Hãy để con trẻ giữ được dáng vẻ thuần chân ban đầu
Theo tuổi tác ngày càng tăng, chúng ta thường sẽ đối diện với tấm gương mà cảm thán: Chao ôi! Vì sao khóe mắt lại có thêm nhiều nếp nhăn, dáng người cũng ngày càng nở theo bề ngang như vậy?
Thế nhưng lúc này, đứa trẻ vén áo lên, lộ ra cái bụng tròn vo và đi tới nói: “Mẹ nhìn xem, bụng của con cũng lồi ra rồi!”. Đứa trẻ vô tư hồn nhiên toe toét miệng cười, có thể thấy rõ những chiếc răng sữa nhấp nhô trong miệng.
Tôi ngồi xuống xoa gương mặt của bé, vỗ vỗ cái bụng nhỏ xíu đáng yêu của con. Cậu bé cười hỏi: “Con thích cái bụng của con, mẹ cũng thích cái bụng của mình đúng không?”. Tôi chợt giật mình, nếu như một đứa trẻ có thể thẳng thắn chân thành yêu thích tất cả những thứ thuộc về bản thân mình, vậy tại sao chúng ta lại muốn từ chối tiếp nhận hình dáng của chính mình như vậy?
Khi còn nhỏ, chúng ta cứ chạy theo bóng dáng của ba mẹ, tưởng rằng tương lai lớn lên sẽ có những ước mơ đầy màu sắc. Nhưng sau thời gian mấy chục năm trôi qua rất nhanh, mới phát hiện nếu như có thể, chúng ta tình nguyện trở về thời quá khứ hồn nhiên đơn giản nhất.
Rốt cuộc, thời gian đã cải biến nội tâm, hay là tự mình thay đổi chính mình?
Trong ký ức của tôi, khi ba cảm thấy tiếc rằng “rèn sắt không thành thép”, mà nói: “Tại sao con sao lại không ham học giống như chị của con vậy?”. Khi mẹ tận tình khuyên nhủ mà cằn nhằn: “Cha mẹ kiếm tiền rất cực khổ, muốn cho con bồi dưỡng tiếng Anh, học thêm toán, học thêm ngữ văn, con cũng phải cố gắng ganh đua một chút, thành tích đừng có thua thảm hại như vậy chứ”. Khi người thân cố ý hay vô tình nói: “Con của nhà kia nhà nọ thi đậu vào đại học y, về sau có thể làm một bác sĩ tốt. Ôi thật là giỏi!”
Nghe thấy kỳ vọng của người lớn, chúng ta mặt ngoài điềm nhiên như không có việc gì, nhưng nội tâm lại giày vò rầu rĩ. Cho dù thành tích không thể đứng hàng đầu như mong muốn của cha mẹ, nhưng chúng ta vẫn mong muốn cha mẹ nhìn thấy được sự cố gắng của bản thân, hiểu cho sự cố gắng của chúng ta.
Mãi cho đến sau khi có con cái, chúng ta mới phát hiện mình cũng đi theo con đường như cũ ấy, cho rằng phải sắp xếp và tham dự vào hết thảy, thì mới giúp cho con cái an tâm vô lo vô nghĩ lớn lên.
Chỉ có điều, “an” ở đây lại chính là tâm của chúng ta, mà không phải là tâm của đứa trẻ.
Bạn còn nhớ không? Khi đứa trẻ cầm chiếc bút chì màu khua loạn trên trang giấy trắng và tạo ra một bức tranh vẽ của riêng mình, chúng ta vui mừng và kinh ngạc biết bao, không giấu giếm sự cảm kích và khích lệ đối với đứa trẻ. Vậy vì sao sau khi con trẻ lớn lên, khi nó sợ sệt đưa ra tác phẩm hay bài thi của mình, chúng ta lại có vô số lý do để hy vọng nó phải vẽ đẹp hơn, thi được tốt hơn chút nữa.
Nếu như, con trẻ từng tự nhiên vui vẻ chia sẻ tất cả mọi thứ với chúng ta, và nhận được từ chúng ta sự cổ vũ và năng lượng tràn đầy. Vậy vì sao sau khi lớn lên, chúng ta không thể dành cho chúng sự ủng hộ và sức mạnh giống như vậy?
Chúng ta hy vọng con trẻ trân quý thời gian và nắm bắt thời điểm, mà quên mất rằng… chính chúng ta mới khiến con phải “chờ một chút”.
Khi con trẻ chập chững bước đi, mong muốn người lớn cùng chơi xếp hình với nó. Mẹ ở trong nhà bếp mồ hôi nhễ nhại, mềm giọng vỗ về: “Chờ một chút được không, mẹ còn đang bận”. Khi con trẻ hy vọng người lớn cùng đi dạo và ngắm sao với nó, ba đang mải gọi điện thoại, giơ tay ra hiệu bảo nó im lặng: “Chờ một chút, ba đang nói chuyện điện thoại”.
Đối với con trẻ, “chờ một chút” nghĩa là không còn lại gì. Bọt nước trong như pha lê khi tắm, những giọt nước rơi tí tách khi trời mưa, và những chiếc lá xào xạc khi gió thổi… đều là những thời khắc tuyệt vời mà chúng không muốn chờ đợi. Thế nhưng mẹ lại muốn mình chờ một chút, ba muốn mình chờ một chút… Vì vậy con trẻ cuối cùng cũng đã học được “chờ một chút”.
Nếu chúng ta có thể nắm bắt mọi khoảnh khắc với con mình từ khi còn nhỏ, thì ngày hôm qua là quá khứ vô cùng xa xôi, ngày mai là tương lai không cách nào tưởng tượng, chỉ có mỗi giây mỗi phút đang diễn ra, mới là hiện tại đáng trân trọng và nắm bắt nhất.
Sau khi nuôi dưỡng con cái, tôi mới hiểu được công ơn to lớn của cha mẹ, và học cách làm một người con hiếu thuận biết cảm ân. Sau khi làm cha mẹ, tôi mới lần nữa nhìn lại nội tâm của chính mình, tìm về kho báu hạnh phúc trong suốt long lanh kia ẩn giấu trong trái tim của mỗi con người.
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