Thượng viện ủng hộ các dự luật để đối phó với tình trạng đầu tư vào công nghệ Trung Quốc, và mua đất nông nghiệp của ĐCSTQ
Hôm 25/07, Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua hai sửa đổi đối với ngân sách quốc phòng được đề xướng với tỷ lệ áp đảo. Bản sửa đổi yêu cầu các công ty công nghệ Mỹ thông báo cho Bộ Ngân khố về bất kỳ giao dịch nào với các công ty có trụ sở tại Trung Quốc và ngăn chặn các tổ chức và cá nhân từ bốn quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, mua đất nông nghiệp ở bất cứ nơi nào trên đất nước này.
Bản sửa đổi “Bảo vệ các Lĩnh vực được Bảo hiểm” do Thượng nghị sĩ John Cornyn (Cộng Hòa-Texas) và năm nghị sĩ lưỡng đảng bảo trợ đã được thông qua với tỷ lệ 91 phiếu thuận và 6 phiếu chống. Còn bản sửa đổi về quyền ưu tiên sử dụng đất nông nghiệp do Thượng nghị sĩ Mike Rounds (Cộng Hòa-South Dakota) đệ trình, cũng nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng với tỷ lệ 89 phiếu thuận và 8 phiếu chống.
Cả hai sửa đổi này đều nằm trong số 872 nội dung sửa đổi tiềm năng do các Thượng nghị sĩ đệ trình kể từ khi đề xướng Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) cho năm Tài khóa 2024 trị giá 886.3 tỷ USD, hay còn được gọi là ngân sách quốc phòng hàng năm, được đưa ra trong cuộc bỏ phiếu hôm 23/06 với kết quả 24 phiếu thuận và 1 phiếu chống.
Hôm 18/07, Thượng viện với khối đa số thuộc Đảng Dân Chủ đã bắt đầu các cuộc thảo luận về NDAA cho năm tài khóa 2024 với ít nhất 90 các sửa đổi được đề ra để tranh luận—trong đó có 51 các sửa đổi do Đảng Cộng Hòa đệ trình.
Không có sửa đổi về ‘Chiến tranh văn hóa’
Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) mong muốn rằng bản NDAA của Thượng viện sẽ được thông qua trước ngày 28/07, trước khi Thượng viện tạm ngừng họp, như Hạ viện đã tạm ngừng vào tuần trước cho kỳ nghỉ tháng Tám. Cả hai viện đều sẽ không triệu tập lại cho đến ngày 05/09.
Trong buổi trò chuyện trước cuộc bỏ phiếu có phần uể oải hôm 25/07, ông Schumer cho biết ông và lãnh đạo thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky), trong số các nhà lãnh đạo khác của Thượng viện, đang thiết lập “đợt sửa đổi thứ hai” để thảo luận trong phiên họp những ngày sắp tới.
Hôm 14/07, Hạ viện với khối đa số thuộc Đảng Cộng Hòa đã phê chuẩn phiên bản sơ bộ của ngân sách quốc phòng được đề xướng trong một cuộc bỏ phiếu gần như mang tính đảng phái với kết quả 219 phiếu thuận và 210 phiếu chống với một loạt các sửa đổi “chiến tranh văn hóa” kèm theo, điều mà khó có thể được chấp thuận tại Thượng viện do Đảng Dân Chủ kiểm soát.
Các sửa đổi đó gồm có bãi bỏ chính sách du lịch phá thai của Bộ Quốc phòng (DOD), cấm các chương trình chăm sóc sức khỏe của DOD cung cấp các thủ thuật chuyển đổi giới tính, “Dự luật về Quyền của Cha mẹ” của DOD, và một loạt các đề xướng sửa đổi khác nhằm loại bỏ các chương trình đa dạng, bình đẳng, và hòa nhập (DEI) khỏi bản ngân sách quốc phòng phải thông qua này, vốn thường được phê chuẩn theo thỏa thuận của lưỡng đảng.
Không có sửa đổi nào trong số đó có khả năng được thông qua tại Thượng viện, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi bản ngân sách quốc phòng do Thượng viện đề nghị không bao gồm các mục bổ sung “chiến tranh văn hóa” của Hạ viện.
