Bộ Tài chính Trung Quốc ra tuyên bố chính thức ủng hộ ngân hàng trung ương tham gia giao dịch trái phiếu chính phủ
Bộ Tài chính Trung Quốc đã ra tuyên bố chính thức ủng hộ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) tham gia mua bán trái phiếu kho bạc trên thị trường thứ cấp. Diễn ra vào tháng trước, hành động này được nhiều người hiểu là báo hiệu một sự thay đổi đáng kể trong chính sách tiền tệ của Trung Quốc. Nhiều cuộc thảo luận đã diễn ra, cùng với những suy đoán rằng Trung Quốc đang thực hiện phiên bản nới lỏng định lượng của riêng mình.
Các nhà phân tích tin rằng việc PBOC trực tiếp tham gia vào thị trường trái phiếu ngụ ý sự chuyển dịch mỏ neo của đồng nhân dân tệ từ đồng USD sang trái phiếu chính phủ, hợp pháp hóa một cách hiệu quả các hoạt động in tiền mà trước đây được xem là bất thường. Hành động này có thể dẫn đến việc tăng cường phát hành đồng nhân dân tệ, làm dấy lên lo ngại về nợ chính phủ vượt tầm kiểm soát và có nguy cơ gây lạm phát nghiêm trọng.
Hôm 23/04, một bài báo của Bộ Tài chính Trung Quốc tuyên bố rằng họ ủng hộ “việc tăng dần giao dịch trái phiếu chính phủ trong hoạt động thị trường mở của ngân hàng trung ương để làm phong phú thêm bộ công cụ chính sách tiền tệ.”
Cùng ngày, một phát ngôn viên của ngân hàng trung ương cho biết trong một cuộc họp với các phóng viên rằng “việc ngân hàng trung ương giao dịch trái phiếu kho bạc trên thị trường thứ cấp có thể được sử dụng như một phương pháp quản lý thanh khoản và dự trữ các công cụ chính sách tiền tệ.” Tuyên bố này lặp lại chỉ thị của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng Mười năm ngoái về “làm phong phú bộ công cụ chính sách tiền tệ.”
Đầu cơ nới lỏng định lượng
Việc ngân hàng trung ương trực tiếp mua trái phiếu chính phủ đã tạo ra cuộc thảo luận đáng kể về việc liệu Trung Quốc có áp dụng nới lỏng định lượng, một hình thức chính sách tiền tệ trong đó ngân hàng trung ương mua chứng khoán trên thị trường mở để đẩy giá các tài sản này lên cao, giảm lãi suất dài hạn, và tăng cung tiền hay không.
Ông Mike Sun, một chuyên gia về Trung Quốc và là nhà tư vấn đầu tư ở Bắc Mỹ, nói với The Epoch Times rằng, ông tin là PBOC đang cố gắng kích thích nền kinh tế nhằm đối phó với suy thoái kinh tế do sự sụp đổ bong bóng địa ốc gây ra. Tuy nhiên, ông nhận định, với tỷ lệ dự trữ bắt buộc hiện tại ở mức khoảng 7%, khả năng tăng thanh khoản thông qua cắt giảm yêu cầu dự trữ bắt buộc là rất hạn chế.
Ông cho biết, rút ra bài học từ chính sách tài khóa hậu bong bóng của Nhật Bản, các nhà chức trách Trung Quốc đang cố gắng thực hiện biện pháp nới lỏng định lượng tương tự bằng cách hạ lãi suất dài hạn và bơm vốn vào thị trường chứng khoán và trái phiếu để kích thích nền kinh tế. Tuy nhiên, kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy những tác dụng có thể là không đáng kể.
Cơ quan truyền thông nhà nước của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tân Hoa Xã tuyên bố rằng việc PBOC mua trái phiếu không cấu thành việc nới lỏng định lượng hoặc tiền tệ hóa thâm hụt tài chính. Tân Hoa Xã cho biết trong một bài báo hôm 23/04 rằng giao dịch trái phiếu của ngân hàng trung ương “hoàn toàn khác” với các biện pháp nới lỏng định lượng ở các quốc gia khác.
Ông Sun tin rằng các nhà chức trách không muốn thừa nhận việc bắt đầu nới lỏng định lượng vì e sợ rằng thừa nhận như thế sẽ mâu thuẫn với tuyên bố của ông Tập về việc làm phong phú bộ công cụ chính sách tiền tệ và có khả năng khiến đồng nhân dân tệ phải đối diện với áp lực giảm giá nghiêm trọng hơn.
Liên quan đến mục đích chính đằng sau thông báo của ĐCSTQ về việc ngân hàng trung ương tham gia giao dịch trái phiếu chính phủ, nhà kinh tế học Hoa Kỳ Hoàng Tuấn (Davy Jun Huang) nói với The Epoch Times rằng chính quyền Trung Quốc đã rơi vào mô hình dựa vào tăng nguồn cung tiền cơ sở để kích thích tăng trưởng kinh tế, nhưng cùng lúc lại cũng rơi vào “bẫy thanh khoản.”
