Tiền chỉ đơn giản là đang không lưu thông ở Trung Quốc
Hoạt động cho vay và đi vay ở Trung Quốc phản ánh các vấn đề kinh tế căn bản của nước này và vẫn đang trên đà đi xuống.
Có một rủi ro tiềm ẩn khác đang báo hiệu rắc rối trong nền kinh tế Trung Quốc, đó là hoạt động cho vay và đi vay tiếp tục giảm. Xu hướng liên tục đó cho thấy những căn bệnh sâu sắc về kinh tế và tài chính của đất nước này. Đó là một tín hiệu nữa về những thách thức và thất bại của Bắc Kinh.
Theo dữ liệu do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) công bố gần đây, tổng các khoản cho vay của lĩnh vực ngân hàng và phi ngân hàng, điều mà các quan chức tại ngân hàng gọi là “tổng dư nợ tài chính xã hội,” đã lên tới 12.93 ngàn tỷ nhân dân tệ (1.78 ngàn tỷ USD) trong thời gian từ tháng Một đến tháng Ba. Số liệu này giảm 1.61 ngàn tỷ nhân dân tệ hay khoảng 11% so với dòng chảy tương đương trong quý đầu tiên của năm ngoái. Các ngân hàng đã phát hành khoản vay 9.46 ngàn tỷ nhân dân tệ trong ba tháng đầu năm 2024, một con số cũng giảm đáng kể so với cùng thời kỳ năm 2023. Tất cả các số liệu đều thấp hơn kỳ vọng của các nhà kinh tế.
Sự thiếu hụt trong loại hình cho vay mà nền kinh tế cần để tăng trưởng sẽ gây khó khăn cho giới lãnh đạo quốc gia ở Bắc Kinh. Sự thiếu hụt này là đặc biệt có vấn đề vì tình trạng đó đang diễn ra bất chấp việc ngân hàng trung ương cung cấp thanh khoản dồi dào cho thị trường tài chính. Theo PBOC, thước đo cung tiền M2 nhìn chung đã tăng trưởng ở mức khá nhanh 8.3% trong 12 tháng tính đến tháng Ba, giảm nhẹ so với mức 8.7% được ghi nhận trong 12 tháng tính đến tháng Hai nhưng vẫn mang tính mở rộng. Tuy nhiên, hoạt động cho vay kinh doanh đã tiếp tục sụt giảm. Rõ ràng, lượng cho vay và đi vay ít ỏi này phản ánh sự thiếu hụt về phía cầu chứ không phải cung, và thực tế đó đang nêu bật một vấn đề căn bản nhất trong các vấn đề kinh tế.
Phần lớn sự thiếu hụt nhu cầu này có thể bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng địa ốc ở Trung Quốc. Tình hình đã trở nên tồi tệ kể từ năm 2021 khi đại tập đoàn phát triển địa ốc Evergrande thông báo mất khả năng thanh toán. Sự biến mất của đại tập đoàn này cũng như các nhà phát triển địa ốc quan trọng khác không những làm giảm hoạt động xây dựng — đẩy hoạt động xây dựng xuống thấp hơn 33% so với mức trong tháng Hai của năm trước — mà sự biến động này còn khiến những người mua nhà tiềm năng kinh hãi đến mức doanh số bán nhà đã giảm khoảng 30% so với năm trước tính theo số liệu cuối cùng vào tháng Hai. Nổi bật trong bức tranh đáng tiếc này là hàng triệu chủ nhà tương lai, những người đã gánh nợ vay mua nhà để trả trước cho những căn hộ mà có thể sẽ không bao giờ được xây dựng do sự phá sản của các nhà phát triển này.