Những khác biệt giữa ngân sách quốc phòng đã được Hạ viện thông qua và phiên bản mà Thượng viện phê chuẩn sẽ được giải quyết trong các hội nghị hậu trường được theo sát chặt chẽ (nếu không được theo dõi) giữa hai viện. Mục tiêu là đưa ra một NDAA để cả hai viện thông qua lần cuối trước khi năm tài khóa mới bắt đầu vào ngày 01/10.
Bản NDAA mà Thượng viện đề xướng không có nội dung nào trong số các nội dung “chiến tranh văn hóa” của Hạ viện. Đồng thời, cho đến nay không có bất kỳ phiên bản nào của Thượng viện về các sửa đổi của Hạ viện được đưa ra tại Thượng viện.
Ông Schumer nhấn mạnh việc cần nhanh chóng khiến cho ngân sách quốc phòng “phải thông qua” này được chấp thuận vào cuối tuần để bắt đầu cuộc thảo luận và ngân sách cuối cùng sẽ được đưa ra vào đầu năm tài khóa.
Ông nói: “Chúng ta không thể để sự cầu toàn thái quá làm hỏng mọi việc,” đồng thời ca ngợi quá trình diễn ra suôn sẻ cho đến nay cho thấy “Thượng viện có thể làm việc hiệu quả về quốc phòng, trái ngược hoàn toàn với cuộc chạy đua xuống đáy mà chúng ta đã thấy ở Hạ viện.”
Cả hai kế hoạch chi tiêu quốc phòng sơ bộ đều có cùng con số hàng đầu là 886.3 tỷ USD như Tổng thống Joe Biden đã đệ trình hồi tháng Ba nhưng khác nhau về cách chi tiêu số tiền đó trong gói phân bổ khổng lồ của NDAA. Con số này cao hơn khoảng 28 tỷ USD so với NDAA cho năm tài khóa 2023.
Bảo vệ lĩnh vực công nghệ và đất nông nghiệp của Mỹ quốc
Khi giới thiệu bản sửa đổi do ông Cornyn đề nghị, Thượng nghị sĩ Bob Casey (Dân Chủ-Pennsylvania) cho biết bản sửa đổi này sẽ thiết lập một yêu cầu rằng các công ty phải thông báo cho Bộ Ngân khố và Bộ Thương mại về ý định “đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ ở các quốc gia thuộc diện đáng chú ý.”
Ông Casey nói rằng, NDAA phản ánh “những thách thức khó khăn nhất mà quốc gia phải đối mặt và đứng đầu danh sách này là việc cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc. Chính quyền cộng sản Trung Quốc không chơi theo luật.”
Ông nói: “Những khoản đầu tư ra bên ngoài” này thường gây nguy hiểm cho các lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ và về căn bản tương đương với “chuyển giao công nghệ,” dẫn đến tình trạng “thiếu đầu tư vào năng lực trong nước.”
Ông Casey cho biết chỉ riêng trong năm 2020, các công ty Mỹ đã đầu tư 200 tỷ USD vào Trung Quốc để nghiên cứu và phát triển các chương trình trí tuệ nhân tạo.
Ông nói: “Đó mới chỉ là trong lĩnh vực AI,” đồng thời lưu ý rằng các công ty tại Hoa Kỳ đã đầu tư 2 tỷ USD vào sản xuất chất bán dẫn và 50 tỷ USD vào công nghệ sinh học. “Chúng ta cần một phản hồi cụ thể trước những mối đe dọa này đối với an ninh quốc gia của chúng ta.”
Ông Cornyn cho biết đề xướng sửa đổi không cấm hoặc phạt các công ty vì giao dịch với các công ty ở Trung Quốc, mà chỉ yêu cầu họ thông báo cho Bộ Ngân khố và Bộ Thương mại.
Ông nói đề xướng này “đòi hỏi sự minh bạch,” để chính phủ có thể kiểm soát được “những gì đang diễn ra, những gì các công ty Mỹ đang làm để trợ giúp tài chính cho một đối thủ ngoại quốc hung hãn.”
“Bất kỳ hạn chế chính thức nào ngoài những hạn chế đã được ban hành liên quan đến đầu tư vào phát triển công nghiệp và công nghệ Trung Quốc “là một cuộc tranh luận vào một ngày khác.” Ông Cornyn nói: “Nhưng trước tiên, chúng ta cần biết sự thật.”
