Khảo sát: Niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp Âu Châu ở Trung Quốc chạm mức thấp kỷ lục
Hôm thứ Sáu (10/05), cuộc khảo sát mới đây nhất của Phòng Thương mại Âu Châu tại Trung Quốc tiết lộ rằng các doanh nghiệp Âu Châu ở Hoa lục đang gặp khó khăn để duy trì lợi nhuận khi tăng trưởng chậm lại và áp lực dư thừa công suất tăng lên, dẫn đến niềm tin kinh doanh giảm kỷ lục trong năm ngoái.
Trích dẫn phản hồi từ 529 công ty thành viên trong tháng Một và tháng Hai, Phòng Thương mại Âu Châu cảnh báo, triển vọng đầu tư ở Trung Quốc đang phủ một bóng đen bi quan lên các công ty Âu Châu, đặc biệt là khi những bất ổn kinh tế và căng thẳng địa chính trị trở nên tệ hơn.
Theo cơ quan vận động kinh doanh này, các doanh nghiệp Âu Châu đang ngày càng thận trọng hơn trong việc mở rộng đầu tư vào Trung Quốc. Thay vào đó, họ đang tích cực khám phá các cơ hội ở những điểm đến thay thế như Đông Nam Á và Ấn Độ.
Cuộc khảo sát cũng lưu ý rằng, thay vì được hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ như nhiều người mong đợi, các công ty Âu Châu hoạt động tại Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều bất ổn hơn.
Chủ tịch Phòng Thương mại Âu Châu Jens Eskelund cho biết trong một thông cáo báo chí: “Có những dấu hiệu đáng lo ngại rằng một số công ty Âu Châu đang hoặc là ngừng hoạt động hoặc là giảm bớt tham vọng của họ tại Trung Quốc khi những thách thức mà họ phải đối diện bắt đầu vượt quá những lợi ích của việc có mặt tại đây.”
Các vấn đề về cấu trúc của Trung Quốc, như nhu cầu chậm chạp, công suất dư thừa ngày càng lớn, và những thách thức trong lĩnh vực địa ốc, cùng với các rào cản tiếp cận thị trường và rào cản về quy định, đã tiếp tục tác động tiêu cực đến các công ty Âu Châu.
Ông Denis Depoux, giám đốc điều hành toàn cầu của Roland Berger, một công ty tư vấn quốc tế hợp tác với Phòng Thương mại Âu Châu để thực hiện cuộc khảo sát, cho biết thêm: “Những bất ổn ngày càng tăng ở Trung Quốc đang gây khó khăn cho các công ty Âu Châu, chủ yếu là do biến động kinh tế và định hướng chính sách khó lường hơn.”
“Mặc dù chúng tôi có thể kham được sự biến động, nhưng việc khó có thể lường trước làm giảm sức hấp dẫn của thị trường Trung Quốc.”
Những phát hiện này được công bố trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang đối diện với những thách thức, đồng thời lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cũng kêu gọi tự lực cánh sinh và tiếp tục chú trọng vào phát triển dựa vào sản xuất bất chấp sự phản đối từ phương Tây.
Hôm thứ Hai (06/05), Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi ông Tập thúc đẩy thương mại cân bằng hơn với châu Âu.
Phòng Thương mại Âu Châu cho biết: “Niềm tin của doanh nghiệp đã xói mòn hơn nữa do những thông điệp khác nhau đến từ Chính quyền Trung Quốc, khi chính quyền này tìm cách cân bằng giữa việc thắt chặt các quy định liên quan đến an ninh và phát triển kinh tế.”
Trong ba năm qua, Bắc Kinh đã cập nhật các quy định liên quan đến an ninh quốc gia, tập trung vào bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng. Việc cập nhật quy định có bao gồm Đạo luật Bảo vệ Thông tin Cá nhân, trong đó có các quy định về việc truyền dữ liệu xuyên biên giới, Luật Bảo mật Dữ liệu, và Luật An ninh Mạng.
Cuộc khảo sát cho thấy, những hạn chế đối với đầu tư ngoại quốc và việc bảo vệ sở hữu trí tuệ không đầy đủ đã làm suy yếu sức hấp dẫn của Trung Quốc như một điểm đến đầu tư hàng đầu.
Ví dụ, Danh mục Ngành nghề Chưa được Tiếp cận đối với Nhà đầu tư Ngoại quốc (Negative List for Foreign Investment) ở Trung Quốc áp đặt các hạn chế đối với đầu tư ngoại quốc vào các lĩnh vực tế bào gốc của con người và liệu pháp gene.
Các chuyên gia từ công ty luật toàn cầu Bird & Bird cho biết trong một báo cáo gần đây rằng, những hạn chế này đặt ra những thách thức mới cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty ngoại quốc, ảnh hưởng đến nhiều loại sản phẩm và dịch vụ. Các điều luật và tiêu chuẩn đã khiến Trung Quốc trở thành một thị trường ngày càng khó khăn cho các công ty ngoại quốc hoạt động.