“Từ năm ngoái đến năm nay, tốc độ tăng trưởng của cung tiền rộng M2 của đồng nhân dân tệ vẫn ở mức khoảng hai con số, nhưng chúng ta vẫn chưa thấy những thay đổi đáng kể trong tăng trưởng kinh tế,” ông lưu ý. “Lý do là phần lớn nguồn tài trợ đã không chảy vào những lĩnh vực thực sự cần đến vốn, chẳng hạn như doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, một số lĩnh vực sản xuất và doanh nghiệp tư nhân đang rất cần vốn.”
Ông Hoàng giải thích thêm rằng để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 do cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn của Hoa Kỳ gây ra, ĐCSTQ đã kích thích nền kinh tế của mình bằng cách in thêm 4 ngàn tỷ nhân dân tệ.
“Kể từ thời điểm đó, ĐCSTQ đã dấn thân vào con đường không thể đảo ngược là phát hành quá nhiều nhân dân tệ. Xét từ số lượng phát hành và tốc độ tăng trưởng của M2 nhân dân tệ, ĐCSTQ thực sự đã in số lượng lớn tiền mà không tuân theo bất kỳ quy tắc nào trong một thời gian dài,” ông nói. “Thông báo mới của ĐCSTQ chỉ là sự hợp pháp hóa kiểu in tiền thất thường như vậy. Số lượng nhân dân tệ được phát hành thêm trong giai đoạn tới sẽ còn có thể lớn hơn nữa.”
Chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ và Trung Quốc
Theo nhà kinh tế học Trung Quốc hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ Lý Hằng Thanh (Li Hengqing), việc Trung Quốc phát hành 4 ngàn tỷ nhân dân tệ trong năm 2008–2009 quả thực đã mang lại thành công nhất thời khiến nền kinh tế Trung Quốc nổi bật vào thời điểm đó, nhưng hành động này cũng để lại rất nhiều vấn đề.
Ông nói, “Giờ đây, chính quyền lại muốn kích thích nền kinh tế bằng cách tăng cường phát hành tiền tệ, thực hiện theo phương pháp nới lỏng định lượng được Hoa Kỳ áp dụng để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, so với Hoa Kỳ, việc thực hiện nới lỏng định lượng ở Trung Quốc có những thiếu sót lớn.”
Ông Lý chỉ ra rằng việc thực hiện nới lỏng định lượng sẽ dẫn đến lạm phát, gây áp lực kinh tế lớn lên các cá nhân và gia đình sống trong cảnh nghèo khó hoặc có thu nhập thấp.
Trong lịch sử, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã được neo giữ theo hai cách chính: thông qua dự trữ ngoại hối và việc cho vay đối với các ngân hàng thương mại.
Từ năm 1994 đến năm 2005, đồng nhân dân tệ được neo với đồng USD, cho phép tỷ giá hối đoái dao động trong một phạm vi nhất định.
Hệ thống này buộc các công ty phải chuyển đổi thu nhập bằng ngoại tệ của họ (chẳng hạn như USD) sang đồng nhân dân tệ Trung Quốc, và PBOC sẽ phát hành nhân dân tệ dựa trên tỷ giá đó.
Những cải tổ năm 1994 đã giải quyết các vấn đề lạm phát trong những năm 1980, khi việc phát hành tiền tệ quá mức dẫn đến lạm phát tràn lan — lên tới 19% vào năm 1988 và 24% vào năm 1994.
Trung Quốc hiện áp dụng hệ thống thả nổi có quản lý, hệ thống này neo đồng nhân dân tệ với một rổ tiền tệ chính trong đó có đồng USD.
Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, thặng dư thương mại của Trung Quốc và dự trữ ngoại hối ngày càng tăng khiến mô hình phát hành tiền thông qua dự trữ ngoại hối trở thành thông lệ. Tuy nhiên, do tốc độ tăng trưởng của đồng USD và các ngoại tệ khác chậm lại trong năm 2014, việc phát hành đã chuyển sang phụ thuộc vào phương pháp cho vay đối với các ngân hàng thương mại. Phương pháp này gần đây đang bị đặt nghi vấn, đặc biệt là khi thị trường địa ốc suy thoái, thúc đẩy Trung Quốc quay trở lại phát hành đồng nhân dân tệ neo với trái phiếu chính phủ.
Sự khác biệt chính giữa việc phát hành đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và việc phát hành USD của Hoa Kỳ là việc giám sát theo quy định. Công khố phiếu Hoa Kỳ cần có sự chấp thuận của Quốc hội, cơ quan đóng vai trò giám sát chi tiêu của chính phủ. Ngược lại, Trung Quốc hoạt động mà không có những ràng buộc như vậy, dẫn đến lo ngại về chi tiêu chính phủ vượt tầm kiểm soát.
Ông Hoàng nêu lên những rủi ro tiềm ẩn của một hệ thống mà về mặt lý thuyết, chính phủ có thể in tiền theo ý muốn, tạo ra một vòng luẩn quẩn trong chi tiêu.
Bin Zhao , Xin Ning, và Olivia Li thực hiện
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times