Vị thượng nghị sĩ Texas này đã trích dẫn một câu ngạn ngữ cổ của Trung Quốc. “Hãy tập trung sức lực, chờ đợi thời cơ, đừng bao giờ dẫn đầu.” Ông nói: “Các công ty Mỹ đã đầu tư vào Trung Quốc. Các sinh viên Trung Quốc về nước để sử dụng kiến thức thu được ở đây chống lại [chúng ta] như hoạt động gián điệp, [và] đánh cắp thông tin trên mạng.
“Người khổng lồ Mỹ quốc cuối cùng đã thức dậy sau giấc ngủ say và nhận ra Trung Quốc là một thách thức lớn nhường nào.” Ông Cornyn nói: “Hàng nghìn tỷ dollar đầu tư của Hoa Kỳ vào Trung Quốc—không ngoa khi nói rằng chúng ta đã giúp xây dựng nền kinh tế của họ thành một đối thủ ngang hàng,” vốn đã xây dựng một quân đội “đe dọa các đồng minh của chúng ta ở Thái Bình Dương.”
Thượng nghị sĩ John Tester (Dân Chủ-Montana) đã giới thiệu đề xướng sửa đổi của ông Rounds trong việc cấm các cá nhân và tổ chức từ Trung Quốc, Nga, Bắc Hàn, và Iran mua đất nông nghiệp ở bất kỳ đâu tại Hoa Kỳ.
Là một nông dân và chủ điền trang thế hệ thứ ba, ông Tester cho biết biện pháp này là cần thiết để “bảo vệ an ninh lương thực của Mỹ. An ninh lương thực là an ninh quốc gia. Đơn giản là như vậy.”
Ông Tester cho biết hiện đã có lệnh cấm người ở một số quốc gia cụ thể được mua đất gần các căn cứ quân sự của Hoa Kỳ, đây là một điều dễ hiểu. “Bây giờ chúng ta cần bảo vệ phần còn lại của nguồn cung thực phẩm của mình” trước “những kẻ muốn chúng ta biến mất.”
Ông Rounds đã thuật lại những gì bản thân ông chứng kiến về những nỗ lực của các đối thủ “ngang hàng” nhằm mua đất gần các căn cứ quân sự, trong đó có một dự án điện gió do một công ty Trung Quốc đề nghị ở gần Del Rio, tiểu bang Texas, và một nhà máy xay xát ngô do một công ty Trung Quốc đề xướng ở Grand Fork, tiểu bang North Dakota. Cả hai đều ở gần các căn cứ của Không lực Hoa Kỳ.
“Đây là một điều khoản hợp lý để làm cho đất nước của chúng ta an toàn hơn rất nhiều,” ông cho hay.
Các sửa đổi bổ sung về Ukraine, NATO thất bại
Trong số các sửa đổi tiềm năng đã được đệ trình nhưng chưa được lắng nghe—và có thể không—có một đề xướng bổ sung được đệ trình bởi thành viên cao cấp của Ủy ban Lực lượng Vũ trang Thượng viện, Thượng nghị sĩ Roger Wicker (Cộng Hòa-Mississippi) nhằm ngăn chặn việc chuyển giao tàu ngầm trong phạm vi hiệp ước an ninh AUKUS giữa Úc, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ trong nỗ lực thúc đẩy chính phủ Tổng thống Biden tìm kiếm thêm kinh phí cho quốc phòng trong NDAA hoặc trong một dự luật phân bổ ngân sách bổ sung.
Ông Biden đã phản đối những lời kêu gọi như vậy, điều này sẽ hủy bỏ thỏa thuận giới hạn ngân sách với các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện.
Thượng nghị sĩ Josh Hawley (Cộng Hòa-Missouri) đã đệ trình một bản sửa đổi tiềm năng bao gồm “Đạo luật không sử dụng TikTok trên các thiết bị của Hoa Kỳ” được đề xướng đưa vào trong NDAA.
Các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã không giành được chiến thắng nào trong sáu đề xướng sửa đổi nhằm cắt, giảm, hoặc cấm tài trợ cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga. Các sửa đổi tương tự của Thượng viện đã được đệ trình, trong đó một số sửa đổi đã bị bác bỏ.
