Thương nhân xưa dùng tiền dạy con bài học về tình yêu
Cách đây không lâu, chủ đề về sự việc một nữ sinh viên đại học ở Tế Nam tự tử sau khi để lại di thư đã dấy lên làn sóng dữ dội trên mạng Internet, bức di thư này nhằm thẳng vào người cha ruột của cô.
Nội dung bức di thư viết rằng: “Tôi cảm thấy mình sống không khác gì một con chó, năm học lớp 12 tôi có người yêu (nhưng tôi không làm chuyện gì quá giới hạn), chỉ vì chuyện tôi yêu sớm mà bố đã mắng chửi tôi là tiện nhân, kỹ nữ, ông cứ không ngừng mắng chửi như vậy. Tôi thừa nhận rằng việc bản thân yêu sớm là không đúng, nhưng tôi nghĩ rằng tội của mình không đến nỗi chết”. Người cha này còn đến tận cổng trường đánh đập con gái một cách tàn bạo, dùng kéo cắt tóc của cô bé trước sự chứng kiến của nhiều người. Nữ sinh đại học Tế Nam này cảm thấy bản thân không thể chịu đựng được các kiểu bạo hành của cha mình, thậm chí cô bé còn nói rằng: “Nếu không chết được chỉ sợ rằng sẽ tiếp tục bị mắng”.
Có lẽ một số phụ huynh cho rằng: cha mẹ đánh con, la mắng con là vì họ yêu thương con, lúc trưởng thành rồi con sẽ hiểu. Cũng có những bậc cha mẹ coi con cái như tài sản riêng và cho rằng họ có thể tùy ý định đoạt chúng; trong suy nghĩ của họ, quản giáo nghiêm khắc mới chính là phương pháp đúng đắn duy nhất, kết quả khiến con cái bỏ nhà đi, thậm chí là tự tử hoặc gây ra những chuyện đau buồn khác, để lại đau thương cho cả cha mẹ lẫn con cái.
Chúng ta hãy theo dõi câu chuyện dưới đây để xem thương nhân thời nhà Thanh đã dạy con thành tài như thế nào.
Dưới triều Thanh, tại vùng Hoài Khánh (nay là thành phố Tiêu Tác, tỉnh Hà Nam) có rất nhiều người ra ngoài làm ăn buôn bán, đời đời cha truyền con nối. Họ dạy con cháu đời sau về những đạo lý làm người, đối nhân xử thế và làm ăn buôn bán, để có thể duy trì tiếp nối kinh doanh của gia tộc.
Người thương nhân già biết cách dạy con
Dưới thời nhà Thanh, thành thị lớn nhất lúc bấy giờ là Tô Châu, ở nơi này không thứ gì là không có, khách quan nườm nượp. Có một thương nhân già người tỉnh Hoài Khánh, thường xuyên qua lại tỉnh Tô Châu để làm ăn buôn bán, đã trải qua hai đời rồi. Đến khi về già ông đưa con trai cùng đến Tô Châu để học cách làm ăn kinh doanh. Người con trai tuổi trẻ cường tráng, khí huyết dồi dào, lần đầu đến Tô Châu, vừa nhìn thấy các cô gái trong thanh lâu thì không kiềm được lòng mà thường xuyên qua lại với bọn họ. Anh ta không còn quan tâm đến nhà cửa, suốt ngày quyến luyến, chấp mê bất ngộ.
Vị thương nhân già người Hoài Khánh này trong lòng biết rất rõ, nhưng ông không hề trách mắng con trai mình, ngân lượng bị tiêu tốn không ít nhưng ông cũng không điều tra hỏi han gì. Ở Tô Châu được nửa năm, sau khi bán hết hàng hóa và kết toán thu tiền các hiệu buôn xong thì họ chuẩn bị quay trở về quê nhà. Thế là, ông bèn nói với con trai rằng: “Nay ta cho con mấy trăm lượng bạc, con hãy đến chăm sóc lo liệu cho cô gái mà con yêu. Hãy mua cho cô ta y phục mà cô ta thích; cô ta thích ăn gì, thích dùng thứ gì thì con hãy thỏa mãn mong muốn của cô ta, khiến cô ta có thể một lòng một dạ với con, đừng để cô ta sau này chê cười nghị luận về con”.