Phòng Thương mại Âu Châu khẳng định rằng những khiếu nại lâu nay về các quy tắc và thông lệ vốn có lợi cho các đối thủ cạnh tranh địa phương và thúc đẩy sự bất ổn đối với các doanh nghiệp và nhân viên đã làm nghiêm trọng thêm những lo ngại về kinh tế.
Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc đã bày tỏ mối lo ngại tương tự hồi tháng Hai, nêu lên rằng những trở ngại tồn tại từ trước, chẳng hạn như căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và việc thiếu một sân chơi bình đẳng, đã khiến các doanh nghiệp Mỹ mất niềm tin khi kinh doanh ở Trung Quốc.
Theo khảo sát, 55% số người được hỏi xếp suy thoái kinh tế của Trung Quốc là một trong ba thách thức kinh doanh hàng đầu, tăng 19% so với năm trước.
Ngoài ra, 58% số người được hỏi cho biết đã lỡ mất cơ hội kinh doanh vì rào cản tiếp cận thị trường hoặc các rào cản pháp lý. Gần một nửa số người được hỏi, tương đương 44%, đã bày tỏ sự bi quan về lợi nhuận trong hai năm tới.
Tỷ lệ này thể hiện mức độ bi quan cao nhất từng được ghi nhận, với chỉ 15% số người được hỏi xem Trung Quốc là điểm đến hàng đầu cho các khoản đầu tư hiện tại của công ty họ. Đây là tỷ lệ thấp nhất từng được ghi nhận.
Cuộc khảo sát cho thấy hơn 13% số người được hỏi cho biết họ không có kế hoạch đầu tư thêm vào Trung Quốc, tỷ lệ cao nhất từng được ghi nhận.
Ngoài ra, tỷ lệ người được hỏi lạc quan về triển vọng tăng trưởng của họ đã giảm đáng kể, giảm 23% so với năm trước.
Rời khỏi Trung Quốc
Phòng Thương mại Âu Châu cũng đã ghi nhận sự gia tăng đáng chú ý về số lượng người được hỏi chuyển hoạt động sang các thị trường khác vào năm 2023. Hơn ¼ số người được hỏi đã báo cáo về xu hướng này, tăng 8% so với năm trước.
Giảm thiểu tác động của việc tách rời giữa Trung Quốc và các nước thứ ba là yếu tố chính trong các quyết định hoặc kế hoạch dịch chuyển đầu tư. Lựa chọn này được 47% số người được hỏi lựa chọn, cho thấy một mức tăng đáng kể so với những người đã nói rằng động lực chính của họ là nắm bắt cơ hội ở các thị trường khác.
Thực tế là 39% đã dịch chuyển hoặc đang xem xét dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc do môi trường kinh doanh không chắc chắn đã củng cố hơn nữa quan điểm cho rằng sức hấp dẫn của Trung Quốc với tư cách là điểm đến đầu tư hàng đầu đang giảm dần.
Phòng Thương mại Âu Châu cho biết: “Nếu không có những cải thiện có ý nghĩa đối với môi trường kinh doanh, các công ty sẽ tiếp tục theo đuổi các cơ hội ở các thị trường khác mà họ cho là mang lại độ tin cậy, khả năng lường trước được, và tính minh bạch cao hơn.”
Theo cơ quan vận động hành lang kinh doanh này, sức hấp dẫn ngày càng giảm của Trung Quốc với tư cách là điểm đến về đầu tư đã chủ yếu mang lại lợi ích cho Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cho năm thứ hai liên tiếp, với 21% số người được hỏi đang chuyển địa điểm hoặc bày tỏ ý định làm như vậy.
Theo khảo sát, châu Âu (19%) là điểm đến thay thế được ưa chuộng thứ hai cho các khoản đầu tư chuyển hướng hoặc có khả năng chuyển hướng này, tiếp theo là Ấn Độ (15%) và Bắc Mỹ (15%).
Theo cơ quan này, giờ đây khi chính sách “zero COVID hà khắc” của Bắc Kinh đã trở thành dĩ vãng, ảnh hưởng của các biện pháp kiểm soát đại dịch đối với các quyết định kinh doanh đã bắt đầu phai nhạt. Khi rủi ro về việc đóng cửa đột ngột hoặc các gián đoạn hoạt động khác đã biến mất, thì những trở ngại khác đang cản trở tăng trưởng kinh doanh tại thị trường Trung Quốc lại ngày càng trở nên dễ nhận thấy hơn.
Phòng Thương mại Âu Châu đã nói thêm rằng các chiến lược do các công ty thành viên ở Trung Quốc sử dụng để thích ứng với môi trường kinh doanh ở đó có thể tạo ra một vòng luẩn quẩn tiêu cực ở quốc gia này, góp phần gây ra nhiều rắc rối kinh tế hơn nữa.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times