhân lẫn công chúng, lợi ích lâu dài của Mỹ trong việc duy trì hòa bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan”, quan chức cấp cao cho biết. “Chúng tôi nghĩ rằng điều đó cực kỳ quan trọng đối với khu vực và thế giới.”
Các nhà quan sát bên ngoài lo ngại rằng căng thẳng trên khắp Eo biển Đài Loan có thể leo thang hơn nữa trước lễ nhậm chức của ông Lại Thanh Đức, tổng thống đắc cử của Đài Loan vào tháng tới.
Theo ông Wu Se-zhi (Ngô Sắt Trí), một nhà nghiên cứu tại Hiệp hội Chính sách Xuyên Eo biển, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Đài Loan, Bắc Kinh có thể tăng cường cưỡng ép kinh tế và quấy rối quân sự đối với Đài Bắc, điều động thêm phi cơ quân sự và chiến đấu cơ đến gần hòn đảo này trước lễ nhậm chức của ông Lại.
Ông Blinken có thể sẽ cảnh báo ĐCSTQ rằng “quý vị không được phép thực hiện các hành động chủ động chống lại Đài Loan,” ông Ngô nói với The Epoch Times.
ĐCSTQ, vốn chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để chiếm Đài Loan, đã bày tỏ sự tức giận trước bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Hoa Thịnh Đốn ủng hộ hòn đảo này. Tại cuộc họp báo hôm thứ Ba (23/04), một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại cảnh báo rằng “vấn đề Đài Loan” là “ranh giới đỏ không thể vượt qua trong bang giao Trung Quốc-Hoa Kỳ.”
Ông Ngô đã bác bỏ lời cảnh báo của ĐCSTQ. Ông Ngô cho rằng Trung Quốc không thể chịu được các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ hoặc các áp lực kinh tế khác, và lưu ý rằng chính quyền Trung Quốc đang cố gắng thu hút các nhà đầu tư ngoại quốc trong bối cảnh nền kinh tế đang giảm tốc.
Không có đột phá như mong đợi
Các cuộc đàm phán sắp tới của nhà ngoại giao hàng đầu Hoa Kỳ tại Trung Quốc cũng sẽ đề cập đến các vấn đề gây chia rẽ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, chẳng hạn như các hoạt động thương mại không công bằng của Bắc Kinh và tình trạng dư thừa công suất công nghiệp. Dư thừa công suất đã nổi lên như một vấn đề mới, gây bất hòa với các đối tác thương mại của Trung Quốc trong những tháng gần đây.
Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đang điều tra các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc trong các ngành hàng hải, tiếp vận, và đóng tàu. Khi vận động tranh cử ở Pennsylvania, Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi tăng gấp ba mức thuế quan đối với thép và nhôm từ Trung Quốc.
Tại Quốc hội, các nhà lập pháp đang thúc đẩy TikTok thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance có trụ sở tại Trung Quốc vì lo ngại an ninh quốc gia. Tuần trước, Hạ viện đã thông qua luật cấm ứng dụng truyền thông xã hội phổ biến này hoạt động ở Hoa Kỳ trừ phi ByteDance bán cổ phần trong vòng một năm.
Chỉ một ngày trước chuyến công du của ông Blinken, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra một báo cáo nêu bật cuộc đàn áp xuyên quốc gia của chế độ Trung Quốc nhằm bịt miệng các mục tiêu của họ trên đất Mỹ cũng như các nơi khác.
Quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao cho rằng chuyến đi của ông Blinken khó có thể mang lại những đột phá lớn ngoài các cuộc trao đổi cởi mở.
“Tôi muốn nói rõ rằng chúng tôi thực tế và có tầm nhìn rõ ràng về triển vọng đột phá trong bất kỳ vấn đề nào trong số này, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng ngoại giao để truyền đạt quan điểm và chính sách của mình, xóa bỏ những hiểu lầm, và nhấn mạnh rằng chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các hành động để bảo vệ an ninh và kinh tế quốc gia của chúng ta,” quan chức này cho biết.
Bản tin có sự đóng góp của Frank Fang và Lạc Á
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times