Chàng trai cho rằng cha đang trách mình tiêu quá nhiều ngân lượng nên cúi đầu không dám nói lời nào. Người cha nói: “Ta nói những lời này không phải vì quý tiếc tiền bạc, mà là muốn con học thành tài ở nơi đất khách”. Nói rồi ông liền cho con trai mấy trăm lượng bạc. Người con trai cầm tiền mua áo quần cho cô kỹ nữ mà anh yêu thích, thu xếp ổn thỏa cho cô ta, ở lại cùng cô ta ba đêm, đồng thời đem những sự việc mà cha căn dặn kể lại với cô ta. Kỹ nữ hỏi:“Bao giờ chàng có thể quay lại?”. Anh đáp rằng: “Khoảng chừng nửa năm”.
Kỹ nữ lại nói: “Ta hôm nay đã có được chàng rồi thì sẽ không tiếp khách khác nữa. Nếu chàng có thể cho ta thêm 100 lượng bạc nữa thì ta sẽ đóng cửa đợi chàng quay lại”. Chàng trai trẻ đồng ý với cô ta.
Sau khi về đến nhà, người cha hỏi con trai: “Ngân lượng đủ dùng không?”
Anh ta đáp: “Vẫn thiếu 100 lượng.”
Người cha lại đưa ngân lượng cho anh ta và nói: “Năm ngày sau chúng ta sẽ khởi hành về Hoài Khánh, con có thể ở cùng với cô ta thêm mấy đêm nữa, đợi ta sắp xếp hành trang xong rồi thì chúng ta sẽ cùng trở về quê nhà.”
Chàng trai trẻ lại đến chỗ của cô kỹ nữ và đưa ngân lượng cho cô ta, rồi nói kế hoạch hành trình của mình. Cô kỹ nữ rơi lệ ra vẻ như không chịu đựng được cảnh chia ly, bày tiệc rượu tiễn biệt. Năm ngày sau, hai người khóc lóc chia tay.
Đến giờ hẹn, người thương gia Hoài Khánh đã ở trên một chiếc thuyền đang neo đậu bên bờ, đợi con trai đến thì lập tức rời bến. Đợi đến khi thuyền ra khỏi Trấn Giang, ngang qua Kim Sơn, người thương gia bèn mở một cái rương rồi lấy ra một bộ y phục rách nát và một đôi giày rách thủng lỗ, sau đó bảo con trai mặc lên người, đồng thời lệnh cho anh ta quay trở lại Tô Châu, đến nhà của cô gái kia. Người con trai nhìn bộ đồ và đôi giày rách nát thì trợn tròn mắt ngơ ngác, do dự hoảng sợ. Người cha nói với anh ta: “Ta không phải vì tức giận con tiêu tốn nhiều ngân lượng mà muốn đuổi con đi, cũng không phải vì muốn làm con xấu hổ. Con làm như vậy thì mới hiểu biết được lòng người trong thiên hạ”. Lúc này, thuyền của họ cũng đã cập bến.
Người con trai lên bờ. Người cha lại nói với anh ta rằng: “Sau khi gặp cô gái ấy, con hãy nói với cô ta là ‘ thuyền đến sông Dương Tử thì gặp phải cơn gió mạnh khiến thuyền bị vỡ nát chìm xuống nước, may mắn được chiếc thuyền bên cạnh cứu, nhưng toàn bộ tài sản đều đã mất, gia phụ thì chưa biết sống chết như thế nào’”.