Một sửa đổi do Thượng nghị sĩ J.D. Vance (Cộng Hòa-Ohio) đệ trình nhằm thắt chặt các tiêu chuẩn kế toán của Ngũ Giác Đài đã thất bại. Ông trích dẫn lời thừa nhận của DOD vào mùa xuân này rằng một “lỗi kế toán” đã tính sai 6 tỷ USD viện trợ mà Hoa Kỳ đã cung cấp cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga.
“Tôi nghĩ rằng Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng nên là dành cho phòng thủ quốc gia của Mỹ quốc, chứ không phải phòng thủ quốc gia của bất kỳ quốc gia nào khác, bất kể chúng ta có thể thấy cảm thông với họ đến mức nào,” ông chia sẻ trong một tuyên bố. “Từ lâu, tôi thực sự lo ngại rằng vai trò của Mỹ ở Ukraine là đang kéo dài một cuộc chiến mà cần phải kết thúc. Chúng ta không thể tài trợ vô thời hạn cho cuộc xung đột của một quốc gia khác, và quả thực, nếu quý vị nghĩ về cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực có thể xảy ra ở Đông Âu, thì tôi nghĩ rằng việc tiếp tục tài trợ cho cuộc xung đột đó sẽ rất không có lợi cho chúng ta.”
Đề xướng sửa đổi do Thượng nghị sĩ Mike Lee (Cộng Hòa-Utah) đệ trình “nhằm hạn chế khả năng tài trợ cho Ukraine” đã bị bác bỏ hôm 20/07 trong cuộc bỏ phiếu có tỷ lệ 71 phiếu chống và 13 phiếu thuận.
Phần bổ sung tiềm năng của ông Hawley nhằm sửa đổi Đạo luật Viện trợ Ngoại quốc năm 1961 đã tìm cách làm rõ ý nghĩa của thuật ngữ “giá trị tổng hợp” trong thẩm quyền rút tiền của tổng thống, đặc biệt là liên quan đến Ukraine. Phần bổ sung này đã thất bại trong cuộc bỏ phiếu hôm 19/07 với kết quả 60 phiếu chống và 39 phiếu thuận.
Đề xướng sửa đổi của Thượng nghị sĩ Rand Paul (Cộng Hòa-Kentucky) để “trình bày cách giải thích của Quốc hội rằng Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không thay thế yêu cầu của hiến pháp rằng Quốc hội tuyên chiến trước khi Hoa Kỳ tham chiến” đã bị bác bỏ trong cuộc bỏ phiếu có tỷ lệ 83 phiếu chống và 16 phiếu thuận hôm 19/07.
Bản sửa đổi của ông Paul đã bị phản đối thành công vào cùng ngày hôm đó bởi một phần bổ sung từ Thượng nghị sĩ Tim Kaine (Dân Chủ-Virginia), rằng sẽ “cần có lời khuyên và sự đồng tình của Thượng viện hoặc của một Đạo luật của Quốc hội để đình chỉ, chấm dứt hoặc rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương và cho phép kiện tụng liên quan, và cho các mục đích khác.” Điều đó đã được thông qua trong một cuộc bỏ phiếu có tỷ lệ 65 phiếu thuận và 28 phiếu chống.
Và, tất nhiên, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders (Độc Lập-Vermont) đã đệ trình bản sửa đổi hàng năm của mình để tìm cách cắt giảm 10% ngân sách quốc phòng, tương đương 88.6 tỷ USD.
Phiên bản năm nay của đề xướng bổ sung mà ông Sanders nộp hàng năm sẽ yêu cầu DOD trả lại một phần ngân sách nữa nếu cơ quan này tiếp tục không tiến hành kiểm toán và không đệ trình báo cáo về “gian lận” của nhà thầu quốc phòng cho Quốc hội.
Ông Sanders đã tuyên bố ý định bỏ phiếu chống lại dự luật, nói rằng Hoa Kỳ “từ lâu đã nên” chuyển các ưu tiên của quốc gia này khỏi việc dồn tiền ngày càng nhiều cho Ngũ Giác Đài và các nhà thầu quốc phòng.
Vân Sa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times