Tuy nhiên, nhiều vấn đề căn bản hơn đã xuất hiện. Sự sụp đổ của Evergrande và một danh sách dài các nhà phát triển địa ốc khác, cả lớn lẫn nhỏ, đã làm suy yếu hiệu quả chung của nền tài chính Trung Quốc. Nhiều người trong số những người trả trước cho những căn hộ hiện còn dang dở đã từ chối trả các khoản nợ mua nhà mà họ đã vay để mua căn hộ. Theo đó, các ngân hàng và những nhà cho vay khác đang có một lượng đáng kể những khoản nợ đáng ngờ trên sổ sách của họ. Do vậy, sự sụp đổ của các nhà phát triển cũng đã để lại một di sản nợ đáng ngờ trong nền tài chính Trung Quốc.
Dưới đám mây mờ này, các nhà cho vay tiềm năng sẽ cảnh giác hơn về tình hình tài chính của bất kỳ người đi vay tiềm năng nào. Những ngờ vực như vậy cũng tạo ra sự do dự trong giao dịch cũng như các luồng giao dịch thường ngày giữa các tổ chức tài chính. Điều tương tự đã xảy ra ở Hoa Kỳ trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008–2009. Kết quả cuối cùng ở Hoa Kỳ khi đó và ở Trung Quốc hiện nay là nhìn chung thị trường tài chính bị suy giảm khả năng trợ giúp cho tăng trưởng kinh tế.
Trước những vấn đề sâu xa như vậy, những lần cắt giảm lãi suất của PBOC mang lại rất ít đòn bẩy. PBOC đã cắt giảm lãi suất năm lần trong khoảng một năm qua. Nhưng mỗi lần đều chỉ là một bước nhỏ. Chẳng hạn, một trong những biện pháp quan trọng của ngân hàng, lãi suất cho vay cơ bản, đã chỉ giảm 0.4% trong toàn bộ quãng thời gian. Xét rằng trong cùng thời gian đó, Trung Quốc đã chứng kiến tình hình biến chuyển từ mức lạm phát khiêm tốn khoảng 2% một năm sang giảm phát khiêm tốn, thì việc ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất đã khiến thị trường tài chính Trung Quốc có lãi suất thực còn cao hơn so với khi ngân hàng bắt đầu chính sách cắt giảm. Thực tế này khó là một động lực để đi vay. Quả thực, đây là một tình huống làm nản lòng. Không có gì đáng ngạc nhiên khi chính sách tiền tệ của Bắc Kinh đã không thể tạo ra nhiều hoạt động kinh tế hơn.
Ngay cả khi PBOC đã sẵn sàng hành động táo bạo như hoàn cảnh đòi hỏi, thì Bắc Kinh vẫn cần phản ứng trực tiếp với cuộc khủng hoảng địa ốc. Nếu chính quyền đã hành động nhanh chóng hồi năm 2021 khi vấn đề mới nảy sinh, thì có lẽ họ đã có thể giúp ích được. Việc không có hành động nào cho đến năm 2023 đã tạo điều kiện cho các vấn đề có thời gian làm suy yếu tác dụng của thị trường tài chính như đã mô tả ở trên. Chẳng hạn, nếu như chính quyền đã tuyên bố ngay lập tức rằng chính phủ sẽ trợ giúp xây dựng những căn hộ còn dang dở mà hàng triệu người mua Trung Quốc đã trả tiền, thì họ có lẽ đã làm được rất nhiều để giảm bớt những ảnh hưởng xấu do sự phá sản của các nhà phát triển địa ốc. Nhưng Bắc Kinh đã không làm gì cả. Và khi các nhà chức trách thực sự vào cuộc, đề ra các biện pháp trợ giúp cho những căn hộ còn dang dở và các khu phát triển nhạy cảm khác, số tiền họ cam kết chi ra là không đủ so với nhu cầu. Và khi rốt cuộc nảy ra biện pháp, Bắc Kinh đã chỉ chịu đựng hơn 5% khoản lỗ ban đầu của Evergrande, ít hơn nhiều so với khoản thua lỗ mà các nhà phát triển đã hứng chịu kể từ khi đó.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times