Chàng trai làm theo lời cha mình, lại đến nơi của cô kỹ nữ kia, người canh cửa trông thấy bộ dạng khốn khổ của anh ta thì chặn cửa không cho vào, hai bên xảy ra tranh cãi. Cô gái nghe tiếng thì vui mừng ngỡ rằng anh ta đã không về cùng cha mình mà ở lại Tô Châu để canh giữ kho hàng, bèn cho anh ta vào. Cô gái vừa nhìn thấy chàng trai quần áo tả tơi thì lập tức thay đổi sắc mặt. Anh nói với cô rằng thuyền đang đi thì gặp phải gió lớn, thuyền vỡ chìm xuống nước, tài sản mất hết. Thế nhưng cô ta cũng không nghe, lập tức hạ lệnh đuổi khách, bảo người canh gác đuổi anh ta đi.
Chàng trai đau lòng đành đi đến một hiệu buôn quen, người ở đó nhìn thấy anh ta nhếch nhác thảm hại như vậy thì cũng đuổi anh ta đi.
Lúc này, một người của hiệu buôn khác đi đến trước mặt anh ta, tuy rằng có quen biết nhưng chưa từng giao thiệp sâu. Đối phương hỏi anh: “Tướng công mới mấy ngày không gặp, sao lại khốn đốn đến bước này?”
Anh ta bèn kể câu chuyện thuyền gặp nạn khi gặp gió lớn. Người này đưa anh ta về hiệu buôn của mình, bảo anh thay y phục, cho anh ăn no, đồng thời còn tặng ngân lượng, rồi dặn anh quay trở về tìm cha mình.
Người con trai đau khổ
Chàng trai sau khi quay trở về Hoài Khánh, từ trong thâm tâm nói với cha mình rằng: “Phụ thân đại nhân! Nay con mới biết thói đời nóng lạnh thất thường! Người con gái con nghĩ rằng yêu mình thật ra là chỉ ham muốn tiền tài của mình; hiệu buôn đón tiếp con bởi vì hàng của con có thể giúp họ kiếm được tiền. Nay con biết hối cải rồi. Cổ nhân nói ‘Hoạn nạn thấy chân tình’ thật không sai chút nào. Nay con đã biết nên làm người như thế nào rồi”.
Sau lần quay về Hoài Khánh này, người cha nói với anh rằng: “Ta đã già rồi, không thể đi xa được, sau này con có thể tự mình ra ngoài làm ăn được rồi”. Sau đó bảo con trai chất hàng chở đến Tô Châu bán. Lần này, chàng trai trực tiếp giao thiệp làm ăn với hiệu buôn đã giúp anh trong lúc hoạn nạn, và không bao giờ quay lại hiệu buôn đã đuổi anh nữa. Người kỹ nữ biết chuyện anh lần trước gặp nạn đến gặp mình thật ra chỉ là giả vờ để thăm dò thì cảm thấy vô cùng hối hận. Từ đó về sau, chàng trai không bao giờ còn bị cám dỗ mê hoặc bởi sắc tình, ra sức làm ăn, gia tài vạn lượng. Còn người ở hiệu buôn năm đó giúp đỡ anh thì cũng dần dần trở nên giàu có.
Một người có thể thành tài, thì đầu tiên phải có sự từng trải mới có thể có được thành công sau này. Người đời dạy con tại sao cứ nhất định phải chọn dùng biện pháp cấm chế nghiêm khắc thì mới được? Quy tắc cấm đoán nghiêm ngặt chỉ có thể đề phòng nhất thời, mà không thể ngăn chặn hậu họa cả đời. Nếu có thể tùy thuận theo tính cách và tình cảm của con trẻ mà hướng dẫn thì mới có thể giúp con nhận thức được đúng sai, có như vậy mới có thể thật sự thành công. Giống như người thương nhân Hoài Khánh này, có thể xem là một người cha giỏi dạy con vậy.
Tài liệu tham khảo:
Cổ Dung biên tập
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại EpochTimes Hoa ngữ